Một chiều tháng bảy nắng như thiêu và gió Lào như bão. Tôi gặp trung tá Trần Đình Dũng chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Quảng Trị vừa lúc anh vừa mới từ Hà Nội vào.
- Nhà báo ngày mai lên đường không?
- Luôn luôn sẵn sàng- như một cái máy.
Vậy là mọi công việc phải hoãn lại hết, bởi bao giờ tôi cũng yêu thích những chuyến đi như thế này. “Lên Đồn”có nghĩa là đến một đồn biên phòng nào đó trong hệ thống Biên Phòng Quảng Trị, bất kể biển hay rừng. Cánh lính biên phòng quen gọi các cuộc đi ấy bằng hai từ gọn nhẹ: Lên Đồn, dù có khi vẫn phải đi xuống. Ngôn ngữ Quảng Trị được lính tráng sử dụng thật đáo để. Vừa hàm chứa sự nghịch ngợm đầy chất dân gian, lại vừa tạo ra cảm giác thân mật, gần gũi giữa những người chưa quen biết có dịp đến với lính biên phòng. Cứ ngồi tán gẩu với cánh lính đồn các bạn sẽ nghe miết các từ có dính chữ “đồn” rất cố ý.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường. Mới nhìn xe là biết sắp đối đầu với gian nan trên những đường Trường Sơn năm xưa rồi. Tới các đồn xa như Cù Bai, Sen Bụt, Tam Thanh thì phải dùng xe Gát 66, còn bình thường có thể đi Uoát nhưng nhất thiết gài “cầu” sau. Trên xe lỉnh khỉnh đủ thứ, nào gạo cơm, mắm muối, thuốc men, súng đạn, công văn giấy tờ, máy chiếu phim, đàn trống văn nghệ rồi sỹ quan, lính đồn và cả những người không mặc áo lính như tôi.
- Lên Đồn nào vậy? Tôi hỏi một sỹ quan ở phòng chính trị.
- Sa Trầm. Anh tới đó chưa? Chưa à? Tuyệt lắm! Chắc chắn có cái để nhà báo viết được bài hay đấy.
Ngược quốc lộ 9 hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi đến Khe Sanh. Ở đây khí trời bắt đầu chuyển dần. Ở Đông Hà nắng như đổ lửa, gió bụi mù mịt khô ráp là vậy mà hơn một giờ sau đã được tắm trong làn gió rười rượt đầy hơi nước bên kia thổi về. “Chiến trường xưa” - cũng là lúc cơn mưa ập đến. Ở Đông Hà mà có cơn mưa thế này thì lý tưởng biết mấy. Nhưng đây lại là cơn mưa chỉ dành cho núi rừng mà thôi. Tôi vẫn nghe người ta tả nhiều về những cơn mưa rừng, nhưng lần này mới thực sự nhìn thấy, ban đầu xối xả, ào ào qua lá rừng, chảy tràn qua đá sỏi, thành những con suối đục ngầu. Chúng thi nhau đổ xuống vực sâu làm thành cơn lũ dềnh lên bất chợt. Rồi như đã thấm mệt, đã thoả thuê sau cuộc giao hoan bất tận với núi rừng, nó xoài ra rả rích, dai dẳng, miệt mài như ngủ. Màn mưa mênh mang buồn buồn dễ gây cho con người ta cảm giác hoài nhớ cố hữu, nhớ nhà, nhớ quê da diết.
- Lính đồn ớn nhất là mưa rừng – anh bạn sỹ quan cạnh tôi kể - buổi hoàng hôn ngồi trùm chăn nhìn ra vách núi, chao là nhớ nhà. Thanh niên trai tráng mà buổi đầu chưa quen nhiều chàng cũng khóc hết nước mắt. Càng khổ hơn là mùa này dễ gây sốt rét, rồi sên vắt…
Một cú xốc cắt ngang lời kể, làm mọi người nãy vào nhau. Các em xinh đẹp trong đội văn nghệ “bị” các anh con trai va phải la oai oai. “Đường với chả sá”. Tôi lầu bầu lấy tay xoa xoa cục bướu vừa nổi ngay mé đỉnh đầu. Anh bạn ngồi bên cười: “Thế này còn hạnh phúc chán, chỉ kém hơn đường nhựa một chút thôi”. Vì bị đau mà kêu thế thôi chứ tôi vẫn biết mùi đường lên đồn khá rõ. Ở dọc 206 cây số biên giới Việt- Lào thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị có rất nhiều con đường được hình thành từ thời chiến tranh chống Mỹ mà chúng ta vẫn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Ngoài những trục đường lớn, dài hàng trăm cây số, lại có những tuyến “Xương cá” bủa khắp cả hai phía Trường Sơn. Lúc thì đường chạy bên đông Trường Sơn, lúc lại “lật cánh” sang tây Trường Sơn. Ngày xưa quân đi như nước chảy, xe pháo ầm ầm suốt đêm ngày. Mưa bom, bão đạn là thế nhưng dù sao vẫn sống động vì có xe cộ, người qua. Còn bây giờ thời gian và hoang dại đại ngàn đã phủ lấp gần hết dấu người. Nên con người dò nhẩm, mò mẩm đâu đó giữa bạt ngàn lau lách cỏ dại. Xe cứ tuông như cỏ rừng mà đi. Cành cây cào vào kính, vào sườn xe tưởng như ai đó cứ rấp từng bó củi gai vào mặt. Mà kể cánh lái xe biên phòng cũng giỏi thật. Những chàng xế như Thông như Lâm đây nào khác chỉ các tay lái “559” ngày xưa bay qua hố bom hàng ngày như cơm bữa. Đường rừng hư hỏng quá nặng, cầu cống càng thảm họa hơn. Chúng tôi phải qua cầu dài chục mét và chỉ có vẻn vẹn hai thanh dầm sắt chênh vênh vừa đủ lọt hai vệt lốp. Là người không yếu bóng vía mà tôi chẳng ghé nhìn con vực sâu hun hút, toang toác ở ngay dưới bụng xe. Đường lên đồn là thế đấy. Trời nắng đã khổ, trời mưa cực hơn. Lắm lúc xe đang xuống dốc thì trơn trượt quay ngang về mép vực thẳm. Cũng có khi đột nhiên bị chìm nghỉm cả xe cả người giữa ngầm vì gặp cơn lũ dềnh lên…Hình như muốn mọi người cố quên đi những cảm giác hiểm nguy trên đường, Trung tá Trần Đình Dũng xoay sang mở đề tài kể chuyện tiếu lâm. Thôi thì đủ thứ đông, tây, kim, cổ, cụ ky chuyện cười được mọi người đem ra thi thố. Một chàng lính cựu góp chuyện: “Ở đồn, tôi có một thằng cha làm quản lý thật ma mãnh. Hắn hay về Khe Sanh, Đông Hà để nhận hàng, thế nên các em quanh vùng đến gửi nhờ mua đủ thứ. Một hôm họ đến nhờ anh ta mua nịt ngực. Hắn dạo khắp Đông Hà, mua về một tá thứ nịt ngoại cỡ. Em nào đeo vào cũng lỏng la lỏng lẻo. Lại kéo nhau đến nhờ đổi. Hắn tỉnh bơ: Đổi thì đổi chứ biết cỡ nào mà mua”. Vậy là các em mắc bẩy hết. Em xinh đẹp nào muốn mua nịt ngực đều phải đến anh để anh… “đo”. “Đo” xong cu cậu nhắm mắt mua về cho loại nhỏ hơn cái nào cũng vừa khít cả. Các em đến cám ơn ríu rít và trở thành khách hàng thường xuyên…ha ha ha. Mọi cười xô dụi vào nhau mà cười chảy nước mắt, còn các em trong đội văn nghệ cứ nhè lưng chàng lính cựu mà đấm thùm thụp.
- Đồn kia rồi!
Tôi nhìn đồng hồ, vậy là suốt hai tiếng đánh vòng từ Khe Sanh, chúng tôi đã lên độ cao 450 mét ngay giữa đỉnh Trường Sơn. Đây là nơi đứng chân ở đường Biên phòng Sa Trầm. Cuộc đón tiếp diễn ra thật cảm động. Lên đồn là thế, người chưa một lần đến cũng như người sống chung tất cả đều trở nên thân quen y như đồng hương gặp nhau nơi xứ lạ. Vẫn nụ cười lúc nào cũng làm sáng lây người khác, chỉ huy Trưởng Trần Đình Dũng giới thiệu: “Sau khi công việc xong xuôi, chúng ta sẽ tham gia chương trinhg dạ hội. Các anh chị đã từng nghe hát nhiều về Biên phòng, hôm nay chính những người lính Biên phòng sẽ hát”. Và đêm, chúng tôi được thưởng thức một buổi ca - nhạc - vũ cây nhà lá vườn của lính. Gọi là cây nhà lá vườn nhưng thực chất nhiều giọng ca, nhiều tiết mục của đội văn nghệ lính này chẳng kém gì ca vũ chuyên nghiệp ấy chứ. Anh Dũng đùa với tôi: “Nhà báo, lính đồn dạo này chơi uất” không? “Xài nhạc sống thôi nhé”. Anh đùa nhưng mà tôi nghĩ cũng đúng. Mới cách đây mấy năm lính đồn trông được xem một đêm phim như trời hạn trông mưa. Họa hoằn lắm, mới có một chuyến phim lên chiếu liền vài đêm rồi lâu lắm mới trở lại. Những lúc như thế lính háo hức lắm. Bà con dân bản thì còn phải nói, ở xa mấy cũng bồng bế nhau đến có khi phải đi cả ngày đường. Chẳng những dân bản Việt mà cả dân bản Lào bên kia biên giới cũng kéo nhau sang xem phim rồi ngủ lại đồn, ăn uống với lính đồn, lại xem nữa, bao giờ hết mới về. Văn công, văn nghệ nhạc sống mấy khi có mặt. Bởi thế mà có một đoàn dân chính lên thăm đồn, có cả văn công đi theo phục vụ, bà con đốt đuốc đứng chật sân. Chương trình kết thúc đã nửa đêm mà chẳng ai ra về, còn muốn xem nữa, Bí quá, cả đoàn từ đồng chí lãnh đạo đến các anh em tham mưu đều phải trổ hết vốn liếng văn nghệ ra để phục vụ bà con cho tới sáng: Sau “vụ” đó nhiều người đã được bạn bè phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân… tỉnh”. Có người về tới nhà cứ nghĩ mình không biết vì sao mình có thể hát lên giữa đám đông người lạ nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt đến thế. Đó là chuyện cũ, còn bây giờ đã khác nhiều rồi. Đồn nào cũng có tivi màu, đầu vidio, catset tha hồ coi, tha hồ nghe. Thỉnh thoảng được chiêu đãi văn nghệ đặc sắc nữa, “oách” quá chứ còn gì.
Nhìn những người lính Biên phòng đang rực rỡ trong điệu nhảy, trong âm thanh của tiếng đàn, tiếng hát tôi chợt nhận ra một điều: Họ quên rồi những gian khổ ngày thường của người lính. Vâng, chỉ có thế thì những người lính Biên phòng mới quay lại núi rừng Trường Sơn, mới bám trụ hàng chục năm trời nơi núi rừng thiêng nước độc để gìn giữ vẹn nguyên hình hài thiêng liêng của Tổ quốc. Trên một giải biên giới dài 206 cây số, người lính Biên Phòng Quảng Trị đã ngày qua, đêm về hơn nửa bước chân, có lẽ từ Hướng Lập, Pải Lọ, đến La Cồ, Axing. Một con đường thiêng liêng nhưng chẳng dùng ô tô, xe máy. Để qua hết nửa triệu bước chân ấy họ phải dùng mọi hình thức vận động của bản năng con người, là đi, là nhảy, là trèo, là bơi, là trượt vv... Suốt năm qua, trên quảng đường chỉ có thể tính lý trình bằng bước chân đó, người lính Biên phòng Quảng Trị đã bắt gặp, đã xử lý hàng vạn tình huống về an ninh. Đã đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, đã xây được cả một thế trận Biên phòng trong nhân dân vùng biên giới. Và điều mà ít ai ngờ đến là họ góp phần thật đắc lực vào sự nghiệp nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc. Những nơi khác có thể tôi chưa biết hết, riêng ở Quảng Trị tôi đã tận mắt chứng kiến vị trí “Trung tâm kinh tế - văn hóa- xã hội” của đồn biên phòng đối với các khu vực dân cư miền núi và tính đa năng, nhạy cảm, nhiệt tình của những anh lính đồn.
Trong một thời kỳ dài đầy khó khăn của đất nước, đời sống nhân dân nói chung đã khó khăn, ở người miền núi lại càng khó khăn hơn. Đói kém, bệnh tật, mù chữ…là những kẻ thù gần như cố hữu của đồng bào. Trường Sơn sau chiến tranh không còn rộn tiếng người, tiếng xe nữa. Trong vắng lặng của đại ngàn, người lính biên phòng lại khoác ba lô tìm lên, gặp dân bản từ mọi hang hốc núi rừng tránh bom đạn trở về. Họ tựa vào nhau, những gì mà đất nước gặp khó khăn chưa cưu mang được. Từ nhiều năm trước, những vùng sâu, vùng xa biên giới điều kiện đi lại cực kỳ khó khăn, mạng lưới của các cơ quan phục vụ dân sinh – kinh tế địa phương chưa đủ sức vươn đến. Tất cả bà con trông chờ vào đồn Biên phòng . Cho đến nay, dù có nhiều thay đổi, có nhiều sự quan tâm, nhưng đồn biên phòng vẫn còn phải gánh vác vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa- xã hội vốn có của mình. Những lúc giáp hạt , đói ăn, đồn biên phòng là nơi xuất gạo cứu đói đầu tiên và gần nhất. Lính đồn đi vận động bà con dân bản bỏ dần tập tục cúng giàng khi có người lâm bệnh. Và rồi thuốc men của lính lại dành phần lớn chia sẻ cho dân. Lính đồn còn phải mở lớp dạy chữ cho bà con. Giúp Đảng và Chính quyền cơ sở xây dựng đội ngũ, lực lượng vv…Thành ra lính đồn trở thành anh cán bộ tổng hợp toàn diện.
Ngay tại đồn Sa Trầm này tôi đã gặp đã nghe rất nhiều chuyện mà người lính Biên phòng đã làm cho dân bản. Đồn trưởng Phạm Thế Nghĩa tâm sự: “ Thấy dân khổ mà mình không yên. Hàng chục năm sống với dân bản chúng tôi giờ chỉ như người đôi quê, mà chẳng ai lại đang tâm ngồi nhìn dân quê mình khổ”. Lính đồn thay nhau đi vận động bà con làm kinh tế vườn, trồng cà phê, đào ao nuôi cá, chăn nuôi bò thương phẩm vv…Nhiều hộ gia đình đã trở nên khá sung túc nhờ nghe lính đồn khuyên như ông Ăm Lương ở xã Pa Tầng. Các anh còn vận động các bà con tự làm đường, rồi dời nhà, sinh đẻ đến trạm xá nhưng chết cũng nhiều lắm. Có những người như chị Ycà-roong ở xã Pa Tầng sinh nở một mạch 15 lần liền mà chỉ nuôi sống nổi 3 đứa con. Hay chị Ynoon ở xã Pa Nang, nhìn đứa con duy nhất của chị, có ai hay chị đã đi qua 13 lần ở cữ. Lính đồn lại thay cán bộ làm công tác dân số đi từng nhà, đi từng người để đem kiến thức của mình, tỏ bày cùng bà con. Từ những cuộc vận động mi-ni như thế mà đồn Sa Trầm vận động được 17 phụ nữ tình nguyện đặt vòng và gần một trăm cặp vợ chồng dùng bao cao su tránh thai. Chắc mọi người thấy lạ khi tôi nói rằng đã trông thấy ở đồn Sa Trầm một phòng chuyên dùng để dùng biện pháp tránh thai cho phụ nữ. Và người phụ trách chính là chàng lính đồn đã được “đào tạo” cấp tốc từ cơ quan chuyên môn. Hôm lên Sa Trầm may mắn gặp được “dũng sĩ xóa mù” anh tên là Hoàng Minh Tất, trung úy, chưa vợ, quê ở xã Hoàn Trạch – Bố Trạch – Quảng Bình. Anh hiện nay đang cắm chốt ở xã Pa Tầng trong nhiệm vụ cán bộ vận động quần chúng kiêm xóa mù cho dân bản. Ở miền búi, giáo viên dạy chữ còn ít lắm, có nơi chưa có giáo viên, thành ra cũng như các hoạt động khác, dạy chữ cho dân bản đã trở thành một nghĩa vụ nghiễm nhiên mà các chàng lính đồn phải gánh lấy. Tính ra dọc tuyến biên giới thời gian vừa qua đã có hàng trăm ca xóa mù đã rời lớp học từ sự truyền thụ của “Ông giáo” Biên phòng. Riêng đồn Sa Trầm đã dạy được cho 120 người đạt tiêu chuẩn quy định.
Xem qua công việc, thấy lính đồn có vẻ tất bật lắm, điều đó tôi đọc thấy ngay trên bảng theo dõi công tác hàng ngày của đồn trưởng Nghĩa. Tôi hỏi đùa anh:
- Nếu được phép có một điều ước, anh sẽ nghĩ đến cái gì?
Không đắn đo, Thiếu tá Nghĩa nói ngay:
- Ước gì có được con đường từ đây vào xã Pa Tầng.
- Thế thôi ư? Để làm gì?
- Ôi nhiều lắm, dân Pa Tầng của chúng tôi sẽ đổi đời.
Hình như “gãi đúng chỗ ngứa”, vị đồn trưởng thao thao bất tuyệt về lợi thế của con đường trong đời sống dân bản, y như một nhà kinh tế thực sự chứ chẳng phải anh lính đồn có thâm niên, 17 năm ở biên giới. Có đường đi lại dễ dàng, nông sản, lâm sản, của bà con sẽ được tiêu thụ đúng giá, đời sống lên ngay, rồi thì qua giao lưu mà kiến thức mọi mặt sẽ tự đến, bà con nhạy cảm sẽ nắm bắt được nhanh. Tôi nhìn vào mắt anh và thấy rõ ở đó đang gợi lên một viễn ảnh không hề phù phiếm, phản khoa học, mà là một thực tế có thật đang chưa diễn ra. Có lẽ chẳng phải riêng anh đâu mà cả vị chỉ huy trưởng đang ngồi kia và những binh nhất, binh nhì đang cầm cập trong cơn sốt đều có chung viễn ảnh, ước mơ ấy. Đến lượt tôi, tôi cũng ước gì điều mong của các anh sớm thành hiện thực.
Ngày hôm sau, chúng tôi chia tay. Buổi sáng ở rừng thật sảng khoái. Tôi biết sau khi xe chúng tôi khuất sau khúc quanh của rừng thì lính đồn lại khoác súng bươn chải, chạy, đi, bò, trèo, bơi, trượt trên lý trình đếm bằng nửa triệu bước chân có lẻ ấy.
Đ.N.H.