Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lần về vết cũ, người xưa…

 Có cái gì rất đỗi lạ lùng trào lên trong tôi khi đứng trước mảnh sân cát của một nếp nhà người dân chài Vĩnh Thái, người anh hùng mà tôi tìm gặp đang mải mê ru đứa cháu trên võng, tiếng ru của một ông già, lời ru bằng cái giọng Vĩnh Thái nghe ầm ào sóng biển: “Ầu ơi, (chớ) Vĩnh Linh ăn sắn (mà) thay cơm, xương xây (với) chiến lũy (mà) máu sơn (ầu ơ) (chớ) đỏ cờ…” Vừa có một chút như tráng ca với câu thơ “Bạch đầu quân sĩ tại, Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”, vừa có chút gụi gần thân mật rất bình yên. Tôi bước lên thềm:

- Dạ thưa, cho cháu hỏi có phải nhà bác Sóa?

- Tui là Sóa đây. Có chuyện chi rứa eng?

Trước mặt tôi là một lão ngư hồng nhuận khỏe mạnh, tay ẳm cháu, đôi mắt quen với hướng sao, luồng lạch biển còn ánh nét tinh anh. Ông Sóa, Nguyễn Quang Sóa, người “suýt” được phong anh hùng trong những năm chống Mỹ với hàng trăm chuyến vào ra tiếp viện cho Cồn Cỏ. Sinh tử một thời thanh niên một thời đạn bom trận mạc, những anh hùng (được phong, suýt được phong, không được phong) trên hải-trình-máu: “Vĩnh Linh – Cồn Cỏ” năm xưa giờ đang sống thế nào? Đấy là công việc của tôi khi đi suốt một vệt những làng chân sóng từ Thái Lai, Mạch Nước, Thử Luật vào Vĩnh Kim, Vịnh Mốc, qua An Hòa, Xuân Tùng của Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, dưới những mảnh làng hiền thương ấy có những người dân đi qua chiến tranh, cống hiến máu xương rồi lặng lẽ trở về với cuộc đời biển giã dưới chân những mảnh làng âm thầm ấy sóng biển vỗ động bao nhiêu năm như một niềm thao thức đau đáu cùng số phận đời người với bao thăng trầm biến dịch của thời gian. Chén nước chè Vĩnh Thái đặc quánh lưỡi nối dòng hồi ức của ông Sóa: “Tui ra đảo từ buổi chở sắt chở nước ra xây công sự kia chú ạ. Hồi nớ còn bình yên. Đạn bom dữ dằn nhất là những năm sáu lăm cho tới sáu bảy…” Vâng thì cũng chính nhờ những dòng chữ về những năm tháng ấy trong cuốn sách của anh Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân mà tôi đã biết nơi tìm về:

“Cuối tháng năm 1965 tình hình trên đảo khá nguy ngập. Gạo ăn dè sẻn cũng chỉ đủ trong vòng một tuần lễ. Đạn tính từng viên. Gay go nhất là nước ngọt. Trong trận đánh phá đầu tiên một quả bom rơi trúng bể chứa nước mưa. Thế là coi như đảo hết sạch nước ngọt. Phải chặt chuối rừng vắt ra lấy nước uống. Có ngày trên đảo chỉ còn một bi đông nước, một hộp sữa. Quản lý đưa bi đông nước và hộp sữa cho ban chỉ huy bồi dưỡng để lấy sức chỉ huy chiến đấu. Ban chỉ huy chuyển ra trận địa cho pháo thủ, pháo thủ chuyển về bệnh xá cho thương binh. Thương binh lại nhường cho ban chỉ huy..”

Địch biết điều đó. Một mặt chúng cho dội thật nhiều bom phá nốt những gì còn lại trên đảo. Mặt khác dùng tàu chiến bao vây thật chặt, bịt kín mọi lối vào ra giữa đảo và đất liền. Xảo quyệt hơn nữa, chúng thả lên đảo năm mươi đồng bào đánh cá bị chúng bắt, làm cho nguồn lương thực, nước uống trên đảo cạn nhanh hơn. Chúng hy vọng chỉ một thời gian ngắn đội quân nhỏ bé trên đảo nếu không đầu hàng cũng chết gục vì đói khát và cắn xé lẫn nhau.

Những bức điện cầu cứu từ đảo đánh về mỗi lúc một dồn dập như đốt cháy gan ruột, các đồng chí lãnh đạo khu vực. Đảng ủy họp hết ngày này sang ngày khác. Có khi ngồi im lặng không ai nói với ai một câu. Giữ đảo hay rút số quân ít ỏi kia về, để mặc đảo cho kẻ thù? Quyết giữ nhưng giữ bằng cách nào? Biển khơi bao la và hàng rào tàu chiến máy bay của địch?...

Đầu tháng 6 năm 1965 Đảng ủy Vĩnh Linh phát lời kêu gọi “Tất cả vì đảo”. Hàng ngàn lá đơn từ các xã ven biển như Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái… đã gửi lên khu vực xin được đi tiếp tế cho Cồn Cỏ. Giữa tháng 6 một đêm không trăng sao, đoàn thuyền 10 chiếc đầu tiên chở vũ khí lương thực cho đảo rời bến Vịnh Mốc. Con đường đã mở nhưng… đó là con đường máu? (Ký sự miền đất lửa).

Cuốn “Vĩnh Linh” của nhà báo Nguyễn Huy kể rằng trong số những lá đơn gửi lên xin đi tiếp tế cho Cồn Cỏ “Cảm động nhất là những lá đơn của các cụ, mỗi lá chỉ vẻn vẹn mấy dòng và đều nhờ con cháu viết hộ. Nhiều cụ điểm chỉ cẩn thận bên dưới lá đơn. Vết ngón tay to bè như cái bánh lái thuyền. Cụ Trí ở Vĩnh Thái, Cụ Quy, Cụ Cứ xã Vĩnh Giang, cụ Mò 74 tuổi, cụ Đột gần 80 ở xã Vĩnh Thạch. Nhà cụ Mò cả ba cha con cùng xin đi đảo”.

Tôi hỏi ông Sóa về gia đình cụ Trí, cả người con trai cụ tên oái mà hôm qua khi trò chuyện với anh Trần Thao chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh nghe anh bảo anh Trái cũng là người anh hùng “suýt” như ông Sóa. Mới hay cái xã Vĩnh Thái này rất nhiều cái “suýt” thú vị mà ngẫm ra cũng ngậm ngùi. Đây là hình ảnh cha con cụ Trí trong lời kể của anh Nguyễn Sinh: “Hình như nắng, gió chất muối mặn và cái lớn lao của biển cả đã kết động trong con người ấy. Nắng lấp lánh trên bộ ngực đỏ au, đôi vai rộng lực lưỡng như cái vòm cửa, hai cánh tay cộm lên từng múi thịt và các đường gân to như sợi dây chão neo thuyền. Cụ Trí ra đảo được anh em chiến sĩ ở đảo kết nạp cụ làm “đoàn viên danh dự”. Khi thuyền cụ từ đảo về, thuyền của anh Trái – con trai cụ lên đường. Trong một chuyến đi, thuyền của Trái gặp địch, sau một hồi chiến đấu quyết liệt, chiếc thuyền trúng đạn, Trái vừa cứu đồng đội bị thương vừa dìu vừa bơi và giữa cái chết tấc gang giữa biển đêm đen ngòm hung dữ Trái cất tiếng hát, mười mấy con người gần kiệt sức vụt thấy mình khỏe thêm khi nghe Trái hát bài “Giải phóng miền Nam”. Tiếng hát đầm đìa nước mặn, lúc vút lên cao, lúc chìm trong tiếng sóng như cánh buồm nâng họ lên, đẩy họ về phía trước. Họ cố sức bơi, bơi trong tiếng sóng và tiếng hát cho đến lúc đoàn thuyền từ đất liền ra đón nổi ốc làm hiệu gọi…”

Sau chuyến đi ấy, Trái được bồi dưỡng để tuyên dương anh hùng nhưng rồi Trái cũng chỉ “suýt” bởi anh dính dáng đến chuyện quan hệ nam nữ gì đó với một cô du kích Vĩnh Kim. Khi tôi về Vĩnh Thái, anh Trái và cụ Trí đã vào Đắc Lắc từ lâu lắm rồi, nghe bảo cụ Trí đã mất còn anh Trái bây giờ đang khá lên với vườn cà phê. Âu cũng là chuyện cuộc đời. Tôi ngắm kỹ ông Sóa, cứ trông ông bây giờ thì đoán “thời oanh liệt” của ông ba mươi năm trước. Và lựa lời:

- Bác Sóa nè, hồi trước chắc bác làm khối o mệ? Ngỡ là ông sẽ lãng ra cái chuyện “quan hệ” như anh Trái để ông phải mất danh hiệu “anh hùng”, nào ngờ ông cười khà khà vô tư:

- Thì bởi rứa mà sinh chuyện chớ eng!

Năm 1968, ông được đi dự Đại hội Công Nông Binh ở khu vực rồi đi báo cáo điển hình, chuẩn bị phong anh hùng một đợt với anh Trần Chí Thành (hiệu trưởng trường lái xe bây giờ) và chỉ Trương Thị Khuê (chủ tịch hội phụ nữ tỉnh)… thế là đùng một cái có đơn kiện anh “quan hệ nam nữ” (!?)

Nhắc lại chuyện cũ , một chút ngùi ngẫm. Hình như hồi đó bao nhiêu anh hùng chỉ “suýt” bởi cái chuyện mà giờ đây ta coi như… quá đỗi cuộc đời. Giờ đây ông Sóa đã an nhiên bên chiếc võng lưới ầu ơ ru cháu nội trong căn nhà xây rộng rãi thênh thang nơi thôn Thái Lai. Dưới bóng cây sầu đông nhà ông Lê Hường một trong số mấy chục lão ngư đã một thời lặn lội với Cồn Cỏ nhắc đến anh Trái, đến ông Sóa, ông Hường cả cười:

- Anh cứ tính coi, cái thời nớ bom trên đạn dưới, biết sống chết khi mô. Mà trai gái ngồi với nhau trong hầm, máy bay liệng sát sàn sạt, pháo uỳnh trên nóc, thâu đêm với nhau như vậy con người chớ phải thánh đâu mà tránh được?

Vâng, bây giờ thì có thể nói một cách thanh thản như thế nhưng ba mươi năm trước lại là chuyện không thể bình thường. Và ông kể luôn cho tôi một cái “suýt” anh hùng của Vĩnh Thái: Với thành tích của mình, 4 năm liền đạt đơn vị quyết thắng, chuẩn bị vẻ vang cả xã, vậy mà năm 1968, một tay phi công bị bắn rơi máy bay, nhảy dù xuống thôn không ai dám xông ra bắt sống nó. Để rồi nó leo được thang dây lên máy bay đến cứu. Du kích dân quân vác súng đến nơi thì nó đã về hạm đội. Mãi sau này mới té ngửa khi biết đạn của máy bay bắn lúc tên phi công rơi xuống là đạn giấy! Mối hận làm mất danh hiệu anh hùng đang trong tầm tay đến giờ vẫn chưa nguôi. Chợt ông Hường hạ giọng:

- Mà nỏ anh hùng thì thôi, coi ông Trần Sòa đây, em trai ông thằng Trần Sồ, 19 tuổi đi tiếp viện cho Cồn Cỏ hy sinh với ba bốn đứa cũng mơi 17,18 tuổi như thằng Canh thằng Tẩm. Cái thôn Thái Lai này đã có 34 người chết cho tiếp tế đảo. Chỉ riêng cái số thanh niên chưa vợ chưa con đã 25 đứa. Còn ông Sòa chừ hai mắt mù, ngày xưa vận tải cho Cồn Cỏ cũng tay súng tay chèo như ai, giờ vợ con đi làm ăn xa, mình ông sống với mẹ già 90 tuổi trong túp lều tranh tạm bợ. Một đời đi qua, xế chiều tóc bạc mắt lòa, thinh lặng cuối mảnh làng bé bỏng. Chuyện “suýt” anh hùng của xã, của người có thể người nhớ, người quên nhưng máu đổ ra cho Cồn Cỏ đã không vô ích khi trên đường men theo bờ cát Thái Lai và Thử Luật tôi nhìn những chiếc thuyền của Vĩnh Thái từ hướng Cồn Cỏ đang lao vào bờ trĩu mạn những mẻ cá ngời ngời ánh bạc.

Thử Luật – cái thôn nghèo nhất xã của cái xã nghèo nhất tỉnh này đã có những ngư dân cảm tử trong những ngày đầu tải lương tải đạn cho Cồn Cỏ. Về đây tôi mới biết cụ Cặm – một trong 10 thuyền trưởng của chuyến đi ra đảo đầu tiên. Câu chuyện “gửi dép cho con” ngỡ là sản phẩm của làng trạng Vĩnh Hoàng nào ngỡ là chuyện thật một trăm phần trăm của cụ Cặm. Cụ có người con trai ra học trung cấp ở Hà Nội, gửi thư cho bố, anh con trai xin một đôi dép cao su và dặn “Nếu không tiện ai thì bọ gửi ra cho con bằng dây thép (bưu điện). Cụ lặn lội lên Hồ Xá thật sớm chọn mua được đôi dép thật ưng ý rồi đi đến hàng cột dây điện thoại và hỏi một người qua đường: “Có phải đường dây thép đi ra Hà Nội đây không eng?” – “Phải đó bọ ạ”. Cụ buộc đôi dép vào cái móc tre, trèo thoăn thoắt lên cột dây điện như trèo cột buồm rồi móc đôi dép vào một sợi dây. Cụ vui vẻ ra về. Đến chiều quay lại chỗ cũ xem “dây thép” đã gửi đôi dép đi chưa. Thấy một đôi dép cũ mòn vẹt cả gót, treo đúng vào chỗ cụ treo lúc sáng. Cụ lấy xuống xách về vui vẻ khoe khắp xóm: “Người ta đặt ra cái dây thép thiệt đã tài. Tui mới gửi lúc sáng mà ngoài Hà Nội hắn đã nhận được, gửi lại đôi dép cũ cho tui”. – Cũng chính Cặm là người mà tập đi đều hoài không được, anh đội trưởng đã buộc cho sợi lạt vào chân mà hô: “Chân có lạt, chân không có lạt”. Cái con người ngư dân quê mùa chất phác đến độ ấy lại là thuyền trưởng của một trong những con thuyền kiên cường nhất, vẫy vùng trên mênh mông biển cả, chạm mặt với những tuần dương hạm với vũ khí hiện đại vẫn đưa hàng tới đảo an toàn. Phấp phỏng cùng giai thoại, niềm mong gặp lại cụ Cặm nơi làng Thử Luật trong tôi chợt hụt hẫng khi những đồng đội cũ của cụ cho hay cụ đã hy sinh vô cùng anh dũng trong một chuyến đi đảo, đụng độ với chiến hạm giặc vào năm 1966. Không có mồ cụ nơi miền gió cát, cuối đất này, thân xác cụ đã hòa vào ngàn khơi xa xanh kia, và trong lòng người miệt biển, câu chuyện buồn cười với giai thoại về cụ vẫn mãi còn.

Từ Vĩnh Thái trông vào, Vịnh Mốc như một bán đảo nhỏ nhắn đầy yêu thương căng hướng về Cồn Cỏ. Vĩnh Thạch chỉ có một thôn Vịnh Mốc làm nghề biển. Vịnh Mốc lại gần với Cồn Cỏ hơn cả trong suốt một dải chân sóng từ Thái Lai đến Tùng Luật. Đảo bị bao vây, Vịnh Mốc trở thành nơi xuất phát của những đoàn thuyền tiếp tế. Địch quá biết cái hậu cứ của Cồn Cỏ nên ngày 3 tháng 1 năm 1965 chúng cho 8 máy bay đến đánh hủy diệt toàn thôn. Nhưng dân Vịnh Mốc “Thà hy sinh tất cả, quyết không để mất đảo”. Quyết tâm sắt đá ấy không chỉ còn trong những tấm bia khắc tên đội cảm tử tiếp tế cho Cồn Cỏ đã hy sinh mà còn để lại cái làng trong lòng đất thẳm sâu để đi qua những tháng năm ác liệt cho bây giờ bao nhiêu người từ khắp nơi trên thế giới tìm về chiêm ngưỡng và kính phục: Địa đạo Vĩnh Mốc.

Trong tự liệu chuẩn bị cho chuyến đi tìm lại những anh hùng tiếp tế cho Cồn Cỏ này tôi có ghi khá kỹ về câu chuyện mấy cha con cụ Mò ở Vĩnh Thạch: “Tháng 9 năm 1965 hai người con của cụ là Hồ Tỷ và Hồ Triêm cùng đi một chuyến. Gặp tàu địch anh Tỷ hy sinh. Thuyền anh Triêm bị bắn chìm nhưng anh bơi vào bờ được. Cụ Mò rất đau khổ nhưng không nhỏ một giọt nước mắt, không khóc một tiếng. Hôm sau cụ nhờ đứa cháu viết hộ lá đơn gửi lên ủy ban xã xin đi tiếp tế đảo thay con” (Ký sự miền đất lửa)

