N |
gô Huy Hoàng thuộc lớp nhà báo đi trước chúng tôi. Anh làm báo CỨU NƯỚC – Cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Trị thời kỳ 1965-1967. Tôi may mắn được biết anh qua một số đồng nghiệp, đồng sự, cũng như những tác phẩm báo chí mà anh để lại…
Trước tết Bính Tý tôi có dịp đi cùng đoàn của Hội Nhà báo Quảng Trị men theo con đường Nam Thạch Hãn ngược lên Như Lệ - Hải Lệ - Hải Lăng thăm gia đình nhà báo liệt sĩ Ngô Huy Hoàng. Quanh co các ngả đường trong cơn mưa phùn gió bấc, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà ông Ngô Sinh, người anh ruột của nhà báo Ngô Huy Hoàng đang là nơi thờ tự anh. Một cảnh hoang tàn đập vào mắt chúng tôi: Ngôi nhà của ông Sinh bị cháy chỉ còn lại những cột nhà đen ngòm. Trước khoảng sân chỉ có một túp lều tranh nhỏ che tạm để thờ tự. Hỏi ra mới biết nhà ông Ngô Sinh mới bị cháy cách trước đó mấy hôm. Nghe có đoàn Hội nhà báo tỉnh tới thăm, ông Sinh tất tưởi từ hàng xóm chạy về đón tiếp. Nhà không còn, chúng tôi đứng ở sân nói chuyện. Khi nghe đồng chí Chủ tịch Hội hỏi Bằng Tổ quốc ghi công của anh Hoàng, ông Sinh buồn, thở dài, tâm sự:
- Trước đây (năm 1975) Chính quyền có đưa Bằng Tổ quốc ghi công về nhưng ghi không đầy đủ các chức danh của chú Ngô Huy Hoàng nên tôi không nhận. Từ đó đến nay không có gì nữa. Hiện nay tôi đang còn giữ một cái giấy…
Nói xong ông bảo đứa con vào lục tìm trong ống pháo sáng nhỏ đưa ra một tờ giấy đã bạc màu, rách nát. Tôi lật ra, cố đọc, thì đây là giấy chứng nhận của Chính phủ - CMLTCHMN Việt
Ông Sinh lắc đầu: - Tôi già rồi chẳng thể làm gì hơn.
Cũng qua tâm sự của gia đình, chúng tôi được biết trước khi vào Nam anh đã cưới vợ là chị Hoàng Thị Thu Hương, công tác ở Ty Giáo dục Nghệ An. Vợ chồng cưới nhau được một tuần thì anh đi B. Sau giải phóng chị Hương có vào thăm quê, từ đó đến nay mất liên lạc. Sau lần ấy tìm hiểu thêm, tôi được biết Ngô Huy Hoàng là cán bộ tập kết năm 1954. Ra Bắc, anh theo học khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, anh trở về cơ quan Tuyên huấn ở Khu ủy Trị - Thiên, tham gia làm báo Cứu nước lần dở lại từng trang viết của anh, tôi không khỏi ngạc nhiên: ngày ấy điều kiện đi lại hoạt động khó khăn, vậy mà bài viết của anh thật sâu, rộng. Dấu chân của anh tới nhiều vùng đất từ đồng bằng cho đến miền núi, từ Gio Cam cho đến Triệu Phong – Hải Lăng. Ở Gio Linh, anh viết: “Phường Xuân Hải đổi mới” (Cứu nước số 68 tháng 2 năm 1966) phản ánh cuộc sống mới của người Xuân Hải đánh giặc giỏi, sản xuất giỏi, nhất là tổ đổi công đã đem lại cuộc sống khấm khá hơn. Trong bài “Xã Gio An dựa vào làng chiến đấu, chống càn diệt địch” (Cứu nước số 57 tháng 5 năm 1965). Anh mô tả không khí rào làng chiến đấu ngoan cường, diệt được nhiều giặc của người Gio An, một làng mẫu của làng kháng chiến. Ở Triệu Thượng, anh viết: “Nữ du kích Lê Thị Tám” (Cứu nước số 61 tháng 7 năm 1965) ca ngợi tinh thần gan dạ, dũng cảm của một cô gái vùng quê Triệu Thượng nhiều lần làm cho kẻ thù bạt vía kinh hồn. Nhiều bài viết của anh trên báo Cứu Nước thời đó kịp thời động viên tinh thần đấu tranh diệt giặc trong nhân dân. Ở đâu có chiến sự là có mặt anh ở đó sau trận đánh thắng giòn giã của du kích Hải Thượng, anh có ngay bài viết “Noi gương du kích Hải Thượng lấy ít đánh nhiều, cướp súng giặc giết giặc” (Cứu nước số 55 tháng 4.1965). Sau trận chiến thắng Tài Lương – Chợ Cạn anh viết bài “Chiến thắng Tài Lương ngày 28.3.1966” (Cứu nước số 73 tháng 4.1966)… đọc lại những bài viết của anh, văn phong rất khúc chiết miêu tả rất cụ thể, chân thực, gây ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc từ nhiều chi tiết, sự kiện thời sự nóng hổi…
Nhà báo Thi Hương, nguyên phóng viên báo Cứu Nước, hiện là Trưởng Đài truyền thanh Thị xã Đông Hà, là đồng nghiệp gần gũi với nhà báo Ngô Huy Hoàng thời kháng chiến ở rừng kể rằng: Anh gặp Ngô Huy Hoàng vào khoảng giữa năm 1964, khi đó anh vào trong đoàn đi B của cán bộ Giáo dục tăng cường vào cho Khu ủy Trị - Thiên. Hồi đó anh được phân công về làm Tuyên huấn Khu ủy, cũng là làm Báo Cứu Nước. Lúc ấy Báo do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Trương Công Kỉnh làm chủ nhiệm, nhà báo Vân Sơn làm chủ bút và anh Công Thành làm Thư ký tòa soạn. Tham gia làm báo trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn quyết liệt, nhà báo Ngô Huy Hoàng rất tận tụy với nghề. Là nhà báo chiến trường, sống và viết trên quê hương, tuần nào, tháng nào anh cũng tay gùi, tay cõng theo các cánh quân đi đồng bằng lấy tư liệu viết tin bài cho báo. Ngoài sức viết rất khỏe và đều, gặp việc gì anh cũng làm. Với dáng người cao cao, đẹp trai, sống chân chất, sôi nổi, tận tâm với công việc, anh được anh em đồng nghiệp rất quý trọng. Đồng ngiệp của anh kể rằng dù rất vui, hòa đồng với anh em, quần chúng, nhưng nhiều lúc tính anh cũng hay tự ái. Kỷ niệm còn mãi trong lòng anh em làm Báo Cứu Nước ở rừng là, có lần lương thực tiếp tế từ đồng bằng lên bị kẹt, anh em phải ăn cháo trắng với muối, kiếm được ít quả ớt cuống to gần quả, anh Hoàng đùa tếu cuống ớt ăn rất cay, anh em trêu lại, anh cầm luôn cuống ớt nhai ngon lành. Lần khác anh em mới được phát quần áo mới, đơn vị có anh đem vào dân đổi gà về bồi dưỡng. Đơn vị thì đông mà con gà có tý tẹo, nấu lại không có gia vị, anh hì hục ăn khen cháo ngon. Anh em trêu anh: (anh Hoàng thích ăn cháo thì cứ ăn cháo, chúng tôi chỉ thích ăn thịt). Đùa vui vậy mà anh làm thật, anh chỉ húp bát cháo loãng, còn mấy miếng thịt anh nhường cho mấy anh em ăn. Bây giờ nhớ lại kỷ niệm đó, những đồng nghiệp còn sống bùi ngùi thương nhớ anh không cầm được nước mắt. Tính anh là thế, vui thì rất vui nhưng hễ nói ra vấn đề gì là làm như thế.
Năm 1968, do nhu cầu công tác, anh chuyển về Huyện ủy Hải Lăng. Đồng chí Lê Văn Hoan, nguyên Bí thư Huyện ủy Hải Lăng thời kháng chiến, bấy giờ là Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị, khi nghe tôi hỏi về nhà báo Ngô Huy Hoàng, đã đắm chìm trong dòng hồi ức: Năm đó sau Mậu Thân, ở đồng bằng, tình hình căng thẳng. Ở Huyện ủy hai đồng chí Phó Bí thư là Hồng Minh và Thanh Bình ra Bắc chữa bệnh, đồng chí Lê Văn Hoan viết giấy lên Khu xin Ngô Huy Hoàng về huyện, sau đó đề bạt làm Phó Bí thư Huyện ủy. Do quen biết, và cũng là cán bộ cùng xã thời kháng Pháp đồng chí Lê Văn Hoan rất quý "nhà báo" Phó Bí thư Ngô Huy Hoàng. Trong suốt thời gian ở cương vị này, Ngô Huy Hoàng đã bám sát dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều phen vào sinh ra tử, được nhân dân và đồng đội quý trọng.
Lần ấy, khoảng tháng 4.1971, Tư lệnh Đoàn 7 chủ trương huyện Hải Lăng đưa một đại đội về chiếm Lam Thủy Hải Vĩnh. Anh Ngô Huy Hoàng dẫn quân đi. Về đến nơi, quân ta gặp địch nên đánh ngay. Hôm đó ta đào công sự chuẩn bị ngày mai chiến đấu. Ngày hôm sau địch kéo quân từ Diên Sanh về gần một trung đoàn thuộc Sư đoàn I của ngụy. Quân ta tuy ít vẫn đánh nhau với địch ròng rã một ngày. Đến chiều, anh Hoàng và một số chiến sĩ của ta đã hy sinh anh dũng từ trận địa…trong sự tiếc thương vô hạn của nhân dân, đồng đội. Huyện ủy mất đi một người lãnh đạo tài năng có phong cách hăng hái, lạc quan, nhiệt tình với phong trào, những người làm báo mất đi một cây bút sắc sảo xông xáo mọi lúc, mọi nơi…
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam ( 21- 6-1995), nhà báo Ngô Huy Hoàng được Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam truy tặng Huy chương vì sự nghiệp báo chí. Trong buổi trao danh hiệu này đến gia đình, người thân ở Như Lệ, Hải Lệ, Hải Lăng, những người có mặt trong đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị đều xúc động khi chứng kiến tình cảm thương tiếc, trân trọng của ông Ngô Sinh (anh ruột của nhà báo Ngô Huy Hoàng) cùng con cháu trong gia đình. Đứng trước bàn thờ của anh, chúng tôi ray rứt khi thấy rằng, cho đến bây giờ nhà báo liệt sĩ Ngô Huy Hoàng vẫn chưa có Bằng Tổ quốc ghi công cuốn “ Lịch sử Đảng bộ Hải Lăng giai đoạn 1930-1975” dày 300 trang xuất bản tháng 3.1995 mà tôi đã đọc nhiều lần vẫn không có dòng nào nói về anh, một nhà báo, một phó Bí thư Huyện ủy xuất sắc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Anh ra đi mà không để lại gì, chưa kịp sống tuần trăng mật với vợ, chưa để lại cho gia đình một đứa con, và kể cả tấm hình với đồng đội mà tôi cố sức kiếm tìm từ gia đình và đồng nghiệp của anh… Bây giờ khi viết về anh tôi cứ băn khoăn với câu hỏi: Phải làm gì đây đối với anh, một nhà báo, nhà hoạt động chính trị xuất sắc đã nằm xuống vì quê hương, đất nước? Cần lắm những nghĩa cử cao đẹp trong lúc này của những người còn sống, cho dù khi nằm xuống anh có bao giờ đòi hỏi điều gì. Vâng, xin được làm một điều gì đó để mãi mãi được khắc ghi tên anh, một nhà báo đi trươc, một tấm gương sáng cho các thế hệ nhà báo trẻ đi sau.
Đầu xuân 1996
M.T.