Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức xe đạp

Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu
Mối tình thơ, thoáng như một giấc mơ
Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy
Cho lòng tôi, nhớ thương hoài chẳng nguôi...

Lời bài hát “Xe đạp ơi” của nhạc sĩ Ngọc Lễ cứ văng vẳng bên tai mỗi khi tôi vô tình nhìn thấy hình ảnh những chiếc xe đạp gắn với cuộc sống mưu sinh xuôi ngược giữa phố phường chật hẹp. Kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ về chiếc xe đạp ngày xưa lại ùa về.

Theo lời mẹ tôi kể lại thì ngày ấy lương giáo viên thấp lắm, chỉ 38 đồng 2 hào. Hơn nữa, sau chiến tranh mọi thứ thiếu thốn, khổ cực đủ bề. Do vậy, chắt chiu mua sắm đồ dùng lặt vặt đã khó, để mua được hàng hóa lại càng khó hơn, nhưng có lẽ khó nhất vẫn là chiếc xe đạp. Thời đó xe đạp được xem như mặt hàng xa xỉ, nhiều người mơ nhưng khó được. Ai có xe đạp cũng quý như cục vàng. Nhiều chủ xe trang trí, chăm lo cho cục vàng hơn chăm con đẻ. Yên xe bọc vải, lâu lâu lại lấy ra giặt cho mới, thơm tho. Cột hai túm lông gà vào hai cái tanh của gác-đờ-bu (chắn bùn) để nó tự động quét vào vành cho sạch, đỡ phải lau. Phía đầu gác-đờ-bu thì gắn thêm lá cờ nhỏ hoặc bông hoa vải. Nhưng cũng có chủ xe túng tiền nên xe “cởi truồng”, chả chắn bùn gì cả, thậm chí không phanh, không chuông, không gác-đờ-xen (chắn xích), mỗi lần ra đường là cả sự liều. Lúc anh em chúng tôi chưa sinh ra, mỗi chiều thứ bảy đi dạy học về, ba mẹ tôi đi bộ từ Vĩnh Trung sang Vĩnh Nam rồi về Vĩnh Lâm, mỗi lượt cả đi lẫn về cũng hơn 30 cây số. Có lần khi mẹ đang mang thai anh trai tôi tháng thứ tám cùng ba về quê nội, khi chưa qua Quốc lộ 1A thì trời đổ mưa lâm thâm làm cho trời càng thêm tối. Lúc đến bến đò Châu Thị thì bác lái đò đã nghỉ về ăn cơm. Ba tôi gọi mãi đò ơi không được, đành cởi áo quần dài đưa cho mẹ cầm rồi bơi sang bờ kia chèo đò chở mẹ qua sông. Sau này anh em tôi lần lượt ra đời trong sự hạnh phúc vô bờ bến và khó nhọc của ba mẹ. Tuy tôi và anh trai cách nhau gần hai tuổi, nhưng tôi có vẻ có “da thịt” hơn, còn anh trai tôi thì gầy nhẳng, nay ốm mai đau, đến gần hai tuổi rồi mà cái cổ vẫn chưa cứng cứ nghiêng về một bên. Không thể tay bồng, tay bế con về thăm quê được nên ba mẹ rất khao khát có được chiếc xe đạp.

Ảnh:D.A

Ảnh:D.A

 Sau hơn ba năm cưới nhau, ba mẹ tôi tích cóp được một ít tiền, cộng thêm khoản vay mượn từ bạn bè, nhân chuyến vào Nam thăm người thân, ba tôi đã mua được một chiếc xe đạp. Để mua được chiếc xe thời đó là cả một vấn đề. Vì cả khu tập thể giáo viên có tới gần hai chục gia đình mà có mấy nhà mua được xe đạp đâu. Đó là chiếc xe đạp đua màu xanh đã cũ, hiệu Sterling, không gác-đờ-bu, không gác-đờ-sên cũng không gác-ba-ga, xe cao lều nghều vì vành xe 680, biển số YZ130. Lúc vừa nhìn thấy chiếc xe, mẹ tôi ngỡ ngàng, ngao ngán! Lâu giờ hồi hộp, mong chờ bao nhiêu thì nay lại thất vọng bấy nhiêu. Mẹ tôi liền hỏi ba: Sao anh mua chiếc xe trần trụi thế này?

Ba cười hiền trả lời: Anh đã đi nhiều vòng, ngắm đi ngắm lại các loại xe khác nhau, hãng nào anh cũng đều thích nhưng tiền của mình chỉ đủ mua chiếc này. Thôi thì miễn có xe đi là sướng lắm rồi! Mẹ tôi nghe vậy chỉ lặng thinh chẳng nói gì thêm.

Do xe chưa gắn gác-ba-ga nên mỗi lần nhìn thấy ba tôi đạp xe là học sinh trong trường thường hát nghêu ngao: Thầy đi xe đạp bên Tây / Mà xe ở lổ, ở trần thầy ơi. Những ngày đầu ba vẫn đi một mình, vành xe cỡ lớn nên không kiếm đâu ra săm lốp, dùng mãi bị cắm gai cắm đinh, chiếc săm xe vá chằng vá đụp, còn lốp xe thì nhẵn thính, cuốn bọc băng bó hơn cả thương binh. Mãi đến gần hai năm sau, ba đưa xe lên thị trấn cắt lại vành 650, xuống khung, tốn kém thêm vài chục đồng, chứ nếu để nguyên thì lốp hỏng, ruột hư biết lấy đâu mà thay.

Từ ngày có xe, ba thường về quê chở rau, chở chuối làm thức ăn cho lợn. Vất vả vượt hàng chục cây số nhưng mỗi khi về đến khu tập thể, ba tôi vẫn cất lên tiếng hát để trêu mẹ tôi: “Xe tôi bon bon trên dặm đường, từ đồng quê tôi băng ra đến trường. Chào em cô gái Nam Cường…” (mẹ tôi quê ở thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, nay là xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh). Mỗi chiều cuối tuần, ba lại chở mẹ con tôi trên chiếc xe đạp về thăm quê. Mặc trời mưa hay nắng, gió đông bắc hay gió nam, lúc nào ba cũng cất lên mấy câu quen thuộc: “Xe tôi không phanh, không gác-đờ-bu, vẫn lai cô giáo trên đường bon bon”. Mỗi lần nghe vậy, mẹ tôi đều cười. Chúng tôi cũng cười theo dù không biết gì chỉ thấy ba mẹ vui là cười. Vì tôi còn nhỏ nên lúc nào ba cũng ưu tiên cho ngồi chiếc ghế mây ở trước xe, sau xe là ba, mẹ và anh trai cùng gói quần áo của cả nhà.

Tôi còn nhớ cứ mỗi buổi chiều về, khi con Mực nằm trước cổng bắt đầu ngoe nguẩy cái đuôi là hai anh em tôi lại reo lên: “Ba về! Ba về! Ba về rồi!”... và không thể chờ ba vào đến cổng mà chạy một mạch ra đầu ngõ đón ba rồi lại kì kèo: “Ba chở chúng con đi một vòng nghe”. Cứ như thế, ngày nào sau khi phụ giúp việc nhà cho mẹ, hai anh em tôi lại ra ngoài hiên ngồi ngóng ba để được ba chở đi trên chiếc xe đạp. Cũng có dịp ba tôi đi công tác mấy ngày, cứ chiều đến, hai anh em tôi lại ra hiên nhà ngồi ngóng ba; không phải chỉ mỗi chờ đợi xem ba đi công tác về có quà gì không, mà còn mong ba về để được đi xe đạp, được ba chở lòng vòng quanh xóm... Trong ký ức tuổi thơ của anh em tôi, chiếc xe đạp và những buổi chiều được ba chở “đi rong” quanh làng không bao giờ phai mờ. Thời đó, xe đạp là thứ quý hiếm, nên trong suy nghĩ trẻ thơ của tôi nhìn người có xe đạp bằng con mắt ngưỡng mộ. Cả làng hầu như không mấy người biết đi xe đạp bởi xe đâu mà tập, vả lại tập xong cũng làm gì có xe mà đi. Chiếc xe đạp không chỉ là niềm hãnh diện của ba mà còn là của cả gia đình. Tôi luôn ao ước mai này lớn lên được tự tay cầm lái, chân đạp chiếc xe đi trên những con đường thân thuộc mà ba thường hay chở anh em chúng tôi.

Mãi đến năm tôi lên lớp 4 thì niềm mơ ước đó được thực hiện. Chả là hôm đó, khi ba mẹ đang ngủ trưa thì hai anh em lén lút dắt xe ra con đường cái Cạp Lài của làng để tập. Khổ nỗi xe nam gióng ngang, chân thì ngắn, phải luồn qua khung tập lấy đà, vẹo hẳn một bên trông như làm xiếc. Điểm anh em tôi chọn là con dốc thoai thoải giữa đường. Anh em tôi thay nhau đạp xe, người còn lại chạy theo sau tay cầm gác-ba-ga. Đến lượt tôi tập, do con dốc xuôi, đường đầy ổ gà, sỏi đá, tay lái lại yếu nên xe lao xuống rãnh nước ven đường, người tôi bay lên rồi rớt xuống đất nghe phịch một tiếng. Ghi đông xe bị ngoặt cổ lại phía sau, vành xe đâm vào rãnh nước bị méo hình số 8, miệng tôi bị tay phanh của xe đâm thủng làm cho máu miệng, máu mũi chảy ướt sũng cả vạt áo trước ngực. Anh trai tôi đứng sau mặt tái mét không nói lên tiếng. Lúc đó, mặc dù máu đang chảy nhưng tôi không cảm thấy đau mà lo chiếc xe bị hư không biết về nói sao với ba mẹ. Khi về đến nhà, hai anh em chưa kịp thay quần áo thì mẹ vừa ngủ dậy bước ra sân. Vừa nhìn thấy tôi, mẹ đã la lớn lên để ba đi tìm chai nước muối xức mặt, rửa tay chân cho tôi. Anh trai tôi thì đứng yên như trời trồng, tay cầm chiếc xe xiêu vẹo, méo mó. Ba không nói gì, một lúc sau ba lẳng lặng dắt xe ra quán đầu làng sửa. Cũng từ đó ba không cấm anh em tôi tập xe nữa, những buổi trưa hè ba đều dẫn anh em chúng tôi ra sân đội tập và chúng tôi biết đi xe đạp từ đó.

Năm 1993, gia đình tôi đã sắm thêm được chiếc xe máy nên ba đã bàn giao “gia tài” một thời của gia đình cho tôi. Tuy chiếc xe không còn mới nhưng tôi vẫn luôn gìn giữ và trân quý bởi nó gắn liền với biết bao kỷ niệm tuổi thơ của tôi và mối tình đầu dại khờ.

Ngày ấy, tôi quen T học cùng khóa trường cấp 3. T có dáng người nhỏ nhắn, dễ thương và tôi đã có cảm tình ngay từ phút đầu gặp gỡ. T là học trò cũ của ba tôi nên chúng tôi cũng dễ gần gũi chuyện trò. Thời ấy, với những nét chữ viết tay của lá thư viết vội, giữa chúng tôi đã có một mối tình tuổi học trò với bao kỷ niệm. Tôi còn nhớ hôm đó, sau khi vào nhà T chơi, chào hỏi mọi người, tôi xin phép ba mẹ T cho chúng tôi đi chơi. Hai đứa hớn hở chở nhau đi đến cuối xóm. Thật hạnh phúc khi được chở T đi chơi, cảm giác lâng lâng như lời bài thơ “Đèo em bằng xe đạp” của Xuân Diệu: Em ngồi ríu rít ở sau xe / Em nói lòng anh mãi lắng nghe / Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm / Đời vui khi được có em kề…

Trong thư tôi viết thiết tha, nồng nàn bao nhiêu thì khi bên T tôi lại khô cứng, dại khờ bấy nhiêu. Hôm ấy, trăng đã lên cao, sương đã rơi ướt tóc và đã đến giờ T ra về thì bỗng từ xa xuất hiện mấy dáng người. Tôi chưa kịp hình dung là ai thì đèn pin bật lên, mấy trai làng cầm gậy gộc chạy đến. Hai đứa lúc này không ai bảo ai cứ cắm đầu dắt xe chạy, chạy được một hồi thì leo lên xe đạp như bị ma đuổi. Khi vừa thoát khỏi đám trai làng thì xe bị thủng săm. Đêm đã khuya, không còn tiệm sửa xe nào dọn hàng, hai đứa lang thang dắt cái xe xẹp lốp đi thất tha thất thểu. T kiên nhẫn vừa đi vừa trò chuyện động viên tôi. Còn tôi thì ngại ngùng đến mức không biết giấu vẻ mặt xấu hổ đi đâu nữa. Đến Quốc lộ 1A, tôi năn nỉ T quay về, còn tôi dắt “chiến mã” - niềm kiêu hãnh của tôi đi bộ bảy, tám cây số mới về đến nhà. Sau buổi đầu tiên hẹn hò có vẻ đầy “con nít” thì chúng tôi chia tay nhau.

Năm 1995, vì một chút nông nổi của tuổi trẻ cộng thêm bản tính hiếu kỳ, thích phiêu lưu, tôi đã bán chiếc xe đạp để vào Sài Gòn tìm việc làm. Lúc ấy, đang học năm cuối của lớp 11 thì đứa bạn thân cùng lớp tuyên bố xanh rờn: “Hè này tao quyết định sẽ vào Sài Gòn tìm việc làm”. Khi nghe bạn nói vậy, tôi nhớ ngay đến người anh họ ở Sài Gòn đang công tác trong ngành công an. Sài Gòn đối với tôi lúc đó vẫn còn là một cái gì đó quá mơ hồ. Tôi chỉ biết Sài Gòn qua lời anh họ kể mỗi dịp về quê, và tôi lờ mờ hình dung về một Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt, lúc nào cũng gấp gáp với những buổi tan tầm xe cộ ken đặc, những con phố có tòa nhà cao chọc trời. Tuổi mười bảy cảm giác thích được trải nghiệm tự lập giữa một thành phố xa xôi bận bịu đã thúc giục tôi lên đường. Hai đứa hẹn gặp nhau trước cổng Bưu điện thị trấn Hồ Xá để bắt xe vào Sài Gòn. Đến giờ hẹn, vừa trong thấy tôi, Lương liền hỏi: Mày bán được xe chưa?

Tôi nhìn Lương tư lự trả lời: Chưa bán được mày ơi!

Lương nhìn tôi hối thúc: Không có chỗ nào mua à?

- Không phải là không có chỗ mua mà tao thương chiếc xe quá. Nó gắn bó với gia đình biết bao kỷ niệm. Tôi trả lời.

Vậy là không thể đợi được tôi lâu hơn nữa, Lương đã bắt xe vào Sài Gòn trước tôi một ngày. Lương đi rồi, tôi lại tiếp tục dắt chiếc xe đến vài quán mua bán xe đạp cũ rồi bán với giá 240 ngàn đồng với hy vọng sau này vào Sài Gòn làm ăn nếu có tiền sẽ chuộc xe lại.

Ngày ấy, bây giờ thấm thoắt cũng đã gần ba mươi năm. Những kỷ niệm êm đềm về chiếc xe đạp gắn với tuổi thơ sống trong tình yêu thương chở che của ba mẹ, kỷ niệm về mối tình đầu thơ dại vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Chiếc xe ngày ấy như là một vị khách, chỉ ghé đến gia đình tôi như một chốn dừng chân và sau đó lại tiếp tục lao đi trong hành trình xuôi ngược. Tôi đã lỡ đánh mất kỷ vật của gia đình, để đến bây giờ mãi đi tìm trong hành trình dài đầy nuối tiếc...

N.C.H

 

 
 
Nguyễn Chí Hiếu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 331

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground