N |
gười làm thơ trước hết có lẽ từ một nhu cầu tâm sự; có thơ để nói với đồng đội, với bạn bè, với người đời, với người tình... và trường hợp Lê Bá Tạo, thơ đây là để nói với Mẹ.
Mẹ, chính là mảnh đất Quảng trị quê hương của anh. Quả như vậy, ít có một mảnh đất nào đã hóa thân thành gương mặt người Mẹ thẳm sâu trong tâm hồn những đứa con của mình giống như là Quảng Trị. Kham khổ mà đạo lý, hiền lành mà khẳng khái, da diết và nghiêm nghị và một đôi mắt cứ vời vợi dõi theo bước con đi suốt đường đời.
Thơ Lê Bá Tạo là tâm hồn anh soi trong đôi mắt nhìn theo ấy của Mẹ. Nắng gió và lời ru, những kỷ niệm không bao giờ quên về chiến tranh, mơ ước cho ngày mai và cả những lời yêu thương tình tự giành riêng cho người em cuộc đời, tất cả tuồng như được anh ghi lại trong nhật ký hành trình dọc đường đời về thưa với Mẹ: “Con vẫn thế, tự tìm trong dòng nước – Đâu là nguồn trong đục, nông sâu”.
Nói về Mẹ đâu cần văn chương huê dạng làm gì. Anh nói thủng thẳng, chơn chất và nét thuỷ chung đôn hậu của tâm hồn cứ thế làm động lòng người.
Lê Bá Tạo nói rằng mình không định làm thơ, chỉ rung động hồn nhiên về cái gì đẹp của cuộc sống. Nhưng nhiều khi thơ cũng chỉ giản dị thế thôi: Chỉ để cảm ơn những đoá hoa bưởi và hoa tầm xuân đã gặp trên đường đời chắt chiu gìn giữ không để cho cái đẹp kia phôi pha cùng năm tháng.
Có lẽ vì thế mà dù tác giả khônglàm thơ buồn, gấp cuốn thơ lại trong tay để nhớ và nghĩ về Quê Hương Anh, lòng tôi sao chợt lây lan một nỗi u hoài.
Thành Cổ Quảng Trị, tháng tám 1991
H.P.N.T