Nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của Nhạc sĩ Thúy Hương - người luôn kiên cường với căn bệnh ung thư và truyền nghị lực sống, Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu tản văn đầu tiên và cũng là cuối cùng của chị đến bạn đọc.
Giọng ca cũ kỹ rè rè đó là của chú Hàn.
Bất kể ngày mưa ngày nắng, sớm chiều hay trở khuya thì âm thanh đó dường như bất chấp. Từ nhạc buồn đến vui, kiểu bài như “tôi có người tình bỏ lại”, hay là “ai cho tôi tình yêu”, rồi cũng có mấy chỗ cao trào “em ơi có bao nhiêu” hú hú... đều là những kiểu được nằm trong list phát thanh hàng ngày của chú. Sở dĩ tôi biết rõ vậy là vì nhà tôi cách nhà chú chỉ một con đường dân sinh đủ chỗ cho một chiếc bốn chỗ đi lọt, cách thêm hai cái trụ xi măng mòn vữa ở cổng và cái cánh cửa sắt rời rạc không thấy đóng bao giờ. Bởi có gì đâu mà đóng, sân chỉ một vuông đất, đến cỏ cũng mọc uể oải, có được cây khế thì trái mùa mới đậu vài quả méo mó lủng lẳng, được cái là hoa nở tim tím dịu cả sân như để lấy lòng chủ. Kiểu như biết thân biết phận, như người phụ nữ không biết đẻ thì phải biết ngoan. Dưới gốc khế có mấy cái ghế gỗ bạc phếch tróc hết lớp véc ni nhưng vẫn còn chắc chắn, một cái chậu đựng lưng nước đặt bên cái bơm hơi bằng tay.
Bài trí góc đồ nghề đấy là bởi vì chú mở tiệm sửa xe đạp.
Tranh của Giáp Văn Tuấn
Tiệm sửa xe của chú thật nhàn rỗi, rỗi đến mức cái chậu nước dùng vá xăm lốp chẳng đục là mấy, lại được phủ đầy lớp hoa li ti rụng rơi trong cơn gió trễ nải chiều qua. Khác với người ta, tiệm phải chường mặt ra ngoài đường, bon chen một góc ngã ba ngã tư nào đó, hoặc ít ra cũng gắng nép bên hông bờ tường trường học, mới có mấy cô cậu học sinh lỡ xịt lốp tráng vành vô ra. Đằng này, nhà thì hóc hẻm vòng vo, đến việc kiếm cái tấm bảng viết bằng phấn cũng không có, chú cứ làm như “đấy, nhìn mấy thứ đồ nghề này là mấy người biết tui nhận sửa xe đạp rồi hỉ”. Mà khổ, xóm chỉ toàn mấy đứa con nít đang tuổi được ba mẹ nó đèo đi học và chẳng thấy ai có xe đạp, vậy mà tiệm chú vẫn mở cả ngày từ sáng sớm đến chiều tối, cũng chẳng buồn dọn đồ vô cất luôn.
Cây khế kiêm luôn nhiệm vụ ngó quán, còn chú, kéo cái ghế sát bên hông nhà, ngồi gác chân lên cái chuồng gà cũ, rút cái điện thoại oppo bữa thằng Hoài nó mua cho, nó nói ba ở nhà buồn, có điện thoại mở máy ra mà hát, hoặc gọi điện vi déo cho ông cháu thấy mặt nhau đỡ nhớ. Wifi thì khỏi lo, góc đó mạng nhà hàng xóm chạy ầm ầm, nhạc không dựt dựt, dùng ké mà chất lượng vẫn đỉnh. Bữa nghe chú méc vậy với nó qua chát, giọng chú rổn rảng, nghe chẳng chút tư lự, cứ thế lọt qua nhà tôi rõ mồn một.
Vậy là chú hát miết. Có hôm trưa trật, hàng xóm hỏi vọng qua: “Ăn cơm chưa mà ngồi hát đã đời vậy chú Hàn ơi”. Chú lật đật bỏ mic xuống, thả nhanh một câu kiểu như sợ lỡ nhịp: “Tao ăn khi mô nỏ được, chưa đói”, xong cười hà hà rồi hát tiếp, vội quá nên có bị trật đi vài nhịp bâng quơ.
Ngó vậy chứ chú chỉn chu ghê, thường vận một bộ đồ quần Tây sơ mi cắm thùng đàng hoàng lắm, mà cũng chỉ để lượn một vòng qua chợ xép mua ít đồ ăn xách tòng teng nơi tay. Hôm trời mưa thì có thêm cây dù tươm tất ngó vô cùng. Chứ không như mấy chị sồ sề chạy vội ra chợ, quần ống xăn ống xả thiệt nhanh kẻo sợ con khóc. Chú chẳng lo gì, mấy bữa có nuôi con chó mực thì còn phải lo đồ ăn cho nó, nay bị mấy thằng đánh bả khốn nạn nó bắt mất tiêu, chỉ còn mình chú, nên chẳng có gì mà phải vội.
Cứ chiều lại, đàn bà phụ nữ trong xóm cứ tụm đầu ngõ. Người thì đút cháo cho con, có chị thì vừa xốc nách đứa bé vừa tám chuyện trên trời dưới đất. Tuyệt nhiên không có đàn ông vì họ đi làm chưa về, hoặc là, việc túm tụm ấy chỉ là đặc quyền của phụ nữ. Đó cũng là lúc chú Hàn không hát, dẹp loa máy lại, thả bộ vòng vòng chơi. Chú chọc mấy đứa con nít, lâu lâu chèn vô câu chuyện của mấy bà mấy thím vài câu trơ trớt không ăn nhập gì, mọi người cũng đã quen nên cũng không ai chú ý lắm. Cứ vậy, như một quẻ lạc giữa những chuyện chồng chuyện con chuyện cơ quan cho đến mấy vụ giết hiếp đầy ra trên mạng... chú Hàn vẫn thấy cười váng theo mấy đứa con nít đạp xe bị chó rượt đến hoảng cả thần hồn.
Rồi khi ai đã về nhà nấy, tiếng bát chén khua khoắng, tiếng bà giục cháu đi tắm để ăn cơm, tiếng bọn trẻ con quấy khóc, có tiếng gọi thằng út ham đạp xe giờ này còn chưa về, là lúc chú Hàn thả bộ lui về ngồi trước hiên nhá nhem chưa kịp bật điện. Chú ngồi như thế bao lâu thì tôi không rõ, nhưng chắc một điều rằng chú đã từng có rất nhiều buổi chiều như thế kể từ ngày chú đưa vợ về nằm lại bên ông bà tổ tiên.
Cũng phải 4, 5 năm rồi. Còn nhớ cái lần chú chăm vợ ở bệnh viện, ai từng đời tuổi này rồi vẫn còn ngọt ngào lắm: “Em ơi, thấy đau chỗ mô nữa để anh xoa”, hay là “ăn hết bát ni đi, anh thương...” làm mấy cô điều dưỡng ngại đỏ cả mặt. Nhiều khi phải dấm dúi cười bên ngoài hành lang, đấm lưng nhau thùm thụp vì mắc cỡ. Nhưng mấy cô chỉ cười được vài bữa thôi, rồi lại phải cố nén khóc, cũng chỉ vì chú Hàn cứ ôm khư khư vợ mình và khóc tu tu như đứa con nít khi bác sỹ bảo nên đưa bà về nhà...
Thằng Hoài dẫn vợ con về chịu tang mẹ được vài hôm, lại phải trở vô để còn cày cuốc, lòng chất ngất ngổn ngang. Chú nói: “Ba phải ở đây để đốt lửa cho mẹ. Mẹ con sợ lạnh lắm, ba mà theo con vô trỏng thì ai hương đèn cho mẹ, con ơi!”. Thế rồi ngày ba lượt hương đèn bát cơm rau, rồi cũng hết khó, cũng là lúc chú Hàn soạn đồ nghề ra dưới gốc cây khế, lầm lụi đếm ngày rộng tháng dài dưới tán cây bơ phờ vì cố gắng nở hoa.
Sáng ra chú cũng đóng bộ nghiêm chỉnh, lội một vòng ra đầu ngõ mua ổ bánh mì. Chị bán hàng hỏi mì thịt hay mì không chú, mì không thôi cô, tui về còn rán trứng ốp la. Xong chú lại thả bộ chậm rãi về ngồi trước hiên, nhai ổ mì không và hóng hớt ra ngoài cổng để gặp người.
Khi nào thấy tôi, kiểu gì chú cũng vói theo một câu “đi làm sớm dữ rứa bây”. Tiếng dạ của tôi rớt lại sau khi phóng thật nhanh vì sợ muộn giờ làm không biết chú có nghe kịp. Riết thành quen, đôi khi tôi chỉ gật đầu, miệng có cười nhẹ, nhưng khuất trong lớp khẩu trang chắc chú không nhìn thấy thiện chí đó của tôi thì phải. Rồi khi ai nấy đã rời nhà, chú bắt đầu quay vô gốc khế, lúi húi soạn sửa chọ đồ nghề, đi thay nước vô cái chậu nước đã lắc rắc vài bông tím từ đêm qua, dựng lại cái ghế cho ngay ngắn, xong xuôi, chú quay ra hát ngâm nga.
Có nhiều hôm đang hát hay ho, bỗng nhiên tắt tiếng chỉ còn nghe nhạc nền trôi trôi, nghe kỹ thì thấy nhạc như này: “vì sao anh nhớ em thế này...”. Im lặng vài câu, rồi cái giọng rè rè ấy lại cất lên tiếng được tiếng mất. Chiều cứ thế rơi rớt từng đốm nhạt dần qua mấy tán lá rồi chìm trong mớ thanh âm rả rích lửng lơ.
Chiều nay đi làm về, từ xa đã thấy người trong người ngoài chật cả cái ngõ vốn thưa thớt. Tôi hoảng hồn, tay vặn ga run rẩy cứ nghĩ dại nhà mình có chuyện gì, mắt bắt đầu hoa lên. Chưa kịp dừng xe, tôi nghe mấy người bàn tán, chắc ông ấy đi đêm qua, đoạn đó mưa to lắm...
Chú Hàn chết rồi, tôi chững lại, đêm qua đài báo bão vô. Nhà ai nhà nấy gài chặt cửa nẻo, mất điện tối thui. Chú ở một mình, còn cây khế thì không biết nói tiếng của NGƯỜI. Và tôi chợt nhớ ra sáng nay đi làm, không thấy chú đứng đó nói với theo “đi làm chi sớm dữ rứa bây!”.
Tôi lững thững lại chỗ gốc khế, nơi người ta bắt đầu kê bộ bàn cho đội nhạc kèn thổi đám, bất giác nhìn lên trời. Cây khế tán thưa tán mỏng, lơ thơ vài chùm tim tím, lá xô rạp bết vào nhau.
Hình như lá khóc.