Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lá trầu bên sông Hiếu

Trước ngày khởi công chợ ít hôm, công nhân đang rào dựng mặt bằng thi công, đã bắt gặp những kỷ vật. Khi nạo vét bùn bãi bồi, họ đã vứt lên hai chiếc mũ chiến sĩ, còn nguyên sao vàng năm cánh. Các anh những người con giữ nước, hồn sông Hiếu bấy lâu ấp ủ những kỷ vật chừng như không muốn để khuất vùi cùng với kiểu hạng ủng nhà binh Hoa Kỳ bại trận. Nguồn Hiếu ơi, những chiếc mũ sông đưa về từ đâu? Câu hỏi thắt buộc về từ trái tim!.

Viên đá mỏng đặt khởi công chợ vào ngày 13-7-1991 trong cơn mưa thâm mùa trăng tháng sáu Âm lịch. Đây là cơn mưa cho Quảng Trị được mùa chưa từng thấy. Hôm nay 20-7-1995 vậy là công trình đã đi suốt 1.553 ngày đêm, kể tháng tròn. Dự định 3-9-1995 cắt băng khánh thành. Vậy chỉ còn 33 ngày đêm nữa để đưa rước hồn chợ từ chợ tạm trở về. Cái buổi vạn khởi đầu nan cũng có ý kiến bàn nên xây dựng chợ mới ở bãi kho Quốc phòng, tiện khỏi phải dời chợ, xử lý mặt bằng, giải tỏa dân… Sau nhiều nổ lực, những người tâm huyết và bộc trực nhưng cực kỳ khôn ngoan, mềm dẻo mới đưa ra được ba yếu tố cho cuộc thi thiết kế đồ án chợ. Một, chợ phải xây trên nền cũ. Hai, nó phải xây đủ 2.500 lô hàng. Ba, chợ phải là một công trình kinh tế và văn hóa của tỉnh Quảng Trị trong mặt bằng kiến trúc của thị xã tỉnh lỵ Đông Hà. Thời gian thi công hai năm từ 1989-1991.

Một kỹ sư cười hồn hậu kết luận:

- Quân xây dựng chúng tự biết mình là quý lắm rồi phải không?

- Anh đừng khiêm tốn thâm trầm…Các anh thậm có duyên đấy chứ.

Họ khăn gói xây dựng bên Lào, đi qua đường 9, dừng với chợ Đông Hà với một vung tay khẳng khái rót ngay vốn đầu tư ban đầu là: 6,1 tỷ đồng. Với 6,1 tỷ Sông Đà được rót bằng sắt thép, bằng xi măng. Vào hai năm 1989 và 1990 quả là cơ may có một không hai cho chợ Đông Hà nói riêng và tỉnh nói chung. Nhờ vốn vay và được rót thẳng vốn bằng vật liệu ồ ạt, đầy cảm tính nên toàn bộ khung thô của ba giai đoạn thiết kế đầu được dựng giàn giáo chất ngất, rầm rộ trong một quyết tâm hai năm sẽ khánh thành chợ. Có ngày cao điểm kíp thợ lên tới 150 công nhân đổ bê tông kéo tỉnh đứng trước một thúc bách đầy chóng mặt để vào cuộc gồng sức với chợ, gồng sức với giàn giáo khí phách cuả một sông Đà thủy điện, yêu Quảng Trị mà đất lành chim đậu, dù phải chấp nhận của sự trượt giá sau hai năm thi công…

Cũng may, ấy là khi ban thanh toán công nợ của tỉnh, mà Chủ tịch Nguyễn Bường-Trưởng ban, giám đốc tài chính Nguyễn Lãnh, phó ban, không chỉ ký đứng vay vốn trả nợ Sông Đà 6,1 tỷ mà còn điều phối ngân sách tỉnh dành hẳn cho chợ năm tỷ để công trường tiếp tục không bị gián đoạn…

Cái nụ cười của một công nhân đang lát nền chợ bứt tôi về với ngôi chợ trần gian. Tôi nén kín sự bối rối.

- Chị ơi tôi muốn biết đồ án thiết kế chợ, mà trường đại học Kiến Trúc Hà Nội đoạt giải được thưởng bao nhiêu?

- Đâu như năm, bảy triệu. Có sáu đơn vị dự thi thiết kế. Viện thiết kế tỉnh nhà, Viện thiết kế Thừa Thiên Huế, Viện thiết kế Bộ nội thương mà anh Lê Văn Rọt đã từng là chủ nhiệm đồ án chợ Đông Ba năm 1980. Đặc biệt là bộ xây dựng ủy nhiệm cho Công ty 7 của bộ thay mặt tham gia dự thi thiết kế…

- Có phải bản đồ án của Trường đại học kiến trúc Hà Nội thắng giải với tỷ số phiếu trên 26 đơn vị đại biểu của hội đồng chấm thi?

- Đúng thế. Có cả đơn vị nhân dân Quảng Trị nữa?

- Là nông dân, là thị dân?

- Đủ cơ cấu thành phần dân cư, đoàn thể, đơn vị khoa học...

- Các đồ án khác tỷ số thế nào?

- Thế nào nữa, tỷ số 25 trên 26 đã đẩy các dự án khác tiếp giáp, kề những con số cực thấp, thậm chí cả số không.

Một kỹ sư trẻ nói:

- Chi N là kỹ sư nghiệm thu. Khi dựng giàn giáo nghiệm thu nốt buộc sắt đổ bê tông, chị phải lên đến giàn cao lòi lọi những hai mươi sáu mét bảy phân. Vô tình nhìn lên tôi cũng yếu vía thay cho chị. Ba kỹ sư: Hoàn kế toán rất xịn, Thiên hát cũng mượt được gió Lào, anh Trúc đệm Oóc găng găng hết cỡ. Nhưng quả thật chỉ mỗi chị N là phái yếu mà lên cao vậy đấy…

- Có phải Chủ tịch tỉnh vừa là Chủ tịch hội đồng chấm thi đồ án thiết kế chợ không anh?

- Đúng thế. Trong lễ khởi công anh Bường là người đầu tiên đặt viên đá móng cầu tụ địa linh cho chợ, hưng nghiệp thương trường buổi đất nước mở cửa đổi mới.

- Thật tuyệt. Đặt móng giữa tháng sáu mà trời đổ cơn mưa thâm là điềm thịnh vượng của trời đất gởi gắm vào lòng người.

Tôi cúi mặt cười giấu nổi rưng rưng. Cái rưng rưng của những lá trầu xanh. Khi người ta tự vấn, người ta thích tản bộ, thích đưa chân hóng mát và cứ thế những suy nghĩ như những dấu vết của cõi đời in đậm về cõi hồn, tôi lại thích tản bộ vùng quanh chợ, lốc lách cả vào khu dân cư khu mới của chợ được giải tỏa, đưa về nơi lô đất xưa là vùng kho của cửa hàng thực phẩm. Giải tỏa đợt một được 56 hộ, kinh phí đền bù đã là 3 tỷ. Đợt hai còn những 71 hộ…Công trường đang đối đầu với những khó khăn, do chưa giải tỏa được đợt hai, lô đất có mặt bằng thiết kế cho hệ thống cống rãnh thoát nước bị ách tắc.

Khu chợ trời nằm giữa lọm xoáy chợ không hình thành được. Đặc biệt chợ phía mặt tiền là đường Trần Hưng Đạo, xem như không thể tiếp tục xây cất. Không giải tỏa, nghĩa là chợ Đông Hà sẽ khánh thành trong sự chưa hoàn chỉnh, thiếu một phần ba tổng công trình thiết kế…Tổng mặt bằng là 36.000m2, phải đổ bê tông 3.000m3  và cần đống 5.000 cọc bê tông sâu từ 8 mét bình quân. Đế móng, phải phân nhóm, mười cọc thành một nhóm kết cấu kỹ thuật.

Chợ Đông Hà nằm giữa ngã ba quốc lộ 9 và quốc lộ I bên hữu ngạn sông Hiếu, làm mới trong sự lựa chọn tàng ẩn sự biến động ba đào ấy khi ngoái nhìn vòi vọi về chợ Thành Cổ sầm uất, trù mật giữa lúa Triệu Hải, phía hữu ngạn Thạch Hãn, trên đất Trí Bưu. Doi bồi An Lạc hình xoài, hoặc tựa một con thuyền thoi ngái ngủ chập chờn tre xanh. Bên tả ngạn An Lạc, dần dà hồi sinh hưng thịnh những mảnh vườn làng hoa. Chừng một thập kỷ nữa thôi, phố Đông Hà sẽ tràn ngập qua bên ấy, doi bồi An Lạc sẽ thành hòn non bộ cho một kiến trúc đô thị hai mặt tiền lấy hồn sông Hiếu làm tấm gương kiến trúc. Hòa nhập vào thiên nhiên để tìm thông sổ kiến trúc tối ưu, lựa chọn cho con người một khả năng thiên nhiên hóa bản thân mình trong quá trình tồn tại dễ đâu không đánh đổi, không trả giá…

Khi gợi hỏi về anh, các kỹ sư thường dành cho những lời tốt đẹp. Anh tên là Thuận. Nguyễn Tiến Thuận. Một cái tên thật mạnh mẽ và giản dị. Chữ ký ở đồ án của anh cắt một đường thẳng độc hành băng qua đầu chữ “tê” và chữ “hát” chất chứa một sự hứng dạt bạo liệt, vậy mà anh được đặc tả người không cao lớn, lại đầm đậm, lại ngăm đen. Anh lại con trai của xứ chùa Hương? Tôi kinh ngạc và đẩy sự liên tưởng, cố tìm ra một liên hệ, kiến trúc chợ Đông Hà là biểu tượng của một đoàn tàu chở đầy ắp vật sản gỗ, cà phê, cao su, tiêu... xứ cửa khẩu Lao Bảo, La Lay, xứ Cùa, xứ chợ Phiên Cam Lộ, xứ chợ Sãi, chợ tỉnh vượt biển Đông của thế kỷ 21…

Tôi cố hình dung tìm mối tương đồng của tâm hồn người đàn ông tài năng chưa biết mặt. Lại có một ánh cười nụ, nhắc lại “Anh Thuận đậm người, da ngăm đen”. “Giọng nói của anh” chị muốn nghe qua điện thoại không?. “Cám ơn! Tuyệt”. Một giọng trẻ nói chen: “Tính cách và bản chất kiến trúc của anh Thuận mới cần khám phá. Đánh giá đúng một bản chất khoa học đâu dễ”. Tôi đang có bản thuyết trình kiến trúc nội thất chợ cùng đồ án thiết kế chợ của anh Thuận thiết kế đoạt giải mà Chủ tịch Nguyễn Bường thay mặt nhân dân Quảng Trị trao thưởng. Kể từ ngày nó ra đời, nó chưa trọn năm năm mà sừng sững tráng lệ kia quả thật là điều diệu kì. Phút này 19h5 ngày 18/7/1995 anh Thuận đang ở công ty Xây dựng và kinh doanh phát triển nhà ở chứ chưa về nhà riêng. Ở nhà có lẽ vợ anh đang chờ cơm. Ở Công ty này công nhân được trả một tháng sáu triệu, lương anh Thuận hai mươi triệu. Hiện nay anh là chủ nhiệm của các đồ án kiến trúc danh giá hạng nhất, nhì nước, như hai công trình nhà Chính phủ ở Hà Nội và Sài Gòn tới đồ án kiến trúc Ngân hàng thương mại hàng hải Việt Nam của anh, anh được hưởng phí thiết kế những sáu tỷ. Uy tín lừng danh. Vậy mà qua lời kể anh chưa hề đi xem kịch nhà hát. Anh chưa hề hưởng thụ quỹ thời gian phí vào bia bọt…

Máy điện thoại đổ chuông thật giòn. Tôi rụt rè vừa hồ hỡi lùa vào đầu dây của mình cái giọng miền Trung lục bục…Ở đầu dây bên kia, tận những Hà Nội, có lẽ anh Thuận đang chau mày cố hiểu, cố ghi nhận cho được tôi muốn gì? Lắng đi ít phút tôi nghe giọng Chùa Hương của anh phảng phất một nỗi nghi ngại: “Chị nói sao? Cái gì trầu? Lá gì trầu? Sao lại trầu? Tôi không hiểu chữ trầu của chị có nghĩa là gì?”. Tôi lúng túng lại lùa giọng miền Trung lục bục… “Trầu, lá trầu. Tê, erờ, âu, huyền trầu”. “Ơ ơ lá chầu”. Vâng lá trầu xanh. Lá trầu cho thì con gái ấy…nhà kiến trúc sư ạ. Là tôi tưởng sự cách điệu kiến trúc của anh đã trồng cho bờ hữu ngạn sông Hiếu một giàn trầu cay... lá trầu nét mềm, còn lá buồm của đoàn tàu thì nét huyền…Những ức tàu của anh, của chợ Đông Hà như ức chim khát vọng. Còn nét mềm lá trầu mà tôi hình dung là nỗi lay động náo nức của bếp lửa, chợ búa đàn bà của duyên thì dân gian.

Tôi nghe anh ở đầu dây bên kia sảng khoái. Tôi cười theo. Mấy anh chị em đang quây quần ăn cơm chiều chăm chú theo dõi cuộc thoại cũng phá cười như đang vỗ vai nhau, kiểu ngủ rừng Trường Sơn. Rời máy, tôi quay lại cái hứng thú đột ngột của lá trầu cay đem lại trong cảm xúc nữ tính. Buổi sáng sớm nay, anh Quỳnh đưa tôi đi bộ khắp công trường. Anh Quỳnh dẫn tôi nhẩn nhơ khắp tầng thượng rồi khoát tay chỉ ra sông Hiếu nói: “Tiếc quá sớm nay không có gió. Có gió chị sẽ có cảm giác được phồng căng như cánh buồm”. Có gió, lá trầu xanh, lá trầu cay sẽ lay động suốt tận vào hồn người nỗi yêu đương và trói buộc. Còn khát vọng của cánh buồm là khát vọng ra đi…

Lá trầu và những cánh buồm, tôi lại lật trang thiết kế, lại tản bộ, lại âm thầm tìm bóng dáng chợ cũ và cố hình dung…thả mình chập chờn vào lá trầu cùng với lá buồm đã đạt tới những biểu trưng độc đáo của kiến trúc chợ mới Đông Hà. Trong thuyết minh nội thất chợ của anh Thuận, đứng đâu lại thấm vào tôi cái vũng mưa dưới ngọn lá trầu của cơn mưa rằm mười sáu máu rồng năm 1991, vào ngày khởi công. Chữ nghĩa của anh thuyết trình chừng đâu còn gặỡig được cả văn chương: “Nguyên tắc cơ bản về bố trí nội thất chợ: tính tổ chức văn minh của hoạt động chợ phản ánh truyền thống văn hóa của nhân dân và vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương. Vì vậy, phải có quy định nghiêm ngặt bằng văn bản, phổ biến rộng rãi cho từng chủ hàng… Việc xác định lối đi và quầy sạp trong ô lưới phải gắn liền với ý đồ kiến trúc trần oong đã có đèn chính giữa, sao cho trên và dưới ứng nhau thành một hệ thống, hài hòa…”.

Anh Thuận viết những lời khuôn vàng thước ngọc này vào ngày 6-6-1995 tại Hà Nội, cách đây đúng 45 hôm. Và giờ thì công trường còn 33 ngày nữa phải cắt băng khánh thành. Những ngọn gió sông Hiếu bứt tôi khỏi những ám ảnh kiến trúc mà lại đầy chất văn chương của bản thuyết trình anh Thuận đưa tôi tản bộ, dạo vòng quanh chợ. Chiều qua có cơn mưa rào hơi nam khá mát. Cái nắng hăng hắc bụi bặm và bụi đồi dịu lại. Những đám mây bông nõn nà trôi ngẩn ngơ trong ánh chiều sông Hiếu.

- Chị nhìn xem. Chưa một ai ngoài công nhân bước vào đây với tư cách là khách tham quan.

- Vậy tôi quá may mắn. Xin cám ơn anh.

- Tôi không ngụ ý như chị hiểu. Bấm đốt tay chỉ còn 33 ngày đêm nữa thôi, thì cho dân vào họp chợ. Chị có hình dung nổi nó thế nào không? Chợ tạm, hiện có 2.300 lô hàng kinh doanh có đăng ký. Nghĩa là chợ mới có rộng hơn 200 lô, với điều kiện giai đoạn ba cũng được nghiệm thu...

Giọng người nói chuyện chùng xuống vẻ buồn bã. Anh thở dài đánh thượt. Anh cố dùng những cụm từ kiến trúc thật giản dị để giải thích cho tôi hiểu từng giai đoạn thi công của chợ.

- Nghiệm thu giai đoạn ba là thế nào anh?

- Toàn chợ có tám giai đoạn thi công...

- Thế doi bồi An Lạc sẽ là giai đoạn thứ chín?

- Không. Không thể rót ngân sách với tay làm cầu qua đó.

- Chị nhìn thế thôi, chứ chính lòng sông Hiếu đi qua đây, tạo một triền sông hẳm, còn cái doi bồi kia nó chỉ bằng quả xoài, đang là đất mộ của người chết nước. Biến doi xoài ấy thành nhà hàng nổi e lãng mạn chị ơi…

- Vậy ư?

- Chị đừng sợ. Biết đâu siêu lãng mạn, siêu hiện thực nó lại đẻ ra hiện thực đấy chứ. Đấy là chức năng của các nhà nghệ sĩ, của các nhà khoa học nhân văn. Còn chúng tôi là những con người nắng gió, chỉ bạo liệt thực hành và bạo liệt chấp nhận sự thất bại. Còn chị xem này, tôi thực lòng muốn chỉ cho chị nhìn thấy một hiện thực. Khi cốt chợ được nâng cao, khu dân cư chưa được giải tỏa bị lún sâu xuống một vực nước vô hình. Việc nâng cốt chợ, san đổ đất khoả lên cửa sổ nhà dân chưa giải tỏa là một việc đau đầu, nóng bỏng và bí thế hàng ngày, từng ngày… Mà chúng tôi đành bất lực bó tay bất lực…Khi mà tỉnh còn “Án treo” việc giải tỏa mặt bằng.

- Tôi hiểu. Mưa tháng bảy nước nhảy lên bờ…và đất nhảy lên cửa sổ…

- Đất san nền chợ, đổ khỏa cửa sổ hay ví von như chị là nó nhảy lên cửa sổ, thì thương tình dân lắm. Kỹ sư Bình theo dõi cuộc trao đổi buộc nói như hoạ vào:

- Mưa xuống khu vực 72 hộ ấy, chỉ mưa thôi, chưa có nước chảy, đất nhảy gì cả, thì họ đã trở thành một hố chứa không khác gì hồ chứa khu công viên…

Lại nữa, họ nằm trên khu xây dựng hệ thống cống thoát cho toàn chợ. Không giải tỏa khu này, nghĩa là chợ Đông Hà không có công…Lại nghiêm trọng hơn, khu vực dân cư này, không gia đình nào có được một nhà cầu khả dĩ…

Tôi rùng mình nhìn bao quát khu dân cư chưa giải tỏa.

- Giải tỏa khu vực ấy và giải tỏa khu mặt tiền Trần Hưng Đạo thì mới hoàn chỉnh chợ. Vậy là 72 hộ đấy chị ạ. Chúng tôi đã chuẩn bị đủ đất đủ tiền cho bà con, nhưng tỉnh có thay đổi, có trục trặc gì đó khi trưng cầu ý kiến dân thì phải. Nên quyết định giải tỏa được dừng lại.

- Anh chuẩn bị cho 72 hộ này về đâu?

- Về trục đường Nguyễn Huệ.

- Tuyệt quá. Mặt bằng ở đó đã được anh san ủi.

- Đúng thế. Những bà con nghèo, thân cô, thế cô mơ ước lắm. Bức xúc lắm. Nhưng những hộ nằm dọc mặt tiền Trần Hưng Đạo đang làm ăn thì lo…

Tôi ớ người, chợt nhận ra sự nan giải của vấn đề. Cái cảm giác nhức nhối dội từ cái nhìn của người nói chuyện. Làm tôi vội né tránh như chính là Chủ tịch tỉnh mà cũng bất lực.

- Chi ơi, đấy là một vấn đề nan giải thôi.

- Thế có những mấy vấn đề nan giải?

- Cái nan giải này mà chị quan tâm thì cũng lắm chuyện đây.

- Là nan giải vốn ư?

- Chúng tôi còn một tỷ hiện chưa lấy được nên công trình có ảnh hưởng. Nhưng tôi muốn nói đến cái nan giải, rồi đây cho dân vào chợ bằng phương thức nào? Anh Đinh Tấn Vĩnh giám đốc sở Thương mại có đề ra một phương án nhưng theo tôi, nó có đôi điều mệt mỏi chưa hợp lý, chúng tôi chưa thể ủng hộ hết lòng…Lao vào đợt nước rút…nhưng thật lòng mừng mới đây đã có sự điều chỉnh và chúng tôi lại hào hứng.

- Hình như…Nếu trách nhiệm về anh, anh sẽ được quyền tổ chức đấu thầu lô hàng cho dân…

- Thôi chị, đừng nói trước những điều chưa xảy ra. Hồi Bình Trị Thiên dân vào họp chợ mới Đông Ba là trong cơ chế bao cấp. Dân chẳng ai đóng tiền, ta chẳng ai đứng ra tổ chức đấu thầu lô hàng…Còn bây giờ, tỉnh giao cho thị xã Đông Hà tổ chức đấu thầu lô hàng, nghiệm thu kỹ thuật và lễ khánh thành sẽ làm trong một ngày và lùi lại cuối tháng chín…

- Tôi nghe phong phanh, có ý kiến đề xuất, các hộ tư thương bước đầu đóng năm triệu. Cả việc đề xuất Ngân hàng nên cho tư thương vay vốn đấu thầu vô chợ…Để tỉnh thu hòa vốn, ít ra bước đầu cũng được dăm tỷ, tức là một phần ba vốn đầu tư công trình.

Tôi nhìn anh ngờ vực. Anh hạ giọng tiếp lời tôi:

- Nhưng mà thôi, xin chị bỏ ngoài tai những điều bàn cãi dự tính gay gắt đâu đó khó chịu. Tôi cũng được nghe thông tin và được biết anh Hà Lực thay mặt tỉnh đánh giá Ban quản lý chúng tôi rất cao ở trong kỳ họp hội đồng nhân dân tỉnh khóa III ngày 1-8. Bây giờ tùy chị, các kỹ sư sẵn sàng đi dạo, đi xem xét khắp các vùng chợ, xem chị có nhập cuộc được với bên kiến trúc. Chúng tôi mưa nắng thì quen, lại phải giành giật từng hột thời gian trong từng mẻ bê tông. Cướp giật được với thời gian của trời đất mới là cái khó của cả đời người. Vì lẽ đó mà trộn bê tông, cũng là chất kết dính tình thân ái của thầy thợ, thợ thầy, của bên A, bên B…

Suốt mấy buổi chiều liền hôm nào tôi cũng được các kỹ sư đưa đi dạo, xem xét từng công trình. Hai chiếc đồng hồ cho chợ đặt mua của hãng đồng hồ Hồng Kông. Đồng hồ vuông, mỗi chiều 1,5m, kim phút phải 0,99999m, các kỹ sư cười khi hiểu tôi dùng năm con só chín trực sinh. Ở tầng ba chợ mặt Đông hội trường chợ có cõng một cái hồ chứa 2,5 khối nước cho chữa cháy và sinh hoạt toàn chợ. Tuần trước tôi có đi động Phong Nha, đệ nhất động của Quảng Bình. Qủa thật, cái cảm giác kỳ vỹ của hang động ấy, thật bất ngờ, chợt đâu ùa ngợp vào tôi, khi tôi ngửa nhìn hun hút lên các vòm chợ. Trong những lần cách điệu kiến trúc thoắt ẩn, thoắt hiện, những đường cong, những vòm cong rất nữ tính trinh nguyên và độc đáo. Theo những lời trầm trồ và đánh giá, chợ Đông Hà sẽ là đệ nhất chợ Đông Dương. Điều đó là ý đồ bạo liệt của chủ nhiệm đồ án.

Giai đoạn IV là giai đoạn cầu chợ tầng hai. Chúng tôi tản bộ đi từ cầu thang năm, nhảy cầu thang một rồi băng từ cầu thang ba sang đây. Anh Ủy chỉ các bậc thềm dang dở nói:

- Chỗ này mà không xây bậc thềm cho người đi bộ thì đủ cho các kiểu xe sẽ lao phóng mà xảy ra tai nạn, khi họ cắt thẳng góc lao xe với đường quốc lộ I…

- Về cái cầu này có đến ba làn xe?

- Vâng, một làn đi bộ, một làn cho xe ba gác. Riêng làn qua vòm cầu là dành cho luồng ô tô, đi tuốt thẳng lên Cam Lộ.

- Theo dọc bờ sông chứ anh. Qua chợ cá. Qua…

- Rất tiếc, cầu Đông Hà thấp quá. Chứ không làn xe ấy ta có thể thể hình dung là nó đi suốt từ Cửa Việt lên, từ bờ hữu ngạn…Thực ra cái làn xe đi suốt Cam Lộ này là anh Thuận chữa cháy…

Nếu như cầu Đông Hà cao lên có thể có hai làn xe chạy dọc hai bờ sông, thì quá lý tưởng…

Thôi chào nắng chiều rơi muộn trên sông Hiếu. Những ước mơ của lòng người sau mỗi đêm hãy cứ thức dậy bình thản như vầng dương trước một hiện thực đầy trả giá nhưng cũng đầy hy vọng. Phải chăng, vì thế cái ý tưởng chợ Đông Hà như một đoàn tàu nuôi khát vọng ra khơi của anh Thuận, mà riêng tôi lại vọng hoài đến sự cách điệu hình cong lá trầu của duyên thì con gái, thích trói buộc và thích mơ mộng trước tất cả những gì đã nếm trải, nên càng nồng thắm, thể như vôi hồng gặp lá trầu xanh của hồn chợ dân gian trong âm hưởng của phù sa sông Hiếu.

Phù sa ơi, còn đây những ngôi sao năm cánh!

Những ngôi sao thời cứu nước điệp triền sông…

 

                                                                    P.T.H.

Phạm Tuyết Hoa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 14 tháng 11/1995

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

11 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

15 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/02

25° - 27°

Mưa

08/02

24° - 26°

Mưa

09/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground