Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức sau chiến tranh

Tôi được sinh ra và làm người khi cuộc chiến tranh mấy chục năm trời trên đất Việt nam đã ở vào những ngày cuối cùng, nghĩa là dẫu cho không còn kịp nếm trải chiến tranh những vẫn còn kịp để sống cái thời hậu chiến đằng đẵng trên chính mãnh đất quê hương, trên cái làng quê trải dài suốt triền bắc sông Bến Hải, từ ngã ba Hiền Lương đến Bến Tắt. Quê tôi đấy, Vĩnh Sơn giờ đã xanh tre, xanh những vườn cây ruộng lúa và lớp lớp đồi núi mỗi cuối hạ lại nhuộm tím sim mua.

Tôi lớn lên, chiến tranh đã thành cổ tích mỗi đêm tôi nằm cuộn tròn trong lòng nội. Nội tôi giờ đã thành người thiên cổ, nhưng những câu chuyện kể thì cứ mới nguyên như tự thuở nào, như chính tôi đã sống qua những kiếp người, qua cuộc sống mấy mươi năm về trước. Và ký ức chiến tranh còn thấp thoáng trong da diết đất đai nâu sồng hàng trăm triệu năm, là toác hoác vô vàn hố bom đạn chưa lấp hết, là những khói hương tưởng niệm người nằm xuống hôm nao. Có cái gì tàn nhẫn tựa lãng quên đang từng ngày tràn lấp.

Tôi đã đi đến mụ mẫm nhưng nẻo đường quê, ở đâu đâu bấy giờ, hai chục năm sau chiến tranh, cũng chỉ thấy đất đai gom góp màu mở để sinh sôi triệu triệu mầm sống. Những gì là ngày xưa rồi sẽ phải quên. Đất lặng câm lưu giữ quá khứ mà không thể kể thành lời đời mình cho những lớp người vừa lớn dậy nghe được. Đất ngày xưa đã oằn oại lên trong bom đạn, đất ngày xưa đã chan chứa máu người đổ xuống bởi đôi khi cuộc sống là sự đọ sức của những ý chí…

Nhà tôi nằm giữa vùng đồi tiếp giáp với Trường Sơn. Ông tôi kể rằng ngày xưa nơi đây là rừng rậm, đến hồi kháng chiến chống Pháp vẫn còn những cây to mấy người ôm, vậy mà mười mấy năm sau, trải qua chiến tranh chống Mỹ, những triền đồi bên tả ngạn sông Bến Hải chỉ còn lại như tôi thấy, hoang hoải bụi bờ lúp xúp. Thuở nhỏ tôi thường cùng đám bạn chăn trâu chơi đánh trận giả. Súng của bọn tôi là ống đát tre, trận địa là những đoạn hào đứt quãng và trăm ngàn hố bom hình phễu há miệng lên trời. Chúng tôi lăn lê bò toài trong vết thương của đất đai, nã đạn hạt trưng vào đầu nhau và ngốc nghếch luyến tiếc khi mưa nắng nhiệt đới lấp dần đi la liệt hố hào. Sau này tôi mới hiểu đó là di chứng chiến tranh mà tôi nằm trong số những kẻ sinh ra thời hậu chiến được may mắn nhìn thấy.

Ngày trước, khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh phá hoại”, từ đầu năm 1965 trở đi, bờ Bắc sông Bến Hải trở thành vành đai hủy diệt của chúng. Vĩnh Sơn thân yêu của tôi bao đời nay gối đầu lên dải lụa mềm Bến Hải bị biến thành mảnh đất khốc liệt thuộc loại bậc nhất trên đất Việt Nam thời ấy. Cái xã vẻn vẹn 6.000km2 với gần 5 ngàn dân phải hứng chịu gần 210.000 tấn bom đạn. Trong mấy năm trời, từ 1965 đến đầu năm 1973, mảnh đất này bị cày xới tung tóe, rên lên trong khói lửa. Không một ngày bình yên. 100% cơ ngơi nhà cửa bị phá hủy, hơn 500 người vĩnh viễn nằm xuống trong những ngày tàn khóc ấy. Chiến tranh làm vụn vỡ bao nhiêu nguyên lành, song tuyệt nhiên chẳng thể hủy diệt nổi sự sống, như triệu triệu sim mua kia sẽ xanh ngay sau những cày xới đất đai. Người chết tìm về với đất, người sống cũng phải lặn vào đất đai để tồn tại, để chiến đấu và chiến thắng. Nhà sập, nhà cháy ư? Vậy thì ta đào hầm. Dân quê tôi đã đào địa đạo với khát vọng bám đất bám làng, nhưng thử nghiệm ở đồi 13 đã thất bại cay đắng bởi chỉ đào mấy mét là gặp mạch nước ngầm, vả chăng với cấu tạo địa chất lỏng, mềm và xốp này cũng không thể chịu đựng nổi sức công phá của bom tấn. Năm 1967, 1968, người già, phụ nữ, trẻ em phải sơ tán ra Bắc song 687 con người Vĩnh Sơn ở lại bám trụ trên đất này đã làm nên điều kỳ trang sử Vĩnh Sơn trong chói lọi Việt Nam.

Tôi còn nhớ những chiều xưa, khi lũ trâu say sưa hương cỏ non sau mưa, tôi đã dò dẫm theo những đoạn đường hào chắp vá, đi mãi vào phía bờ sông, đi ngược ra Vĩnh Lâm, và nhìn những vệt hào đâm về hướng Tây mà tần ngần không biết con đường ăn sâu vào mặt đất này dẫn tới đâu, có đến đại ngàn Trường Sơn thăm thẳm kia không… Những đường hào tuổi thơ ấy đã in sâu vào tâm trí tôi, thành dấu hỏi kéo cong tận bấy giờ, để ngạc nhiên quá đỗi sức mạnh nhân dân… Lửa bom trùm khắp, không còn nhà cửa, không vườn tược, không màu xanh, thì cuộc sống trở nên lặng lẽ hơn bao giờ hết nhưng cũng sôi động hơn bao giờ hết, đọng trong hầm, tuôn chảy trong những đường hào chằng chịt đất Vĩnh Sơn. Đất giang vòng tay, đất ngữa tấm lòng đón đỡ con người…

Vào những tháng năm tàn khốc của cuộc binh lửa, người dân quân quê tôi, chỉ ăn nửa loong gạo một ngày, chịu khát khô cổ vì thiếu nước, đã bày ra la liệt những trận địa cơ động, sẵn sàng đón đánh địch bất cứ nơi đâu, bất cứ giờ phút nào. 14 chiếc máy bay đã rơi vào thiên la địa võng của ý chí nhân dân và tan tành xác pháo. Dưới nâu xám đất đai bị cày xới, dưới những cành khô ngụy trang là tuyệt vời rực cháy những trái tim..

Tôi đã qua Hố Điện, Hố La, tôi đã qua Sân Ga, Huỳnh Hạ, Đôộng Chùa… (những địa danh ở Vĩnh Sơn). Ở đâu cũng diệu kỳ cuộc sống, nhưng ai hiểu trong lòng đất bình yên có lửa, và thẳm sâu kia, chiến tranh vẫn còn cất giữ? Năm 1983, một học sinh Do Bình (Do Linh) sang bờ bắc lấy bông đót đã rơi xuống một hố bom khoan sâu 12m, ba ngày sau mọi người mới phát hiện ra và đưa em lên. Cho đến hôm nay, những phát cuốc bổ xuống vẫn vấp phải bom bi. Mấy năm lại đây, khi chiến dịch săn lùng sắt thép phế liệu trở nên sôi động chưa từng thấy, người ta lại đổ về đồng đất Vĩnh Sơn dùng máy rà mìn để dò sắt, để rồi thi thoảng lại ì ùm tiếng nổ. Đất lại đau nỗi đau cày xới, máu lại đổ da diết dẫu chiến tranh đã là dĩ vãng…

Hơn hai chục năm sau chiến tranh. Bao nhiêu người đọc đường gió bụi đã ngang dòng Bến Hải, và những ai trong số họ soi mình vào sông nước và suy nghĩ về cuộc sống? Tôi thì duyên nợ với sông quê y như từ tiền kiếp. Cái lần đầu tiên cầm bút làm thơ trong một cuộc thi học sinh giỏi văn, cảm hứng về dòng sông tuổi thơ đã cho tôi một niềm vui tuyệt vời, để từ đó bắt đầu những trang viết, những trăn trở muôn thuở, như thể tôi chẳng chỉ sống cho một kiếp này. Trăm ngàn lần tuổi thơ dầm mình trong dòng nước Bến Hải, tận hưởng vô cùng cái êm ái của gối chăn tạo hóa, cũng trăm ngàn lần khi đi xa về thăm quê, chợt bồi hồi về bên vết dao cắt ngang mình Tổ quốc năm xưa. Nơi khúc sông dân quê tôi quen gọi là Bến Rèn, mấy mươi năm rồi tồn tại nhiều truyền thuyết về ma quỷ hiện hồn than khóc gào rú. Nhang khói vẫn thắp lên bến sông mỗi ngày rằm, mùng một, nhắc nhở đến những ngày xưa…

Những trưa hè này, bọn trẻ làng tôi hay ra sông tắm, như là tôi thuở ấu thơ, như là hàng bao thế hệ cư dân bên triền sông, nhưng chúng lớn lên, chúng sẽ quên cái ngày tang tóc 20 tháng 5 năm 1967, vả chăng có nhở thì cũng thành cổ tích mất rồi.

Không một ai ghi lại được hình ảnh cuộc vượt tuyến của hàng ngàn đồng bào miền Nam trong ngày càn quét lập vành đai trắng của Mỹ - ngụy ở bờ Nam, 20 tháng 5 năm 1967, duy nhất còn lại là ký ức đẫm máu của những người chứng kiến nay còn sống sót. Cuộc vượt tuyến ồ ạt chưa từng thấy đã diễn ra, và cũng có một vụ thảm sát dã man, tàn bạo bậc nhất trong lịch sử loài người đã được thực thi bởi bàn tay đế quốc Mỹ ngay trên khúc sông này. Máu nhân dân bờ Nam đã đổ, máu nhân dân Vĩnh Sơn xuống sông cứu đồng bào đã đổ… Máu Việt Nam nhuộm đỏ dòng… Sông tức tưởi uất ngẹn lại bởi thây người. Cả chục ngày sau, sông vẫn chưa rửa hết máu, và hàng đàn điều quạ vần vũ nát trời, táu lên khúc nhạc khủng khiếp. Mấy trăm người chết, người được vớt lên chôn cất, người đành phải ra với biển, lênh đênh vô định, linh hồn có lẽ chẳng siêu thoát. Tất cả đều vô danh, tất cả đều là những sinh linh vô tội Việt Nam

Trong số những người bị sát hại hôm đó còn có hơn hai chục chiến sĩ trung đoàn Sông Hồng, những chiến sĩ người Bắc mà đơn vị bị kẹt trong cuộc càn tàn khốc. Sau mấy chục năm, ai là người Sông Hồng xưa còn sống, để một lần thôi quay trở lại sông Bến Hải, quay lại con sông lịch sử ngày xưa, cúi đầu mặc tưởng đồng đội đồng chí mình?...

Ngược dòng Bến Hải, tôi đến bến Dục Đức xưa, nơi có khe nước sâu chảy men Đôộng Chùa nối Choi Đưng. Đoạn sông này tương đối cạn, hẹp và kín đáo, mặc dù nước chảy xiết hơn bình thường. Bên kia bến là dấu vết bệnh viện đoàn 559 trước đây. Tháng 2-1968, sau sự tan vỡ của bến đò Thượng Đông (còn gọi là bến Khu Đông), dân quân Vĩnh Sơn đã chọn nơi đây làm bến giao liên bí mật. Con hói được đào sâu, nối thẳng với lớp giao thông hào vượt Choi Đưng sang các triền đổi mạn Bắc. Khe sâu với lớp lớp dây dợ chằng chịt đã che giấu những con đò khỏi sự phát hiện của máy bay địch. Ban ngày bến ngủ yên, chỉ đêm đến mới dồn dập bước chân dân quân, bộ đội. Không ai nhớ hết đã bao nhiêu lượt thương binh tử sĩ được đưa ra Bắc, bao nhiêu lượt dân công bộ đội đã vào Nam qua bên Dục Đức, chỉ biết là rất nhiều, nhiều lắm. Những năm xưa, Vĩnh Sơn, bến Dục Đức chính là cái bàn đạp để từ đây, xuất phát nhiều cuộc tấn công các vị trí quân sự Cồn Tiên, Quán Ngang ở bờ Nam.

Trên dọc suốt dòng Bến Hải có nhiều bến đò lịch sử, nhiều bến đã đổi sự an toàn của thương binh, bộ đội bằng chính xương máu. Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng vô cùng kỳ diệu, những người dân Vĩnh Sơn chân lấm tay bùn đã giữ bí mật bến giao liên chiến lược này suốt mấy năm trời, đến sau khi Hiệp định Pari được ký kết. Tổ 4 người phụ trách bến đò xưa giờ chẳng còn nguyên vẹn. Bác Phấn (hiện đang sống ở đội 10, Vĩnh Tiên, Vĩnh Sơn) người còn lại trong số họ đang bình dị cùng dân làng, cùng nâu sồng cần mẫn ruộng đồng, cần mẫn chài lưới, và chẳng một ai biết để kể chuyện bác trong một hội thảo… Con người ấy đã cất giữ tháng năm xưa trong tận cùng ký ức, chẳng đòi hỏi chẳng yêu cầu mọi người phải nhớ, tựa con người ta sinh ra chỉ để sống cái thời của họ thôi, không ngỡ ngàng…

Bây giờ cái tên Dục Đức cũng không còn. Người ta gọi bến sông bằng một cái tên: Trén, mà trên đất Vĩnh Sơn này, có đến hàng chục Trén, làm sao để biết Trén nào đã góp phần cùng đất nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử? Bến Dục Đức không có tên trong bất kỳ một trang sách nào về Vĩnh Linh. Những người qua sông xưa ai mất ai còn, ai còn nhớ bến sông thần kỳ này, một bến sông có thể rồi sẽ trở thành vô danh nếu một mai kia, cả lũ mục đồng hôm nay cũng đi xa?...

Một đêm mùa hè oi nồng, trời chi chít sao, tôi ngồi nghe bác Trần Văn Hai, Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban Công an xã Vĩnh Sơn thời đánh Mỹ kể chuyện đánh giặc. Trước mặt tôi là đồi 13 lộng gió giờ chỉ toàn mồ mả mà nơi đỉnh đổi là tượng đài nghĩa trang liệt sĩ cũ đứng cô độc nghe gió hát bản trường ca đất nước. Trên đồi 13, vào cái ngày đẫm máu 20 tháng 5 năm 1967, anh Châu, một dân quân Vĩnh Long tăng cường đã cầm súng trường bắn máy bay, vừa bắn vừa chạy hòng thu hút sự chú ý của máy bay địch mong cứu đồng bào miền Nam. Anh Châu bây giờ ở đâu? Giữa mông lụng vòm trời thăm thẳm đang bao phủ lấy tôi đây, tôi chỉ nghe tên anh vọng lên từ một miền ký ức, ký ức chiến tranh…

Tôi nhìn vào đôi mắt rưng rưng của bác Hai, nghe giọng kể xúc động của bác và chợt hiểu rằng, những con người này trong bộn bề đời sống hôm nay, họ có quá ít cơ hội để được sống lại cái thời của mình, cái thời đã là ký ức…

Tôi được biết những ngày này Vĩnh Sơn đang góp công góp sức, với sự chi viện của huyện, xây một bia tưởng niệm ở vị trí Ủy ban Nhân dân xã. Tên của 260 liệt sĩ Vĩnh Sơn sẽ được khắc lên đó, những đau thương, những chiến tích sẽ được khắc lên đó. Nhưng ở đây, có thước đất nào ta bước qua lại không đáng được tưởng niệm…

Đi suốt Vĩnh Sơn đã dát xanh mầm sống, lòng bổi hổi lắm nỗi niềm không gọi được thành tên. Lúa mới gieo mềm mại khoe hương sắc. So với anh em bầu bạn chẳng bằng, song từ hai bàn tay trắng, từ vụ vỡ đất đai, hai chục năm làm nên cơ ngơi thế này đã là kỳ diệu. Mới đây thôi, đứng nơi nào ở Vĩnh Sơn cũng thấy cái hùng vĩ của đường dây tải điện 500 kilôvôn băng ngang qua Phát Lát, Phước Sơn, làm dậy lên nỗi khát thèm xa lắc của nông dân. Đêm đêm thắp ngọn đèn dầu, khum bàn tay che gió, nông dân nghĩ về một ngày những mái nhà nông dân sẽ chói ngời ánh điện. Phía trước mặt Kinh Thị, phía sau lưng Quảng Xá, Vĩnh Thủy… đã nhấp nháy sáng. Nhân dân cực khổ đã quen, dẫu có phải cực khổ thêm nữa cũng chẳng một ai phiền lòng…

Tôi đến thăm nhà bác Mạnh, một nông dân đã cầm súng đánh giặc từ thời chống Pháp, đã vượt sông Bến Hải bắt được giặc lái ngày 13-8-1972, vào một buổi chiều nắng nhạt. Con người ấy suốt đời cầm cuốc cầm súng bám đất, hai lần bị thương, vậy mà mãi đến tháng 12 năm 1992 mới dám viết một lá đơn xin giám định vết thương mà lời mở đầu quá ư là ngậm ngùi: “Tôi suy nghĩ sợ phiền hà Đảng…”. Chao ôi, con người ấy ra khỏi chiến tranh hai chục năm, có chút mong muốn nho nhỏ cho mình mà chưa thành hiện thực đã vội trở về với đất đai, vĩnh viễn thanh thãn với đất đai…

Tôi chỉ kịp đốt một nén nhang trước bàn thờ bác. Trong hương khói lẩn quất chiều đó, tôi bước trong triền miên ký ức thời hậu chiến, và nghĩ về Nhân dân…

T.T.H

Trần Thanh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 3 tháng 12/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground