Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lan man nơi đồng sâu, đồng cạn

Trong dân gian, từ lâu đã truyền tụng câu ca dao mà thoạt tiên khi đọc lên, thường không để lại ấn tượng gì đặc biệt, nhưng càng đọc, càng ngẫm ngợi, càng thấy tầm khái quát đầy chất minh triết của cha ông về cái nghề muôn năm cũ nhưng luôn tươi mới cho đến tận ngày hôm nay, nghề trồng lúa nước.
Cố công sống mấy nghìn năm
Để xem thửa ruộng mấy trăm người cày
Theo lý giải của Giáo sư Bùi Huy Đáp trong tac phẩm báo chí "Hệ thống canh tác lúa nước ở  nước ta" đăng trên báo Nhân Dân, tháng 12-2001, đất lúa nước có thể sử dụng lâu dài, là cơ sở của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Mực nước trong ruộng lúa làm cho đất lúa có tính ổn định. Mực nước bảo vệ đất, chống bào mòn trên bề mặt và chống xói mòn theo chiều thẳng đứng do đó duy trì được lớp đất màu trên mặt đất. Hệ thống canh tác lúa nước bảo vệ lâu dài đất lúa. Ruộng lúa nước ở làng Tứ Xã, vùng đất Tổ Phong Châu, Phú Thọ được khai thác cách đây 4.500 năm và có đủ các di chỉ các nền văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun, văn hóa Đông Sơn... đến nay vẫn được dùng để trồng lúa nước.
Còn đối với Quảng Trị thì sao?
Địa hình đất này nhỏ hẹp, từ Đông sang Tây  là một trong những nơi eo thắt nhất ngang mình đất nước, chỉ độ khoảng hơn 100 km. Vùng núi và gò đồi lấn ngang ra biển nên tạo độ dốc khá lớn, gây bất lợi khi có thiên tai, bão lũ. Vùng đồng bằng nhỏ hẹp, kéo một vệt không liền mạch từ Vĩnh Linh vào đến Hải Lăng, len lỏi giữa diện tích manh mún đất ba dan, đất phù sa cổ, đất cát pha, đất sét pha,  tiếp nối là những trảng cát trắng mênh mông, tít tắp chân trời. Đồng bằng Quảng Trị, nhất là vựa lúa Triệu Phong, Hải Lăng luôn ở trong tình trạng chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn, nên làm được hạt lúa trên đồng đất ấy, người nông dân phải cực nhọc gấp nhiều lần nơi khác mà xác suất mất mùa, thua giá thì lại luôn thường trực, dường như có lúc chực chờ ngay trên bờ ruộng!
Điều lạ lùng là không bờ xôi ruộng mật,  luôn ở trong tình thế bất lợi do các loại hình thiên tai tác động, có khi liên tục trong cả hai vụ chính, với cấp độ tàn phá khủng khiếp, từ rét đậm, rét hại, lốc xoáy, bão, lũ, cát bay, cát lấp... nhưng nghề trồng lúa ở Quảng Trị vẫn đứng vững, sản lượng lương thực có hạt ổn định liên tục từ năm 2006 đến năm 2008 đạt trên 22,6 vạn tấn, tăng 16% so với năm 2000. Tỷ lệ 16% này tương đương với 3,2 vạn tấn lương thực, một mức tăng trưởng vô cùng lớn và cực kỳ có ý nghĩa nếu xét trong bối cảnh phải triển khai sản xuất với điều kiện khó khăn đặc thù như Quảng Trị.
Để có thể đạt được năng suất và sản lượng cao trong thâm canh lúa nước, không còn cách nào khác, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã sớm xác định đúng đắn và có hướng đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào hai mũi giáp công là công tác giống  và hệ thống thuỷ lợi. Giải quyết tốt hai lĩnh vực này, xem như đã nắm chắc phần thắng đến 50%.
Những năm qua, việc nghiên cứu, triển khai các đề tài khảo nghiệm các giống lúa có năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán canh tác đã đưa tỷ lệ giống lúa mới vào sản xuất chiếm 90% diện tích. Nhờ vậy, năng suất bình quân của các loại giống lúa truyền thống như dâu, dọn, dầm, de... lẹt đẹt từ 3 đến  4 tạ/ha, có khi gặt về rơm rạ nhiều hơn hạt thóc, bây giờ đã vượt lên 45-52 tạ/ha/vụ, cá biệt có nơi đạt trên 60 tạ/ha/vụ. Như vậy, có thể thấy yếu tố công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã biểu hiện rất rõ ngay từ trong khâu chọn giống để thâm canh, đó là làm sao thu được năng suất cao nhất trên một đơn vị diện tích canh tác nhỏ nhất. Ngành NN-PTNT cũng đã điều tra, nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng, sản xuất nguyên chủng giống lúa chất lượng cao, nắm vững hiện trạng các giống lúa mới chất lượng cao và tất cả các giống lúa nước đang được sản xuất trên địa bàn tỉnh, từ nguồn gốc cho đến diện tích năng suất, tính chống chịu thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh tàn phá, các đặc tính nông sinh học của từng loại giống. Từ đó rút ra kết luận ban đầu cho từng loại giống để định hướng, phát triển, nhân rộng, đó là một tập đoàn giống lúa chất lượng cao cho xuất khẩu và sử dụng nội địa như HC95, DT 122, AYT 77, CL99, OMC96, OMC2000, CM64, P1, P6, IR50404, QT2000, Khaodawk, Zasmin 85, VĐ20. Trong nghiên cứu chọn dòng, sản xuất giống nguyên chủng, đã chọn và sản xuất được 120 dòng G1, cuối vụ hè thu đã tuyển chọn lại được 7 dòng đạt yêu cầu để làm G2 cho vụ đông xuân 2001-20002 sản xuất ra giống nguyên chủng. Địa điểm sản xuất tại Trại giống lúa Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, tuyển chọn được bộ giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiên sinh thái cho cac tiểu vùng ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh. Trại giống cấp 1 thị xã Quảng Trị cũng đã chọn dòng gồm 2 giống HC95 và P6, kết quả đã chọn được 166 dòng và thu được lượng giống siêu nguyên chủng của 2 loại giống này trong vụ Đông- Xuân 2001-2002 là 585 kg. Vụ Hè- Thu 2002 đã sản xuất ra G2 của 2 giống HC95 và P6, thu được 250 kg giống siêu nguyên chủng. Đây thực sự là kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận trong công tác giống của ngành nông nghiệp Quảng Trị, có một ý nghĩa lớn lao để có thể thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng sản lượng cây lúa cả trong hiện thời và tương lai.
Các cán bộ khoa học của ngành cũng đã dày công tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng một số sinh thái nông nghiệp, biện pháp thâm canh tác động đến việc tăng năng suất, chất lượng cao tại đồng ruộng HTX Nại Cửu, Triệu Đông, Triệu Phong và HTX Đại An Khê, Hải Thượng, Hải Lăng. Qua  2 năm nghiên cứu đã xác định được ngưỡng phân bón hóa học đối với phẩm cấp gạo của các giống chất lượng cao; xác định được quy trình sản xuất riêng cho lúa chất lượng cao, phân tích được một số chỉ tiêu lý hóa của đất và gạo đầu vụ, cuối vụ sản xuất. Đến nay giống lúa chất lượng cao như HC95, P6, HT1...đang được sản xuất trên địa bàn tỉnh với diện tích trên 9.000 ha, sản lượng đạt khá, phẩm cấp ngon, xuất bán nội địa và có tham gia xuất khẩu.
Bên cạnh giống lúa, công tác thủy lợi đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong  việc đảm bảo năng suất và sản lượng cây lúa tăng đều qua các năm. Nhờ phát huy tốt hiệu quả của công tác thủy lợi, đã đưa tổng diện tích được tưới chủ động trong toàn tỉnh từ 28.000 ha/năm (năm 2000) lên 40.000 ha/năm (năm 2008), góp phần ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng cho hàng nghìn héc ta đất ruộng, tạo điều kiện đưa tiến bộ KH-KT sản xuất nông nghiệp vào thâm canh, tăng năng suất cây trồng.
Đáng chú ý là đề tài sản xuất thử, thử nghiệm cải tạo môi sinh vùng cát ven biển đã góp phần thuần hóa được hơn 5000 ha đất cát di động, đưa thêm 2000 ha đất cát được cải tạo vào sản xuất nông nghiệp ổn định, tạo ra được hơn 500 ha rừng phòng hộ, chọn được tập đoàn giống cây lương thực, thực phẩm có giá trị kinh tế cao và tạo điều kiện di giản dân tại chỗ, xây dựng làng sinh thái trên vùng cát. Kết quả của đề tài được đánh giá là có tính khoa học và thực tiễn rất cao, được các địa phương có vùng cát ứng dụng thành công. Điển hình như huyện Triệu Phong đã xây dựng được 11 làng sinh thái với 723 hộ dân đang sinh sống ổn định, trồng được 2.500 ha rừng và tổ chức tốt mô hình nông- lâm kết hợp trên vùng cát ngàn đời nay đã bị bỏ hoang hóa.
Ở Quảng Trị sau ngày giải phóng, sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh và thiên tai hoành hành thường xuyên đã biến những thôn làng trù mật trước đây thành những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ (Chế Lan Viên). Trong bối cảnh đó, để vực dậy một nền nông nghiệp trên mảnh đất khó nghèo Quảng Trị, từng bước khai hoang phục hóa, ổn định đời sống nhân dân vùng Triệu - Hải -  Đảng, Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Cả tỉnh lớn Bình Trị Thiên thời bấy giờ đã dồn tất cả nhân lực, công cụ, phương tiện, kỹ thuật, cả gạo cơm, khoai sắn... để ra quân mài  miệt trên công trường, bất chấp nắng cháy như thiêu đốt, mưa rét cắt da cắt thịt, bụng đói và thiếu thốn trăm bề. Công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn ra đời khẳng định đến cùng sức mạnh của một tầm nhìn chiến lược trong việc đưa khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xã hội một cách hiệu quả và bền vững. Hơn ba thập kỷ đã qua, giá trị nhất là ở chỗ, công trình vẫn còn nguyên tính hữu ích và  ngày càng phát huy công năng của một hệ thống thủy lợi đóng vai trò chủ công trong tưới, tiêu cho cả vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam của tỉnh. Hiện nay, từ thực tế quản lý công trình thủy nông Nam Thạch Hãn, ngành NN-PTNT đã nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, thi công đập cao su có chiều dài 135m, cao 2m (là công trình lớn nhất Việt Nam thi công theo dạng này) nhằm tăng thêm dung tích nước ở thượng lưu đập lên 11,5 triệu m3, tăng khả năng tưới thêm được 700 ha, vừa đảm bảo không ngập lụt cho vùng thượng nguồn trong lũ chính vụ. Trên tuyến còn có những công trình được xây dựng với chất lượng cao, áp dụng công nghệ mới trong thi công, vận hành như cống An Tiêm với nhiệm vụ chuyển nước tưới trên kênh N1, ngăn mặn trong mùa khô, phân lũ trong mùa lũ chính vụ, cấp một lượng phù sa đáng kể cho vùng hạ du. Cống đập Việt Yên với nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn nước tưới cho vùng cuối kênh N1 và N3 Nam Thạch Hãn. Đặc biệt là hệ thống cửa đóng mở tự động ứng dụng công nghệ mới, chống ăn mòn kim loại cánh cửa cống đã giúp cho công tác vận hành, quản lý sử dụng thuận lợi và giảm chi phí sửa chữa thường xuyên hàng năm.
Cùng với Bảo Đài (Vĩnh Linh), Hà Thượng, Trúc Kinh (Gio Linh), Tân Độ (Hướng Hóa), Khe Chanh, Thác Heo (Hải Lăng), Hiếu Nam, Đá Lả, Nghĩa Hy (Cam Lộ)...dù hiện thời một số công trình đang có những dấu hiệu xuống cấp do thời gian khai thác quá dài trong điều kiện thiên tai thường xuyên tác động, nhưng như những mạch nguồn của sự sống, suốt mấy thập kỷ qua, các công trình thủy lợi này cùng với hàng trăm ngàn mét kênh mương các cấp đã tỏa rộng, vươn dài, len lõi, âm thầm làm tròn phận sự là chuyển dòng nước ngọt về tận các chân ruộng, góp một phần cực kỳ quan trọng trong việc giữ vững và nâng cao năng suất cây trồng, cung cấp nguồn nước sạch cho dân sinh, cải thiện hệ thống giao thông nông thôn và đảm bảo môi trường sinh thái trên một khu vực nông thôn rộng lớn của tỉnh nhà.
Sẽ ra sao nếu trên vùng đất khô cằn Quảng Trị không có các giống lúa chất lượng cao đứng chân, thay thế một cách nhanh chóng và kiên quyết những giống lúa đã thoái hóa, năng suất thấp, không đủ nuôi người?
Sẽ ra sao nếu trên vùng đất khát Quảng Trị không có các công trình thủy lợi tầm cỡ như Nam Thạch Hãn,  Bảo Đài, Trúc Kinh, Hà Thượng, Nghĩa Hy...?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã cung cấp thông tin rằng, có một loại đất được gọi là đất  có cấu tượng, đó là loại đất mà chất mùn do vi sinh vật tạo ra đã liên  kết đất lại thành các viên có kích thước vừa phải, không lớn như cát, không nhỏ như đất sét, nhờ đó mà mang lại độ phì nhiêu cho đất, vì tạo nên các khe hở để giữ nước, giữ không khí và giữ các chất dinh dưỡng cho cây trồng. Muốn có đất cấu tượng phải trải qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm.
Với Quảng Trị, không được ân tứ của thiên nhiên ban tặng cho thật nhiều loại đất cấu tượng. Đất ở Quảng Trị liên tục qua mấy trăm năm đều gắn với những biến động của giang sơn, đều thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của người đi khai phá, của người giữ đất, giữ nước. Thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người Quảng Trị đã không hổ thẹn với tiền nhân khi đã biết mở rộng ra, làm giàu có thêm vốn liếng đất đai, tiềm năng đất đai bằng chính tri thức và sức mạnh cộng đồng của mình.
Trong bốn yếu tố căn cơ làm nên thành công trong thâm canh cây lúa: nước, phân, cần, giống truyền thống, yếu tố đầu tiên là nước và yếu tố cuối cùng là giống, lại chính là lĩnh vực mà ngành NN-TNT Quảng Trị đầu tư công sức, trí tuệ nhiều nhất và thực tế đã đem lại nhiều thành công nhất trong chỉ đạo, phát triển nông nghiệp như ngày hôm nay.
Sự chịu thương, chịu khó, một nắng hai sương của người Quảng Trị thì không còn gì bàn cãi.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, để có lượng phân bón cung cấp đầy đủ cho đồng ruộng cũng không còn là vấn đề đáng bận tâm nữa.
Mãi mãi vẫn là hình ảnh yên hòa đồng cạn, đồng sâu, nước nôi,  phân bón, giống má và sự cần cù nhẫn nại của bao thế hệ người Quảng Trị từ bấy đến giờ.
Để đất nước có sự nương tựa vững bền, tự tin đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để mãi mùa xuân ở lại cùng ta.
 
Đ. T.T
Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 173 tháng 02/2009

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground