Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mảnh vườn xưa

T

rong kí ức mỗi chúng ta, nhất là với những ai từng sinh ra và lớn lên ở làng quê, mảnh vườn có ngôi nhà che chở đã trở nên một kỉ niệm vô cùng thiêng liêng, máu thịt. Hình ảnh mảnh vườn xưa luôn hiển thị trong ta với những đường nét, sắc màu, âm thanh và cả mùi vị thân quen khiến dù đi đâu, ở đâu, mảnh vườn vẫn níu kéo tâm hồn ta quay trở về trong những đêm thao thức, những lúc bỗng nghe buồn, là lúc ta rất cần một điểm tựa. Cái mảnh vườn ấy luôn có trong trái tim ta, và thật lạ, nếu nó vẫn xanh mướt lá cành nơi quê cũ, đã hẳn nó làm ta nhớ, nhưng một khi nó đã mất đi lại càng làm ta nôn nao nghĩ tới. Nó không còn là những gì đã và sẽ thay đổi theo tháng ngày, mà đã định vị như đóng dấu trong trí não với những khuôn hình cuối cùng ta chứng kiến. Những hình ảnh đó sống mãi, cứ sừng sững trong lòng ta, mọi thứ ngày càng trở nên thiêng liêng hơn, ám ảnh hơn lúc xưa ta còn có nó.

Tôi đã trải nghiệm nỗi lòng với mảnh vườn xưa như thế. Tôi từng có một mảnh vườn quê cũ nơi cha mẹ, anh em tôi sinh sống, nơi còn cất giấu núm rau của tôi ngày mẹ sinh mà giờ đây tôi vẫn hình dung ra, lần lượt từ ngõ vào sân cho đến bờ cây cuối cùng sau vườn…

 Quê tôi, một làng trung du, có con sông to rộng, nước hiền hoà nơi nơi, nhưng thiên nhiên lại dành cho làng tôi  số phận phải gánh vác hết mọi tai ương. Đó là chuyện quanh năm con nước cứ xoáy vào làng khiến đất đai ngày thêm bị xói mòn, mọi công trình văn hóa dân làng tạo nên bao đời nay đều bị xô ngã. Tôi chứng kiến cảnh cây đa, ngôi đình, bãi chợ dần dần bị trôi dần ra sông theo năm tháng, thế là đất đai, vườn tược, ruộng đồng của làng  bị thu hẹp dần y như cái miếng da lừa trong tiểu thuyết của H.Banzac, báo trước một ngày sẽ không còn gì nữa!

Mảnh vườn nhà tôi ngày càng tiến sát bờ sông dốc đứng trong những trận lụt do lở đất khiến gia đình tôi phải cùng chòm xóm xung quanh bỏ vào bìa rừng tìm nơi ở mới. Ngày tháng dần trôi, song thân tôi qua đời, tôi đi xa…Mấy mươi năm sau, tôi trở về làng, dù cây trồng đã phủ kín làng đồi, nơi xóm thôn bỏ làng cũ bị xói mòn vô đây làm ăn sinh sống, nhưng trong tôi, mảnh vườn xưa vẫn rờn xanh hoa lá. Tôi đi ra bờ sông, lần đến nơi mảnh vườn xưa mấp mé bên dòng nước đã bớt hung dữ, đứng giữa hoang vắng, lòng tôi se sắt. Làm sao có thể tin nơi đây từng là một mảnh vườn? Nhưng mà đó là sự thật. Vâng. Nơi đây từng là mảnh vườn của tôi, kỉ niệm của tôi, tuổi thơ của tôi. Khu đất sẽ rất vô hồn với người đời, nhưng với tôi nó như thấm trong đó mồ hôi người thân, giọt máu của tôi ngày tôi được sinh ra…Tôi nhớ lại biết bao kỉ niệm êm đềm thủa trong vòng tay mẹ nơi mảnh vườn nay đã biến thành đất trồng màu. Tôi hình dung lại, lúc một rõ nét từng chi tiết. Này là con ngõ ngoằn ngoèo có mấy cây dâm bụt thắm đỏ, này là mảnh sân nho nhỏ tôi trồng hoa hiên, mùa thu tím nhạt một vệt trong nhè nhẹ mưa bay, này là nơi mẹ tôi trồng mấy luống rau, khóm cà, này lối vào nhà ngày xưa mẹ vẫn quay xa dệt vải…Đặc biệt, là làng trung du nên vườn nào cũng trồng chè và cau. Chè vùng trung du để cây già cao vống lên trời, phải bắc thang mà hái lá. Cau thì khẳng mà vút lên như lúc nào cũng không chịu sự đe doạ của mọi thứ um tùm bu quanh. Vườn tự nhiên, ngang đâu trồng cây đó, không quy hoạch gì hết. Đó là đặc trưng của những khu vườn nửa công phu con người chăm bón, nửa hoang dại cây gì cũng có, thứ gì cũng có thể tìm thấy nhưng bảo vườn trồng gì thì đố ai nói trúng.

Là một làng trung du, nên lúc nào cũng nghe lảnh lót tiếng chim (đặc biệt làng kề bên làng tôi chim nhiều quá nên người xưa đặt tên là Minh Cầm Trang - làng rộn tiếng chim). Làng nhiều chim, vườn cũng lắm chim. Mùa nào chim ấy. Mùa xuân có con chim tào hao bay về kêu “tào hao, tào hao…”, đó là mùa mẹ tôi nấu canh bầu với rau tào hao thơm như ngò tây. Tháng tư tu hú bay về, hoa gạo rụng lộp bộp, tháng năm, tháng sáu, chim cu từ rừng sâu bay về đón những hạt lúa vàng rơi rụng góc sân, đâu đó trên cành cây cao có những con chim chưa hề trông thấy, chắc chỉ bé tí, rất nhút nhát, chỉ nghe tiếng hót trên cao xanh…Giữa khu vườn rộng gia đình tôi có một gốc mít già cỗi nhiều đoạn đã chết khô. Ở đó là nơi trú ngụ của một tổ chim gõ kiến. Năm nào chim gõ kiến cũng về làm tổ ở những cái tổ tròn loay đục vào thân cây, những cái tổ mòn nhẵn, chui vào chui ra là những con chim sắc màu sặc sỡ, gọn ghẽ và đặc biệt tiếng gõ rất vang, rất đều mỗi chiều về và đến tận bây giờ, khiến có đêm tôi vẫn nằm mơ nghe thấy cái tiếng gõ riết róng của nó. Không biết những chú chim non lớn lên đi đâu về đâu, nhưng nó cũng như tôi, cũng có một ngôi nhà, tôi và lũ chim non cùng chia nhau một mảnh vườn, một tia nắng…Có một giống chim ngày nay đã biến đâu mất. Tôi cố ý nhìn khi đi qua các làng trung du, nhưng tịnh vắng bóng. Ấy là chú chim khách linh thiêng với bộ áo đen tuyền, mắt đen, mỏ đen, đuôi dài luôn làm thông tin viên báo khách sắp đến nhà. Chuyện chim khách báo khách sắp có nhà ta là chuyện tôi chứng nghiệm nhiều lần. Trên những bụi chuối, cây cam bên hồi nhà, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim khách, và y như rằng một lúc sau cũng có vị khách đến nhà thật. Chuyện này chứa đựng bên trong nó điều gì không biết có nhà khoa học nào đã chứng minh được chưa, nhưng chớ bảo là tôi bịa đặt và cũng chẳng riêng chi tôi, bởi rất nhiều người từng gặp…Lại phải kể đến những chú chìa vôi. Chìa vôi sống trên những cành cây già, không biết chúng xây tổ ở đâu, chắc lại vẫn trong những hốc cây tối tăm mà ta không biết trong khu vườn không kiểm soát. Ngày nắng, ngày mưa, chìa vôi bao giờ cũng là người báo tin thời tiết vô tư, hăng hái. Nghe tiếng chim chìa vôi hót, mẹ tôi lại bảo sắp nắng rồi, hay chuẩn  bị có mưa. Y như rằng mưa hoặc nắng sẽ đến sau những tiếng hót lảnh lót trên cành cao của loài chim gần gũi. Nhiều lần tôi chăm chú theo dõi những chú chìa vôi tắm mưa. Mùa hạ nóng bức, sau một cơn mưa rào, bỗng thấy một chú chìa vôi sà trên cành cây cao xuống vũng nước góc sân. Nó xoè cánh vùng vẫy, té nước lên khắp thân mình, có khi rúc đầu vào chỗ nước sâu ngoáy ngoáy như gội đầu, xong đó, lại nằm sấp xuống đầm mình trong vũng nước, rồi cất cánh bay lên cành cây rỉa lông xoè cánh rủ rủ, sung sướng, nó cất cao tiếng hót. Cũng cái anh chìa vôi ấy, nhiều lần tôi rình xem anh ta tắm trộm trong thau nước mới thú vị. Mùa hè nóng chảy mỡ, không có mưa, thế là anh ta, cái giống chim kì lạ thông minh không giống vật nào thông minh cho bằng, đã tìm cách tắm trộm nước của ta đổ vào thau. Lựa lúc vắng vẻ, anh ta im lặng lẻn xuống, sà ngay vào cái thau nước ta để bên hồi. Biết mình làm điều lén lút, anh ta tắm rất nhanh, mắt liến láo nhìn quanh, vùng vẫy, liều lĩnh lặn ngụp một chút, rồi bay biến lên trời. Nó biến mất, không để lại dấu tích gì, dù một chút âm thanh; tôi đồ rằng một khoảng thời gian sau, nó mới dám quay lại khu vườn. Trời ơi! Sao chim không biết ta có đuổi chim đâu, ta cũng như chim thôi, ta lại còn muốn chim vùng vẫy cho thoả sức, và nếu được, ta sẽ dội thêm nước cho chim, người bạn nhỏ cùng ta lớn khôn trên cùng mảnh vườn, thở cùng luồng gió, hứng cùng tia nắng ban mai…

 Mỗi lần nghĩ đến mảnh vườn xưa, tôi càng lúc càng thấy hiện lên nhiều hình ảnh, và lúc nào cũng có một hình ảnh bỏ sót mất qua năm tháng bỗng hiện về làm tôi không thể kìm nén xúc động. Đó là những hình ảnh chìm đâu đó trong tâm thức có lúc khiến ta ngạc nhiên đến run rẩy. Tôi từng thấy lại những đàn kiến chạy mưa từ vườn vào nhà, leo trèo lên thềm đất với những bọc trứng trắng muốt trong lúc những con cóc lại nhảy ra sân tắm gội; những chú gà con chiêm chiếp bên gốc chuối tránh một con diều hâu sà xuống, trong lúc gà mẹ quang quác đánh đuổi kẻ thù tôi thấy lại một con sóc đục khoét buồng chuối chín cây tít tắp góc vườn, con ễnh ương gầy nhom, xanh lè đậu im lặng trên lá cọ xoè rộng trong lúc chiếc mo cau khô rụng từ trên cao xuống góc vườn đánh bộp theo ngọn gió thổi về; tôi như còn trông rõ những ngọn khói lam chiều vương trên mái lá cọ nâu sẫm, cái ngọn khói ấy sao mà lạ thế, nó vương lên mái lá, rồi cứ thế la đà quyến luyến như không chịu bay đi. Tôi từng đứng rất lâu giữa sân, im lặng ngắm cái ngọn khói ấy. Nhất định cái ngọn khói ấy có hồn, nhất định nó mang trong lòng một nỗi niềm với nơi nó được tạo ra. Nó chính là hồn người, cũng có nơi sinh thành, lớn dậy. Nó lưu luyến với mái nhà, với cành cây ngọn lá trong mảnh vườn như con người ta vậy trước khi phải theo gió bay đi…

Mảnh vườn xưa có trong lòng bất kì ai, trong trái tim bất cứ người nào nếu ta đã từng một thời gắn bó. Không nơi nào, không hình bóng nào giống nhau, mỗi nơi một cảnh huống làm nên kỉ niệm khó quên cho mỗi chúng ta. Tôi cảm thấy may mắn khi  trong tâm hồn còn có một góc kỉ niệm mà thế hệ hôm nay, nhiều người có thể sung sướng hơn nhiều, đi nhiều, biết lắm nhưng có thể sẽ thiếu vắng, đó là mảnh vườn xưa. Cái mảnh vườn ấy dù xa xôi với nhiều người lắm rồi, vẫn có sức mạnh níu chúng ta lại trong xô dạt của tiến triển xã hội, của sự rầm rộ bởi mọi đổi thay. Hồn mảnh vườn xưa có sức neo giữ hồn người; nó trở thành một thứ phi vật thể nhắc ta hai chữ “quê hương”…

Cuộc đời đưa đẩy nhiều năm, cuối cùng tôi trôi dạt vào thành phố. Tôi đi ra đường ngày ngày, sáng và chiều, nắng cũng như mưa đâu đâu cũng gặp những khối vuông nhà cửa, những khối tròn cột trụ, những thẳng tắp đường sá vốn là những thứ con người đã buộc tự nhiên vào ba cái đường nét tròn, vuông, thẳng rất máy móc; tôi lại tìm đến dưới những gốc cổ thụ rêu phong, mang hơi hướng của làng quê, như tìm lại những gì đã mất, nhưng quả là tôi thất vọng: đâu rồi ngôi làng có cây mọc, có con đường mòn, có cả tiếng chim ca cũng hồn nhiên như trời sinh ra thế, và mảnh vườn xưa trong tôi xa vời soi bóng xuống dòng sông êm đềm, mất hút trong thăm thẳm tháng ngày, không còn tìm đâu ra nữa. Mùa xuân đến hoa lá xanh rờn, mùa hè nối tiếp sen nở đầy hồ, cỏ  non tươi… càng làm ta nhớ nhung những gì cũ càng một đi không trở lại, trong đó có mảnh vườn xưa nơi ta sinh ra, lớn lên, đó là nơi ta kí thác linh hồn suốt cả cuộc đời và níu giữ ta lại với quê hương.                                                         

H.T.S

 

 

HOÀNG THÁI SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 232 tháng 01/2014

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground