Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lỗi hẹn Tây Bắc

T

ôi đã rất khấp khởi chuẩn bị cho một chuyến lên Tây Bắc. Cái lý do để đi là tham gia Trại viết của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, thời gian kéo dài 15 ngày. Thật không có cái kênh nào hợp lý bằng cái kênh đi trại viết để khám phá, thâm nhập thực tế. Chuẩn bị sẵn cho kế hoạch này, tôi đã chuẩn bị gần mấy trăm trang bản thảo theo đề cương đăng ký, đến nơi chỉ nộp “quyển” đúng theo yêu cầu là thong dong đi và viết về Tây Bắc...

Còn nhớ cái hôm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam ở Nhà hát lớn Hà Nội, GS. Tô Ngọc Thanh bảo cái công trình tôi đăng ký năm nay hấp dẫn, hi vọng sẽ có thêm một đầu sách hay in trong năm tới. Thế mà trước lúc trại khai mạc mấy ngày, ThS. Cao Thị Hải điện vào báo tôi hoãn chuyến đi, cơ quan chủ quản của anh báo ra là không thể đi dài ngày như thế được, vì ở nhà không ai duyệt bài, tổ chức bài vở ra báo. Chao ôi là lý do lý trấu! Cái thời nào rồi mà làm báo phải ngồi trực ở cơ quan? Không để lỗi hẹn, tôi đảo quy trình điền dã bằng cách nối mạng với nhà báo, nhà văn Đặng Bá Tiến đang dẫn một đoàn VNS lên Tây bắc. Nó đang săn ảnh ở Sơn La, Điện Biên ...

Chưa một lần lên Tây Bắc song đã nằm lòng những trang viết của Nguyễn Tuân, Tô Hoài thuở còn mài đít quần trên ghế nhà trường. Bây giờ được thằng bạn nối khố một thời sinh sống ở Tây Nguyên hào hứng cập nhật, cứ cách vài giờ nó mail cho vài chục bức ảnh kèm những dòng phác thảo chủ yếu ghi lại cảm xúc đã thấy Sơn La hiện rõ hình hài. Kia những dãy núi giăng giăng như hình lưỡi cưa, mà theo Tiến tự thuở nào nó đã xẻ đất trời thành Tây Bắc. Kia những nương ngô chập chùng điệp trùng trên núi, bản làng cheo leo theo những cung đèo ngoằn ngoèo uốn lượn ngược lên trời. Trước mắt tôi những bức ảnh như tranh đang nhảy múa chấm phá, nó nối kết nhau để phác thảo ra nền trời xanh hun hút của núi rừng Tây Bắc thật tuyệt vời. Tôi thầm nghĩ, một chuyến đi dã ngoại “án binh bất động”, ngồi yên ở núi rừng Tây Vĩnh Linh như thế này nhiều khi lại hay! Bằng cái cách chắp vá xê- ri ảnh này đến xê- ri ảnh khác chớp nhoáng từng khoảnh khắc nhưng những chân trời cứ thế đã dài ra tít tắp. Chỉ những khuôn hình thôi mà Sơn La đã đầy ắp trong ký ức, đã thành miền thương miền nhớ khôn nguôi. Như bức ảnh này đây, mắt cô gái Thái, không lời, nhưng đầm đìa, sâu vời vợi… Bây giờ thì tôi đã ở giữa lòng Sơn La, bởi những chùm ảnh liên tiếp Tiến gửi về. Phố trong núi và núi trong phố. Phố xanh ngời bóng núi. Tiến xúc động nói qua điện thoại: - Trời đã bắt đầu đổ xuống những cơn mưa, và ngẫu hứng hát Những cơn mưa đầu mùa, thường làm đau cây lá/ Những cơn mưa đầu mùa thường làm cay mắt nhau…Tôi biết Tiến đã thỏa nỗi khát thèm, chờ đợi những cơn mưa xua đi cái oi nồng những trưa gió Lào ở Đông Hà, Hà Tĩnh. Và trong sâu thẳm vẫn là thoả cơn khát triền miên của những đứa con trên cao nguyên khát. Mưa rắc chéo trên những nương ngô cao tít có những ngôi nhà sàn kiêu hãnh đứng một mình. Ôi những ngôi nhà sàn kiêu hãnh lẻ loi bên sườn núi! Thật đẹp và buồn. Nhìn ảnh tôi biết cử này ngô bắt đầu ấp bẹ, hoa trắng xám và râu ngô tim tím giữa bạt ngàn lá xanh. Giữa những nương ngô thi thoảng có những vạt dong riềng hoa đỏ rưng rưng giữa đá tai mèo. Thơ mộng và hoang liêu quá. Phố Sơn La về đêm ảo ảnh như những giấc mơ. Vừa sầm uất, vừa cô liêu, làm ta mang mang nhớ rừng...

Buổi sáng mùa này Sơn La không có sương mà phố vẫn điệu đàng mới lạ. Thành phố tươi trẻ rạng rỡ sau mưa lô nhô những dãy nhà dãy phố giữa rừng cây lá ngời xanh như ngọc. Những cô gái Thái gánh rau xuống chợ. Những bó rau gọn gàng xanh biếc, những chùm ớt đỏ, những chùm quả rừng tòng teng ở hai đầu đòn gánh. Váy đen, áo tím, thắt lưng xanh mầu lá. Con gái Thái xuống chợ đẹp như đi hẹn hò. Người Thái đi chợ chỉ là một thú vui; gần như chẳng để mua sắm gì nhiều ngoài việc xem người ta mua mua chọn chọn. Chợ hàng hóa Sơn La chẳng khác chi những phiên chợ tình. Nó biến ta thành những con nai rừng ngơ ngác…

Đêm Sơn La mát lạnh, cảm giác mang mang lạ lùng như đi trên phố khuya Đà Lạt. Tiến gọi cho tôi bảo là đang dạo phố, đang ngang qua những quán ăn “lợn bản”, “gà đồi”, “dê núi”. Những dãy phố toàn các loại rượu ngâm sâu chít, sâm núi, hà thủ ô và vô số các loại cây lá, rễ cây rừng. Những shop bán trang phục người Mường, người Thái hoa văn sặc sỡ...Càng nghe càng bâng khuâng tiếc nuối, càng thấy lỗi hẹn với nơi chốn hẹn hò mãi mà chưa đến được và chắc là sẽ không còn có cơ hội để đến nữa!

Tiến chuyển tiếp cho tôi những bức ảnh đêm cuối cùng ở Sơn La ăm ắp kỷ niệm. Chủ khách ngồi xếp bằng trên sạp sàn uống rượu, giao lưu. Món ăn kiểu Thái. Thịt băm nướng lá, măng nấu chua, xôi nếp tím trong lá chuối xanh. Còn nhiều thứ tôi không đoán ra tên nhưng chắc hương vị cũng nồng nàn như rượu đắng. Lại nữa, chủ khách uống rượu kiểu Thái, “khát vọng - giao hoà”. Bao đời nay có bao nhiêu người con gái Thái chào mời khách phương xa bằng cái tên là “khát vọng” chắc chắn sẽ có bấy nhiêu chàng trai say men nụ cười cô gái Thái, khát khao ánh mắt đêm xoè. Tiến chú thích kèm dưới bức ảnh bài thơ còn dang dở, hình như mới gõ xong trên sạp sàn chiếu rượu: Tây Bắc/ Chiều nay bạn đợi/ Ta ngược Mộc Châu như ngược lên trời/ cỏ và mây bạn bầu quấn quýt/ ta với trăng vàng cùng được kề môi/ ly rượu nếp nương em rót tựa sương trời/ rót từ ánh mắt nhìn/ rót từ làn da trắng/ rót từ ngón tay thon/ từ trái tim ấm nóng/ chảy vòng qua vai/ chảy vào trái tim mình/ ta chưa uống rượu nào ngon đến thế/ em Thái ơi/ ta say đến suốt đời...

Tất cả như đã tận mắt nhìn thấy mà thoáng chốc vụt xa. Ôi những ngày dõi cùng Tây Bắc, những lũng đèo, nói cười, ánh mắt đã thành thương thành nhớ giờ cũng đã vụt xa, khi thằng bạn tôi nhắn tin giờ chót: Cơn bão núi đang bám theo đoàn suốt hàng trăm cây số đường rừng đang về đến Hoà Bình...Tôi hình dung ra cảnh tượng: Đêm trên cung đèo/ sẽ có những cú lừa ngoạn mục/ Sương trôi ma mị/ Giọng khèn âm âm... và gửi tin nhắn động viên Tiến: Về đi để núi nhớ. Về đi để lũng nhớ. Về đi để em nhớ...Tiến ơi!..

Kẻ không được đi lỗi hẹn với Tây Bắc như tôi đã đành; người đi ba phần tư chặng đường rồi mà cứ phải lỗi hẹn với Điện Biên thấy cứ ưng ức như “ức con ngựa trèo”... Biết làm sao được. Chúng ta sống không vô tận nhưng quả là chẳng biết làm gì trong những khoảnh khắc câu thúc ấy. Thời tôi sống đã chứng kiến nhiều thân phận là một chuỗi những thằng trầm, đong đầy nghịch lý, bị dồn đẩy từ cực này sang cực kia nhưng cứ phải dấn thân vì sự trung thực, lẽ phải. Tôi cũng không ngoại lệ, biết làm sao được, cứ phải qua hết mọi thăng trầm, ái ố hỉ nộ của cuộc đời thôi!

Tôi không thuộc “típ” người viết cũ, thường hay tìm gặp lãnh đạo, đọc hết báo cáo xem có sự kiện, có tấm gương người tốt việc tốt nào rồi mới đi thực tế tìm hiểu. Tuy đã đổi mới cách tiếp cận, đã tìm được cái điển hình trong cái xô bồ, hỗn tạp của cuộc sống ở những cánh rừng thanh niên lập nghiệp ở Tây Vĩnh Linh, tôi vẫn quyết định gác lại cuộc chơi, chia tay với vợ chồng chú em tên là Hướng, nhân vật tôi đang đeo đuổi cho một cái ký để đi thật xa, rong ruổi lên Tây Nguyên thăm tháp bạn bè cũ, thỏa cái nỗi nhớ sau bao nhiêu năm xa cách… Cái nghề đi và viết nó vậy.  Chỉ cần một xáo trộn nhỏ trong cuộc sống đời thường thôi thì cố ép, cố ngồi vào bàn viết cũng vô ích!

Rừng xưa thay lá. Phố xưa đổi thay, bề thế. Còn người xưa vẫn son sắt thủy chung đến sững sờ! Nhưng tôi sẽ kể tiếp lúc về ngồi lại trên những cánh rừng miền Tây Vĩnh Linh sau bão.

                                                                                                 Y.T

 

Y THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 233 tháng 02/2014

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

6 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

6 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

6 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

6 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground