Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lao Bảo rồi sẽ hết những mùa mưa?

N

hà của bố mẹ vợ tôi ở gần chợ Lao Bảo, nói vơ vào cho sang là ở gần cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Nhân đi Lao Bảo để viết bài, tôi ghé lại nhà, cốt là để… nịnh bà mẹ vợ. Tôi mới chân ngoài chân trong, thì bà quần áo ống xăn ống thả, dậm chân dậm cẳng gửi té tát:

- Rể con cái đồ phản phúc. Báo! Báo! Báo chí chi mà không thấy nói chuyện xã hội, toàn là bươi móc, bêu rếu chuyện trong nhà lại đến chuyện hàng xóm, chỉ chọc người ta chửi. Anh bây giờ có lương có bổng, ăn sung mặc sướng, còn tôi, tôi phải đi đẽo vỏ cây bán lấy tiền mua gạo mà anh cũng lên báo…

Chao ôi, vậy là đã rõ mô tê răng rứa rồi. Cô em vợ tôi thấy tình hình căng quá, nên vội nói đỡ lời:

- Họ chặt cây bởi lời lấy vỏ bán thì mặc xác họ, ai biểu anh viết báo làm chi, bây giờ kiểm lâm họ nỏ cho lấy nữa. Mới hôm qua nhà mình cũng bị tịch thu mấy tạ vỏ bời lời.

Tôi chỉ biết im lặng. Chẳng lẽ lại hét toáng lên cái bài học vỡ lòng năm nào ư? Chặt cây phá rừng là phá vỡ hệ thống cân bằng sinh thái mà hậu quả của nó sẽ là hạn hán, lũ lụt, là là… Không, tôi không giận mà chỉ thấy buồn. Hơn thế nữa, là cảm giác xót xa. Một bên vì lợi ích lớn hơn, lâu dài hơn, còn bên kia là sự sống hàng ngày của họ, là cơm ăn áo mặc của họ. Nghĩ cho cùng, trong sự này không có thiện ác mà chỉ là cách nghĩ, cách hàng xử của hai tầng văn hóa. Xót xa là vậy!

Cảnh - anh lính hải quan - hỏi tôi: Anh đến Lao Bảo lần này định viết về cái gì? Tôi bảo: Cửa khẩu từ sau ngày nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế có gì mới không?

Một thoáng buồn trên gương mặt anh lính hải quân: Vậy thì anh thất vọng rồi. Giờ này là giờ cao điểm, vậy mà ông thấy đó, cửa khẩu vẫn đang là nơi bình yên chim hót. Năm ngoái, cũng là thời điểm này, bình quân mỗi ngày có vài trăm xe qua lại cửa khẩu, còn bây giờ lèo tèo 2- 3 chục chiếc mỗi ngày. Còn buôn lậu thì cũng không còn sôi động, nóng bỏng như mọi năm, giá cả hầu như bão hòa, thế là dân buôn tự động… nghỉ khỏe.

Tôi nói với Cảnh: Không, tôi không thất vọng gì cả. Vậy thì tôi viết về sự bình yên ấy được không? - Nhưng như thế cũng buồn quá - Cảnh cười: Mà báo chí nói nhiều chuyện buồn quá thì chẳng ai đọc đâu. Nói đoạn, Cảnh gọi cô em chủ quán: Lấy cho 2.000 đồng thuốc Jet. Tôi đùa: Thuốc lẻ không hút. Ông giả chết đấy à? Cảnh thành thực; Ông ạ, ông là người có học mà ông cũng như thế huống hồ là… Ai cũng nghĩ đã là Hải quan, Cửa khẩu thì ắt là giàu có sung sướng. Lính tráng bọn tôi cũng kham khổ như các ông thôi. Ngày nào có nhiều xe qua lại thì đời có tươi hơn chút ít, còn không thì vẫn phải… “thuốc lẻ” thôi ông ạ!

- Vậy ra có nhiều xe qua lại thì các ông tiêu cực được?

- Không hẳn như thế. Nhưng nhiều xe, nhiều người qua lại thì đời vui.

Tôi hỏi Cảnh câu cuối cùng trước khi chia tay để Cảnh vào làm ca: Bây giờ Lao Bảo cái gì là thời sự nhất. Cảnh dứ dứ hai ngón tay trước mặt tôi, bảo: nước và đất.

Tiếp tôi tại Đồn biên phòng cửa khẩu Lao Bảo là anh Lê Phước Thu - Đồn trưởng - người đàn ông có gương mặt Phật Di Lặc. Chưa kịp nước non, thăm hỏi đã nghe anh Thu phát: Luôn tiện có anh là người của cơ quan tuyên truyền nhờ anh kêu hộ cho về tình trạng phá rừng đầu nguồn. Đã gần hai tháng nay vùng Cửa khẩu không có nước uống, phải đi mua từng tẹc một. Đơn vị tôi có gần 100 cán bộ, chiến sĩ, mỗi ngày mua 3 tẹc hết 150 nghìn đồng, bình quân người 6 lít mỗi ngày. Anh coi, đó quả là một điều khó tin khi ở ngay sát sau lưng, trước mặt chúng tôi là núi rừng, là khe suối. Mười năm trước, anh em chỉ dùng một vài ống cây lồ ô là lấy được nước suối vào nhà để dùng. Nhưng mấy năm lại đây do tình trạng đốt rừng, phá rừng của đồng bào tăng lên dữ quá nên các khe suối đều khô kiệt cả. Vậy là phải kêu cứu Nhà nước. Có kêu ắt sẽ có hồi âm. Tỉnh đầu tư gần nửa tỷ bạc để làm hệ thống dẫn nước cho vùng Cửa khẩu. Nhưng rồi, công trình cũng chỉ để phơi nắng, phơi gió cho vui thế thôi. Phải đợi đến mùa mưa thì may ra mới có nước. Nhưng tôi e rằng, sẽ chẳng có mùa mưa nữa đâu. Năm ngoái, độ này trời đã mưa từng đợt, ít ra cũng có nước để uống. Vậy mà bây giờ có ngày nắng lên 42oC. Nói đâu xa, mới năm ngoái đây thôi, thời gian khô hạn, không có nước uống chỉ mươi mười lăm ngày mà năm nay đã lên tới hai tháng rồi. Cứ cái đà này mà suy luận thì chắc chắn không còn mùa mưa nữa đâu.

Dường như đọc được sự mệt mỏi trên gương mặt tôi nên ông Đồn trưởng vội ngưng lời: Mà thôi, để nghỉ ngơi tí chút đã. Trăm nghe không bằng một thấy. Ngày mai tôi sẽ cho lính dẫn anh vào rừng. Gì thì gì chứ cũng phải thấy cái đã. Thôi, Sam-bai-đơ (tạm biệt nhé- tiếng Lào).

Tôi vẫn không sao chợp mắt được bởi cứ ám ảnh mãi cái ý tưởng: Rồi sẽ hết những mùa mưa nơi cái xứ sở rất gần với những trang sách của Amađô này? Có thật thế không?!

Thấy tôi có vẻ khó ngủ, anh lính biên phòng rủ tôi đi quán chơi. Nắng bứt xô vậy mà anh ta vẫn cứ dẫn tôi đi hết quán này sang quán khác. Mệt quá nên tôi cản: Thôi đừng đi nữa, vào tạm đâu đó cũng được. Anh ta bảo: Các quán này không có đá. Thì đó quán nào cũng trương một cái bảng to đùng “hôm nay có đá”, vậy mà cậu ta vẫn bảo không có đá nghĩa là làm sao? Đi nữa, đây rồi, cậu ta rẽ vào. Cũng một tấm biển to đùng “Có đá Đông Hà”. Tôi ngạc nhiên: Chẳng hiểu sao cả, đá nào thì cũng là đá thôi.

Hùng (tên của anh lính) nói với tôi: Các quán khác cũng có đá nhưng là đá Lao Bảo, họ lấy nước tù từ các suối nên không đảm bảo vệ sinh. Phải uống đá Đông Hà thôi anh ạ! Vậy là rõ: Phải chuyển đá từ thị xã tỉnh lỵ Đông Hà, cách đây tám chục ngàn mét để dân Lao Bảo tiêu dùng. Điều này không biết chắc nhà làm sách Ghi- nét (lá cải) có tuyển vào không, nhưng tôi tin là nó thuộc nhóm tin lạ của các tờ báo thích săn tin giật gân, Hùng nhăn răng cười hì hì khi nghe tôi nói điều ấy.

Uống bia với Hùng tôi thấy thinh thích, cậu ta nhỏ nhẹ, hiền lành như con gái. Đến ly thứ bảy thứ tám gì đó, thì Hùng bảo tôi: - Đất biên giới cửa khẩu bây giờ thời sự nóng bỏng lắm. Trước đây chỉ là rừng hoang vu, từ ngày được gắn cái mác cửa khẩu quốc tế, bỗng nhiên đất đai trở nên có giá. Một nền nhà bây giờ 7- 8 chục triệu, có nơi lý tưởng lên tới 120 - 150 triệu. Em cũng xây được một nhà rồi, em đang tính chuyện mua thêm một nền đất nữa để dự trữ, chỉ hai năm sau thôi, em cam đoan thế đất Lao Bảo sẽ là “tấc đất tấc vàng”. Anh nên vứt ra vài chục triệu để mua lấy một nền, em giúp cho. Thấy tôi có vẻ vô cảm, Hùng nhấn thêm: Kinh doanh bất động sản là lời nhất anh ạ!

Trời ơi! Tôi thầm kêu lên một mình, lính tráng sao mà đến nông nổi thế, gặp nhau chỉ nghe tính toán rặt chuyện tiền, nhà, xe… chứ chẳng nói gì về quốc kế dân sinh cả là sao? Vài chục triệu mà là vứt ra thì chắc anh ta có cả tiền ức bạc tỷ. Hỡi ông Đồn trưởng Lê Phước Thu kính mến của tôi ơi, anh đang sốt sắng vì rừng đầu nguồn cạn kiệt, anh đang mãi nghĩ là đây rồi sẽ chẳng còn mùa mưa, sẽ, sẽ… Nhưng những anh lính cửa khẩu của anh đang nghĩ gì, anh có biết không?

Anh Thu tâm sự: - Tiếng là Cửa khẩu quốc tế, nó giải quyết được cái ngành oai thế thôi, chứ chưa thấy khác gì Cửa khẩu quốc gia cả. Thậm chí còn buồn hơn trước nữa. Đặc biệt từ sau cái vụ lục đục ở Hải quan Quảng Trị mà báo chí chí đưa tin ấy thì xe cộ, khách khứa họ chuyển sang đi đường 8 và đường 12 cả, vì ngoài đó nghe nói thoáng hơn. Nhưng dù sao cũng phải nhìn xa hơn để lạc quan tin tưởng. Vừa rồi, cửa khẩu của tôi cũng đã có những thay đổi lớn về nhân sự, đã thuyên chuyển công tác cho 9 cán bộ, chiến sĩ thuộc phiên chế cửa khẩu.

Tôi hỏi: Và đó là cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nhằm lành mạnh và trong sạch hóa cửa khẩu? Anh Thu cười: Đấy là một vấn đề tế nhị. Sắp tới có sẽ có những thay đổi lớn nữa về con người, cốt làm sao để cửa khẩu xứng đáng “mình là phương diện quốc gia”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mọi sự thay đổi cũng cần có sự đồng bộ. Vì thế, theo tôi về phía Hải quan cửa khẩu cũng cần có những thay đổi lớn về con người thì may ra cửa khẩu Lao Bảo mới xứng đáng với chữ “quốc tế” mà nó mang trong mình.

Theo đề nghị của tôi, anh Thu đưa tôi về thăm cửa khẩu bạn Lào. Trên đường đi tôi gặp cơ man là củi, củi được bó thành từng bó rất đẹp, chất thành đống, sau đó được chở về xuôi để bán. Những tấm biển viết bằng phấn nguệch ngoạc: “Hôm nay có đá Đông Hà” mà tôi đã từng gặp ở dọc đường có liên hệ gì với những đống củi này không? Câu trả lời không phải ai cũng nhìn thấy, bởi nó vô hình. Sự tàn phá của con người đối với rừng đã phải trả giá. Rồi sẽ đến một ngày không phải chỉ chở đá từ Đông Hà lên cho dân Lao Bảo dùng, mà còn chở nước lên để uống, để sinh hoạt nữa. Ngày ấy chắc chắn sẽ không xa, nếu như từ ngay bây giờ chúng ta chưa thôi chạy gạo từ rừng.

Một nhóm thanh niên vừa đi rừng lấy vỏ cây bời lời về vào quán giải khát. Tôi hỏi họ: Nghe nói Kiểm lâm đã cấm không cho mua vỏ cây bời lời sao các cậu vẫn đi lấy làm gì? Thụy - chàng đẹp trai nhất trong đám - đưa tay quệt mồ hôi, chẳng thèm nhìn tôi, nói trống không: Cấm là việc của mấy ông Nhà nước, còn kiếm tiền mua gạo là việc của bọn tôi. Nghe mấy ông Kiểm lâm huyện bảo là chả muốn khó dễ với dân làm gì đâu nhưng vì họ sợ báo chí. Nhưng mà bọn tôi không có gạo ăn thì chẳng nghe báo nói. Báo sợ mặt  trái.

- Bảo vệ rừng là bảo vệ lợi ích chung cho mọi người, trong đó có anh, chứ rừng có phải của riêng ai đâu.

Nghe tôi nói thế, Thụy nhìn thẳng vào tôi: Nhưng các anh được ăn uống đầy đủ nên các anh lo xa, lo môi sinh môi trường, còn tôi, ngày mai vợ con tôi ăn gì để sống qua ngày, đó là mối bận tâm hàng đầu của tôi. Với lại Nhà nước có giỏi thì ngăn chặn đồng bào ở các bản đừng đốt rừng xem nào. Họ đang đốt ngày, đốt đêm, đốt hết rừng này đến rừng khác đấy, có nghe huyện, tỉnh nói năng, nhức nhối gì đâu. Chỉ có mấy ông nhà báo là hay “to mồm”, cái gì cũng kêu cứu, báo động, khẩn khoản,… làm như thể chỉ có nhà báo mới nhìn ra vấn đề, còn lại là… mù cả ấy. Mà thôi, càng nói thì càng làm cho ông anh thêm ghét. Nói tóm lại một câu thế này: Đất đai ngày càng bạc màu, trời thì hạn hán, đi buôn không có vốn, vì thế chúng tôi vẫn phải sống nhờ vào rừng, vẫn phải chặt củi, lấy mây, đẽo vỏ cây… làm tất cả, miễn sao có gạo nuôi gia đình là được.

Những điều Thụy nói khiến cho tôi nhớ lại câu nói của một đồng chí Chủ tịch xã là người Vân Kiều. Đi làm kế hoạch, nghị quyết cho dân bản mà cứ ngồi trên xe con là không sâu sát mô. Dân bản có mấy cái thiệt thòi: Văn hóa thì thấp, đời sống thì khổ, vẫn cứ phát- đốt, chọc- tỉa, vẫn cứ quảng canh, vẫn phải đổi rừng để lấy gạo thôi…

Tôi đem tất cả cái tâm trạng miền núi của tôi đến gặp anh Hồ Chư - người con ưu tú của dân tộc Bru - Vân Kiều - là cán bộ của Ban dân tộc - Miền núi tỉnh Quảng Trị. Anh nói vanh vách những điều anh đã thuộc nằm lòng.

- Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 9 vạn đồng bào thiểu số. Hầu hết đồng bào luôn ở trong tình trạng thiếu ăn quanh năm. Do hoàn cảnh, vị trí địa lý đặc thù, đồng bào ít người của Tỉnh Quảng Trị đang sống một đời sống rất thấp, so với đồng bào Kinh, khoảng cách ấy khá xa. Mùa màng của đồng bào chủ yếu là lúa rẫy, mà những năm lại đây thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt dần. Đồng bào sống chủ yếu nhờ rừng, khai thác phế liệu chiến tranh, tre mây, măng nứa, gỗ củi… Và đấy là một bi kịch, một cái vòng luẩn quẩn rất khó gỡ, càng đói thì càng phá rừng, càng phá rừng thì mùa màng càng thất bát.

Còn như anh hỏi tôi là có cách gì để đồng bào thôi phá rừng thì câu trả lời của tôi là: rất khó. Chỉ nói chống tham nhũng, chống hối lộ, chứ nói chống phá rừng thì tôi e là không ổn. Bởi vì kẻ tham nhũng, hối lộ là cốt để giàu có thêm, chứ cái anh đi phá rừng là cái anh đi kiếm gạo. Vậy phải giải quyết cho được cái gốc, cái nguyên nhân sinh ra thiếu gạo. Tôi là người dân tộc, tôi chỉ nghĩ được có thế.

Anh Hồ Chư ơi, anh lại khiêm tốn nữa rồi. Có lẽ phải bắt đầu từ cách nghĩ, cách đặt vấn đề như thế chăng.

Vâng. Có thể rồi sẽ hết những mùa mưa. Nhưng bao giờ, bao giờ thì người dân mới thôi đổi rừng về lấy gạo!?

L.C.C

Lâm Chí Công
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 4 tháng 01/1995

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground