Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lắng nghe những bồi âm

B

uổi sáng chúng tôi dừng chân ở cửa khẩu Lao Bảo. Trưa ào sang La Lay. Hoàng hôn xuống đã dập dồn trên sóng nước cảng biển Cửa Việt. Một ngày qua ba cửa hải quan quả là kỷ lục chạy đua với thời gian rồi còn gì. Và, khi bồng bềnh bập bênh ở cửa cảng này rồi thì mới thấy lớp lớp khuôn hình cùng mọi thanh âm thu nhận được có những bồi âm vang dội lạ thường. Ôi, những bồi âm thấp thoáng ẩn hiện lúc gần lúc xa!..

1- Bây giờ đến Lao Bảo thì không cần mất nhiều giấy bút thời gian để ghi nhận cái đô hội nhộn nhịp sầm uất trên con đường xuyên Á nói chung và cái điểm nhấn của nó là cửa khẩu quốc tế này thêm làm gì nữa. Nói là nói vậy chứ mỗi lần ghé qua chúng ta không thể không quan tâm tới bồi âm của nó cùng với con đường xuyên Á trong tương quan với một cửa khẩu khác sinh sau đẻ muộn là La Lay nhưng chẳng khác gì là hai chàng trai song sinh cả.

Âm bản con đường 9 ư ? Nó được người Pháp thực dân chú ý khai thác từ rất sớm nhưng cũng phải mất gần một trăm năm sau mới phôi thai vỡ vạc ra bóng dáng con đường, ấy là xét việc khai thác dưới khía cạnh kinh tế và dân dụng. Người Mỹ khai thác con đường này ở khía cạnh quân sự và thật là thảm hại bởi đã biến con đường 9 thành cửa tử, con đường chết. Thời Bình Trị Thiên, chính xác cách đây hai mươi năm khi lập lại tỉnh, ngoài hàng lậu và những đoàn xe chen chúc nối đuôi nhau vận tải hàng hóa xuất nhập cảnh thì Lao Bảo cũng chỉ là một vùng đất bạt ngàn lau sậy, tờ tợ cái cửa khẩu quốc gia La Lay bây giờ mà thôi.

Kể từ Hội nghị Bộ trưởng tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ tám (1998), con đường 9 mới khẳng định được vị thế riêng của mình qua sáng kiến Hành lang kinh tế Đông Tây thúc đẩy sự phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn quốc gia Lào, Mianmar, Thái Lan, Việt Nam. Cái hành lang này chính thức thông tuyến vào ngày 20.12.2006, khi cầu Hữu Nghị II được cắt băng khánh thành, hai bờ Thái Bình Dương chính thức được nối với Ấn Độ Dương chiều dài chưa đầy một nghìn năm trăm cây số…Đã thông tuyến nâng cấp con đường rồi thì không chỉ Hải quan nơi cửa khẩu quốc tế này phải rủ bỏ mọi thứ nghèo nàn lạc hậu, tự  khắc phải “lên đời” mà các ngành hữu quan cũng phải vào cuộc, tạo ra một hành lang xuất nhập khẩu thông thoáng, lành mạnh. Phải đổi mới, thay đổi tư duy, từ việc áp dụng thu lệ phí bằng tem có mệnh giá, “quản lý rủi ro” bằng cách cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về những điều mình khai báo đến áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào vào việc quản lý ngành Hải quan thì về cơ bản cái cửa khẩu quốc tế Lao Bảo của ta mới chấm dứt bao nhiêu là nhiêu khê từng ngự trị, gây ra không biết bao nhiêu là phiền phức nhũng nhiễu cho khách hàng. Bấy nhiêu biện pháp đã tích cực  góp phần vào việc giải phóng nhanh lượng xe, hàng hoá, hành khách. Quả là không có gì quý bằng tự do thoải mái mỗi lần qua cửa khẩu!..      

Bây giờ ngồi ở Cục Hải quan Quảng Trị ta đã có thể ung dung kiểm soát, hứng lên họp hoặc giao ban trực tuyến qua mạng với Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo hay cả cửa khẩu cảng Cửa Việt ở Km O của con đường xuyên Á. Tất cả đã giúp cho ngành hải quan Quảng Trị tận dụng mang lại nguồn thu cao nhất cho đất nước, quê nhà trong một môi trường giao tiếp hết sức thông thoáng, vừa công bằng dân chủ và lịch sự văn minh. Những con số đang từng ngày từng giờ sinh sôi nảy nở ở “đô thị vàng trên đồi Lao Bảo”. Kim ngạch xuất khẩu mười năm qua ở cửa khẩu quốc tế Lao Bảo này đều đặn tăng 14% trên năm, năm 2008 xấp xỉ một trăm bốn mươi chín triệu đô- la Mỹ. Tôi chăm chú nhất vẫn là  ba năm từ 2006 đến 2008, khi mà nền kinh tế thế giới đang chạm vào đáy của sự khủng hoảng, suy thoái thì ở cửa khẩu Lao Bảo ta đây vẫn đều đặn đạt con số kỷ lục gần 50% trên năm…. Nếu như năm 1999 có năm mươi nghìn lượt khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu này thì nay tăng lên bốn trăm nghìn lượt, mỗi ngày ước có ba trăm xe nhập cảnh vào khu vực, một trăm năm mươi xe xuất cảnh ra nước ngoài.

   Đã thấy xuất hiện một “đô thị vàng trên đồi Lao Bảo” mỗi khi ghé qua đặc khu Kinh tế- thương maị tự do Lao Bảo và nhất là lắng nghe những bồi âm thuận từ phía con đường, nhịp cầu xuyên Á….

2- Cửa khẩu La Lay, đến vào lúc 12 h trưa lóa mắt, chỉ toàn là nắng!

Các đồng nghiệp chúng tôi, nhất là các nhà thơ rưng rức bổi hổi bồi hồi. Vừa đặt chân đến nhà thơ Hoàng Tấn Trung đã kịp làm cái công việc của anh họa sĩ giương giá vẽ phác thảo ký hoạ ngay bức tranh trần chẳng cần tô điểm. Từ con đường rất thực rất ảo: Con đường Tà Rụt La Lay/ Gập gềnh khúc khuỷu bụi bay nắng tràn... đến cảnh vật thiên nhiên nơi đây hoang dã đến mỹ lệ và mộng mơ quá thể: Cũng giàn mướp trỗ hoa vàng/ Cũng hồ nuôi cá, vịt, ngan, lợn, gà/ Đàn dê óng ả mượt mà/ Nước trong tự chảy suối xa đem về/ Ngôi nhà như thực như mê/ Có người chiến sĩ Hải quan đi về…Cơ chi mà thi sĩ Nguyễn Bính sống lại lên đây, nhà thơ sẽ ở lại Chi cục Hải quan La Lay mất không theo đoàn toán lều trại sáng tác anh em ta về xuôi nữa! Nữ sĩ Hoài Nhạn chia bơi nỗi niềm với các chiến sĩ Hải quan giữa chốn biên cương xa xôi hẻo lánh này: Trạm Hải quan/ Căn nhà nhỏ mái tôn hoen ố thời gian/ Như chiếc lá mong manh giữa đại ngàn rừng thẳm/ Đêm mùa đông lạnh như cứa thịt/ Trưa nắng hè nắng tựa chảo rang... Rồi: Đêm La Lay đường biên u tịch/ Tiếng hoảng kêu tan tác lạc đàn/ Cơn gió chướng bẻ cong sườn núi/ Trận mưa nguồn lăn đá ầm ầm rơi!.. 

Là các nhà thơ họ đang tác nghiệp theo trí tưởng tượng dồi dào cảm xúc của chính mình. Các nhà bút ký phóng sự loay hoay chen chúc tác nghiệp, không ngừng phỏng vấn trao đổi ghi chép điều tra trong khi chủ nhà đã “chữa cháy”, tìm cách kìm hãm cái sự nóng lại bằng những trận mưa rào nhân tạo. Trời ơi còn hơn cả tội tình! Tưởng người ta có sáng kiến gì hoá ra các anh phun nước ào ào lên mái tôn cái trạm gác liên hợp cheo leo sườn núi ở độ cao gần ngàn mét so với mặt nước ở cảng biển Cửa Việt. Bây giờ bồng bềnh bập bênh trên cảng nhớ lại những trận mưa rào nhân tạo ấy vẫn còn rất thích. Bấy giờ đã thấy thấm mệt nhưng sắc mặt ai cũng háo hức. Tôi chỉ hơi thắc mắc, đúng hơn rất lấy làm lạ khi quan sát quang cảnh cái cửa khẩu gọi là quốc gia La Lay từ lúc đặt chân đến đến giờ. Nó vắng tanh vắng ngắt. Không những không thấy những chuyến xe vận chuyển hàng hoá đã đành, tịnh không một bóng người qua lại mới rầu, mới lạ. Không hề có chút dấu hiệu gì gọi là sôi động như bên cái cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vừa qua. Lặng lẽ nơi này ba mươi cây số đường biên do đồn Biên Phòng La Lay quản lý cũng là ba mươi cây số cửa khẩu quốc gia đó chăng?..Nhưng cuối cùng tôi cũng được biết bởi đặc thù này mà những người lính Hải quan cửa khẩu La Lay phải đánh vật, khôn khéo luồn lách theo luồng, theo mùa canh giữ, quản lý, kiểm tra, ngăn chặn gian lận thương mại và thu thuế. Công việc của họ vất vả quanh năm song đã đóng góp vào ngân sách quốc gia một nguồn thu rất đáng kính nể. Này nhé, phiên chế Chi cục mười hai cán bộ, tờ tợ “tiểu đội xe không kính” hay “lính phòng không…” thời chống Mỹ thế thôi. Vậy mà bình quân thu thuế hàng năm từ ngày đầu khai trương đến nay đều đạt từ mười hai đến hai mươi tỉ đồng. Riêng cái năm 2008 tăng lên hai mươi bảy tỉ thì quả là quá ngoạn mục. Tôi đang tìm cách giải mã nhiều bí ẩn ở cái cửa khẩu này như việc thu ngân vừa kể, song phải thực sự khi đã rời xa nó rồi và bằng vào các chiều thuận nghịch của bồi âm…bấy giờ sự thể mới được hé lộ ra đôi điều.

Rời khỏi cửa khẩu La Lay, có vẻ như tôi đang đi từ dưới đáy sông ra bể. Ai cũng biết cái cảng biển Cửa Việt ta đang bập bênh hứng gió đây được hợp lưu từ hai con sông. Nhỏ là nhánh Hiếu Giang, lớn §akrông- Thạch Hãn đổ về. Thạch Hãn được liệt vào hàng rất ít các con sông lớn của nước nhà được tuyển chọn khắc vào Cửu đỉnh. Nhưng mà thôi, cứ gác qua bên hệ sinh thái dòng sông, chỉ tính riêng cái hệ dòng chảy con sông này thôi đã thấy từ lúc khai thiên lập địa nó đã hiện nguyên hình là một con đường độc đạo nối đại dương Cửa Việt bao la với nội điạ là Đông và Tây Trường Sơn, dài ra là Thái Bình Dương nối Ấn Độ Dương. Âm bản, bồi âm của con sông này chính là con đường 9 thuở sơ khai và nay đã được nâng cấp mở ra thành con đường xuyên Á. Chính cái thế độc đạo đắc địa này của con đường đã giải thích, bình thường hóa những điều chúng ta vừa thắc mắc, đang rất lấy làm lạ ở cái cửa khẩu La Lay, trong đó có cái chỉ số thu ngân sách có vẻ như làm chơi mà ăn thiệt. Ai đó đã bảo hoa dại giữa rừng mới thật là hoa; Vân thực là vân khi vân dại kia quả là chính xác. Lại nữa, quan sát kỹ cái diện mạo La Lay bây giờ ta thấy chẳng khác gì cái bản lai diện mục Lao Bảo hai mươi năm về trước! Nó trị vì, cùng nhau chia sẻ cái lợi thế đắc địa vừa nêu nên nó giống hệt nhau như anh em sinh đôi vậy.Càng nghĩ càng thấy hai anh em sinh đôi Lao Bảo- La Lay này giống câu thơ của Chế Lan Viên đến lạ lùng:Không trải qua cơn thử lửa hồng hoang trái đất không thể sinh ra loài hổ lông vằn/ Không kinh qua ngàn nhát dao đâm trượt, họ hàng loài hươu sao có đốm...

Chuyện con hổ lông vằn, con hươu có đốm rồi còn phát ra nhiều bồi âm hay ho nữa, nhưng sẽ kể vào dịp khác.

3- Lại bập bênh trên bến cảng Cửa Việt mà cứ nhớ tới cái đập Tràn ở Trấm. Thương cái loài cá chình mấy chục năm nay không ra tới bể, tình trạng này cứ kéo dài e tuyệt chủng mất, không thì cũng phải chịu chung cái số phận thoái hóa biến thể. Mấy chục năm nay cá chình từ miền tây Quảng Trị về đến Trấm đều bị cắt chặn đứng luồng, tiến thoái lưỡng nan chúng đành đẻ bậy ra trên máng đập Tràn. Người dân địa phương giàu sáng kiến lót ổ rớ tóm cả chì lẫn chài, đám cá chình mẹ lên xe đến nằm các nhà hàng cao cấp chờ hóa kiếp đã đành, lũ chình con liu tiu như bầy tinh trùng mà bà con vẫn tóm gọn đưa vào trại giống giáo dưỡng trở thành con giống mới tài. Thương hiệu cái trại giống cá chình tự phát này đang nổi như cồn, ai biết muộn thì cũng hai, ba năm trở lại đây. Đã nhập tịch vào cái trại cá giống này rồi, đám cá chình này tương lai không phải không có vì nó không chỉ được giá mà còn cao giá, được nâng niu chìu chuộng chăm sóc từng giờ từng ngày nhưng thân phận nòi giống đến đây coi như qua sông mà đã chìm xuồng, sống đọa thác đày không có cách gì cứu vãn để giữ gìn cái gọi là  nòi giống con nhà tông của mình nữa.

Nhắc tới sự nổi chìm của loài cá chình trên sông Thạch Hãn chúng ta là vì chúng tôi đang vùng vẫy tắm táp dưới cảng Cửa Việt đang tự do thoải mái lắm. Nãy giờ tôi có nói, ra khỏi cửa khẩu La Lay, tất nhiên ai ai cũng ngồi trên xe để chuyển dịch, có ai dùng phương tiện gì khác để di chuyển đâu mà tôi thì như thể đi từ đáy sông ra biển, đến Trấm vấp phải đập Tràn cái chân đau điếng chừ vẫn còn đau. Không đau sao được vì còn hai chục cây số nữa thôi loài cá chình đã ôm bụng ra đến đại dương bao la để làm cái thiên chức “vượt cạn” mà tạo hóa đã giao phó. Chỉ cần ra đến được chỗ tôi đang tắm táp đây thôi coi như “mẹ tròn con vuông” sinh sản xong cá chình mẹ sẽ dẫn những đàn con của mình thác lũ quay ngược về nơi ngọn nguồn xuất phát. Trường kỳ ba chục năm nay lũ chúng nó chỉ biết ra đi mà không có ngày về! Nhưng mà thôi, đành cứ phải tin vào sự xoay vần của ông Tạo nữa thôi! Vì với khả năng sinh tồn của mọi vật ta thấy tạo hóa rất chi chu đáo hoàn hảo kia mà. Sự sống đôi khi không có chút sức nặng hay chiều kích gì đáng kể mà mạnh mẽ xiết bao. Đôi lần tôi thấy một cái rễ cây non nớt mềm yếu chẳng đã xoi nứt một tảng đá cứng rắn đó sao! Xem ra mọi vật trong vũ trụ bao la đều có một sự quân bình tuyệt đối không dư không thiếu từ hạt bụi nhỏ bé cho đến các dãy thiên hà vĩ đại. Không thế thì khoa học thực nghiệm chúng ta đây giải thích như thế nào về ảnh hưởng của mặt trăng đối với sự lên xuống của thủy triều; với sự can thiệp liên tục sâu sát đến mỗi chu kỳ trong cơ thể của tất tật chị em phụ nữ cho đến khi mãn nhiệm kỳ? Còn có gì kỳ hơn nữa không khi ta sống bên nách nhiều sự lạ mà không chịu khám phá! Chẳng khác chi với cá chình, chú cá hồi sinh ra ở nước ngọt, theo dòng nước ra biển và sống ở đây cho đến khi trưởng thành rồi lại về nguồn. Hãy theo nó lội ngược dòng về nơi sinh quán, nó bơi một mạch đâu có phân vân lưỡng lự gì. Các nhà khoa học thực nghiệm chỉ làm được cái việc tha nó đến một chỗ khác nhằm đánh lạc hướng, song nó chẳng lấy đó làm lạ vì vẫn trở lại nơi xưa nên chưa tìm ra ai đã dạy cho nó phân biệt một cách chắc chắn như vậy. Lươn biển cũng thế, chúng rời sinh quán từ các ao hồ sông lạch khắp nơi trên thế giới để bắt đầu một cuộc du hành đến tận biển khơi. Một nghiên cứu mới đây cho biết, bình quân hành trình một con lươn châu Phi đi gần bốn nghìn cây số, con lươn châu Á xa hơn có khi gần tám nghìn cây số. Khi đến biển rồi lươn biển mới sinh con và chết. Rõ ràng là các bầy lươn con sinh ra không hề biết gì về sinh quán của nó mà vẫn trở về quê hương xa xôi của cha mẹ chúng nó. Giống nào về nhà giống đó, nó biết tìm về cái lạch ở Pháp hay một cái hồ ở Nam Dương. Một con lươn Pháp không bao giờ bị bắt ở Ấn Độ cũng như con lươn giống Thái Lan không bao giờ bị bắt ở châu Phi. Ai đã hướng dẫn, ban phát cho loài lươn biển, cá hồi hay cá chình bé bỏng kia thứ vũ khí cảm kích phân biệt rạch ròi trên đường phiêu du ngàn dặm như thế. Chắc chắn không phải do ngẫu nhiên mà có bàn tay nào đó của tạo hóa sắp đặt rồi!..

Giăng cuội thư giản nảy giờ không ngoài mục đích đợi đến giờ hẹn các anh ở đồn Hải quan cái cảng biển khá bình an này. Nhưng lỡ mà có bàn tay tạo hóa sắp đặt sờ mó vào mọi ngõ ngách cả thì cũng là dịp rà soát để tránh xa những sai lầm trong bao nhiêu đầu mối công việc đã và đang làm để cầu tiến bộ. Đối với chúng ta như thế nào là tiến bộ? Rà soát kỹ hai mươi năm qua trên phương diện vật chất ta có tiến bộ đôi chút nhưng về phương diện tinh thần thì vẫn nghèo nàn như xưa chả tiến thêm được chút nào. Bằng chứng là chúng ta vẫn tiếp tục mắc các sai lầm trong quá khứ. Đương nhiên vì thuỷ nông, thuỷ điện mà chặn đứng hệ dòng dòng chảy con sông lớn nhất khu vực; đôi khi vì con cá con tôm mà dẫn nước mặn vào sâu trong nội đồng; rừng bị lợi dụng phá đi để trồng mà trồng thì không bằng phá cái thứ gọi là quặng ti- tan ti tiếc manh múm thế mà cũng cấp phép khai thác tùy tiện chắp vá khổ chưa thấy cái lợi kè chắn sóng Cát Sơn thì nay đã thấy nước cuốn đi gần xong bãi tắm Cửa Tùng nổi tiếng…Ngay cả việc có vào trụ sở Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt bây giờ cũng chỉ thăm chơi, có bàn thì bàn quanh chuy ện cái cảng thôi chớ đồn thì có việc chi hệ trọng đâu mà tìm. Thì mang tiếng là cảng nhưng cũng chỉ lơ thơ một số mặt hàng như gỗ Lào, cà phê, tinh bột sắn, ti- tan, phụ kiện may mặc. Hẵn nhiên ở đây không có tình trạng vận chuyển hàng lậu trái phép thì sẽ không có một móng cửu vạn, không có cảnh tranh mua tranh bán cướp giật ẩu đả.. Nghĩ mà buồn cho cái cảng quê ta và lại tiếp tục bàn về cảng, cái cảng cát lấp hẵng khoan nói đến cảng đào.

Còn nhớ mùa hè năm 1994, khi luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng cảng Cửa việt giai đoạn một được Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước thông qua, được Thủ tướng chính phủ cho phép xây dựng và ủy nhiệm cho UBND Tỉnh ra quyết định phê duyệt xây dựng  bước  một (các Quyết định 259/Ttg ngày 15/5/1994 và 808/ QĐ-UB ngày 10.6.1994) với năng lực hàng hóa thông qua cảng 200 ngàn tấn/ năm, tiếp nhận tàu ra vào cảng từ 2- 3 ngàn tấn. Cả tỉnh náo nức, cánh nhà báo chúng tôi đánh trống la làng (chứ không bỏ dùi) om sòm cổ vũ quảng bá tuyên truyền là vì song song với việc động thổ khởi công, cảng Cửa việt đã được Bộ GT-VT nghiên cứu tiếp giai đoạn hai có năng lực tiếp nhận tàu 10 ngàn tấn vào ra cảng (thông báo số 225/TB-VP ngày 24/9/1994 của Bộ GT-VT về cuộc họp giữa bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị). Khi cảng đang xây dựng giai đoạn một, khi con đường xuyên Á chưa khai thông, các chiến sĩ Hải quan Cửa Việt cấy lúa trồng khoai tăng gia sản xuất đã đành. Thông rồi cảng vẫn chưa có kế hoạch triển khai giai đoạn hai biến Cửa Việt thành cảng biển tốt nhất, hợp lý nhất trong việc xuất nhập khẩu hàng hoá cho bạn Lào và vùng Đông-Bắc Thái Lan theo đúng tiến độ kế hoạch đã đặt ra. Mười lăm năm tắc tị, mười lăm năm trôi qua cái cảng quê ta không những không mở mang ra thành cái cảng nước sâu thì việc xuống cấp, hệ thống cửa ngõ cảng luôn bị cát bồi cát lấp là chuyện mặc nhiên. Nhưng có một điều không mặc nhiên được là chúng ta phải công khai giải thích trước công chúng cái lý do hà cớ gì không tiếp tục xây dựng cảng biÓn Cửa Việt trước khi đi tìm cảng đào!

Tôi biết các anh ở Hải quan cảng Cửa Việt ngày đêm nóng lòng chờ đợi các ngành các cấp vào cuộc quyết liệt, cụ thể hơn. Họ bảo: - Có lận đận long đong như nàng Kiều cũng chỉ lưu lạc mười lăm năm, sao để cái cảng biển quê nhà long đong mãi... Tôi biết tiếng kêu của các anh lính Hải quan đứng chân lâu ngày trên cảng Cửa Việt lúc này đây chẳng còn ý nghĩa vật lý gì nữa vì HĐND tỉnh sẽ thông qua đề án xây dựng cảng đào trong kỳ họp tới! Tôi chỉ còn biết bập bênh bập bênh trên cảng lắng nghe những bồi âm thấp thoáng ẩn hiện lúc gần lúc xa và gửi thêm vào những bồi âm trong gió: Cửa Việt ơi, ơi cảng Cửa Việt! Trước mặt anh là đường chân trời, sao con thuyền anh  không lao ra biển khơi. Có thể phía trước anh là bão tố chông gai thì tương lai  không thể không là ngày mai, phía trước. Con nước vô tình vẫn còn trôi về phía trước không thể quẩn quanh mãi chân cầu vì đằng sau còn có cả đại dương nhân loại kia mà! Thôi nhé, chào Ngươi!

                                                                     

Y.T

 

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 181 tháng 10/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

17 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

18 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground