Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mang ơn vùng biển quê hương

C

ửa Tùng tháng bảy đang là mùa nắng. Dọc bãi tắm lác đác khách du lịch với nhiều biển số xe các tỉnh khác nhau nhưng chủ yếu là của các tỉnh phía Bắc, họ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ và không quên ghé biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), nơi được mệnh danh “Nữ hoàng của các bãi tắm”. Tôi cùng doanh nhân Hồ Thanh Ngọc, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tuấn ngồi trong quán cà phê Lộng Gió cùng hướng ra biển, nơi có gió sặc vị mặn của biển thổi vào. Trước mặt là thảm nước xanh phơi mình dưới ánh mặt trời, nhấp nhánh sóng.

Cửa Tùng không giống bất kỳ cửa biển nào mà tôi đã biết. Phía Bắc là các bãi đá do tạo hóa hình thành nên những eo vịnh bám sát vào triền đồi đất đỏ ba zan từ cửa biển lên Bến đò A và kéo dài thêm trên chục cây số nữa qua Vĩnh Thạch lên Vĩnh Kim tạo thành những vịnh nhỏ, kín đáo không có dòng hải lưu cuốn xoáy, quanh năm sóng gió hiền hòa. Phía trên bãi tắm Cửa Tùng là một vùng đất đỏ ba zan xóm làng cây cối xanh tươi trù mật với rất nhiều đặc sản đậm chất Quảng Trị. Đối diện Cửa Tùng, phía Nam là một bãi ngang cát trắng tinh chạy dài tít tắp. Nước biển ở đây màu xanh cũng lạ, nhiều người nói nó đổi màu theo giờ…

- Đời tôi quay tới quay lui rồi cũng chỉ sống với con cá con tôm. Tôi mang ơn vùng quê này, mang ơn biển...

Ngọc nói khi tâm trí tôi đang miên man trong suy nghĩ về biển và đôi chút chạnh lòng cho thực tế hiện tại của bãi tắm “nữ hoàng”.

- Có ai thoát khỏi sự sắp đặt của số phận đâu anh. Cuộc đời ta nhiều khi không hẳn do ta định đoạt.

Chuyện đời của Ngọc tưởng cũng đơn giản như cách nói của anh là để không khỏi hổ danh là con trai miền biển, nhưng không phải thế, cũng có khá nhiều thú vị và bất ngờ.

Nơi anh sinh ra cũng chính ở vùng biển này. Bố mẹ là giáo viên nhưng anh không bén duyên với nghiệp “bảng đen, phấn trắng”. Anh tính chuyện đi biển, nhưng hồi đó máy móc phương tiện đánh bắt không hiện đại như bây giờ nên năng suất thấp, với lại trong Ngọc luôn hằn sâu lời ba anh nói: “Biển giả! Nghề biển quê mình như bọt sóng biển có rồi lại không, không rồi lại có, con cần phải chăm chỉ học hành để sau này kiếm một cái nghề ổn định”. Anh quyết định vào Đà Nẵng theo học lớp trung cấp cơ khí, tiếc rằng mỏ hàn và ánh lửa một lần nữa lại không bén duyên với anh. Lận đận mãi cuối cùng anh quyết định đi buôn tôm giống thủy sản. Ngọc đâu biết sự khởi đầu này lại là cơ duyên cho cái nghiệp về sau của mình.

- Hồi đó cực lắm chị ơi- Ngọc tâm sự- vợ chồng tôi và các cháu sống chật vật, đi mua con cá con tôm kiểu buôn thúng bán mẹt. Lúc ấy tôi gắn mác buôn hải sản nhưng rất manh mún và nhỏ lẻ, chịu khó tần tảo thức khuya dậy sớm bán chỗ này, đắp chỗ kia. Thấy quê mình cái gì cũng thiếu, chỉ con tôm con cá là sẵn nên tôi quyết chí kinh doanh tôm cá, vừa đầu vào không lo, vừa giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm.

- Rồi làm sao anh thoát khỏi cuộc sống cơ cực mà trở thành “đại gia” vùng biển này? Tôi hỏi.

Ngọc kể: “Chủ yếu hồi đó tôi đi buôn tôm giống, tôm sú và tôm hùm bố mẹ. Chủ hàng là chủ những trại tôm giống ở Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết. Mỗi chuyến đi như thế có khi vài chục nhưng cũng có khi chỉ vài con. Hễ có tôm là lên đường bất kể thời gian ngày hay đêm. Vì thế tôi ăn ngủ trên những chuyến xe tốc hành nhiều hơn thời gian ở nhà. Mỗi lần đưa hàng đi bất kể nắng hay mưa đều nơm nớp lo âu là phải canh chừng những con tôm giống. Tôm đựng trong các thùng xốp, không có máy sục khí mà chủ yếu bóp khí bằng tay. Mình không có vốn, tôm chết coi như sạt nghiệp vì thế vấn đề canh chừng để tôm sống hết sức coi trọng. Lúc nào tôm sống, trao tận tay chủ hàng mới thở phào nhẹ nhõm… Những năm đầu làm nghề buôn bán tôm giống như vậy, mặc dù vất vả nhưng những va chạm cho tôi thêm có kinh nghiệm. Tôi hơn người khác ở chỗ biết cách giữ tôm vận chuyển đường dài vẫn sống vì vậy bán rất được giá. Với nữa, tôi được lòng dân vùng này. Tôi không coi họ đơn thuần là những người cung cấp hàng cho mình, mà tôi với họ là bạn, cùng làm, cùng ăn, chia sẻ lợi nhuận. Có con tôm, con cá là họ tin tưởng giao cho tôi. Nhờ thế tôi cũng không cần nhiều vốn. Nhiều người bảo tôi khôn, nhưng không phải, cái khó ló cái khôn thôi. Nhưng điều này tôi nghiệm lại là đúng, tôi thành công là nhờ bản tính nhanh nhạy, tháo vát, chịu khó, hoạt bát và thật thà. Tôi chưa bao giờ làm mất lòng ai, thuận mua vừa bán, tất cả đều sòng phẳng”.

Trong gần 10 năm trời ròng rã bằng sự tính toán chi ly và cẩn thận trong làm ăn, Ngọc đã thử sức bằng nhiều công việc từ buôn bán tôm giống, kinh doanh khách sạn, đến đóng tàu đi vận chuyển ở đảo Cồn Cỏ... Lúc được lúc mất nhưng vẫn trụ lại được ở vùng đất này và ngày càng phát triển. Anh luôn trăn trở, ngư dân quê mình nghèo nhưng vẫn hết sức lãng phí. Nhiều sản phẩm từ biển như các loại cá nhỏ, cá tạp, chất lượng thấp, đầu đuôi cá thải loại do công nghệ xuất khẩu đều bị vứt bỏ hoặc làm phân bón. Làm thế nào để sử dụng hết những sản phẩm thải loại này là câu hỏi luôn ám ảnh Ngọc. Ngọc lại khăn gói nay đây mai đó “tầm sư học đạo” ở các nhà máy chế biến thủy sản trong nước để xem cách thức làm ăn, đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật rồi đến đầu vào đầu ra sản phẩm của họ. Mày mò ghi ghi chép chép, tính toán nhiều đêm mất ngủ rồi lại bàn bạc với vợ con, lực cản từ người thân và bạn bè cũng không ít.

Đầu năm 2011 Ngọc quyết định thuê 1,6 ha đất ngay tại Cảng cá Cửa Tùng để thành lập tổ hợp nhà máy chế biến thủy sản. Để có sản phẩm gồm cá đông lạnh, cá khô và bột cá, Ngọc đã bỏ ra số tiền đầu tư nhiều đợt cho nhà xưởng, hệ thống lò hấp sấy, máy cáp đông và xay bột cá trên 43 tỷ đồng. Đây là nhà máy chế biến tổng hợp thủy sản đầu tiên ở Quảng Trị. Các sản phẩm cá biển từ đây không bỏ sót một sản phẩm nào, tất cả đều trở thành nguyên liệu cho nhà máy. Ngư dân thị trấn Cửa Tùng và các vùng biển lân cận rất phấn khởi vì họ biết rằng từ đây các sản phẩm mà họ làm ra đã có nơi thu mua ổn định.

Sản phẩm của nhà máy bao gồm: Cáp đông với các loại cá chất lượng cao như nục, ngừ, thu… chủ yếu phục vụ bán ở nội địa; sản phẩm hấp sấy với các loại cá cơm, trích, nục...để xuất bán cho thương lái nước ngoài; sản phẩm bột cá xay chủ yếu là các loại cá phế thải, cá chất lượng thấp bán cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Để có đủ lượng cá cung cấp cho công suất hoạt động của nhà máy là 40 tấn cá cáp đông hấp sấy và 200 tấn cá xay bột ngày đêm, Ngọc đã đóng 5 tàu với đội ngũ thu mua chuyên nghiệp bám sát ngư trường, ngoài Quảng Trị còn mở rộng địa bàn vào tận Huế và Đà Nẵng mới đảm bảo sản lượng thu mua. Chuyện vui buồn xung quanh đội thu mua trên biển này cũng nhiều vô kể, Ngọc hứa sẽ kể cho tôi nghe vào một dịp khác. Điều Ngọc và những người dân làng biển này vui nhất là tất cả sản phẩm làm ra của nhà máy đều được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường. Mặt hàng bột cá được các nhà máy chế biến thức ăn gia súc lớn trong nước như nhà máy ở Khánh Hòa, nhà máy thương hiệu Con Cò ở Tiền Giang… đặt hàng thường niên, cá hấp khô chủ yếu xuất khẩu qua Hàn Quốc và bán cho các thương lái Trung Quốc…Chắc chắn có nhiều lý do để sản phẩm nhà máy làm ra đứng chân trên thị trường được, nhưng trong đó hẳn không thể thiếu việc Trung tâm kiểm định khu vực 3 Đà Nẵng đã cấp chứng nhận chất lượng.

Doanh nghiệp của Ngọc đã giải quyết công ăn việc làm cho không ít lao động trên địa bàn. Đội ngũ người lao động trực tiếp gần như cố định 107 người, lúc cao điểm theo đơn đặt hàng hoặc thời vụ huy động người lao động địa phương từ 250- 300 người, thu nhập dao động từ 3- 6 triệu đồng/ tháng. Mức thu nhập cho lao động công việc nặng như đưa cá vào lò, bốc xếp hàng hóa từ 6 đến 10 triệu đồng/ tháng. Mười công nhân kỹ thuật lương cơ bản 6 triệu đồng. Ngọc trăn trở, suy nghĩ: giúp người ta đồng tiền bát gạo đã quý, nhưng cái đáng quý hơn là tạo cho họ có công ăn việc làm và hướng cho họ biết cách để làm ra đồng tiền.

Trong tiết trời nắng dịu cuối ngày, nhìn những dãy nhà xưởng công nhân làm việc khẩn trương, thuyền bè ra vào nhập hàng liên tục, xe chờ chở hàng xuất xưởng…và bạt ngàn các vĩ phơi đầy cá xếp nối đuôi nhau trắng một vùng lại thấy xôn xao náo nức như hòa nhập cùng những người công nhân đang làm việc trong các khu nhà xưởng. Gió biển thổi vào lồng lộng làm cho thiên nhiên và con người hòa quyện vào nhau. Bên này cầu Cửa Tùng thị trấn nhộn nhịp với nhiều ngôi nhà khang trang, bề thế, vóc dáng của một phố thị ngày càng rõ dần. Bên kia cầu vệt cát dài ôm lấy biển, nhiều quán xá đã mọc lên, du khách về tắm biển tấp nập. Nhà máy của Ngọc lại nằm cạnh cây cầu bắc qua sông Bến Hải như điểm nhấn tăng thêm vẻ đẹp và thăng hạng cho thị trấn.

Tôi nhìn Ngọc, khuôn mặt trắng trẻo chất phác, đôn hậu, không khác mấy những người dân Vĩnh Linh mà tôi đã gặp nhưng lại có những suy nghĩ hết sức táo bạo trong làm ăn. Cầm tinh con chuột, con vật đứng đầu 12 con giáp, theo tử vi người tuổi Tý có khả năng quan sát và khả năng thích ứng với công việc cao. Họ có tầm nhìn sắc bén và nếu có cơ hội xuất hiện trong một thời điểm thích hợp họ sẽ nắm bắt và biến cơ hội đó thành công. Ngọc là người đã biết nắm lấy thời cơ, biết đón thời cơ và chớp lấy thời cơ, đặc biệt là từ khi nhà nước có nhiều chính sách để phát triển kinh tế biển và hải đảo. Biết vượt qua cái khó, luôn khát khao làm giàu, tự tin và sáng tạo, đoán định được tương lai của việc mình làm là phẩm chất, năng lực của Hồ Thanh Ngọc. Thời cơ đến với mỗi con người không có nhiều, có khi nó chỉ đến một lần trong đời nếu không biết nắm lấy là tuột mất, kinh doanh hơn nhau là biết đón thời cơ và nắm lấy thời cơ. Bằng ý chí và nghị lực có lẽ là chuyện đương nhiên, nhưng tôi nghĩ trong mỗi con người chúng ta còn ẩn chứa một sự kỳ diệu nào đó, khi có thời cơ, biết khai thác nó sẽ thăng hoa.

“Người dân thị trấn Cửa Tùng cũng như ở huyện Vĩnh Linh đều khen rằng Ngọc là người có tấm lòng nhân ái?”- Tôi hỏi vậy chứ thực ra chuyện hảo tâm của anh tôi đã nghe anh Nguyễn Đình Tế, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng cũng như bà con ở nơi đây nói nhiều. Vốn lớn lên từ trong nghèo khó nên anh thấu hiểu nỗi khổ của người khác. Với trái tim nhân hậu anh luôn mang tâm nguyện được sẻ chia khó khăn với những người có hoàn cảnh éo le. Anh đã bảo trợ cho các hoạt động văn hóa xã hội trên địa bàn, các hoạt động giao lưu K8, K10 của địa phương, rồi hỗ trợ cho người nghèo, cho hội bảo thọ, hội nạn nhân chất độc da cam, hội khuyến học, hội cựu dân quân trực chiến…

- Ở đời cần nhất là chữ tâm chị ạ. - Ngọc nói- Vợ chồng tôi sống như vậy và cũng răn con cái như vậy. Mình làm ăn được, sống sung túc phải biết nghĩ đến cuộc sống của những người nghèo khổ. Với lại Cửa Tùng, giờ là thị trấn Cửa Tùng quê tôi, vùng đất đã cho tôi bao ân tình quyến luyến. Quê cũng giống như ngôi nhà, ngôi nhà như người ta nói không chỉ để ở mà còn ẩn chứa tinh thần. Đó là nơi tôi không chỉ sống mà còn gửi gắm, tự hào, hiến dâng và yêu thương…

Và trong một sáng trước bình minh ra ngắm biển trên cầu Cửa Tùng, trời nước trong xanh và tĩnh lặng, gió biển mơn man, lòng lâng lâng niềm vui khó tả trước những đổi thay của quê nhà, chợt nghiệm ra một điều: Mỗi người một cách, nhưng tổng hợp lại ta sẽ có một chân dung chính xác về quê hương.

T.L

THÙY LIÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 233 tháng 02/2014

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

4 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

4 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

4 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

5 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground