Xuất phát từ đời sống nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, dân gian có thành ngữ: “Ngửa mặt kêu trời”. Đấy là chuyện từ trong văn học truyền miệng, nhưng sang đến thế kỷ XX và cả hiện tại thế kỷ XXI, đời sống người nông dân Việt vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế nào để sinh kế của người nông thôn không bị phụ thuộc ông trời, đó chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
--> Kỳ 2: Những biến động thời gian gần đây
--> Kỳ 3: Hướng đến sinh kế bền vững
Kỳ 1: Những đặc tính của lao động nông thôn
Việt Nam là một đất nước gắn liền với nông nghiệp, nông dân đã góp phần quan trọng làm nên lịch sử dân tộc. Chính vì thế mà “tam nông” (nông thôn, nông nghiệp, nông dân) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm mà một trong những chính sách lớn chính là Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Tuy nhiên, xu thế hiện đại hóa nhanh chóng đã khiến các lĩnh vực của nông thôn nói chung bị chi phối mạnh mẽ, trong đó có vấn đề sinh kế, hay nói cụ thể hơn là việc làm cho người ở các miền quê. Bởi suy cho cùng, chính lao động là chủ thể tạo ra sản phẩm và các giá trị cốt lõi của đời sống. Muốn xây dựng nông thôn mới thì phải bắt đầu từ con người dân quê, và họ phải đảm bảo đời sống trước rồi mới yên tâm đóng góp cho xã hội cũng như công cuộc xây dựng chung của đất nước.
Nguồn lực dồi dào
Theo số liệu của Tổng cục thống kê trong quý II năm 2023, tỷ lệ lực lượng lao động khu vực nông thôn là 71,0%. Quan sát theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 31,6%; nông thôn: 48,0%) và nhóm từ 15 - 24 tuổi (thành thị: 38,1%; nông thôn: 47,4%). Với tỉnh Quảng Trị, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 334.710 người (năm 2022), trong đó lao động nông thôn 223.270 người, chiếm 66,71%.
Điều này là dễ hiểu, bởi nông thôn là nơi có số đông thanh niên và người lớn tuổi không có việc làm ổn định. Người lớn tuổi thì không có lương hưu, nên họ vẫn phải lao động. Nghề thường xuyên nhất của họ là làm nông, là nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hay khi nói về hiệu quả và thu nhập thì “mưa nắng thất thường”.
Do đặc điểm, tính chất mùa vụ của công việc ở nông thôn nên lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp không chỉ có những người trong độ tuổi lao động mà còn có những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Từ khái niệm tuổi lao động ở nông thôn cho thấy nguồn lao động ở các miền quê rất dồi dào, song chính điều đó cũng là thách thức trong việc giải quyết việc làm.
Lao động vùng nông thôn luôn dồi dào (trong ảnh là lễ hội phá Trằm Trà Lộc, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) - Ảnh: H.T
Người nông thôn dễ tính, dễ thích nghi với công việc, đây là một lợi thế. Ở các làng quê thường một người có thể làm nhiều việc khác nhau, họ tranh thủ quãng thời gian nhàn rỗi giữa các giai đoạn mùa vụ, vô hình chung họ có một nghề phổ biến gọi là “thợ đụng”, tức là đụng đâu làm đó. Hôm nay là người đi cày, nhưng ngày mai đã đi phụ thợ hồ, ngày kia có thể đi chặt cây,... rồi tới mùa lúa chín thì là thợ gặt. Cứ thế, công việc đồng áng cố định mỗi năm hai vụ, thời gian còn lại làm đủ thứ nghề để kiếm sống.
Những người có nghề cố định thường được gọi là “thợ”, như thợ xây, thợ mộc thì năng suất làm việc cũng không cao. Ấy là do tính chất nặng nhọc của công việc, họ chỉ có thể làm tối đa 20 ngày công một tháng. Bên cạnh đó là các hoạt động cộng đồng làng xã khiến người lao động thường xuyên phải nghỉ việc, chẳng hạn việc cưới hỏi, ma chay, cúng kiếng, lễ lược. Đôi khi làng mạc có việc thì cả họ tộc phải nghỉ làm để cùng lo việc. Ở nhiều làng, điều này không ghi trong hương ước nhưng mặc nhiên được mọi người hiểu và tuân theo.
Truyền thống văn hóa làng quê đã tạo nên một lối sống thân thiện, dễ chấp nhận và dễ đón nhận. Sự mở lòng ấy làm cho người quê luôn sẵn có các độ tuổi kế tục, và lực lượng lao động cũng luôn dồi dào. Những người xa quê mưu sinh, khi bất trắc họ cũng chọn trở về quê hương để sinh sống, làm cho nguồn lực lao động nông thôn tăng đáng kể.
Mới mấy năm trước, do dịch Covid-19 ở các tỉnh miền Nam có diễn biến phức tạp, nhiều người lao động quê ở tỉnh Quảng Trị đã tìm đường trở về. Chị Lê Thị Lặng (19 tuổi, quê ở xã Hải Định, huyện Hải Lăng) vào làm cho một công ty may ở Thủ Đức (TP.HCM). Mỗi tháng, tính cả lương và tăng ca, chị Lặng được trả từ 8 đến 9 triệu đồng. Ở trọ, ăn uống cũng đắt đỏ nhưng chị tằn tiện nên vẫn tiết kiệm được một khoản tiền. Khi dịch Covid-19 ở nơi chị làm có diễn biến phức tạp, chị về quê. Cách ly tập trung và cách ly y tế xong xuôi hơn nửa tháng, chị cầm hồ sơ đi kiếm việc làm và đã được nhận vào làm tại một công ty may ở huyện Hải Lăng. Mức lương chị được trả trong thời gian thử việc là 3,4 triệu đồng/tháng. “Trước mắt em làm ở đây đã, về quê có việc là tốt lắm rồi. Đợi đến khi dịch ổn định, sẽ vào lại miền Nam” - chị Lê Thị Lặng cho biết.
Cũng trở về từ TP.HCM để tránh dịch, chị Võ Thị Thu (22 tuổi, trú tại xã Hải Dương, huyện Hải Lăng) lại khó tìm được việc làm. Học xong, ra trường chị Thu xin làm nhân viên văn phòng tại một công ty ở TP.HCM với mức lương khởi điểm từ 7 đến 10 triệu đồng. Trở về quê, khó để kiếm được việc làm phù hợp, nên chị kiếm việc làm online, đợi dịch ổn định sẽ vào lại TP.HCM để làm việc. “Ở đó môi trường làm việc năng động, phù hợp với bằng cấp mà em đã học và mức lương ổn định nếu mình biết phấn đấu, nên em sẽ trở lại” - chị Thu chia sẻ.
Khác với hai trường hợp trên, chị Thu Hồng (27 tuổi, trú tại xã Hải An, huyện Hải Lăng) quyết định sẽ không trở lại miền Nam sau gần 10 năm sống và làm việc ở đó. Trước đây, chị Hồng làm công nhân may ở tỉnh Bình Dương, còn chồng thì làm nghề trang trí nội thất, gắn đá hoa cương với mức lương của hai vợ chồng gần 20 triệu đồng. Dịch Covid-19 xảy ra, hai vợ chồng quyết định về quê. Hỏi chị Hồng có ý định trở vào Bình Dương nữa không, chị nói hai vợ chồng sẽ kiếm việc làm ở quê. “Lương có thể thấp, nhưng vợ chồng mình quyết định sẽ không đi xa nữa”- chị Hồng cho hay.
Đấy là vài trường hợp trong rất nhiều lao động nông thôn Quảng Trị đi làm ăn xa và trở về. Họ luôn muốn ở lại quê nhà, chẳng đặng đừng mới phải bỏ xứ ra đi vì thu nhập.
Cuối năm vừa rồi, tại hội thảo “Thông tin và kết nối nguồn nhân lực Quảng Trị năm 2022”, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế Huế đã khảo sát và cho rằng, tình trạng di cư lao động địa phương đến các thị trường ngoài tỉnh đang có xu hướng tăng, tạo ra nguy cơ sụt giảm lượng cung lao động có trình độ chuyên môn và kỹ thuật tay nghề cao. Trong khi tỷ suất di cư chung của khu vực miền Trung là -4,9% thì của Quảng Trị -7,3%. Kết quả này là sự thách thức không nhỏ đối với Quảng Trị trong việc giữ chân người lao động có trình độ chuyên môn và kỹ thuật tay nghề cao; dẫn đến nghịch lý Quảng Trị có nguy cơ thừa lao động chất lượng thấp, nhưng thiếu lao động có chất lượng cao đáp ứng cho các doanh nghiệp nếu như các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh sớm đi vào hoạt động trong tương lai gần.
Chất lượng không cao
Nhận định trên cũng chính là thực trạng chung của nông thôn cả nước: nguồn lao động tuy dồi dào nhưng chất lượng không cao, thiếu tính chuyên nghiệp. Nguyên nhân sâu xa là do tập quán sản xuất ở nông thôn luôn ít tiến bộ so với khu vực thành thị, cùng với đó là phương tiện máy móc còn thô sơ đơn giản. Một người có thể làm được nhiều nghề khác nhau, là “thợ đụng” nên không thể có tính chuyên sâu để phù hợp với lối làm việc hiện đại. Thành phần người lao động lành nghề thì phân bố không đồng đều, hoặc bị phụ thuộc và cuốn theo vào các vấn đề gia đình, làng mạc nên tính chuyên nghiệp vẫn bị hạn chế.
Lao động nông thôn bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết - Ảnh: P.A
Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị vào tháng 6/2023, Công ty TNHH Liên doanh phát triển Quảng Trị (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết, để phát triển và vận hành dự án, công ty cần tuyển dụng 700 cán bộ quản lý và người lao động trình độ cao. Tuy nhiên, việc tuyển dụng đang gặp khó khăn, vì trình độ nghề nghiệp của đa số công nhân lao động tại địa phương còn thấp.
Ông Trần Quang Dũng - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Hải Lăng cho hay, tại địa bàn huyện đang triển khai Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị có quy mô hơn 480 ha với tổng mức đầu tư 2.074 tỉ đồng. Khi đi vào hoạt động, các công ty cần lượng lớn lao động chất lượng cao, vì vậy địa phương cần có những kế hoạch, định hướng, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, khuyến khích người lao động học tập, nâng cao trình độ.
Được biết, để thu hút doanh nghiệp và đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, Quảng Trị đã có Nghị Quyết số 105/2021/NQ-HĐND ngày 30/8/2021 về việc ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Theo đó, nếu đảm bảo các điều kiện theo nghị quyết, thì mỗi dự án được hỗ trợ một lần tối đa không quá 100 triệu đồng để hỗ trợ đào tạo lao động cho dự án.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo tại các khu công nghiệp theo các tiêu chí: Số lao động cần tuyển dụng của doanh nghiệp, trình độ đào tạo, cam kết tuyển dụng sau đào tạo và mức lương tuyển dụng. Trên cơ sở đó, sẽ tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời đẩy mạnh liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín ngoài tỉnh nhằm đa dạng hóa ngành nghề cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Ngoài việc bất tương quan giữa số lượng và chất lượng như đã nói ở trên, thì lao động nông thôn còn dễ bị chi phối bởi các vấn đề chung của xã hội, dẫn đến tình trạng mất cân đối, thiếu ổn định, đặc biệt giai đoạn khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19.
--> Kỳ 2: Những biến động thời gian gần đây
--> Kỳ 3: Hướng đến sinh kế bền vững