Loanh quanh mãi rồi tôi cũng tìm ra nhà anh Hồ Triêm ở Vịnh Mốc. Anh bây giờ đang làm chủ nhiệm HTX Vịnh Mốc. Ngôi nhà năm ngay trước biển mà vẫn xanh mướt ngọn tiêu và cây trái trĩu cành. Cụ Mò bố anh đã mất năm 1984. Gia đình người anh là Hồ Tỷ đã chuyển vào Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhắc lại chuyện bị tàu địch bắn chìm thuyền phải ôm ván bơi vào bờ năm nào anh Triêm bảo tôi: Chuyện tiếp vận cho Cồn Cỏ phải kể đến đội cảm tử với mấy anh đã hy sinh như: Trần Minh Lệnh, Nguyễn Văn An, Hồ Duệ, Hồ Ngọc Sia, Nguyễn Chuyết, Phan Văn Vãng, Phan Văn Sở, Nguyễn Trân, Hồ Sum, Hồ Tỷ. Tất cả họ còn rất trẻ. Còn lại đến hôm nay chỉ còn sáu bảy anh em. Đấy là các ông Hồ Tùng, Hồ Tân, Hồ Xuyên, Hoàng Phụ, Nguyễn Tống, Lê Hồng Trí… Và đặc biệt là ông Nguyễn Nghiễm. Ngày Cồn Cỏ cần những người tiếp viện cảm tử, vợ ông Nghiễm vừa mất để lại cho ông hai đứa con chưa đầy 2 tháng tuổi ông gửi con cho bà con trong thôn và tình nguyện theo thuyền tiếp tế cho đảo. Tất cả họ giờ đây đều sống khá gian nan. Một thời quyết tử cho đảo quyết sinh, sự sống còn cho đến hôm nay quả là kỳ diệu. Nhưng cũng không vì thế mà nghĩ rằng không cần một chế độ đãi ngộ cho họ. Ấy vậy mà tất cả những người tôi đã gặp ở Thái Lai hay Thử Luật, ở Vịnh Mốc hay Vĩnh Quang hầu như không ai được hưởng một chế độ trợ cấp nào khi gian nan ngày ấy đã tiềm tàng nên tật bệnh và suy yếu sức khỏe bây giờ.

Người anh hùng chính danh (được phong) trong cả ngàn người tiếp tế cho Cồn Cỏ (những anh hùng “suýt” phong và “chưa phong”) là Lê Văn Ban ở HTX Xuân Tùng mà gần 4 năm trước tôi đã tìm về để viết “Anh hùng giữa đời thường”. Sau dạo đó, cũng vào dịp 27-7 ngày thương binh liệt sĩ một số cơ quan ở Trung ương, ở tỉnh mới biết rằng có một Lê Văn Ban anh hùng, đang gian truân vật lộn với cơm áo mỗi ngày, đã gửi cho anh chừng đâu hơn hai triệu đồng. Gần 4 năm sau trở lại. Nếp nhà của anh vẫn không đổi thay gì mấy. Người vợ bị bệnh thần kinh di chứng đến đứa con gái lớn. Đứa con trai lớn đi lao động xuất khẩu ở Liên Xô về nay đã lấy vợ ở riêng. Cái mới nhất, sang trọng nhất ở nhà anh hùng Lê Văn Ban sau 4 năm tôi gặp lại chiếc máy cassette cũ kỹ. Chiếc thuyền của HTX mà mấy năm trước anh cùng mấy bạn chài đi chung giờ HTX đã bán. Đâu rồi hình ảnh một Lê Văn Ban giữa đêm tối, chỉ huy chiếc thuyền buồm chống chọi lại tàu sắt của giặc có trang bị đại liên trọng pháo, vừa lèo lái vượt qua cơn bão bất ngờ giữa biển khởi rồi bị dạt vào tận bờ nam Bến Hải, nương náu nhờ dân và vượt tuyến tìm về với những chuyến hàng ra đảo lửa? Cơm áo không buông tha người anh hùng. Tờ mờ sáng anh đã xuống bãi cá nơi cửa lạch để mua cá. Bà vợ của người anh hùng than thở chuyện biển giã mùa màng, gạo châu củi quế. Còn người hàng xóm chỉ chặc lưỡi thương chú Ban anh hùng – lẽ ra ở cái tuổi ngoài 60 của mình đủ sức để ngồi thụ hưởng bởi công lao cống hiến. Tôi đi xuống bãi cá tìm anh hùng Lê Văn Ban, làm sao có thể tìm được anh giữa cái bãi cá chen chúc cả ngàn con người dưới thuyền trên bến. May cho tôi, nơi đây tôi gặp được một người cựu binh trong đội thuyền đi đảo ngày xưa. Ấn tượng về ông đã tạo cho tôi một cái nốt coda có hậu trên hành trình tìm lại những con người cảm tử. Ông là Nguyễn Mễ - đã từng là xã đội trưởng Vĩnh Quang phụ trách đội thuyền những năm ác liệt. Không phải là chuyện giải bày về chính sách chế độ chưa đầy đủ hay chuyện áo cơm hằng nhật gian nan. Ông đang sống khá ung dung từ khả năng tạo dựng kinh tế của mình. Là chủ một đại lý xăng dầu nơi Cửa Lạch, ông cán bộ hội cựu chiến binh xã này còn tham mưu cho hội lập một đại lý nước ngọt và chính ông nhận khoán cho hội với mực nộp 750.000 đồng một tháng. Chưa hết gia đình ông còn có hai thuyền máy, một thuyền trang bị hai máy 15CV và một thuyền một máy 15CV để đi biển. Ông lại đang xây một bể nước mắm với dung trọng 5 tấn ước chi phí 5 triệu đồng. Một năm thu nhập của gia đình ông không dưới ba chục triệu. Hóa ra đâu phải người anh hùng nào cũng cam chịu nghèo? Với cái tài làm kinh tế của ông, những ngỡ khi hỏi về dự tính cho tương lai ông sẽ nói viễn cảnh sắm thêm thuyền, xây thêm bể… Nào ngờ ông trở nên hào hứng như một kiến trúc sư đang thuyết minh công trình:

- Anh em bề tui ở đây đang tham vọng xây một cái tượng đài cho ra tượng đài để làm kỷ niệm đoàn tiếp tế Cồn Cỏ những năm đánh Mỹ. Quỹ của hội cựu chiến binh có được một ít rồi. Giá mà tỉnh hỗ trợ thêm ít nữa.

- Bác đã có mẫu chưa?

- Thì đã có đủ tiền đâu, ước chừng ba chục triệu, hội góp một nữa. Nếu liên hệ được với đơn vị hải quân ngày trước ở đây thì có thể họ giúp thêm làm bề thế hơn!

Ừ nhỉ. Cái bến Cửa lạch, cái bến đò A lịch sử này, nơi một thời tàu thuyền vào ra tiếp vận cho Cồn Cỏ nếu có một tượng đài thì hay quá đi chứ. Dẫu rằng cái tượng đài lớn nhất là máu xương họ đã dựng suốt một thời bom đạn trong lòng dân đất nước. Tôi chợt nhớ câu ru của bác Sóa: “Xương xây chiên lũy, máu sơn đỏ cờ”

Đằng đẵng ba mươi năm. Máu và xương ấy đã hóa thân thành phút thảnh thơi nhắp ngụm chè quánh lưỡi trước hiên nhà ngó biển chiều vỗ sóng, hóa thành chiếc võng đong đưa lời ru cháu trong lặng yên sớm mai, hóa thân thành những đoàn thuyền đêm đêm ra đi và trở về nặng cá lúc bình minh. Lần theo từng mảnh đời, lần theo từng số phận, trên luân hồi của thời gian, trên thăng trầm từng thân kiếp, những người ngư-dân-chiến-sĩ tôi tìm lại chưa thể đủ và không thể đủ để nói hết câu chuyện đời người. Chỉ mong sao một lần nào đó trong cái biên niên sử của đất lửa này được lưu giữ ở bảo tàng ai có gặp một mái chèo có đề “Mái chèo Nguyễn Quang Sóa”, gặp một mảnh thuyền vỡ dạt vào từ chiếc thuyền cảm tử đi tiếp tế bị giặc đánh chìm, gặp một chiếc ống tre dùng làm phao bơi vượt biển ra Cồn Cỏ… hãy nhớ rằng những người một thời sống chết với sự sống còn của đảo này âm thầm lặng lẽ trong những mảnh làng chân sóng, vẫn đi khơi đi lộng mỗi ngày, vẫn tin rằng những tháng năm đẹp nhất cuộc đời đã dành cho Cồn Cỏ. Đầy tự hào và không hề hối tiếc dù bây giờ họ đang sống khá gian nan…

                                                                         7-1994

                                                                         L.Đ.D

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 3 tháng 12/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground