Gia đình bác tôi vào Nam lập nghiệp đã lâu. Điều tôi luôn thấy mừng vui là hai bác và các anh chị luôn dạy con cháu mình gốc gác quê nhà. Kỵ giỗ của ông bà, bác tôi luôn làm mâm cúng vọng ở xa để con cháu trong đó nhớ ngày và biết đó là ngày giỗ của ai. Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở trong đó, đứa nào cũng ít nhất một lần được về quê, tụi nhỏ nghe được tiếng Quảng Trị từ ông bà nội ngoại, nghe hiểu tiếng “ngoài quê” và luôn thắc mắc, tìm hiểu về quê nhà như vậy. Trở lại chuyện cháu gái hỏi, cháu bảo mở Facebook thấy chị đó ru con vậy á dì, mà con không hiểu tại sao mẹ ru con lại ra cầu Ái Tử, Ái Tử theo cách hiểu của con chẳng phải “yêu là chết” ư?
À ơi, mẹ thương con ra cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu
Một mai bóng xế trăng lu
Con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu gặp chàng.
Câu ca này đã được lưu truyền từ xưa nên không ai rõ tác giả. Tên gọi Vọng Phu (trông chồng) xuất phát từ câu chuyện về người anh là Tô Văn phát hiện vợ mình chính là người em gái ruột Tô Thị từ một vết sẹo trên đầu do chính anh gây ra ngày còn nhỏ. Người chồng, người anh quá đau khổ mà bỏ đi, người vợ bồng con mòn mỏi đợi chồng ngày này sang ngày khác rồi hóa đá. Địa danh Vọng Phu có thực ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, mỗi nơi lại có một điển tích, câu chuyện na ná và đều chung ý nghĩa để giải thích về một hòn đá, một ngọn núi mang dáng hình mẹ bồng con. Vậy còn cầu Ái Tử? Có câu chuyện nào liên quan đến tên gọi này không? Theo một cách hiểu khác, Ái Tử có nghĩa là thương con, yêu con. Tuy nhiên để giải thích một cách tường tận, cụ thể thì hầu như chưa có một tài liệu, một câu chuyện nào để giải nghĩa cái tên này bắt nguồn từ đâu.
Trước khi chính thức nhập vào bản đồ nước Việt, Ái Tử là một phần đất châu Ô của Chiêm Thành. Năm 1306, qua cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa và vua Chiêm Chế Mân, mảnh đất châu Ô thuộc về nhà Trần. Người Chiêm Thành bỏ đất đi vào phía Nam, những người Việt đầu tiên từ phương Bắc di cư vào đây sinh sống. Năm 1307, nhà Trần đổi châu Rí thành châu Hóa, châu Ô thành châu Thuận, Ái Tử thuộc huyện Hoa Lãng nằm trong châu Thuận. Đến năm 1469, vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ cả nước và chia lại đơn vị hành chính, Ái Tử thuộc huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa.
Năm 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, nuôi chí lớn xây dựng cơ nghiệp ở Đàng Trong, đã hạ lệnh đóng dinh trấn ở Ái Tử. Theo sách Việt sử xứ Đàng Trong (Phan Khoang) lúc chúa Nguyễn Hoàng quyết định dừng chân ở Ái Tử, bấy giờ nghe tin chúa ngự, các bô lão trong vùng đã đến bái kiến và dâng tặng chúa 7 vò nước. Hình dung, buổi trời nam nóng rát, sau chặng đường dài, 7 vò nước ấy thật đáng quý biết bao. Hơn nữa, Quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đã nói rằng đó là điềm được “nước”, khởi đầu tốt đẹp cho quốc sự dài lâu. Vùng đất Ái Tử dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cai trị phát triển hưng thịnh, dân tình thái bình. Như vậy Ái Tử chính là cái nôi ban đầu mà nhà Nguyễn làm bàn đạp để mở rộng bờ cõi về Nam.
Những năm chiến tranh, Ái Tử được biết đến là căn cứ quân sự lớn hàng đầu của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ở miền Trung. Ái Tử được biết đến nhiều hơn khi Mỹ xây dựng sân bay trực thăng rất lớn ở đây. Quân đội Mỹ cho di dời dân cư lấy bãi cát rộng dài xây dựng phi trường, đồn bốt, kho đạn với diện tích trên 150 ha. Khi doanh trại quân đội Hoa Kỳ đóng ở đây, người dân Ái Tử và vùng lân cận có thêm nghề “làm sở Mỹ” với nhiều công việc khác nhau, từ hành chính đến giúp việc, giặt áo quần, lau dọn phòng cho lính Mỹ. Dì tôi từng làm việc ở đây, vẫn nhớ vài câu tiếng Anh bập bẹ, vẫn tủi hờn rấm rứt rồi nhắc cái chết không đáng có của người em họ khi vào kho lấy gạo, đống gạo đổ lên, đè chết. Chuyện đi làm sở Mỹ đóng ở Ái Tử hồi đó khiến nhiều gia đình rạn nứt, nhiều người đàn bà mang tiếng cho đến giờ.
Khi căn cứ Ái Tử được giải phóng, tàn dư cuộc chiến để lại là một vùng đất tan hoang, nham nhở sắt vụn, bom mìn. Những người đàn ông trong vùng cầm chiếc máy rà tìm sắt thép phế liệu chiến tranh ở quanh khu vực sân bay Ái Tử. Dầu hiểm nguy nhưng không thể phủ nhận rằng, nghề này đã nuôi sống bao nhiêu gia đình trong vùng giữa thời buổi khốn khó.
Cầu Ái Tử bây giờ với hai làn đường thông thoáng - Ảnh: Việt An
Gần 50 năm năm sau chiến tranh, Ái Tử bây giờ là một thị trấn khiêm nhường nằm trên tuyến đường quốc lộ Nam Bắc. Gần đó, một ngôi làng cũng mang tên Ái Tử, thuộc xã Triệu Ái. Năm 1986, ba tôi đem gia đình lên vùng đất này lập nghiệp, ông đặt tên cho đứa con gái đầu lòng là tôi với chữ Ái để luôn ghi nhớ nơi mình sinh ra và lớn lên. Ba tôi vẫn bảo làm người phải luôn nhớ đến gốc gác nguồn cội. Nhưng thực tình, dù cố tìm hiểu, hỏi han, tôi vẫn không biết thêm gì nhiều về địa danh cầu Ái Tử, một cây cầu nhỏ cách nhà tôi bây giờ vài trăm mét. Cầu Ái Tử trong câu hát ngày xưa cho đến bây giờ vẫn là một cây cầu rất đỗi bình thường, không mang một câu chuyện hay huyền tích nào bí ẩn. Ba tôi bảo câu hò ru kia có thể chỉ là một cách chơi chữ vậy thôi.
Phải luôn mất một quãng dài để một vùng đất phát triển, một đứa trẻ trưởng thành, khôn lớn. Tôi không am hiểu nhiều về lịch sử nên trong phạm vi hiểu biết của mình, cũng chẳng dám trả lời cụ thể cho đứa cháu thương quê đang ở xa. Những năm gần đây, sân bay Ái Tử đã đổi khác. Từ bãi cát trắng hoang vắng, nơi này giờ trở thành cụm khu công nghiệp với nhiều nhà máy đã hoạt động và đang xây dựng, giải quyết việc làm cho nhiều người dân trong khu vực. Làng Ái Tử cũng thay da đổi thịt, có dự án mở rộng đường Quốc lộ, đất người dân tính bằng sào, bằng mẫu có giá trị tiền tỉ. Những người chưa bao giờ cầm được năm, mười triệu tiền mặt trong tay, mua đồ gì cũng trả góp, giờ bỗng dưng đổi đời, xây được nhà đẹp, sắm ô tô. Làng Ái Tử thay đổi rõ rệt với những ngôi nhà bề thế, đẹp đẽ.
Mỗi khi chỉ nhà mình, tôi vẫn bảo nhà tôi cách cầu Ái Tử chừng mấy trăm mét. Đó tựa như cái mốc để mình vin vào, nên chi ngày xưa vẫn hay dặn dò em út, nhỡ may đi lạc trôi nổi về đâu, nhớ nói nhà mình ở gần cầu Ái Tử. Các cháu tôi ở xa, dù về thăm quê lần đầu tiên, vẫn bảo tài xế cho dừng ở gần Ái Tử, đứa nào cũng xuống đúng nhà. Thôi thì, lời ru kia như thể một nhắn nhủ từ quê nhà, yêu thương cách xa mà không hề xa lạ.
Bài viết in trên Cửa Việt số CĐ 9 - Mở cõi và bang giao