Nỗi niềm của bạn hôm đó, có lẽ đắng hơn những giọt cà phê đang ép mình buông xuống đáy ly kia. Nước mắt của bạn đâu còn để khóc. Nó đã lặng lẽ chảy ngược vào trong hoặc đã bốc hơi và bay lên cùng mây trắng, nơi có má điềm nhiên ngồi chải tóc. Đâu đó trong tâm trí bạn, hình ảnh má ngồi chải chóc bên thềm vắng vào những buổi chiều quê chầm chậm trôi trong tiếng xe lác đác trở về. Chải tóc chỉ là cái cớ để má ngồi trông ngóng bạn - đứa con gái lấy chồng xa, mong một ngày con đùm túm mấy đứa cháu ngoại trở về, để má được ôm lấy da thịt trẻ con, nựng nịu thỏa lòng.
Tranh của Nguyễn Quý Tâm
Bạn lấy chồng thành phố. Bên chồng, mang tiếng nhà thành phố nhưng cũng đâu khá giả gì. Ba má chồng mất đã lâu, để lại căn nhà nhỏ nép mình trong con hẻm chật chội. Mấy anh chị em bên chồng lớn lên trong căn nhà đó, rồi lập gia đình, nhân khẩu cứ một, hai năm tăng lên vài người. Căn nhà có cơi nới kiểu gì cũng chật. Chồng bạn là con út trong nhà nhưng cuối cùng lại là người chịu thiệt thòi nhất, phải ra ngoài thuê trọ. Thành phố này đắt đỏ nhất phương Nam, nhìn thấy thứ gì cũng dính tới tiền. Căn phòng trọ ọp ẹp nhưng tháng cũng ngốn một phần ba tháng lương của hai vợ chồng. Rồi hai đứa con lần lượt chào đời. Niềm vui làm cha mẹ chưa tròn thì gánh nặng cơm áo gạo tiền và đủ thứ trách nhiệm đè lên vai.
Hai lần mang thai, bạn đều bị những cơn nghén hành cho tơi tả, nói theo kiểu của má là “lên bờ xuống ruộng”. Má kể hồi mang bầu bạn cũng vậy, sống dở chết dở, có lúc tưởng không thở được nữa. Cơn nghén hành má ốm trơ xương, không phổng phao mập mạp “mắc ham” như mấy bà bầu khác. Những đêm quằn quại trong cơn nghén, nước mắt bạn trào ra, thương má! Hồi bạn nằng nặc đòi lấy chồng, má khóc đứng khóc ngồi ngăn cản. “Con còn trẻ người non dạ, nghề nghiệp chưa ổn định, làm vợ, làm mẹ không có dễ đâu con”. Bạn giận má đâu hơn nửa năm, tới khi má gật đầu cho nhà trai bước tới. Mà bữa đưa dâu má chỉ ừ hử qua loa, không nói với con gái câu nào. Tại má mắc khóc. Nước mắt má tèm lem trên khuôn mặt với nếp nhăn đã nhiều như những cơn sóng trào. Sau này, thằng em bạn kể lại, tối đưa dâu về là má chong đèn thức tới sáng, uống hết bình trà, nghe mấy tuồng cải lương đến nỗi cuộn băng nhão rè rè. Bạn biết, tuổi của má, buồn là buồn sâu, buồn lâu, buồn ơi buồn! Mà bạn, đang tuổi yêu đương, đâu có mắc buồn như má! Cuộc sống hôn nhân mà đứa con gái lần đầu bước vô, trong mắt bạn nó đầy sắc màu, hoặc ít nhất cũng không đơn điệu một màu như cuộc hôn nhân của má, nên bạn không mảy may lo nghĩ điều gì. Chỉ có má lẩn thẩn lo. Mà tại sao má lo, bạn đâu có biết. Cho đến khi bạn mang trong mình một sinh linh bé nhỏ, rồi ngất lên ngất xuống trong cơn đau hậu sản, rồi nửa đêm tủi thân trào nước mắt khi phải dỗ con khóc dạ đề trong lúc chồng ngủ say… Lúc đó, bạn mới hình dung ra cái lo rất thật của má. Nửa đêm, bàn tay nổi đầy gân xanh của má líu ríu thay tã cho cháu ngoại, dỗ dành “Con ngủ đi, để má lo cho cháu được mà!”. Cháu bà nội tội bà ngoại. Mắt má đã kéo rèm mây mấy năm nay, phải mổ cườm nước cả hai bên, vậy mà má đâu nỡ bỏ con bỏ cháu những lúc ngặt nghèo này. Hai lần bạn sinh con là hai lần đều trông cậy đôi tay yếu ớt của má. Đẻ sòn sòn năm một, bạn phải nghỉ việc chăm con, hai vợ chồng gần như cạn kiệt tài chính. Má nói, đừng mướn người, tụi con cứ về với má, má lo!
Nhưng bạn cũng đâu đành lòng để má phải vì mình, hết cữ thì bạn ôm con về lại thành phố, gắng gượng mọi thứ. Một túp lều tranh hai trái tim vàng với bạn giờ méo mó đến mức thê thảm. Tình yêu không thể đổi lấy thức ăn, tã sữa, thuốc men cho con được. Muốn có những thứ đó, bạn phải đổi lấy bằng sức lao động. Vất vả, khổ cực, vợ chồng đâm ra cắn đắn nhau, cơm không lành, canh không ngọt. Bạn buồn, bạn cô đơn, gọi điện về cho má nhiều hơn, lấy cớ cho bà ngoại thấy mặt hai đứa cháu, đỡ nhớ. Nhưng thực ra những lúc đó, tự dưng mà bạn muốn khóc kêu một tiếng “Má ơi!”, rồi tha hồ kể khổ với má. Nhưng làm sao mà bạn đành lòng. Bạn đã báo hiếu cho má được gì, ngoài hai bàn tay trắng, ngoài gánh nặng lo âu lại chất chồng lên quãng đời sau cùng của má.
Bạn nhớ hoài lần đó, bạn báo với má hai ngày nữa sẽ đưa sấp nhỏ về thăm má. Nhà không có tủ lạnh. Ngoài vườn có mấy trái xoài thanh ca chín cây, má lật đật khều cho rụng rồi đem cất kỹ trong thùng gạo, để dành sấp nhỏ. Vậy mà đứa Út nửa đêm hành sốt, chuyến đi phải dời lại mấy ngày sau. Đón cháu, má mở thùng gạo, ứa nước mắt khi thấy mấy trái xoài đã nũng, thâm đen. Bạn cũng ứa nước mắt, len lén ôm má. Cả đời má, hết thương con tới thương cháu. Tiếng thương chưa bao giờ nở trên môi má, nhưng nó nặng trĩu trong lòng. Nặng cho tới lúc má hóa thành mây trời…
Đã nhiều lần, bạn vô thức bật lên câu “Con thương má, má ơi!” trong cơn mơ. Đã nhiều lần bạn cắn răng bật máu hối hận, bao nhiêu cuộc gọi cho má, sao bạn chưa bao giờ nói lời thương với má.
Tôi cầm tay bạn. Có những mất mát mà mọi an ủi đều vô nghĩa. Nhưng tôi biết, nơi xa nào đó, má bạn sẽ an lòng. Những người má trên đời này đều như vậy. Họ cặm cụi gieo mầm thương. Lời thương có khi cả đời không kịp nở trên môi, mà nó nở trong từng cái nắm tay lúc con vấp ngã, nở trong lúc con tuyệt vọng… Với má, thương là thương, vậy thôi!
T.H.T