Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lắng đọng những ký ức

Sáng 12/7/2020, trong khi ở Đại Nội Huế, lễ rước Long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu ra an vị tại đền thờ vua Hàm Nghi và tướng sĩ Cần Vương trong khu di tích quốc gia thành Tân Sở thì ở Quảng Trị, đoàn xe hoa cùng quan khách lễ bộ trịnh trọng cũng tề tựu về làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong để dự lễ rước Bài vị Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường. Ông là đại thần phụ chính của triều Nguyễn đã đứng đốc công xây căn cứ sơn phòng Tân Sở - miền đất phát khởi phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19.

Như bao người hành hương sáng hôm ấy, tôi về An Cư, xuống đền thờ Nguyễn Văn Tường trời hãy còn sương giăng phủ. Ngôi đền thâm nghiêm ẩn mình dưới những tán cây xanh âm ẩm sương, nhỏ nhắn và khiêm nhường. Các cụ cao niên áo dài khăn đóng truyền thống đã có mặt từ sớm pha trà nhâm nhi bàn chuyện lễ cúng và sắp đặt các công việc. Mâm lễ cúng được đặt giữa sân đền, đội nghi thức phục vụ đang bận rộn sửa soạn lễ vật. Trước cổng đền, đoàn xe của huyện Cam Lộ đã sắp sẵn đội hình chuẩn bị cung thỉnh bài vị Kỳ vỹ Quận công, người dân địa phương và con cháu tộc họ Nguyễn Văn từ các nơi cũng về dự lễ mỗi lúc một đông. Tôi đứng lặng nhìn mọi người và nhìn hút vào bên trong điện thờ đèn nhang sáng trưng. Dễ chừng đã lâu rồi mới có một sớm mai như thế này. Làng đứng ra tổ chức một lễ lớn tại đền thờ Nguyễn Văn Tường, làm cho không gian vốn yên tĩnh quạnh vắng trở nên ấm cúng.

Lễ rước chưa cử hành nên tôi đi dạo quanh thăm thú. Ngôi đền thờ Nguyễn Văn Tường được tồn dựng ở vị trí đẹp về phong thủy, cạnh dòng sông Thạch Hãn và trước mặt là cánh đồng lúa mênh mông khoáng đạt. Bên phải đền là đình làng và miếu ngài khai khẩn, bên trái là chùa và đàn âm hồn. Các công trình văn hóa vật thể này nằm cận kề nhau đã tạo nên nét đẹp cổ kính tô điểm cho hương thôn An Cư, cũng là một thuận tiện cho con dân mỗi dịp phương việc.

 Đền thờ Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường ở làng An Cư - Ảnh: H.N

Khuôn viên ngôi đền thoáng đãng có nhiều cây, mỗi thứ một ít chủ yếu là các loài cây dân dã. Trong vườn có một cây ngô đồng cổ thụ đứng sát cổng cành dài sum suê in bóng xuống mặt đất, ấy là bóng mát dành cho khách dừng chân khi đến hành lễ và vãn cảnh. Ngay bên phải sân đền có nhà bia do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế phụng soạn ngợi ca công lao của Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường đối với nhà Nguyễn và đất nước. Tiếc thay, do thời gian mưa nắng bào mòn nên bây giờ không còn đọc được các chữ khắc trên bia đá. Ngôi đền được xây theo lối nhà vuông ba gian, tuy nhỏ nhưng kiểu cách kiến trúc cổ kính. Gian giữa là khám thờ có bức chân dung Kỳ vỹ Quận công. Bức hoành phi sơn son thếp vàng đề bốn chữ “Trí quân trạch dân” (vừa giúp vua, vừa làm cho dân được nhờ). Hai gian bên dành để trưng bày tranh ảnh, công trình nghiên cứu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường như một bảo tàng thu nhỏ.

Lẽ thường khi viếng thăm những địa danh gắn liền với những nhân vật lịch sử và văn hóa, tâm thế con người ta hay bất chợt khơi vơi về một dĩ vãng xa xăm nào đó. Như sáng hôm ấy, dạo quanh ngôi đền thờ, tôi thấy lòng mình không khỏi bùi ngùi nhớ về một con người rất đỗi tài năng và có một số phận thăng trầm. Chiều hôm trước, mở email nhận thông báo về chương trình lễ rước bài vị của UBND huyện Cam Lộ, tôi đã tranh thủ đọc một số sử liệu về Nguyễn Văn Tường, đa phần là những tư liệu đã được công bố chính thức trên báo chí hoặc xuất bản thành sách. Có lẽ hiếm hoi có một vị quan nào ở vào nửa sau thế kỷ 19 mà đầy uẩn khúc vây quanh cuộc đời như Nguyễn Văn Tường. Sự nghiệp chính trị của ông gắn liền với thời đoạn lịch sử hết sức cam go khi người Pháp đã can dự quá sâu vào Nam triều. Nguyễn Văn Tường nổi tiếng là người thông minh, mưu lược, giỏi ngoại giao, là phụ chính đại thần dưới triều Nguyễn có tinh thần và thái độ chống Pháp quyết liệt bảo vệ chủ quyền đất nước. Ông đã có công rất lớn trong xây dựng hệ thống sơn phòng miền núi các tỉnh miền Trung làm căn cứ hậu bị khi kinh đô Huế lâm nguy, trong đó có thành Tân Sở xứ Cùa. Nhưng nếu chỉ có vậy, Nguyễn Văn Tường sẽ không khiến sử sách dành cho nhiều chữ nghĩa đến thế.

Rước Bài vị Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường về khu di tích quốc gia Thành Tân Sở - Ảnh: H.N

Mùa hè năm 1885, một biến cố lịch sử xảy ra từ đó sử sách dành nhiều dòng oan nghiệt đối với Nguyễn Văn Tường. Biến cố ấy là cuộc Kinh đô Huế quật khởi và bị thất thủ ngày 5/7/1885, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chủ mưu tiêu diệt quân Pháp nhưng thất bại, Pháp chiếm thành Huế, trong khi Tôn Thất Thuyết cầm gươm hộ giá ngự đoàn vua Hàm Nghi ra Quảng Trị rồi lên thành Tân Sở để lánh nạn đồng thời phát Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước phò vua đánh giặc, thì Nguyễn Văn Tường nhận lãnh nhiệm vụ ở lại Huế thương thuyết với Pháp cho xã tắc tránh bớt nguy biến. Dư luận lúc ấy cho rằng Nguyễn Văn Tường ở lại Huế đầu thú với quân Pháp nên bao nhiêu công lao của ông đối với cuộc chiến chống đô hộ Pháp, với thành Tân Sở cũng bị phủ nhận. Nguyễn Văn Tường vừa chịu điều tiếng của người trong nước, vừa bị người Pháp bắt đi lưu đày biệt xứ, đến nỗi phải kết thúc cuộc đời thảm thương nơi đất khách quê người ngày 30/7/1886. Đầu năm 1887, di thể ông đã đi một hành trình cả ngàn dặm đường âm thầm về nằm lại với mảnh làng An Cư. Mùa hè đau thương ấy khi lựa chọn làm kẻ ở lại Huế sống trong những nghi ngờ của người đời, Nguyễn Văn Tường đã gửi gắm nỗi lòng qua bài thơ “Giải triều” được truyền tụng từ sau ngày Kinh đô quật khởi mà sau này nhiều sách báo in lại, bài thơ có đoạn: “Sơn kính vạn trùng thương thuý liễn / Thần tâm nhất dạng luyến đan đình / Thị phi nhiên phó thiên thu hậu / Xã tắc quân vương thục trọng khinh?” (Đường núi vạn trùng, lo lắng cho kiệu vua kín đáo / Lòng kẻ bề tôi một dạng, thương mến không nỡ rời bỏ sân đình / Đúng, sai, điều ấy gửi nghìn thu sau định luận / Đất nước, nhà vua, đâu là trọng là khinh?)

Nhưng Nguyễn Văn Tường đã không phải chờ đến “thiên thu hậu”, đầu thế kỷ 21, các cuộc hội thảo khoa học đánh giá về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường được mở ra cả ở trong nước và nước ngoài. 13 Các tư liệu mà giới sử học và hậu duệ Nguyễn Văn Tường công bố đã làm sáng tỏ những uẩn khúc lịch sử giúp hậu thế hiểu hơn về hoàn cảnh và hành động của Nguyễn Văn Tường trước và sau ngày thất thủ Kinh đô Huế. Gần đây nhất, bằng các tư liệu khả tín nhất từ Việt Nam, Pháp và Mỹ, Giáo sư Nguyễn Quốc Trị - hậu duệ đời thứ ba đã sưu tầm, đối chiếu minh oan cho cụ cố Nguyễn Văn Tường, cùng một số vua quan nhà Nguyễn, qua bộ sử liệu đồ sộ gần 2.000 trang: “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn”, do Khai Tâm và NXB Tổng hợp vừa ấn hành. Từ trong nghi ngờ quá khứ, lịch sử Nguyễn Văn Tường đã được minh chiếu, hình ảnh Nguyễn Văn Tường từ đây được hậu thế tôn vinh. Sự tôn vinh này cho dẫu muộn màng nhưng như thế âu cũng an ủi phần nào hương hồn của một con người có lòng trung quân ái quốc đến trọn đời.

Hơn một thế kỷ trước, khi Quận công từ giã cuộc đời mang theo nỗi oan khiên có lẽ cũng không nghĩ mai sau hậu thế sẽ dựng đền thờ mình. Nhưng mặc cho những dòng sử đa chiều, trong tâm thức dân làng An Cư và hậu duệ Nguyễn Văn Tường vẫn khắc ghi sự hi sinh của ông là vì nghiệp lớn của xã tắc để lập đền thờ và bao nhiêu năm qua vẫn hết lòng chăm lo hương khói cho nơi này. Được biết, đền thờ Nguyễn Văn Tường ở làng An Cư đã được công nhận là di tích của tỉnh Quảng Trị. Và tháng bảy năm nay vừa tròn 135 năm vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương thì một ngôi đền thờ khang trang được lập ngay trên mảnh đất Tân Sở để cho những ai yêu mến vua Hàm Nghi và các tướng sỹ Cần Vương có thể đến chiêm bái tưởng vọng. Với Tân Sở, nhân dân nơi đây luôn ghi ơn công trạng của Nguyễn Văn Tường và không quên dành một vị trí trang trọng trong ngôi đền để đặt bài vị thờ ông. Lễ rước Bài vị Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường từ đền thờ ông ở làng An Cư về an vị trong đền thờ ở khu di tích thành Tân Sở được tổ chức trang trọng theo các nghi thức truyền thống địa phương. Lãnh đạo huyện Cam Lộ và đại diện dòng họ Nguyễn Văn, các cụ bô lão làng An Cư trong trang phục áo dài khăn đóng tham gia lễ tế, lễ thỉnh, lễ khởi giá và rước bài vị Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường. Một tiếng đồng hồ trong lễ rước và nhìn hình ảnh đoàn xe hoa kính cẩn rước bát nhang anh linh bài vị Kỳ vỹ Quận công rời ngôi đền đi qua các ngã đường làng khiến con dân đất An Cư và hậu duệ Nguyễn Văn Tường vừa tự hào vừa xúc động. Đoàn xe ấy sẽ kết thúc lộ trình ở thành Tân Sở, nơi quy tụ hồn thiêng các bậc tiền nhân xứng nghĩa Cần Vương năm xưa.

Tôi không theo đoàn xe rước mà nán lại ngôi đền hồi lâu. Hương đã tàn trên bát nhang điện thờ, mọi người ra về từ lúc nào. Chỉ còn tôi và ông Nguyễn Hữu Thành là thủ từ của ngôi đền. Trò chuyện với tôi, ông Thành cảm khái nói rằng hậu duệ Nguyễn Văn Tường từ ngày xưa cho đến ngày nay có truyền thống học hành giỏi giang, hầu như đời nào cũng có nhiều người thành đạt, và quan trọng hơn là có đóng góp nhân tài vật lực cho quê hương đất nước. Dạo quanh làng An Cư sẽ thấy dấu ấn của con cháu dòng họ Nguyễn Văn đã góp công góp của xây dựng nhiều công trình xã hội và văn hóa như là tặng vật cho quê cha đất tổ. Hậu duệ Nguyễn Văn Tường trong những câu chuyện của bà con lối xóm vẫn được dân làng trân trọng và tôn vinh. Trải qua dâu bể, hậu duệ Nguyễn Văn Tường dù ở làng hay phân tán người nam kẻ bắc, người trong nước người hải ngoại, nhưng dẫu sống ở đâu họ cũng luôn luôn nhớ về nguồn cội, luôn chăm chút nếp nhà với tất cả ý thức văn hoá, biết sống gìn giữ gia đạo hết mực quyết không để cho mai một. Đây chính là vốn quý của dòng họ Nguyễn Văn trong mấy thế kỷ mà tôi nghe kể qua chuyến đi này.

Trước khi rời An Cư, tôi đã tìm tới cánh đồng làng, lăng mộ Nguyễn Văn Tường nằm giữa bốn bề lúa xanh ngút ngát. Khách viếng đến nơi cũng kính cẩn thắp nén hương thơm cúi đầu bái vọng tiền nhân. Thành kính cầu cho nơi an nghỉ của Kỳ vỹ Quận công hương hoa tứ thời ngát mãi. Lòng yêu nước của ông còn lưu lại mãi với sử xanh.

H.N

HẠNH NGUYÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 312 tháng 09/2020

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground