Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Làng Thượng Xá quê tôi

HỒI KÝ - Sau Hiệp định Genève, có lần ở Hà Nội tôi nhận được qua đường bưu điện một tấm bưu thiếp màu vàng, có đóng dấu kiểm duyệt của đối phương, và đó cũng là lần duy nhất. Nét chữ lạ của một người nào đó bà chị gái tôi nhờ viết hộ, anh hay chị ấy đã cố viết cho thật nhỏ chữ để nhắn gửi được nhiều thông tin, hạn chế trong năm dòng bưu thiếp theo như thỏa thuận giữa hai bên ký Hiệp định:

“Nhà mình đã về vườn cũ. Mùa này may ra đủ ăn. Chị H. đã bỏ cháu út. Cậu vẫn khỏe mạnh. Cả nhà rất nhớ em. Em cho gia đình biết tin.”

Nắm chặt tấm bưu thiếp trong tay tôi nhắm mắt nghĩ về làng quê. Làng Thượng Xá nơi tôi chào đời có con sông xanh hiền từ chảy ngang qua, hai bên bờ bóng tre êm đềm soi xuống nước. Đầu làng về phía thượng nguồn, nơi dòng sông trườn qua làng xóm để tưới mát ruộng đồng cả hai bờ Thượng giáp và Hạ giáp, có một chiếc cầu bằng đá sơn màu trắng bắc ngang qua. Hằng năm đến ngày mùng hai Tết, dân làng xúm xít đông nghịt trên mặt cầu và trên hai bờ sông Nhùng gần đấy để xem hội đua thuyền. Các chàng trai Xóm Rào, Xóm Hói, Xóm Côôi (trên), Cồn Mua..., cùng cúi rạp người trên những chiếc thuyền con, thân để trần, phô trước mắt thiên hạ những tấm lưng nâu bóng loáng mồ hôi dù trời đang cữ rét, tất cả cùng cố sức đẩy các mái chèo cho thật nhịp nhàng theo tiếng hò dô để tranh giật cái giải làng treo gồm năm chai rượu, một mâm cau trầu, một phong pháo đỏ.

Cuộc đua kết thúc, trai gái trong làng họp nhau lại đốt pháo mừng thắng cuộc và cũng gọi là mừng xuân, cầu mong những ngày tháng tới mưa thuận gió hòa, mời nhau chén rượu miếng trầu cùng vui hội xuân, cùng mong ước năm nay làng ta sẽ được mùa lúa tốt - cuộc đua thuyền truyền thống ấy từ xưa được coi như buổi lễ cầu trời. Thuở nhỏ, mỗi lần đi xem hội đua thuyền về, đêm nhắm mắt nằm trong mơ màng nửa ngủ nửa thức, tôi lại tưởng như mình đang nghe đâu đây tiếng hò đồng thanh nhấn theo mái dầm hò dô hò! hò dô hò! nhịp nhàng mạnh mẽ băng băng...

Tôi lại nhớ những đêm đầu tháng chín, thời tiết thất thường thoắt tạnh thoắt mưa; những ngày ấy là cỡ vùng quê tôi vào mùa gặt lúa trái (lúa làm trái vụ), mang được mấy gánh lúa về nhà, ai ai cũng đạp lúa vội, tranh thủ lúc trời còn tốt để rồi còn mang ra sân hong cho hạt lúa ráo bớt nước đề phòng khi bất chợt có thể gặp trận mưa dầm do gió mùa đông bắc từ phía bắc tràn về. Ở quê tôi, lúa gặt về người ta không đập bó lúa xuống sân để lẩy hạt thóc như thông thường ngoài Bắc mà xếp ngược bông lúa dựa vào nhau thành một cái bãi tròn chính giữa sân nhà, nhìn từ xa giống như một mâm xôi khổng lồ, rồi chủ nhà dắt con trâu nhà giẫm lên “mâm xôi” ấy và cứ thế đi vòng quanh, vòng quanh mãi kỳ cho đến khi các bông lúa rụng hết hạt, mặt trên chỉ còn lại có rơm, các hạt lúa đều lặn xuống đâu vào bên dưới, nằm dày một lớp sát mặt sân. Tiếng hò khoan thai, có phần hơi lả lướt, của những người dắt trâu đạp lúa ngân dài, vọng từ đầu thôn tới cuối thôn; những câu hò ân tình trao đi gửi lại; người ta cứ theo dõi nhịp hò dài ngắn mà đoán tâm tình người hát rồi cất tiếng hò đối đáp, thường là những câu đã có sẵn chứ mấy ai nghe thật rõ lời câu hò và nghĩ ra được lời đối đáp trong lúc mệt nhọc này. Nhiều hôm chợt thức giấc giữa đêm khuya, tôi nhìn ra sân thấy ánh đèn tù mù chiếu bóng cha tôi đang cùng con trâu lặng lờ, cần mẫn đi vòng quanh sát bên nhau trên mâm cỗ lúa; xa xa có tiếng hò của người đạp lúa nào khác vẳng lại. Cha tôi hồi ấy đã là người luống tuổi, lại là một ông Ấm sinh, không thể thoải mái hát hò trai gái (dù là giả gái thôi), nhưng tôi đoán người đang lim dim mắt nghe những câu tự tình nhớ lại tuổi thanh xuân. Tôi mơ màng rồi lại ngủ thiếp đi lúc nào không biết, giấc ngủ ngon lành tưởng như được tiếng hò đạp lúa của làng của xóm nhẹ ru.

Một thuở đạp lúa bằng trâu - Ảnh: Tư liệu

Một thuở đạp lúa bằng trâu - Ảnh: Tư liệu

Còn rộn ràng hơn, vui hơn nữa là những đêm trăng vào khoảng giữa hè. Làng tôi vốn có bãi đất trồng bắp (ngô) mới khai phá tại các bãi phù sa mới bồi trên thượng lưu sông Thạch Hãn, gần chiến khu Ba Lòng trong kháng chiến chống Pháp sau này, khi tôi đã lớn thành chàng trai thường ngày đeo cái bị lác (túi đan bằng cỏ lác) bên vai lên đường đi công tác, và bãi bắp làng tôi ngày trước nay dân các vùng khác vừa chạy lên tạm trú tránh giặc càn quét, và trở thành một trong những nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, bộ đội tại vùng chiến khu. Hằng năm, cứ đến kỳ gió Lào thổi mạnh, dân làng Thượng cùng nhau đưa những chiếc đò không (đò không chở hàng) xuôi dòng sông Nhùng đến ngã ba Ngô Xá, nơi sông này chảy vào sông Vĩnh Định để cùng đổ ra dòng Thạch Hãn, từ ngã ba sông này ngược sông Thạch Hãn đưa thuyền vươn lên Ba Lòng bẻ bắp; xong việc đoàn thuyền chất đầy những bắp ngô sáng rực một màu da cam sẽ thuận gió xuôi nước nối nhau theo dòng sông Thạch Hãn trở lại ngã ba Ngô Xá, từ đây lại ngược sông Nhùng đến các bến làng mình.

Mùa thu hoạch bắp, hầu như các gia đình không đến nỗi quá nghèo thiếu trong làng Thượng đều có những đống bắp tươi chất thành đống cao đỏ rực giữa sân nhà; mọi người cùng chờ đến khi các bông bắp đã được gió Lào nắng hạ sấy khô và gặp kỳ trăng sáng, người ta mang các bắp ngô đã khô kiệt nước ra đổ vào đầy một cái giàn làm bằng tre đặt chính giữa sân; rồi bên nam bên nữ ngồi đối diện trên hai hàng ghế cao, mỗi người cầm một cây gậy ngắn vừa đều tay đập lên đống bắp vừa hò theo nhịp đập hò khoan hỡi khoan, hò khoan hỡi khoan... Đấy là tiếng hò đập bắp. Nếu những câu hò đạp lúa khoan thai và có phần nào hơi lả lướt trong đêm thu thì tiếng hò đập bắp lại dồn dập, nhịp nhàng dưới làn gió Lào khô nóng. Nhịp hò cần lao khiến cho các bông bắp theo nhịp đập và tiếng hò mà rụng bắp hột xuống rào rào, âm vang lan tỏa cùng ánh trăng càng về khuya càng tỏa sáng. Trai gái các làng gần xa nghe tiếng hò đạp bắp ở làng Thượng, kể cả những làng không trồng bắp ở thượng nguồn vẫn tìm đến đây coi hò và đập giúp. Chủ khách đón chào nhau qua những câu đối đáp thân tình mà kín đáo như tính cách người miền Trung. Sau này, khi cuộc đời vào lúc xế chiều, tôi vẫn nhớ thuộc lòng mấy câu hò bắt chuyện nghe từ thời tóc còn để chỏm:

Đến đây đầu lạ sau quen

Bóng trăng lạ mặt, bóng đèn lạ duyên

Chào bên nam e mất lòng bên nữ

Chào người quân tử sợ làm bẽ dạ thuyền quyên

Cho tôi được chào chung một tiếng kẻo chào riêng khó chào...

Tất cả những cái ấy, từ sau ngày chiến tranh bùng nổ, không còn gì nữa. Bắt đầu từ mùa xuân năm 1947, làng tôi không còn hội đua thuyền, đến mùa gặt tháng năm không ai còn được nghe tiếng hò đạp lúa, tháng bảy oi nồng vắng tiếng hò đập bắp, không còn gì nữa kể cả tiếng ve kêu những trưa vào hè. Dường như con ve con bướm cũng đều chạy trốn giặc Tây đâu mất hết, chúng tìm mọi cách lánh xa tiếng đạn địch và khói lửa địch đốt làng quê ta. Nghe nói bà con quê tôi không dám dùng nước sông Nhùng để nấu bếp, vì hễ lúc nào trời có gió là từ nước sông có cái mùi gì đó thum thủm từ hơi nước bốc lên, chắc là có xác người hay xác vật chết thối dưới lòng sông, ai làm sao biết!

Sau Tết Đinh Hợi 1947, quân Pháp phá vỡ vòng vây trong thành phố Huế, lăm lăm đánh ra phía bắc. Một buổi sáng, anh du kích giật mìn, cầu Nhùng bắc qua Đường số 1 gãy đôi gục xuống lòng sông. Dân làng nghiến chặt hàm răng, lẳng lặng đào hầm đắp ụ cản giặc vào làng, cầm chân chúng cả một ngày. Tôi mang ba lô giã từ làng quê đi công tác; mẹ tôi lau nước mắt tựa cửa nhìn theo, lo cho đứa con chưa đến tuổi trưởng thành. Tôi còn nhớ như in, sáng hôm ấy một buổi sáng tốt trời, quê tôi bỗng dưng rực lên ngắn ngủi một đợt nắng xuân đẹp hơn bao giờ. Đi khỏi làng đã xa, tôi quay đầu nhìn lại, thấy một bầu trời xanh lồng lộng, trên ngọn cây roi cao nhất phe Thượng làng tôi, nơi có đền thờ vị tiền khai khẩn họ Lê ấy, có mấy đóa mây trắng nhẹ vẩn vơ. Lòng tôi quặn thắt, quê hương ta tươi đẹp thế này, lẽ nào để cho lũ giặc kia tàn phá!

Từ buổi sáng ấy đến nay đã bao năm trời. Làng tôi bị giặc đốt bao lần. Mẹ tôi qua đời trong kháng chiến, tại vùng chiến khu vì thiếu ăn và ốm đau không có thuốc chữa bệnh. Con sông Nhùng trong xanh của tuổi thơ tôi giờ ra sao? Nhiều năm qua, không có tiếng hò đạp lúa hay hò đập bắp ngân vọng giữa đêm khuya(1).

P.Q

______________________________

(1) Vừa qua, sau Tết âm lịch tôi được đọc trên mạng xã hội đăng lại một bài từ một tờ báo nào đó ở Quảng Trị mô tả cảnh đua thuyền ngày Tết tại huyện Hải Lăng - mỹ tục xa xưa của quê mình nay đã quay trở lại?

 

Nhà báo PHAN QUANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 332

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground