Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lao động nông thôn: Đâu là sinh kế bền vững? - Kỳ 3: Hướng đến sinh kế bền vững

Nông thôn Quảng Trị đang sẵn có nguồn lao động dồi dào, dù hiện tại tay nghề không cao và việc làm cũng bấp bênh. Bên cạnh đó là những nghịch lý cung - cầu lao động cần được giải quyết. Trên cơ sở đánh giá thực trạng để đề xuất những giải pháp phù hợp, có thể tạm phân luồng lực lượng lao động ở nông thôn Quảng Trị hiện nay theo hai dạng gồm: người nông dân nhàn rỗi giữa mùa vụ và lao động nông thôn toàn thời gian.

--> Kỳ 1: Những đặc tính của lao động nông thôn

--> Kỳ 2: Những biến động thời gian gần đây

Đào tạo nghề tại chỗ cho lao động nhàn rỗi

Quảng Trị có nghề trồng lúa nước truyền thống lâu đời, với diện tích đất canh tác hiện tại khoảng 28.000 ha. Phần lớn người sống ở các vùng nông thôn có một nghề chính là làm ruộng theo chu trình mỗi năm hai vụ, thời gian còn lại khá nhàn rỗi. Giải pháp phù hợp nhất với dạng lao động này là đào tạo nghề ngắn hạn để họ có thêm một vài nghề khác, có thể làm tranh thủ.

Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1956/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), sau 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cụ thể, có 57.490 lao động nông thôn được đào tạo ở trình độ sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng, trên 80% lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm và cho thu nhập ổn định.

Quy mô cơ cấu nghề đào tạo được mở dần theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, yêu cầu sản xuất kinh doanh và đòi hỏi của thị trường với danh mục gồm 104 ngành, nghề đào tạo ở các cấp trình độ. Cùng với việc đào tạo các nghề phục vụ cho các khu kinh tế, các cơ sở đã đào tạo các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động. 

Đặc biệt là việc lựa chọn các nghề điểm trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, dịch vụ được xem là chủ yếu để đảm bảo việc làm thông qua tự tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động của người nông thôn đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật. Nhiều mô hình đạt hiệu quả như: trồng ném trên cát và sản xuất nón lá ở các xã Hải Lăng, trồng hoa ở xã Cam An (Cam Lộ), trồng sắn tại vùng Lìa (Hướng Hóa).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế: Do phong tục tập quán chăn nuôi, trồng trọt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, vì vậy người dân không dám mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo cho lao động nông thôn, bài toán làm thế nào để đào tạo nghề cho phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển ngành nghề của địa phương vẫn chưa tìm được lời giải.

Nghề trồng ném trên cát ở các xã của huyện Hải Lăng - Ảnh: P.A

Nghề trồng ném trên cát ở các xã của huyện Hải Lăng - Ảnh: P.A

Qua thời gian triển khai Đề án 1956 ở tỉnh Quảng Trị cho thấy, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nào thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc nhắc nhở trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện công tác dạy nghề trên địa bàn thì nơi đó đạt hiểu quả. Sự chỉ đạo của UBND các cấp, ban chỉ đạo Đề án, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phân công trách nhiệm rõ ràng đồng thời phối hợp chặt chẽ khi thực hiện thì các chính sách, hoạt động của đề án được triển khai nhanh và hiệu quả. Những bài học đó là tiền đề để cụ thể hóa chủ trương, chính sách cho giai đoạn hiện nay.

Sau khi Đề án 1956 kết thúc, tỉnh Quảng Trị đã ban hành các kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngắn hạn từng năm 2020, 2021, 2022. Trong đó có những ngành nghề mới mẻ như: kỹ thuật trang điểm thẩm mỹ; thiết kế tạo mẫu tóc; kỹ thuật làm hoa nhựa, hoa giấy; kỹ thuật trồng nấm (theo hướng an toàn sinh học); kỹ thuật nuôi giun quế kết hợp nuôi gà, vịt, cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Đây là những nghề phù hợp với cơ sở sẵn có ở nông thôn, đồng thời tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người làm nông nghiệp.

Đến ngày 9/12/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025 với mục tiêu là hỗ trợ đào tạo thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 33%. Điểm mới của chương trình này là đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã để bổ sung kiến thức quản lý nông nghiệp; đào tạo lao động phát triển làng nghề truyền thống gắn với các giá trị văn hóa, du lịch cộng đồng; lao động tham gia vào chương trình phát triển các sản phẩm OCOP, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo nghề, cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với đào tạo nghề, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong đó, ưu tiên ngành nghề nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nông lâm sản và lĩnh vực phi nông nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, dịch vụ du lịch…; tiếp tục huy động, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các cơ sở đào tạo, mua sắm trang thiết bị, công nghệ hiện đại để đáp ứng với xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế hội nhập.

Kích hoạt các cơ chế cung - cầu lao động

Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, các dự án đầu tư lớn đang được khẩn trương triển khai, trong đó có những dự án lớn nhất từ trước đến nay. Quảng Trị đang đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới, đặc biệt là các dự án giao thông, sân bay, cảng biển, năng lượng, công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp có giá trị cao.... Các dự án này hiện đang dịch chuyển dần về nông thôn và tạo thêm nguồn việc làm tại địa phương, thuận lợi cho người lao động. Nhiều công ty đã mở rộng xí nghiệp, nhà xưởng về tận thôn quê. Điển hình là các xí nghiệp ngành may mặc đã có mặt rất nhiều ở các xã. Người nông thôn có được việc làm ổn định, thường xuyên gần nhà, yên tâm làm việc hơn. Thời gian tới, việc phát triển mạng lưới nhà máy, xí nghiệp về địa bàn nông thôn sẽ là một giải pháp hữu hiệu, đồng thời mở ra cơ hội làm việc cho những người nông thôn có thể lao động toàn thời gian, hưởng lương dài hạn và có các chính sách an sinh, bảo hiểm.

Các công ty may mặc mở chi nhánh về tận nông thôn với nhiều chế độ phúc lợi - Ảnh: P.A

Các công ty may mặc mở chi nhánh về tận nông thôn với nhiều chế độ phúc lợi - Ảnh: P.A

Những năm qua tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Để đạt được mục tiêu tổng quát này, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp then chốt hàng đầu. Chỉ tiêu đặt ra cụ thể đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, đến năm 2030 là 85 - 90%, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thị trường lao động Quảng Trị chưa hình thành rõ nét, đặc biệt trong bối cảnh đang có nhiều biến động về nhu cầu sử dụng lao động do xuất hiện các dự án trọng điểm, đầu tư mới trên địa bàn. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư tại Quảng Trị đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động phục vụ dự án, đặc biệt là các dự án có nhu cầu sử dụng nguồn lao động lớn, đòi hỏi có trình độ năng lực. Đây là một áp lực cho chương trình kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030.

Qua các phân tích, nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ở Quảng Trị đến năm 2025 ước khoảng hơn 63 nghìn người. So với số lao động của năm 2019 thì nhu cầu tăng thêm trong các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị khoảng hơn 25 nghìn người, tỷ trọng lao động doanh nghiệp chiếm trong tổng số lao động của toàn bộ nền kinh tế tỉnh sẽ tăng từ 9% ở năm 2019 đến 16,7% của năm 2025. Ước tính, tốc độ tăng trưởng lao động bình quân thời kỳ 2020 - 2025 khoảng 9%.

Nguồn lực lao động của tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào quá trình tăng trưởng kinh tế địa phương, điều này có ý nghĩa tích cực trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên sức sản xuất của nền kinh tế còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao do chất lượng lao động đang thấp.

Dự báo ngoài đầu tư công, nhu cầu huy động vốn đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 thu hút khoảng 130 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030 thu hút khoảng hơn 160 đến 216 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 54 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ - du lịch, y tế, giáo dục… Vì vậy, giai đoạn này cần một lực lượng rất lớn lao động có tay nghề cao, chất lượng tốt.

Để kịp thời cung ứng nguồn cung lao động có tay nghề và chất lượng cao, phục vụ kịp thời quá trình phát triển của Quảng Trị, cần tổ chức tốt cơ chế phối hợp 3 bên (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) để đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây là vấn đề cốt lõi nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Cũng cần lưu ý rằng chương trình đào tạo phải phù hợp, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động. Ngoài đào tạo chuyên môn cần chú ý đào tạo ngoại ngữ cho các lao động để dễ dàng tiếp cận công việc, đây là xu hướng phát triển của thời đại.

*

Công cuộc xây dựng nông thôn mới đang mang lại sự đổi thay mạnh mẽ ở các miền quê, đấy là hiệu quả, cũng là xu thế của sự phát triển. Một trong những đòi hỏi tất yếu là phải xây dựng con người nông thôn mới, xây dựng đội ngũ lao động chuyên nghiệp, khi ấy người ở thôn quê sống ổn định, không còn lo chuyện “ơn trời mưa nắng phải thì”.

--> Kỳ 1: Những đặc tính của lao động nông thôn

--> Kỳ 2: Những biến động thời gian gần đây

 

PHÚC AN - HƯNG THƠ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 349

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

5 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground