Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mẹ Chí ở Cửa Việt

C

hiều hè năm 1972, mặt trời về cuối ngày, treo trên bụi tre biển thôn Tường Vân đỏ như một quả gấc lớn. Nước Cửa Việt ngấn lên một màu tím hoa muống biển. Hai mươi năm xa quê nay mới được đặt chân trở lại trên bãi cát thôn Hà Tây và Phú Hội xã Triệu An, gợi nhớ câu hò năm ấy.

"Sóng vỗ ngoài kia kêu ơi chiến sĩ - bom rơi ầm ĩ chàng ơi! - chớ lãng chí tang bồng - nhất tâm vì nước non sông - làm cho nước đục hóa trong nghe chàng”.

Đôi dép cao su bó chặt đôi chân, bám sâu trong cát nóng bỏng. Chiếc mũ tai bèo trên đầu không giữ yên được vị trí, gió biển hất ra phía sau. Mắt đăm chiêu hướng theo cửa biển xóm thôn im lìm chỉ nghe tiếng sóng vỗ bờ dào dạt. Bước đi của tôi bị chặn lại từng quảng bởi những cây phi lao bom chặt ngang thân ngã gục chắn ngang lối, nhựa cây chảy ra như những dòng nước mắt! Gai ốc trong người tôi toát ra lành lạnh, run run. Những quả bom bi hình quả ổi, quả dứa, M79 nằm rải rác phơi nắng trên cát chờ ai động đến là tóe lửa. Hai chiếc E4H từ Hạm đội 7 bay vút qua đầu, rồi vòng lại lao xuống - Tôi nghe rõ tiếng thét của một em bé gái: “nằm xuống… nằm xuống…” theo sau hai loạt bom tọa độ dựng lên những cột khói bao trùm cả bến đò của phía nam sông. Những chiếc thuyền vắng chủ không bị trúng bom giương đôi mắt nhìn trừng trừng vào tôi như trách móc hờn oán! Tôi đưa bàn tay che ngang tầm mắt, dòng suy nghĩ chạy qua trong đầu điều chi không rõ. Lại đi! Đi cho hết phần đất liền ra tới Cửa, vượt qua đôộng cát vàng chạy ra: “Chú bộ đội… đứng lại!” Gần hết một ngày đi bộ bây giờ mới gặp được một em bé, tôi mừng như đi đêm gặp ánh lửa, “Chú bộ đội đi mô rứa?”- Vẫn em bé hỏi. Tôi trả lời: “Chú đi tìm địa điểm cho đoàn văn công giải phóng về phục vụ”. Nghe nói văn công em bé mặt mày tươi tắn hẳn lên, nhưng rồi bỗng em ủ rũ, chán nản nói từng tiếng một: “Bà con nội ngoại chạy hết cả rồi còn ai mà ca hát chú?”. Tôi lấy bánh lương khô mời em bé. Vừa ăn em vừa kể tôi mới rõ Mỹ ngụy mở cuộc tiến công tái chiếm Quảng Trị, pháo bom ngày đêm thi nhau xóa sạch cỏ cây, làng xóm của đôi bờ để dễ bề đổ bộ, hòng chiếm lại thị xã Đông Hà và đường 9 Nam Lào, bà con ngư dân Cửa Việt không sao sống nổi đành phải bỏ bến, bỏ thuyền, bỏ đất. Một nửa số dân chạy vào đằng trong, K15 về đưa dân qua bờ Bắc Cửa Việt. Ra đằng ngoài ba mẹ con em bé tay xách nách mang ra bờ sông chờ đò cặp bến đêm tối trên trời pháo sáng rơi tua tủa theo sau là bom bi, rốc két nổ xanh lè như ma trơi. Đò vượt qua sông lúc nào em cũng không hay nữa. Thế là mẹ và chị qua được bờ Bắc còn em rớt lại một mình, em khóc thút thít nói với tôi: “Nhà em chưa hư hại gì cả chú bộ đội ạ”. Tôi hỏi: “Vậy sao em không ở nhà mà ra miếu ở?”, “Ra miếu trốn bom đạn chắc chắn hơn chú ạ, miếu thờ ông cá voi linh thiêng lắm, cháu nghe người già kể. Miếu này có ông thần biển, sóng to gió lớn ngoài khơi dữ tợn đến mấy người ở Cửa Việt cũng về tới đất liền bởi có miếu thần che chở. Sáu tháng nay bom rơi đạn nổ vô kể mà cái miếu vẫn nguyên vẹn đấy chú nì!”. Em kể say sưa…

Mặt trời đã xuống núi từ bao giờ. Tôi đưa lương khô và bột trứng ra hai chú cháu ăn thay cơm tối, em bé tự giới thiệu: “Tên mà Mát, đêm nay cháu đưa chú đi gặp một mẹ già 86 tuổi”. Nghe nói được gặp người Cửa Việt trong tôi rộn ràng một niềm vui kín đáo. Thế là mảnh đất chết của quê tôi vẫn còn sự sống. Trời tối hẳn, em Mát dẫn tôi ra bến sông. Em bảo chú đi sát mép nước cho khỏi lún. Sóng lăn tăn xô nước vào bờ rồi dạt rì rào, trên đầu gió nồm lồng lộng, dưới chân tràn đầy ánh sáng màu xanh nhạt lấp lánh như những giọt kim tuyến thêu trên áo mão của các quan đại thần. Đã hai phần đời rồi tôi mới thấy nước Cửa Việt có nhiều ánh sáng thấm vào trong cát. Hết phần sông đến phần biển, giữa hai khoảng cách ấy có một cái chòi cao hình chóp nón. Tôi nghĩ bụng có lẽ là cây đèn biển. Đi khỏi mặt nước khoảng 2 mét, em Mát dẫn tôi vào một ngôi nhà sập. Cột kèo, xuyên trếng chồng chéo lên nhau phải cúi đầu khom lưng mới qua được. Bên trong có tiếng bà mẹ hỏi: “Mi hở Mát! - Dạ! Cháu! Mệ có khách”. Đến giờ tôi mới nhìn thấy một chiếc hầm chữ A chìm sâu trong cát, một mái đầu ló ra: “Chào chú bộ đội”. Đêm tối như mực tôi nhận ra một mái đầu bạc như cước, vào sâu trong hầm có ngọn đèn bằng vỏ đạn 20 ly. Phát ra ánh sáng tròn bằng chiếc gáo dừa. Mẹ mời tôi uống nước và vui vẻ mẹ nói: “Nước xương nước máu đây chú ạ, mẹ chờ khi nào phi công Mỹ ngoài hạm đội ngủ quên hết mới bò đi lấy nước, ở với nước mà có ngày vẫn nhịn khát”. Tôi hiểu ý mẹ nói, nước mặn thì bao la, mà nước ngọt thì hiếm hoi. Kẹp miếng trầu đưa vào miệng, mẹ nói như nghẹn lại: - “Bộ đội giải phóng về đây mần chi nữa, Mỹ ngụy chạy hết rồi”. Em Mát thanh minh: “Chú ni không phải bộ đội, văn công đó mệ ạ”, “Chú là văn nghệ à?” “Thế là mẹ tuôn ra từng tràng”: “Văn công văn thẳng, văn nghệ văn gừng, nhà văn nhà báo xin đừng về đây. Tổ cha mấy đứa văn nghệ làm cho người mẹ Cửa Việt này khổ! Tui chưởi mấy đứa văn nghệ chứ tui không chửi chú mô. Có chuyện như ri: Năm 69-70 có một chú bộ đội từ bên bờ Bắc xã Gio Việt bơi Cửa sang bờ Nam nhờ mẹ đưa đường đến đồn trú tiểu đoàn cảnh sát dã chiến đóng ngoài Cửa - Từ nhà mẹ ra đó chừng 240 bước. Rứa là có thằng nghệ sĩ mô đó viết một bài kịch: Tín hiệu trái tim trái cật chi đó - ca ngợi mẹ, tâng bốc mẹ, biểu dương mẹ - người Cửa Việt anh hùng, mẹ có công cán chi cho cam. Rứa là bọn Mỹ năm lần bảy lượt về đây khảo tra mẹ với cái tội đo đường cho Việt cộng nả pháo vào”. Tới đây mẹ cười ha hả. - “Bốn năm ngày sau pháo bên bờ Bắc nả sang thiệt, 200 thằng Mỹ văng mạnh xuống sông trôi ra biển, người dân Cửa Việt này không dám ăn con cá nữa”- “Mẹ cười một tràng dài! Mát xen vào: “Chú văn công đã biết tay mẹ Chí chưa”.- Chao ôi! Hóa ra trước mắt tôi là mẹ Chí - một con người thực của Cửa Việt, một nhân vật trong vở kịch “Tín hiệu trái tim” của anh Hồ Ngọc Ánh mà tôi đã thử vai.

Ánh sáng mờ mờ trong chiếc hầm kéo cát đè nặng lên đầu làm tôi rơm rớm nước mắt. Trong nghề diễn viên và đạo diễn phục vụ lâu năm ở chiến trường, tôi nhận ra được cái thật, cái giả cuộc đời và nghệ thuật. Đúng như vậy, nghệ sĩ là người có chút tri thức làm vui, làm ngọt cho cuộc đời và cũng có lúc đem đến cho đời những chuyện đắng cay nghiệt ngã.

Từ bờ Bắc Cửa Việt sang làm dâu bờ Nam Cửa Việt lúc 16 tuổi trăng tròn, tính đến nay đã 27 năm, từ thời chín năm kháng chiến giặc Tây sang thời 20 năm đánh Mỹ, mẹ như một người lính gác cửa biển, trên đất mẹ như Thổ công, dưới sông mẹ như Hà bá giữ đất cho sáng, giữ nước cho trong.

Cửa Việt - Mẹ Chí, cây đèn biển không bao giờ tắt.

          X.L

Xuân Lư
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 6 tháng 03/1995

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

6 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground