Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lần trang số cũ, chắp nối đôi dòng

L

ại mùa thu, lại trống trường mọi phía. Kỷ niệm một thời xa lắc lại về, thức dậy những gì xôn xao, sâu lắng: Trường tôi – Cấp 3 Vĩnh Linh ngày ấy.

...

Năm học 1959-960, trường ra đời với hai lớp tám.

Một đội ngũ quản lý mới chưa từng quản lý cấp 3.

Một đội ngũ thầy giáo mới chưa từng làm thầy – những sinh viên từ các trường đại học hiếm hoi trên miền Bắc đến. Nghĩ cũng nhắc lại một tý. Một tý thôi để ghi nhớ sự hy sinh và thêm cái gì đó như một nét riêng biệt của trường. Những thầy giáo từ Hà Nội, Hà Đông, từ Nghệ An, Thanh Hóa, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến. Và thật hay, tuy nước non chia cắt nhưng ở đây cũng có các thầy Bình Định, Khánh Hòa, Thừa Thiên, nam Quảng Trị.

Cả hai miền hội tụ, ở một trung tâm. “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một!...”. Phải chăng đây là chỗ chứng minh.

...

“Trường tôi trên đỉnh đồi...” (1) đĩnh đạc uy nghi, mênh mông trìu mến. Rồi sáu mươi khóa hai, sáu mốt khóa ba..., sáu tư khóa sáu.

Lại “mẹ đưa con vào trường...” (1), lại thêm trò thêm lớp và thêm luôn cả thầy giáo nhiều nơi.

“Trường tôi trên đỉnh đồi...”. Nơi đây sáng chiều trên gác lớp, dưới tầm mắt thầy trò đồng ruộng, xóm làng Long, Lâm, Sơn, Thủy và cả một đôi bờ khúc sông Hiền cứ tưởng bức tranh thủy mạc sinh động, bình yên...

Thanh bình là vậy, yên ả là vậy. Nhưng không! Cả Vĩnh Linh trong tấp nập đời thường đã xuất hiện sự nghiêm trọng, khẩn trương, nặng nề và chờ đợi...

...

Ngày 8 tháng 2 năm 1965, nhằm ngày mùng 7 tháng giêng Ất Tỵ, một ngày ghi nhớ! Học trò, thầy giáo mới trở lại trường vài ngày sau nghỉ tết. Dư vị, dư âm, chuyện tết, chuyện vui chen chúc. Buổi chiều, tiết học thứ ba, máy bay Mỹ đến. Trường bị trận không kích đầu tiên vào Vĩnh Linh. Bom đạn long trời. Trường đổ, mái tan. Một thầy và bảy trò đã ngã. Một ngày xuân đau đớn xót xa...

Từ đây trường chia mọi ngã: Vĩnh Hòa, Vĩnh Tân rồi Vĩnh Nam, Vĩnh Lâm, Vĩnh Tú. Từ đây phải mái tranh, lũy đất ánh sáng bốn bề. Thật khổ cho thầy trò những ngày gió lạnh. Trường chia lắm chỗ. Lớp học nhỏ ra. Thầy đủ hóa thiếu. Những bộ môn ít tiết, thầy giáo đầu tuần từ phân hiệu này dạy quanh một vòng đến cuối tuần mới về nơi xuất phát. Hội tổ chuyên môn cũng quanh vòng mỗi chỗ trong tuần. Thì ra dù ở trường học thời chiến nhưng đâu có được tùy nghi. Cũng “quy lát” cũng “công nghiệp” lắm. Không vậy cuối năm sẽ thi tốt nghiệp làm sao. Ai linh động cho thời gian và những tiết nhỡ ra đã bỏ.

Gian lao vất vả nhưng được một đội ngũ nhiệt huyết nặng tình. Và đội ngũ ấy, những con người cụ thể ấy, hầu hết là quê hương xứ khác...

Chương trình là pháp lệnh nhưng nếu không có những nghị quyết sát đúng, những phong trào lớn của chi bộ Đảng, của Đoàn trường, của Công đoàn thì không sao có những kết quả vui mừng trong dạy, học của một trường ở một vùng có chiến tranh ác liệt. Hai lần được cờ thưởng thi đua của Bộ và hai lần được nhận Huân chương. (2)

Thời gian ác liệt của những năm sáu sáu, sáu bảy, một trong những phong trào tâm huyết của Đoàn trường: Chủ đề “Sống lại quãng đời học sinh” phát động. Thầy giáo đoàn viên hàng tuần đều có những buổi cùng về, cùng đi, cùng học với học trò để hiểu thêm hoàn cảnh, điều kiện và mức độ tiếp thu. Để làm gì? Mục đích ấy chắc ai cũng dễ dàng hiểu được.

Thật kính yêu trân trọng những việc làm cao cả!

Thời gian trôi. Dòng đời trôi. Liệu đến nay còn ai quên nhớ...

...

Chiến tranh ngày thêm ác liệt.

Mùa thu 1967, thêm lần nữa trường lại ra đi. Lại hy sinh mất mát: Ba thầy giáo, một học trò vĩnh viễn không về và một thầy nữa bị thương trên đường làm tiền trạm...

Trường đến Tân Kỳ, Nghệ An lại thêm gánh nặng. Cái ăn, cái mặc, chỉ đạo dạy dỗ học hành.

Một cuộc sống mới bắt đầu.

Với học trò, từ đây bạn bè, thầy cô là ruột thịt, là cha mẹ anh em, yêu thương đùm bọc. Một mái ấm gia đình. Một tình yêu cuộc sống...

Không nhớ, không yêu sao được. Bao kỷ niệm buồn vui trong ký ức chẳng mờ. Chẳng “Lính thú đời xưa” (3) cũng “ăn măng mai, măng trúc” (3); dạy, học là trung tâm cũng “đẵn gỗ chém tre” (3). Những “ông thợ mộc học trò” của cái địa chỉ TC3K12  ấy chỉ cần mỗi lớp góp vài lưỡi cưa và năm bảy dao đăn thế là xong tất. Củi đun, nhà ở, lán lớp đều xong, cũng dọc ngang cạnh góc sạch sẽ đàng hoàng. Hương Sơn, Nghĩa Hoàn, Rú Mồ, Rú Ổi. Những chỗ hoang sơ này bừng lên sức sống. Những đêm hội diễn, hội văn với “Gieo mầm”, “Nổi gió” với “Hăm lét”, “Rômêô...”. Ước ngày ấy là bây giờ thì đến nỗi gì, những nhân vật đại úy, thiếu tá, những nghị gật, nghị gà...phải thắt cà vạt bằng những mảnh giấy màu và đài các như Thúy Kiều, áo xống bảnh bao như anh chàng họ Mã phải dùng dép Tiền Phong và đôi ủng xám. Năm nào cũng có những ngày hội toán, hội hóa, hội sinh...Những chóp, những cầu, những cos, sin, đẳng thức và luôn có những chậu mạch nha ngọt vị mầm lúa đồng quê. Nhớ nhất là những cuộc đá bóng đêm của các cậu ở lại trường những ngày áp tết. Cả chục cây đèn ống nứa quanh sân ồn ào giữa trời đêm gió lạnh. Đẹp! Cái đẹp thiên thần. Dù đó đây mất dăm mười quả cam, quả quýt nhưng cuộc sống thật dễ thương. Thường tình thôi. Quỷ ma chẳng có thì lũ học trò nhảy lên đứng hàng thứ nhất. Ồn ào vậy đó nhưng học hành chăm chỉ ra trò. Kỳ thi nào cũng chặt, cũng nghiêm, tỷ lệ đạt cao và nhiều em khá, giỏi...

Trong khốn khó, nhiều cái vui nhưng cả quãng tháng ngày chiến tranh đã ngưng lại bao xót xa da diết. 1965, trận bom đầu thiệt hại; 1967, đoàn tiền trạm thương tổn trên đường và 1972, lớp học trò ra đi chiến đấu. Tôi còn đây một đoạn những trang ghi trong mùa hè năm ấy: “Đó đây phượng hè đỏ rực như làm sôi ran tiếng lũ ve rừng. Nóng của nắng trời, của chiến tranh, không gian rát bỏng nhưng những đêm yên ắng này sao hiu hắt, lạnh lùng...Hè này, ngoài cái vắng thông thường của học sinh cuối khóa lại thêm cái vắng chưa từng có ở trường, vắng 182 học trò về Nam đánh giặc. Những tờ đơn bằng máu còn đây! Máu các em còn đây! Giờ này chúng ở những đâu? Liệu đứa nào còn đứa nào mất! Bao mối dây giăng mắc nhưng tăm hơi không dễ lối đi về. Buồn!

Hoa phượng lưng trời

Xa biệt những đầy vơi

Biển đời ơi đau đáu

Se bầm

         Vắng lạnh

Rụng rơi

Gió Lào hay bão tố!...

...

Tháng 10 năm 1972, Tân Kỳ mới nếm cái ác liệt chiến tranh. B52 cũng dăm ba lần đến quấy. Gạo cơm lúc kịp lúc chầy. Trường phải gieo trồng thêm khoai thêm lúa. Cái ăn, cái mặc phải chầy chật cho đến ngày kết thúc đàm phán Pari.

Năm học 1972-1973 kết thúc trong bình yên và cũng kết thúc sáu năm sống trong lòng dân xứ Nghệ.

Hè 1973, chia tay bạn ta trở lại quê nhà. Trường lại về trên đồi quang gió lộng. Nhịp trống, sóng cờ, hát cười rộn rã. Rồi cấp 3A, cấp 3B ngày ấy đậm tình ruột thịt anh em. Từ đây Vĩnh Linh như cánh đồng tràn trề nước mát, hoa cỏ mùa xuân.

Đến lúc này trường đã hoàn thành mười hai khóa học. “Vỗ cánh từ mái trường”, các em tỏa đi bao ngả theo những số phận, tài năng...

Ước một ngày, dưới mái trường đàn chim hội tụ.

Phượng trút theo hè. Thu lại nối thu. Ngưng đọng xôn xao những xa xăm kỷ niệm.

Một ngày qua đi rất mau. Tháng năm cũng trôi đi vùn vụt. “Chốc đà...” bốn chục năm trời.

Quá khứ đâu phải là dòng nước.

Bái vọng mẹ ta: Trường cấp 3 Vĩnh Linh vô vàn yêu nhớ...(4)

V.Đ

 

 

___________

1. Lời trong bài hát “Vỗ cánh từ mái trường” của thầy giáo Nguyễn Quang

2. Đó là thời ấy. Nay trường nhận thêm huân chương hạng nhất.

3. Bài: “Lính thú đời xưa” (trích giảng Văn học lớp 8 – Hệ 10 năm) có những câu :"Chém tre đẵn gỗ trên ngàn

Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai

Miệng ăn măng trúc, măng mai..."

4. Tôi chuyển đi trường khác từ tháng 8 năm 1976 và nay đã nghỉ hưu. Ở làng quê, nghĩ về trường cũ, tôi dùng chữ “Bái vọng...” Các thầy cô, các em thông cảm, chớ hiểu nhầm.

 

Vũ Đóa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 60 tháng 09/1999

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground