Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Luồng sáng

D

ưới ánh sáng lờ mờ của đường hầm. Người đàn ông vịn hai tay vào thành và dò dẫm từng bước đi trong câm lặng. Tiếng của người hướng dẫn viên vọng lại từ phía trước, hình ảnh của hiện tại cùng với những tưởng tượng về quá khứ cứ hòa lẫn trong tôi. Một cái hố nhỏ dưới chân làm tôi giật mình. Như chột dạ, tôi vội bước nhanh: “Ông có đi được không để cháu dẫn?”. “Không có chi mô, tui nhắm mắt cũng đi được mà!”

Bước ra khỏi cửa hầm, nhiệt độ thay đổi, tôi đứng lại để lấy cân bằng và để thích nghi với không khí hiện tại. Ông cũng đang đứng né sang một bên, tựa vai vào thành cửa, khuôn mặt già nua, mái tóc đã muối tiêu, tạng người khắc khổ, nhìn ông như một cây lim già cắm rễ sâu trong lòng đất. Tôi bàng hoàng khi nhận thấy đôi mắt ông không còn nhìn thấy được. Vậy mà tại sao trong bóng tối ông lại có thể bước đi tự tin như vậy. Một cháu bé chạy lại và dắt ông đi. Hai bóng người một già một trẻ mất hút vào dòng người. Định chạy theo hỏi chuyện, có thể còn biết thêm điều gì đó ở ông. Tiếng người hướng dẫn viên lại vang lên: “Nguồn gốc hệ thống này gồm ba địa đạo chính: Địa đạo của đồn công an vũ trang 140, địa đạo của Vịnh Mốc và địa đạo của Sơn Hạ. Sau này ba địa đạo được nối luôn với nhau thành một hệ thống liên hoàn khép kín, có tổng chiều dài 1701 mét, với mười ba cửa ra vào, trong đó bảy cửa thông ra biển và sáu cửa thông lên đồi”.

Tôi thật sự khâm phục bởi lòng quả cảm và sức lao động đến thần kỳ của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến để giữ gìn độc lập, tự do cho tổ quốc. Cấu trúc trong lòng địa đạo hợp lý và khoa học đến không thể nào tin nổi. Dọc hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những căn hộ đủ chỗ cho hai đến bốn người sinh hoạt. Mặt bằng đường hầm được đào nghiêng từ hai đến ba độ để dễ dàng thoát nước. Toàn bộ đường hầm chia làm ba tầng nối thông với nhau qua trục chính dài bảy mươi tám mét. Tầng một cách mặt đất khoảng mười mét, tầng hai cách mặt đất khoảng mười lăm mét và tầng ba cách khoảng hai mươi ba mét. Trong hầm có hội trường chứa được khoảng sáu mươi người, dùng làm nơi hội họp, xem phim, có nhà hộ sinh, giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại.v.v… Và một điều làm tôi hết sức xúc động, trong lòng đất này đã chứng kiến sự ra đời của mười bảy đứa trẻ.

Mọi người im lặng chăm chú theo dõi chị hướng dẫn viên thuyết minh: “Đây là công trình huy động toàn bộ trí tuệ, sức lực của quân và dân Vịnh Mốc, của lực lượng Công an vũ trang đồn 140. Họ đã âm thầm trong sáu trăm ngày với mười tám ngàn công lao động để vận chuyển sáu ngàn mét khối đất”.

Thật là một huyền thoại. Thế hệ chúng tôi nếu không được tận mắt chứng kiến công trình vĩ đại này thì không thể giải thích nổi vì sao cha ông chúng tôi đã có thể sống, tồn tại và chiến thắng kẻ thù. Nhưng bằng cách nào để làm nên những kỳ tích này trong khi họ chỉ có đôi bàn tay và dụng cụ thô sơ. Tôi tò mò muốn biết ai là tác giả của công trình huyền thoại này nhưng khi hỏi mọi người ở đây ai cũng trả lời đó là công trình của nhân dân.

Câu hỏi về người thiết kế đào địa đạo Vịnh Mốc vẫn là khoảng trống trong tôi cho đến khi tôi gặp An ở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị. An là một trong mười bảy đứa trẻ được sinh ra trong lòng hầm địa đạo, và cũng qua An tôi được biết bố An – Ông Lê Xuân Vy chính là người tổng chỉ huy xây dựng công trình này.

Lần theo địa chỉ tôi tìm đến khu phố 4, phường 5, thị xã Đông Hà. Một căn nhà giản dị nép mình dưới những tán cây xanh rợp. Người ta bảo đó là nhà ông Vy – Thương binh nghỉ hưu. Tôi bước vào nhà, cái nắng của ngày hè miền Trung như lùi lại phía sau, một làn khí mát lan rộng tỏa khắp không gian. Tôi thấy lâng lâng như được gặp lại cảm giác khi đi trong lòng địa đạo. Trái tim tôi như thắt lại, mắt nhòe đi, vẫn khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, làm sao có thể nhầm lẫn được. Đây chính là người đàn ông mà tôi đã gặp hôm nào. Sau khi nghe tôi giới thiệu về mình, ông Vy cầm tay lắc mạnh: “Tưởng có chuyện chi, đào vài cái hầm chi chít trong lòng đất có chi mà kể, mất độc lập tự do nó khổ rứa cháu hỉ”.

* * *

Từ năm 1964, quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Vĩ tuyến 17 trở thành túi bom đạn của giặc Mỹ. Kẻ xâm lược đã từng tuyên bố: “Phải biến đất này trở về thời kỳ đồ đá!”. Một cuộc chiến tranh hủy diệt được tiến hành vì mục tiêu “phải kéo được biên giới Hoa Kỳ đến tận vĩ tuyến 17”. Một nửa triệu tấn bom đạn dội xuống mảnh đất này. Phong trào rào làng kháng chiến được phát động. Lúc này Vy đang là đồn trưởng đồn công an 140 đóng quân trên địa bàn. Trong lần dự đại hội quân chính tổng kết phong trào rào làng chiến đấu, Vy đã mạnh dạn báo cáo với Chính ủy: “Chúng tôi đã rào được làng chiến đấu nhưng không tin tưởng nó sẽ vững chắc. Nó chỉ có thể ngăn chặn được địch chứ không thể bảo vệ tính mạng cho nhân dân”. Thông cảm với sự băn khoăn của Vy, Chính ủy hỏi: “Theo đồng chí, cái gì vững chắc, đồng chí có thể nói”. Vy thẳng thắn trả lời: “Trận địa vững chắc nhất chính là lòng dân. Phải giáo dục thuyết phục nhân dân để họ nâng cao ý chí chiến đấu và tinh thần cảnh giác cách mạng. Cuộc chiến đấu không có dân không mần được chi, mà muốn giữ dân phải đảm bảo an toàn cho dân”.

Bắt đầu từ những hầm chữ A, hầm lán được bố trí tại nơi có dân cư, ven đường đi, ven bờ ruộng, bờ biển, để lúc có báo động nhân dân có chỗ ẩn núp. Nhưng rồi hầm chữ A, hầm lán cũng không đủ sức để che chở cho dân. Họ lại ngồi với nhau để nghĩ cách. Phải đào những hầm đường ngầm trong lòng đất mà ở thì mới tránh bom đạn được. Ý tưởng đào địa đạo bắt đầu từ đó.

Vạch xong kế hoạch, Vy báo cáo chính ủy. Thấy sáng kiến có tính khả thi, chính ủy giao cho Vy chỉ huy đào địa đạo. Vy vui vẻ nhận nhiệm vụ.

Lúc bấy giờ người dân ở đây gọi Vy là kiến trúc sư chỉ huy đào địa đạo. Gọi kiến trúc sư nhưng có thiết kế gì đâu, chủ yếu là làm thủ công, vừa làm, vừa nghĩ. Vy gọi cái mẹo mà anh áp dụng trong đào hào là “mẹo cứt gà”  có nghĩa là “mẹo vặt”. Công cụ của Vy là một cuốn sổ, một sợi dây và một cái la bàn. Cuốn sổ tay là để lợi dụng góc vuông của nó làm cái thước thợ đo góc. Sợi dây là để đo chiều dài, cạnh ngang. Nó còn được buộc vào hòn đá làm dây dọi để xác định mặt phẳng của đường hầm. Mặc cho máy bay trên trời dội bom xuống, pháo bên bờ nam bắn sang, Vy vẫn một mình vừa đo, vừa tính toán độ chênh lệch của mặt đất. Nếu chỗ này đất cao hơn một mét thì hầm địa đạo phải đào sâu thêm một mét. Có ngày Vy phải chạy lên chạy xuống vài chục lần để đo, để chỉnh. Ngày mưa rồi ngày nắng, nhiệt độ trong hầm, ngoài trời chênh lệch, có đôi lúc chân Vy như muốn quỵ, ngồi trong hầm mà mồ hôi lã chã như tắm. Thế nhưng Vy vẫn cố gượng để theo sát anh em. Chỉ sơ hở một chút thôi là mặt hầm không thể phẳng được hoặc đi lệch hướng.

Bom đạn ngày một ác liệt, hàng ngày địch cho máy bay trinh sát, nếu thấy khả nghi là gọi phản lực đến đánh phá. Việc bảo đảm bí mật thật khó khăn. Họ phải “đào huyệt” dưới cát để chôn đất. Khó nhưng anh em không nản. Có người băn khoăn hỏi Vy: “Đào như ri liệu có gặp được bên tê không anh Vy hỉ?”. Thấu hiểu nỗi băn khoăn của anh em, Vy bảo: “- Các chú cứ yên tâm, hãy đào bằng linh cảm của mình”. Nói là nói vậy thôi chứ Vy đã có kế hoạch khá tỉ mỉ. Để đào cho thẳng, Vy hướng dẫn anh em dùng ba ngọn đèn dầu đặt ở bên mép phải vị trí ngồi đào. Đào xong một đoạn, Vy ngắm, nếu ba ngọn đèn không thẳng hàng sẽ phải chỉnh lại. Trong hầm thì tối tăm, có lúc cuốc nảy lên vì không ăn vào đất, thiếu không khí tưởng chừng như ngạt thở, anh em vẫn kiên trì bám trụ, tỉ mỉ đẻo từng nhát một cho đến khi ba ngọn đèn nằm trên một đường thẳng họ mới đào tiếp. Về hướng thì không ngại, Vy đã có la bàn.

Có tiếng đập thịch thịch, tiếng từ bên kia vọng lại như càng thúc giục. Vy bảo anh em úp tai vào đất nghe tiếng dội thẳng đến để điều chỉnh sang trái hay sang phải. Âm thanh ngày một gần, khối đất ào vỡ ra. Họ hò reo như gặp nhau ở miền đất lạ.

Đường hầm chật phải thực hiện một lúc nhiều công đoạn, Vy phân công anh em thành nhiều tổ. Mỗi tổ đào gồm ba người, người thứ nhất dùng cuốc chim đào, người thứ hai chuyển đất ra giếng, người thứ ba quay đất từ giếng lên. Trên đó có hai người, một người nhận đất, một người cho đất vào xe cút kít đem đổ vào huyệt và lấp cát lại. Bắt đầu là Công an vũ trang đào, sau đó hướng dẫn dân quân đào tiếp. Họ cũng phát động phong trào thi đua, tổ nào đào được sáu mét một ngày sẽ phong là kiện tướng, có tổ đào được 7,5 mét.

Đế quốc Mỹ ngày càng điên cuồng hủy diệt thì ý chí tồn tại và chiến thắng của con người nơi đây càng bất khuất kiên cường. Với khẩu hiệu: “Một tấc không đi, một li không rời”, “Mỗi làng là một pháo đài chiến đấu”. Vịnh Mốc như một làng quê được xây dựng và kiến tạo trong lòng đất. Nó không chỉ bảo toàn tính mạng, bảo đảm sinh hoạt cho nhân dân, là nơi cất giấu và trung chuyển vũ khí, lương thực cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam mà còn là nơi chính quyền và lực lượng vũ trang đặt trụ sở làm việc, thường xuyên tổ chức các cuộc họp bí mật chỉ đạo kế hoạch chiến đấu. Đặc biệt địa đạo được thiết kế nhiều đường hầm bí mật nên khi địch bao vây dễ dàng có lối thoát. Đây là bài học xương máu mà Vy rút ra từ những tổn thất của hệ thống tiểu đạo đã được xây dựng trước đó. Do vậy đã hạn chế tối đa được thương vong.

* * *

Bây giờ làng địa đạo Vịnh Mốc đã qua bao lần trùng tu tôn tạo, Bộ Văn hóa thông tin đã công nhận là di tích Quốc gia. Khách ở xa đến tham quan nhiều lắm, có cả khách nước ngoài. Từ ngày mở cửa địa đạo đến nay ông cũng chỉ đến đó được hai lần. Một lần, hồi mắt còn sáng và một lần tôi đã gặp mới đây. Mắt ông không còn nhìn thấy nữa. Đường cong địa đạo ông đã thuộc làu làu. Ông đến để xem ngày nay họ nói về nó như thế nào. Thực ra gọi địa đạo Vịnh Mốc là chưa đúng, chính xác phải gọi là Sơn Vịnh. Đây là địa phận thuộc xã Sơn Trung, có cả người dân Sơn Trung đào. Gọi là Sơn Vịnh mới đúng với công sức của bao người ngày đêm ăn cơm nắm, uống nước giếng, trên lưng dưới bom rơi đạn nổ. Tôi hỏi ông: “Mắt bác không còn nhìn thấy từ bao giờ?”, ông chiêu một ngụm chè xanh, nhìn vô hồn vào không gian nói. “- Bác bị thương năm 1972 trong trận B52 đánh vô Tân Hà”. “Bác còn ước mơ gì không?”. Bác cúi xuống giọng bùi ngùi: “- Tôi muốn gặp những đứa kiện tướng đào ngày trước. Không biết thằng Tảo, thằng Chữ, thằng Náo, thằng Lợi… bây giờ tụi hắn ở đâu”. Trước đây, trong lúc khó khăn, anh em sống chết, no đói có nhau, trong lòng đất họ còn tìm được nhau. Vậy mà, từ ngày giải phóng, họ chưa một lần gặp mặt, không biết ai còn, ai mất, ai sung sướng, ai bần hàn. Cách đây ba năm những đứa trẻ được sinh ra trong lòng địa đạo có tổ chức gặp mặt. Chúng có đến thăm ông. Với ông như thế cũng đã đủ rồi…

Ngoài trời màn đêm đã bao phủ. Dưới bóng đèn mờ, cặp mắt ông bỗng lóe lên một thứ ánh sáng kỳ lạ. Tôi chợt nhớ lại câu nói và những bước chân của ông khi đi trong địa đạo. Tôi hiểu vì sao trong đôi mắt mù lòa của ông đã có thể thắp lên những luồng sáng trong lòng đất và qua ông tôi càng hiểu sâu sắc thế nào là “Sức mạnh Việt Nam”.

N.T.T 

Nguyễn thị Tuyết
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 106 tháng 07/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground