Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mẹ còn trên mỗi nẻo xuân

Mỗi chúng ta, người còn mẹ, người mẹ đã xa nhưng thiết nghĩ ai cũng mang trong mình hình bóng của mẹ trên mỗi nẻo xuân. Vừa mới đó, lâng lâng chào đón giao thừa, mở cửa đón làn gió khởi niên thoang thoảng hương mai, hương cúc mà nay đã qua rằm tháng Giêng. Nơi này, rằm tháng Giêng ai siêng thì cúng nhưng chốn khác thì cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng. Nói đến lễ lạt, cúng bái lại nhớ tới mẹ. Bận rộn quanh năm nhưng có lẽ vào các dịp lễ tết mẹ của chúng ta thường gánh nhiều việc hơn cả. Cỗ bàn dâng cúng thần linh tổ tiên, mâm cơm đoàn tụ sum vầy gia đình, bè bạn làm sao thiếu bàn tay của mẹ cơ chứ. Nghĩ mà thương, thương mẹ không làm sao nói hết.

Mùa xuân, nắng đã nhiều hơn dẫu vẫn là nắng non, lạnh cũng bớt đi nhưng vẫn chưa hết lạnh. Tôi nhớ câu tháng giêng rét đàitháng hai rét lộctháng ba rét nàng Bân. Những cái rét ám ảnh vào tuổi nhỏ của tôi và thật khó nguôi ngoai hình bóng mẹ. Năm tháng xa xăm ấy, cái ăn cái mặc thiếu hụt khốn khó vô cùng. Sau tết là giêng hai, lúa mới xanh đồng lòa xòa rung rinh trong gió sớm se se, mùa gặt còn ở phía trước trong khi thóc gạo ở bồ lẫm bị vơi hao rất nhiều và đồng tiền chiu chắt của một năm cũ cơ hồ cũng dồn vào cho mấy ngày rộn ràng đón xuân mới rồi chả còn mấy nữa. Nỗi lo toan tết nhất vừa xong, tiếp nỗi toan lo giêng hai đứt bữa chất chứa lên đôi vai mảnh gầy của mẹ ta. Trong gian bếp ám đầy bồ hóng, bếp lửa bập bùng viền lên vóc dáng mẹ một đường chỉ màu hồng khó quên mỗi tinh mơ khi tiếng gà vừa loãng tan vào sương xuân. Tiếng chim đã bắt đầu líu tíu, lảnh lót trên những vòm cây nhú lộc quanh nhà. Mẹ khẽ khàng đánh thức chúng tôi dậy để đến trường, tôi hít hà và chạm ngay vào mùi khoai luộc, mùi ngô rang quen thuộc tỏa ra từ người mẹ. Bữa sáng của những đứa trẻ thời khó, tháng khó, ngày khó chỉ có ngần ấy, thế nhưng không phải nhà nào cũng được vậy đâu. Đứt bữa là chuyện không hiếm hoi của nhà nghèo thuở ấy. Và, điều này chắc nhiều người trong thế hệ chúng tôi đều chung suy nghĩ mẹ là người chịu đựng nhất, thiệt thòi nhất trong năm tháng gian lao. Những người mẹ Việt thắt lưng buộc bụng dồn yêu thương của mình vào hết chăm chút con cái; có ai chê bai trách cứ thì mẹ vẫn cứ thế thôi, bên ráo con nằm, bên ướt mẹ lăn, con dại cái mang, tình mẫu tử giản dị truyền lại muôn đời.

Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ

Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ

Tôi đi qua cánh đồng làng có bóng những người mẹ nón lá áo nâu lui cui dặm lúa, nhổ cỏ sau tết. Hôm nào mưa phùn gió bấc mẹ khoác áo tơi để vừa chống ướt, vừa chống rét. Nước ruộng giêng hai còn lạnh lắm, nó cắn chân mẹ thon thót. Mạ cắm xuống ruộng trước tết, gặp rét có cây không sống nổi hay bị sâu bọ ăn nên phải dặm thêm. Dặm ló là phương ngữ chỉ công việc của người đàn bà quê tôi sau khi đón tết xong. Thời đoạn nông nhàn nhưng mẹ vẫn chẳng mấy khi được rảnh rang. Hội làng, hội nước bận bịu đến mấy người nông dân vẫn phải để mắt tới cánh đồng, vườn tược; này lúa, này khoai, này ngô… gieo giâm cấy trồng xuống mà không chịu chăm bón thì cái ăn coi như cũng thật xa vời. Với những vùng đất khắc bạc như quê tôi thì thế hệ nào lòng người cũng thấm thía dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Ca dao tôi học thời thơ ấu có những câu thật long lanh như: Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát / Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng bát ngát mênh mông / Thân em như chẽn lúa đòng đòng / Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai. Đó là bức tranh tươi đẹp của cánh đồng bình minh, còn đây là hình ảnh lung linh của một đêm trăng sáng: Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi… Thế mà sao tôi vẫn ám ảnh nhiều với những câu diễn tả nỗi vất vả của người nông dân, trong đó có mẹ: Cày đồng đang bữa ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày… Trong những ngày xuân, trước khi mùa gặt tới lấp lánh muôn vàn giọt mồ hôi nóng hổi, mặn mòi của mẹ. Những giọt mồ hôi thấm mặn xuống ruộng đồng, vườn bãi để mùa màng có bông hạt ấm no. Mẹ nghĩ, mình cố công một chút, tuy nhọc nhằn vất vả hơn nhưng con cái sẽ có thêm bát cơm, manh áo. Với mẹ, con cái là tất cả; vũ trụ, đất nước, tinh hoa, cuộc đời là ở đó, đều ở đó. Con cái là mùa xuân của mẹ; trong mắt người không có gì quan trọng hơn tình mẫu tử, càng bao la càng sâu thẳm, càng dung dị càng thiêng liêng. Đến khi ta được làm cha làm mẹ thì càng thấm thía hơn cái tình cảm của mẹ cha dành cho mình. Muôn thuở vẫn vậy mà, nước mắt có chảy ngược được đâu mà tính, mà chọn, nên hàm nghĩa của câu ca dao xưa cũ này còn nguyên vẹn Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Tôi yêu ca dao dân ca xứ sở mình bởi tôi biết đó chính là một phần của mẹ. Vành nôi. Chiếc võng đay. Lời ru. Có trong hồi niệm sâu lắng về quê hương, đất nước yêu dấu của tôi. Những câu ca dao mộc mạc mà sâu sắc lẽ sống, những làn điệu dân ca luyến láy dễ đi vào lòng người đồng hành cùng tôi trên mỗi chặng đời. Trong một Nguyên tiêu - Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu Hà Nội, tôi đã không kìm nổi nước mắt khi thấy câu thơ của mình được chọn thả lên trời xanh bao la: Cát đi mãi chẳng thành đường / Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru. Lối mẹ giăng mắc những ân tình non nước, quê hương không kể xiết. Vui. Buồn. Hạnh phúc. Khổ đau. Hòa bình. Chiến tranh. Đoàn tụ. Chia ly… Bấy nhiêu cung bậc cuộc đời vẫn không vượt thoát ra khỏi lòng mẹ, mẹ ơi! Đất nước mình trải qua bao cuộc chiến tranh. Chiến tranh nối chiến tranh. Một đời người mà chiến chinh nhiều quá / Em níu giường, níu chiếu đợi anh; nhà thơ Hữu Thỉnh có những câu thơ bào xót gan ruột như thế. Những người mẹ Việt đã bao lần tiễn chồng con ra trận. Mùa xuân, mùa của những cuộc tiễn đưa chồng con ra trận đánh thù. Mùa xuân, mùa của những cuộc chia tay với thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Bến nước. Con đò. Ngõ xóm. Cổng làng. Chừng cũng biết lặng im để chia sẻ với người ở, người đi. Biết nói sao đây, lòng mẹ ta quặn thắt khi bóng người thân xa dần. Chẳng biết mưa xuân hay lệ buồn làm nhòa mắt mẹ. Mẹ như cái dấu chấm than gầy mảnh cắm trên bến đợi, cuộc đời không cho mẹ biến thành vọng phu nhưng lòng người mang giông bão giêng hai là có thật. Khát khao của mẹ là bình yên, mái nhà tranh ngấm mưa nắng mỗi sớm mỗi chiều có làn khói màu lam là lan tỏa để mâm cơm dù đạm bạc đến mấy cũng không vắng mặt người thân nào. Khát khao của mẹ là xóm mạc phố phường đừng bao giờ có bom rơi, đạn nổ, mưa thuận gió hòa, lòng người ăn ở với nhau chứa chan như bát nước đầy. Khát khao của mẹ là trời yên biển lặng cho mỗi dặm người đi chân cứng đá mềm. Nhưng đâu dễ dàng có được. Thương mẹ đi qua những mùa xuân trống vắng trong nỗi ngày Bắc đêm Nam, cái màu hoa gạo thắm đỏ trên cao mà như nhóm lửa giữa lòng người phía sau mặt trận. Dằng dặc màu đỏ gánh gồng tâm tư của bao thế hệ mẹ Việt. Có không ít người chồng, người con không trở về, màu hoa đỏ ấy thành ráng trời bi tráng trên điệp trùng sông núi nhấp nhô lặng im bóng mẹ soi vào. Rất nhiều người phụ nữ Việt Nam từng là vợ, là mẹ của người lính. Quá khứ từng thế đấy và dấu vết của nó vẫn chưa mờ tan trong mỗi ngày sống hôm nay. Có thể “số hóa” được nhiều thứ nhưng làm sao “số hóa” được nỗi đau của con người. Bởi thế, hình như tôi vẫn nghe được những rì rầm của xa xưa trên bấy nhiêu dấu vết quá khứ. Càng hiểu hơn vì sao ca dao dân ca xứ sở mình lại chất chứa nhiều da diết, day dứt, thao thức dường vậy. Và, trong mùa khởi niên niềm vui của mẹ chẳng bao giờ được trọn vẹn. Trên mọi nẻo xuân chúng ta đi vẫn in đậm bóng hình của mẹ. Như một hiển nhiên. Như một kết nối vững bền không có gì thay thế được. Mẹ vẫn đồng hành cùng chúng ta, đầy những chở che và bênh vực trong những chấn động của dòng đời. Mẹ thật đúng nghĩa là mùa xuân của các con, dịu dàng và dâng hiến vô tư.

Cơn cớ chi tôi lại nhớ tới hình ảnh của mẹ trong thơ của một thi sĩ nổi tiếng từng mang áo lính. Người mẹ của mùa xuân quê hương nghèo khó, của đứa con mẹ từng mang nặng đẻ đau đang ở chiến trường xa. Mẹ của một thời và có lẽ là mãi mãi. Tôi nhắm mắt lại, thầm đọc: Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ / Mẹ ở nhà đã cất áo bông / Mẹ có ra bờ sông / Qua bến đò tiễn con dạo trước / Đường xuống bến có mười sáu bậc / Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu… (thơ Hữu Thỉnh). Hoa gạo. Chiếc áo bông chần. Bến đò. Tóc bạc. Mẹ. Chiến tranh đã qua lâu lắm rồi. Mẹ trong thơ của thi sĩ có lẽ cũng đã trở thành người thiên cổ. Hình ảnh ấy có thể đã xa lạ với cuộc sống hôm nay, khi chiếc áo bông chần quen thuộc một thời đã trở thành cổ tích. Nhưng nhớ thương của mẹ vẫn vẹn nguyên giữa dòng đời xuôi ngược, bộn bề. Kể cả lúc ta hoang mang, hấp hoảng khi thấy những giá trị văn hóa truyền thống bị hao hỏng, bôi lem. Mẹ giữ cân bằng cho ta giữa những chênh vênh của cuộc sống mà có cảm giác rằng mỗi dặm mưu sinh của mình còn đầy cạm bẫy. Mẹ, chẳng gì khác chính là sự luân hồi bền bỉ nhất cũng như mùa xuân vậy, không thể không trở về mang theo những hy vọng trong trẻo đẹp đẽ cho mỗi chúng ta. Trên mỗi nẻo xuân còn ấm áp yêu thương lặng lẽ của mẹ; hạnh phúc ấy ta nhận ra trong sự bình tĩnh, an nhiên của mình giữa muôn hoa lá xôn xao của mùa khởi niên chấp chới cánh én lưng trời quê hương.

Tùy bút của NGUYỄN HỮU QUÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 342

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground