Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Làng ven sông

Từng đi nhiều nơi nhưng tôi thật hiếm khi gặp được ngôi làng nào có địa thế giống làng mình.

Ngôi làng không phải nằm ở vị trí trung gian để nối tiếp giữa làng này với làng khác, nó là ngôi làng cuối cùng trên một doi đất nằm ở đoạn rẽ của một khúc sông. Đường làng không phải là con đường liên thôn chạy dài tít tắp nối xóm nhà này sang xóm nhà nọ. Trục đường chính kẻ theo một hình tròn bao quanh lấy ngôi làng. Nếu đi bộ hoặc chạy xe liên tục, khách đường xa sẽ thấy điểm cuối làng cũng chính là điểm đầu làng, nơi mà họ vừa nhấn mạnh ga bởi tầm mắt đã chạm đến những nóc nhà, những làn khói xám bốc lên đâu đó từ khu dân cư.

Làng có một lối đi chính và rất nhiều lối đi phụ khác dẫn ra các bến sông. Những lối đi bằng đất, dốc thoai thoải và được che phủ bởi những chiếc mái bên trên chính là um tùm cây lá. Trước đây, thời chưa có giếng, việc làm nông nghiệp còn thô sơ nhưng hoa trái trù mật, lượng người đi lại trên những con đường bến này còn tấp nập hơn lối chính ra vào làng.

Ảnh của Cáp Lộc Hàn Vũ

Ảnh của Cáp Lộc Hàn Vũ

Bốn mùa trong năm, mọi người sẽ gánh xuống bờ sông đủ thứ vật dụng, nông sản. Tháng Giêng, các mẹ các chị gánh mền mùng, chăn chiếu, xoong nồi, bát đũa xuống sông cọ rửa. Đàn ông gánh heo, ngan, gà vịt xuống bến chuẩn bị cho một mùa chia thịt trong đợt hội làng mùa xuân. Lúc hè sang, mỗi nhà có đủ thứ ngô, lúa vừa mới thu hoạch. Rồi những gánh cỏ mật, rau lác, rau đay cho trâu bò, là thóc lép, đậu mè cần sàng sẩy làm thức ăn cho gà vịt. Nông sản còn theo chân bà chân mẹ lên những chiếc thuyền máy nổ bạch bạch trôi đến những phiên chợ nơi xa… Những con đường bến cứ thế hết mùa này sang mùa khác rộn ràng người gánh lên kẻ gánh xuống, bồng bềnh vai bước chạm vào nhau.

Bây giờ, người ở làng không dùng nước sông để ăn uống, tắm giặt như xưa nhưng những con nước lớn nước ròng vẫn ngày đêm rì rầm, bầu bạn, trao đến quê hương, xứ sở những món quà.

Tầm tháng chín, tháng mười âm lịch, khi những hạt mưa rơi xuống, nước bắt đầu dâng lên. Khắp nơi, xóm trên xóm dưới xôn xao, mọi người chạy ra chạy vào cây sung phía bãi bồi để lần theo dấu nước. Nước bắt đầu chảy băng qua con dốc đầu làng, cha tôi cùng những người đàn ông trong làng bàn nhau, cùng chuẩn bị dây thừng, thép, dao, rựa để đi lấy cội. Cội là cách gọi quen thuộc của những người nông dân dùng để chỉ những súc gỗ, những gốc cây lớn trôi về từ phía thượng nguồn.

Tôi không bao giờ quên được cảm giác trong một lần cùng mẹ ngồi núp sau rặng tre quan sát cách ba và các chú, các bác bơi ra sông lấy cội. Những con nước lúc ấy mang theo phù sa đổ về đục ngàu, cuộn tròn thành những lớp sóng chảy nhanh như quét nhà, dễ dàng cuốn phăng đi mọi thứ. Thấy tôi lo lắng, mặt tái đi, mẹ trấn an: “Con đừng lo, nếu người miền rừng không sợ rừng, biết cách mỗi ngày vào rừng tìm con nai con hoẵng thì người sống gần sông cũng sẽ luôn biết cách cộng sinh cùng những con nước để sinh tồn. Để mà xem, cha con hay chú Tám, bác Bình không hề gấp gáp, hay sợ hãi, họ sẽ cố để chủ động trong mọi tình huống, dù là xấu nhất”.

Quả thật như vậy, trước khi bơi, tôi thấy mọi người dặn dò nhau cởi bớt áo quần, tránh gây vướng víu, cùng nhau kiểm tra kỹ lưỡng mọi dụng cụ, đồ đạc mang theo. Khí thế như tráng sĩ qua sông, như chiến binh ra trận. Những “chiến binh” này sẽ kiếm những gốc cây duối thật to, cột một đầu dây thừng vào đó, thít chặt mấy vòng, đầu dây kia buộc vào ngang lưng rồi hình thành thế chân kiềng ba người một, ba người một cùng bơi ra giữa dòng.

Vài tiếng sau, những súc gỗ to được vớt về, tấp vào một góc vườn, nước rút sẽ  mang ra phân loại. Loại tốt nhất sẽ được để dành, sau này cưa xẻ đóng bàn, đóng cửa, thưng thêm tra, chồ, khiến nhà cửa thêm vững vàng và chắc chắn. Rồi gỗ làm hồi môn cho con trai, con gái ra riêng. Loại cuối cùng sẽ được chẻ nhỏ, phơi thành củi khi những con nắng bắt đầu hé lên.

Làng tôi gần sông, thấp lụt và không có cổng làng. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, mọi người cùng nhau bảo ban, đùm bọc nhau quần cư nơi doi đất trù mật nhờ lắm phù sa nhưng cũng thăng trầm vì sự biến thiên của con nước.

Với đạo lý nhà dột cũng chọn chỗ ráo nhất đặt ban thờ, người làng tôi chọn gò đất cao nhất, ngay đoạn gần cổng đi vào làng để chôn cất những người về bên kia thế giới. Đấy chính là ngôi nhà thứ hai, là nơi dừng lại cho chuyến đi cuối cùng của mỗi đời người.

Nếu như bên trong làng, ở ngôi nhà thứ nhất, nhà nào cũng giữ cho khu vườn của mình một màu xanh um của cây cối thì ở gò đất cao này, quang cảnh thoáng đãng, đỡ um tùm hơn nhiều. Mỗi năm, trưởng làng và các họ tộc sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc chạp mộ để dọn dẹp, phát quang các lùm cây hay cỏ dại phát triển quá tầm. Lúp xúp phía tây khu gò là vài chân ruộng cạn bỏ không, bốn mùa ken dày cây mai dương gai góc ít người bén mảng. Những năm sau này, người dân vạn chài sống trên thuyền ở khúc sông gần đó đã mượn tạm khu đất này để khai khẩn, trồng xuống một vài giống cây dễ sống như môn tím, rau lang, đậu đen, đậu đỏ. Có dạo hết mùa, khu ruộng trở thành chiếc sân mini vuông vắn để đám trẻ chăn trâu trong làng chia đội đá banh.

Bây giờ, xóm vạn đò theo chủ trương mới của chính quyền đã rời đi, định cư hẳn hoi ở một tên đất tên làng nào khác. Những ruộng cây mai dương mọc hoang cũng được đoàn thanh niên thôn, xã phát động ra quân trừ diệt nên chẳng thể sinh trưởng chiếm ruộng, chiếm vườn.

Năm ngoái, trong một lần ghé về thăm làng tôi bất ngờ xúc động vì trước mắt mình là chiếc cổng làng bề thế mở ra sau đó hun hút những chiều sâu. Hai câu đối: “Bích Giang cội nguồn cha ông dựng/ Hưng thịnh quê nhà con cháu xây” còn tươi màu mực mới được nắn nót viết dọc theo hai bên thành cổng lần nữa dấy lên niềm tự hào về quê hương xứ sở.

Mỗi ngày ra vào nơi đây, mỗi người đều tự nâng niu, soi chiếu lại từng kỷ niệm, ai nấy càng gắn bó, yêu thêm ngôi làng ven sông biếc xanh, bình yên, tự tại và cũng không ít kiên cường.

D.T

 

DIỆU THÔNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 338

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground