Chợ Đông Hà ngoài kiến trúc hài hòa còn là nơi nổi tiếng với những món ăn dân dã - Ảnh: B.N
Từ ăn sáng đến ăn trưa, ăn chiều (ăn bữa lỡ, bữa xế) đến ăn tối, ăn khuya, anh bạn tôi có thể liệt kê vô vàn món với những quán đặc trưng. Anh bạn vừa thổ địa vừa sành ăn, quán ở hẻm hóc nào cũng nhớ, chủ quán già trẻ gái trai đều biết, là con cháu dâu rể gì đứng chế biến ở góc bếp anh cũng hay. Anh đùa, tại anh là “chuyên gia ăn hàng”. Từ “ăn hàng” ở đây có thể hiểu nôm na là ăn ở ngoài hàng quán, ăn món bình dân hoặc một cách khác để gọi thay từ ăn vặt.
Người Việt thường lấy miếng trầu làm đầu câu chuyện, hình dung mọi việc từ xa lạ đến thân quen đều bắt đầu từ việc ăn uống. Đôi khi chuyện mời ăn uống được xem là thước đo tình cảm con người. Tùy đối phương là ai, bạn sẽ mời người ta vào quán ăn phù hợp. Có quán sang trọng, có quán bình dân, có quán vỉa hè. Ngồi quán nào, ăn món gì đôi khi tùy thuộc vào tâm trạng, thời tiết ngày hôm đó. Bạn tôi sành ăn và rành rẽ nhiều quán xá nhưng luôn đánh giá cao những quán vỉa hè bình dân.
Anh sinh ra và lớn lên ở làng Điếu Ngao, thuộc địa bàn phường 2, đây được xem là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống lâu đời nhất ở Đông Hà. Dù Đông Hà có nhiều đổi thay, làng Điếu Ngao vẫn giữ hồn cốt, bản sắc của làng trong nhịp sống xô bồ hiện đại. Hình như bởi vậy nên người ở đây cũng mang chút dáng dấp cũ, yêu thích cũ xưa, những gì thuộc về truyền thống, lâu năm. Món ăn hay quán ăn cũng vậy. Và phường 2 cũng là cái nôi ẩm thực của người Đông Hà. Nơi đây tập trung nhiều quán ăn ngon, hoạt động trên mấy chục năm, được trao truyền từ nhiều thế hệ trong gia đình. Lễ hội ẩm thực phường 2 tổ chức thành công trong hai năm liên tiếp 2023, 2024, thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách tham gia thưởng thức là một minh chứng cho sức hút của ẩm thực nơi đây. Nên chi, nhắc chuyện đi “ăn hàng”, người Đông Hà thường rủ rê nhau về phường 2 là vậy.
Bài viết này không mang tính liệt kê những món ăn ngon của Đông Hà, bởi dĩ nhiên, liệt kê trong khuôn khổ bài viết thì tôi sợ không đủ. Hơn nữa, cần phải nói rõ rằng cái ngon dở mặn nhạt trong ẩm thực cũng tùy cảm nhận, tùy khẩu vị của mỗi người. Và đôi khi, món ăn ngon dở, đáng nhắc nhớ hay sớm lãng quên cũng vì món đó gắn với kỷ niệm khó quên với người thưởng thức. Thế nên, ở góc độ cá nhân, từ tôi và anh bạn sành ăn của tôi, hãy cùng chúng tôi dạo quanh thành phố, cụ thể là phường 2 để điểm qua vài ba món ăn dân dã.
Anh bạn tôi cho rằng nếu kể món ăn hàng đầu tiên mà từ trẻ nít đến người trưởng thành đều thích thú đó là món thấu, hay còn gọi là mít thấu. Món ăn đơn giản được kết hợp từ mít non, miến, da heo, đậu phộng, ăn kèm rau sống và bánh phồng tôm, nước trộn dùng kèm là xì dầu pha ớt tỏi. Ngày rằm hay mồng một, chủ quán đổi sang thành mít thấu chay để phục vụ khách cũng đơn giản: thay da heo bằng những miếng đậu phụ rán. Một tô mít thấu có giá khá mềm, chỉ từ 10.000đ - 15.000đ. Ai muốn ăn no bụng có thể mua thêm. Là món ăn vặt thường được dùng trong bữa xế chiều, một tô mít thấu như thế ăn vừa lót dạ, đủ lấp cái bụng đói nhưng không quá no, không đầy bụng đến nỗi bỏ bữa cơm tối. Mít thấu được bày bán vỉa hè, người bán đựng tất cả nguyên liệu trong một cái thau, khách đến thì chỉ cần múc ra tô rồi chan nước trộn. Từ học trò đến người lao động, tan học tan làm có thể ghé vỉa hè làm một tô mít thấu đơn giản mà ngon miệng.
Một góc ngã tư “ăn hàng” đường Kim Đồng, phường 2 - Ảnh: K.A
Một món ăn đường phố phải kể thêm đó là bún nghệ, món ăn vặt có tác dụng trị ho còn có tên gọi đầy đủ là bún nghệ xào lòng. Món ăn làm từ các thành phần chính là bún, lòng heo và nghệ tươi. Ngoài lòng, người bán còn sử dụng thêm các phần nội tạng heo như gan, lòng non và huyết (tiết luộc). Tất cả các nguyên liệu, đặc biệt nội tạng được chế biến sạch sẽ. Theo người bán, nguyên liệu thường được ướp mắm, muối, tiêu, hành và nước nghệ, sau khi ngấm gia vị thì được đem xào nhanh. Không thể thiếu một phần cốt nghệ tươi được đem giã nhỏ, thêm gia vị rồi xào chín tới cùng các nguyên liệu. Bún sẽ được xào trong chảo riêng, đảo nhanh để bún không mềm, nát. Sau đó, đổ phần lòng đã chế biến trước và nước nghệ vào trộn chung với bún. Bún nghệ khi được đem bán thường được đựng trong một chiếc thau, phía dưới là bếp than giữ cho nồi bún nghệ luôn nóng. Bún nghệ hấp dẫn là ở chỗ đó, ăn nóng mới ngon. Do có bếp than liu riu nên phía dưới đáy thau luôn có lớp bún dính nồi, cháy sẹm. Nhiều người có thú ăn phần cháy cạnh này, bước vào quán luôn dặn người bán cho miếng cháy. O bán hàng sẽ dùng chiếc vá cạo đáy thau rào rạo, vớt ra một mảng bún cháy sẹm rồi đặt trên tô bún, ai ưng ăn cay ăn mặn thì chan thêm chút nước mắm biển sẵn tỏi ớt. Bún nghệ được bán nhiều ở các vỉa hè, là món ăn lót dạ buổi chiều của nhiều người lao động.
Một món ăn khác có thể xem là đặc trưng của Đông Hà đó là cháo bột vịt. Cháo bột vịt ngon nhất khi được nấu bằng vịt cỏ, tức vịt được nuôi theo phương pháp tự nhiên, vịt ăn rau, cám, lúa nên thịt thơm, dai thay vì vịt nuôi bằng thức ăn công nghiệp thịt sẽ bở. Vịt sau khi làm sạch sẽ được chặt thành miếng vừa ăn rồi ướp với gia vị, sau đó um trên lửa liu riu. Khi thịt vịt thấm thì cho nước nóng vào hầm thịt, chừng nào thịt vịt đủ mềm mới cho bột vào nấu. Cháo bột vịt thường được nấu bằng bột mì hoặc bột gạo, những quán vỉa hè thường nấu sẵn, bỏ bột sẵn rồi để lửa nhỏ. Khách vào ăn thì múc cháo vào tô rồi rắc rau màu, là ném, ngò hay hành lá. Chẳng hiểu sao để lửa như thế nhưng bột vẫn không bị nát, ăn vẫn mềm và ngon, từ tô đầu tiên đến tô cuối cùng trong nồi, cháo bột vẫn không bị nhão và giữ nguyên hương vị. Tô cháo bột vịt thường được ăn kèm với bát nước mắm gừng tỏi ớt, thực khách xé thịt vịt ăn kèm bát nước chấm. Cháo bột vịt ngon khi thịt vịt đủ mềm, bột không quá dai, nước dùng ngọt, béo thơm sóng sánh màu vàng ươm của mỡ vịt. Nhiều người Quảng Trị đi xa, thường thèm nhớ tô cháo bột vịt như vậy.
Ở Đông Hà, để có nhiều sự lựa chọn, bạn có thể xách xe đến các ngã tư để ăn hàng. Các ngã tư này thường xôm tụ, tấp nập người vào buổi sáng và chiều, như ngã tư Kim Đồng, ngã tư Phan Huy Chú, ngã tư Đặng Dung… thực khách có thể thưởng thức tất cả các món ăn đã kể trên. Ngoài ra, những món cơ bản khác như bánh bột lọc, bánh bèo, bánh ướt, cháo bò, cháo cá, cháo lòng, bún mắm… Hoặc một số tuyến đường chuyên quán ăn vỉa hè bình dân như khu vực ngã ba Đinh Tiên Hoàng, ngã tư sân vận động Nguyễn Huệ, ngã ba Trần Phú… đều bày bán phong phú các thức ăn ngon, đặc trưng.
Bên cạnh đó, nhắc đến những địa điểm ăn hàng ngon rẻ ở Đông Hà thì không thể thiếu nơi được xem là “thiên đường” món ăn vặt, đó là khu vực ẩm thực của chợ Đông Hà. Tôi thường chọn chợ Đông Hà khi khách của mình không có thời gian để la cà hàng quán này nọ. Trong một thời gian ngắn, có thể vừa ăn vừa thăm thú cảnh quan, vừa thưởng thức đầy đủ tròn trịa ẩm thực quê nhà thì chợ Đông Hà luôn là lựa chọn sáng suốt. Bạn có thể chọn hàng quán ở phía trong khu nhà vòm hoặc chọn ngồi ăn ở các gánh hàng phía ngoài khuôn viên chợ. Có thể nói, món nào cũng có, vừa ngon vừa rẻ. Cũng như nhiều người khác, tôi đánh giá cao chất lượng các món ăn ở chợ Đông Hà. Tôi nghĩ tại hàng quán ở đây trước hết phục vụ cho các chị em tiểu thương trong chợ và người đi chợ, những người có nhu cầu hàng ngày, giả sử chất lượng không như ý thì khó mà tồn tại. Chợ Đông Hà luôn là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa, có thể thăm thú cảnh quan của ngôi chợ có kiến trúc độc đáo, mua sắm hàng Lào, Thái và sau cùng là lót dạ bằng ẩm thực đặc sản của địa phương. “Đi chợ Đông Hà ăn hàng” cũng là một câu rủ rê quen thuộc tôi thường được nghe từ các chị em đồng nghiệp. Dù bên ngoài có nhiều hàng quán bao nhiêu thì ẩm thực tại chợ Đông Hà vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng người dân địa phương và du khách.
Giống như những thành phố khác, khi ở vị trí là trung tâm văn hóa, kinh tế của tỉnh nhà thì việc đi tìm món ăn ngon lạ ở Đông Hà không khó. Thành phố là nơi tập trung nhiều quán xá, ở mọi cung đường đều có thể tìm thấy quán ăn. Ẩm thực đa dạng cũng là một trong những yếu tố đầu tiên để một thành phố thu hút du khách. Ở Đông Hà bây giờ đi tìm quán sang trọng không thiếu, quán bình dân thì vô vàn, quán vỉa hè cũng không đếm xuể. Món ăn đa dạng từ nhiều vùng miền, bạn có thể ăn phở Hà Nội của người miền Bắc bán, ăn mì Quảng do chính tay người Quảng nấu, ăn hủ tiếu miền Nam, bánh cuốn Đà Nẵng, lươn xứ Nghệ… Thế nhưng vẫn có một lớp người chỉ trung thành với những món ruột nguồn cội chỉ có ở Đông Hà, Quảng Trị như anh bạn tôi, dẫu nếm bao nhiêu món vẫn quay về trung thành với vài ba món dân dã quê nhà thôi.
Mít thấu - món ăn dân dã được nhiều người yêu thích - Ảnh: K.A
Tôi nghĩ, ẩm thực quả có sức mạnh lớn lao trong việc kết nối mọi người lại với nhau. Cùng ăn cùng uống luôn là khởi đầu của mọi việc. Ẩm thực cũng là điều gì đó luôn gợi nhớ gợi thương, đưa người ta trở về với ký ức, kỷ niệm. Hơn hết, chuyện ăn bao đời nay đã được người Việt đúc kết thành đạo lý và quan niệm sống. Tôi thường tin tưởng những gì lâu năm. Lẽ dĩ nhiên, qua biến thiên thời gian, nó vẫn còn tồn tại nghĩa là có lý do để tồn tại. Những hàng quán đã bán từ 20 - 30 năm luôn là một điều gì đó đáng trân trọng, đáng ngưỡng mộ, đáng thưởng thức. Mà ở Đông Hà, những hàng quán ấy khá nhiều. Như món mít thấu o Chanh ở vỉa hè đường Đặng Dung, bún nghệ o Rô ở ngã tư Kim Đồng, cháo cá mụ Liên ở đường Nguyễn Trãi, cháo bột vịt o Thảnh ở khu chợ Lao Bảo… đều là những hàng quán lâu năm.
Ngày nay, với sự nhanh nhạy của người trẻ, việc lan tỏa ẩm thực địa phương luôn được tôn vinh. Trên Facebook, tôi để ý thấy nhóm Review ẩm thực Đông Hà đã có gần 42.000 thành viên, luôn tích cực chia sẻ các hàng quán, món ăn địa phương. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ ở địa phương khác đến Đông Hà, Quảng Trị thường vào nhóm để hỏi vài thông tin liên quan đến nơi ăn chốn ở trong những ngày lưu lại Đông Hà và được chỉ dẫn tận tình tận tâm. Sự phát triển của một thành phố dĩ nhiên cần nhiều yếu tố, niềm nhiệt tình của những người trẻ và đam mê lan tỏa ẩm thực của anh bạn tôi cũng là một đóng góp nhỏ để tạo ấn tượng, níu chân du khách ngang qua vùng đất nắng gió này.