Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Miền cát xanh

 
                                       Thuở từ bờ Bắc trông sang
                                  Cát Sơn ơi! Cả miền Nam đó rồi.
           
N
hà thơ Xuân Hoàng đã bồi hồi thốt lên nỗi niềm xúc động bằng câu thơ ấy khi đặt chân đến Cát Sơn - xã Trung Giang sau những năm Quảng Trị giải phóng. Đã qua rồi một thuở địch ngăn sông cấm tuyến, dân đôi bờ không được qua lại giao lưu, cùng đi một chợ, cùng sang một đò từ thuở xa xưa. Đã lùi xa những tháng năm phải sống cảnh bị đè nén áp bức, uất ức, ngột ngạt trong lòng địch: “Gần gia đình mà không được gặp, thấy quân thù mà không được bắn” (Thơ Chế Lan Viên). Đây là một miền quê nằm ở bờ Nam Cửa Tùng - nơi cuối nguồn của dòng sông Bến Hải hòa nhập vào biển Đông. Xã Trung Giang thuộc huyện Gio Linh, một thời là vùng đất của miền Nam máu lửa trong nỗi niềm thao thức của nhân dân các xã đối diện bên kia dòng sông là Vĩnh Quang, Vĩnh Giang thuộc huyện Vĩnh Linh ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chỉ cách nhau một dòng sông mà ngót hai mươi năm đất nước cắt chia, Trung Giang thuộc quận Trung Lương do Mỹ - ngụy lập ra để dễ bề cai quản, kìm kẹp hà khắc. Miền cát hoang lạnh bởi thép gai của quân thù vây bủa, nhức nhối lòng người. Thép gai vây bủa xóm làng nhưng làm sao giam hãm được trái tim yêu thương, khát vọng độc lập tự do của người dân xứ cát miền Nam một lòng trung kiên với Đảng? Cách một dòng sông mà bên Nam bên Bắc. Hai nửa yêu thương chỉ cách nhau mấy nhịp chèo khua mà đằng đẵng chuỗi tháng năm dài đợi chờ mỏi mòn, khắc khoải:
                     “Anh ở bên ni Hiền Lương ngày trông đêm đợi,
                          Em ở bên tê Bến Hải ngày đợi đêm trông…”
Bao nhiêu cay đắng, khổ đau do bọn xâm lược gây ra đã in đậm trên từng thớ cát, hằn sâu trong ký ức của mỗi người, mỗi gia đình, làng xóm:
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu,
  Dây thép gai đâm nát trời chiều…”
                                                              (thơ Nguyễn Đình Thi)
Trung Giang trải qua một thuở đau thương, mất mát mà mỗi lần hồi tưởng lại, ai cũng thấy buốt lòng. Biết bao đồng bào, chiến sỹ hy sinh trong những trận chống càn, chặn tàu chiến, chống dồn dân lập ấp, thanh trừng Cộng sản, chống bắt bớ dã man của địch. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của xã phục vụ chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ, mở đường máu giữa đảo với đất liền, nhiều người ra đi, ít người trở lại. Một số đảng viên, thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội Trung đoàn 95. Kẻ xâm lược quyết san bằng xã Trung Giang để làm bàn đạp tấn công sang Vĩnh Linh và Miền Bắc. Nhiều bộ đội, cán bộ, dân quân du kích, nhân dân quả cảm, anh dũng hy sinh bảo vệ xóm làng, bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng bộ và nhân dân Trung Giang ghi vào sử sách truyền tụng muôn đời. Tháng 10 năm 1969, xã Trung Giang được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Con người trên mảnh đất này đã chiến đấu ngoan cường, cống hiến nhiều máu xương cho Tổ quốc. Giá trị chủ quyền, độc lập, tự do phải đổi bằng “một tấc non sông, một dòng máu đỏ”. Sự cống hiến ấy đã đi vào sử sách sáng ngời của địa phương: 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 14 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 60 liệt sỹ chống Pháp, 224 liệt sỹ chống Mỹ, 8 liệt sỹ bảo vệ Tổ quốc thời hòa bình. Khúc tráng ca một giai đoạn lịch sử oanh liệt của quê hương và đất nước vang vọng mãi trên miền quê chói lọi máu và hoa này.
   Nói đến Trung Giang là nói đến những xóm thôn với những đụn cát trắng kéo dài nhấp nhô ngang qua làng, thấp dần ra phía biển đông giống những chú voi nẹp mình do trời đất tạo ra, rất kỳ thú. Xã có chiều dài bờ biển gần 8 cây số từ Cát Sơn đến xã Gio Hải. Trong tổng số diện tích tự nhiên trên 1058 héc ta thì đồi cát và đất cát chiếm 70%. Những đồi cát, rú cát, động cát trở thành những bức tường ngăn giữ, che chắn không khí lạnh ở Đông Trường Sơn tràn về, tạo ra những cơn mưa điển hình ở phía Tây Quốc lộ 1A. Mùa hè, Trung Giang xuất hiện gió Tây nam khô nóng. Con người sống trên vùng đất này đã từng quen với nắng khô, gió rát cũng như điệp khúc ầm ào sóng vỗ quanh năm. Như những làng quê vùng bãi ngang dọc theo chân sóng của huyện Gio Linh, xã Trung Giang đã âm thầm chịu đựng bao gian khổ nhọc nhằn, khó nghèo từ đời này sang đời khác bởi điều kiện thiên nhiên không thuận lợi. Suốt mùa hè khô khát, nắng như đổ lửa, cát nóng như rang, gió thừa thải, ào ạt quất sàn sạt vào ngõ ngách từng nhà bên những hàng phi lao gầy guộc cố gồng lên che chắn cho làng. Mùa đông, cát lạnh buốt xương, gió từ biển tràn vào như tra tấn những nếp nhà tranh nép mình run rẫy. Cuộc sống sao mà khắc nghiệt đến thế? Vào mùa đi biển, ngư dân khốn đốn với luồng không khí bắt nguồn từ áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương tạo ra từng trận gió “Đông Ngang” bất thường, gieo họa cho thuyền bè đang mải miết tung chài kéo lưới. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rõ: “Nơi đây bốn mùa thường nắng ấm,  tháng giêng, tháng hai khí trời hòa ấm, cây cau bắt đầu ấp bẹ thường gọi là “gió cau chữa”, tháng ba khí trời nóng dần lên, thỉnh thoảng có cơn gió mạnh từ phương Nam thổi tới, tục gọi là “bão nam”. Cơn bão ấy nhắc người đi biển phải đề phòng hiện tượng tố lốc ở ngoài khơi…”. Gió mang theo cát tấp vào cây cối, găm vào da thịt đau rát đã trở thành chuyện quen thuộc và trở nên bình thường với bất cứ ai đã sống ở đây. Sự sinh tồn từ đời này sang đời khác đều gắn liền với cát và biển. Dù muốn dù không thì người ta vẫn phải bám đất, bám làng, bám biển để mưu sinh, phải chèo chống với những nghiệt ngã cứ diễn ra hàng ngày, không một lời oán trách số phận. So với những miền quê khác thì miền cát chịu nhiều thiệt thòi hơn, gánh chịu nhiều gian lao, vất vả hơn. Thế mới biết, để giữ được cuộc sống, con người vùng cát phải trả giá với công sức đổ ra gấp nhiều lần nơi khác. Bao thế hệ đã dựng xóm dựng làng, tạo nên một miền quê kiểng ẩn chứa bên trong hồn người, hồn đất như bao làng Việt dân giã muôn đời mà khi xa mới chạnh buồn, nhớ nhớ, thương thương. Nhà thơ Văn Thảo Nguyên có chuyến công tác tại xã Trung Giang, đã phải xao lòng lúc tạm biệt chốn quê này:
“Thương nhớ lắm khói lam chiều Cang Gián
Những thôn chài, thôn ruộng của ta ơi…
Cang Gián ngày trước cũng là một thôn nghèo của xã Trung Giang, làm ngư nghiệp là chính. Ngày xưa, sản phẩm làm ra từ nghề biển chỉ tiêu thụ quẩn quanh trong xóm, trong làng vì đường sá đi lại bất tiện, giao thương buôn bán không được mở rộng nên cuộc sống ngư dân cũng chả dư giả gì, chỉ mong đủ ăn là tốt rồi. Ai đã từng thưởng thức nước mắm, ruốc, cá khô, mắm thính của làng Cang Gián sẽ thấy được giá trị riêng có từ đặc sản biển Cửa Tùng ngon bổ hơn nhiều nơi khác. Nghề chế biến hải sản truyền thống của làng vẫn còn giữ được đến bây giờ. Ngày trước, Trung Giang có 7 thôn, giờ đây còn lại 5 thôn: Bắc Sơn, Nam Sơn, Thủy Bạn, Cang Gián, Hà Lợi Trung, với trên 4200 nhân khẩu (Cát Sơn ngày xưa chia thành hai thôn Bắc Sơn và Nam Sơn ngày nay). Hai thôn: Cẩm Phổ và Thủy Khê đã nhập về với xã Gio Mỹ.
Từ muôn đời, lòng người thủy chung với cát, bám đất giữ làng, bảo tồn sự sống, gìn giữ mồ mả tổ tiên, cũng giống như suốt những tháng năm đen tối, sống trong vòng vây phong tỏa tàn bạo của quân thù vẫn kiên trung với Cách mạng, vẫn hướng về miền Bắc, nuôi khát vọng đất nước thống nhất một nhà, để cho “cau chợ Bạn, trầu chợ Do” thắm nồng trong ngày vui duyên mới ngập tràn hạnh phúc của trai gái đôi bờ. Và hôm nay, có một Trung Giang đang chuyển mình đi tới, đổi thay từng ngày. Miền đất cuối bãi, đầu ghềnh đang đổi thịt thay da, đang nói với bè bạn gần xa rằng: Một thuở đói nghèo đã lùi vào dĩ vãng! Ở Trung Giang có câu ngạn ngữ từ xa xưa truyền lại: “Biết được sự trời, mười đời không khổ”. Ngẫm lại lời người xưa, nhìn quê hương đổi khác mới thấy câu nói ấy ngày càng có ý nghĩa sâu sắc. Cũng nhờ nắm bắt được quy luật của tự nhiên để vận dụng vào cuộc sống nên trải qua bao trầm luân dâu bể, con dân Trung Giang vẫn tồn tại hiên ngang, bền bỉ và vững vàng trên mảnh đất bên cửa biển này. Những thôn xóm đổi thay làm bỡ ngỡ bước chân người. Bức tranh triền sông, mép biển quen cũ hồi nào đã hình thành những đường nét mới mẻ do tư duy sáng tạo của con người tô điểm từng ngày. Có gì đó rạo rực, thôi thúc mà bất cứ ai khi đặt chân đến đây cũng có những cảm nhận nhưng chưa gọi được thành tên…
Cá thơm bếp lửa nhà khuya
Mùa vui rộn bến, hả hê mắt người!
Hương thơm từ vị biển giục giã khách từ nơi xa tìm về. Vào mùa nắng, trời yên, biển lặng, những đêm trăng thanh gió mát, có bạn bè tri kỷ ngồi hàn huyên, xếp bằng uống rượu với cá khô nướng, mực luộc còn tươi rói ngay trên bờ cát mịn bên cạnh hàng phi lao thì còn gì hứng thú bằng? Uống rượu dưới trăng, nghe thì thầm sóng vỗ cận kề như người thương rủ rỉ tâm tình, ngắm nhìn tàu, thuyền đánh cá ngoài khơi đỏ đèn sáng rực như một thành phố nổi, mới thấy tâm hồn thư thái, lâng lâng. Trai gái yêu nhau mà đến đây, ngồi bên nhau trên bãi cát vào những đêm gió nồm rười rượi thì thật là thơ mộng biết bao! Cảnh sắc ở đây hữu tình và đầy quyến rủ. Thế mới biết, trên 700 năm trước, những bậc tiền nhân từ Thanh Hóa đi vào phương Nam mở đất đã dừng lại, chọn nơi này lập nghiệp là có căn nguyên, có một tầm nhìn xa cho con cháu trường tồn, tiếp nối. Thế rồi, sau khi có dân cư quần tụ theo từng dòng họ, sống thành làng chan hòa với nhau, nhiều đoàn người từ Nghệ An, Hà Tĩnh trên đường vào miền trong chọn nơi sinh sống nhưng không đi tiếp vì thấy vùng dất có những lợi thế về lâu dài nên dừng lại, cùng hội nhập, sinh sống, đoàn kết, mở mang làng mạc ngày thêm đông đúc, sầm uất. Các thế hệ kế tiếp nhau sinh ra trên mảnh đất này đã không phụ ý nguyện của người xưa. Theo thời gian và lịch sử, tiềm năng của xứ cát được đánh thức, khơi dậy, đó là: vừa có thế mạnh về du lịch, vừa có thế mạnh về nghề đánh bắt, chế biến hải sản truyền thống mà nhiều nơi trong huyện không có. Một vùng quê vừa làm nông, vừa làm ngư, vừa mở mang ngành nghề giống như những làng biển nơi cửa lạch và bãi ngang khác. Do nhu cầu mưu sinh để tồn tại và phát triển, từ lâu đời người dân Trung Giang đã có nhiều nghề: khai thác hải sản từ sông, biển, buôn bán, khảm xà cừ, canh tác đất đai trồng khoai, cấy lúa và các loại rau quả thực phẩm khác. Theo từng giai đoạn, con người lựa chọn những nghề phù hợp với nhu cầu xã hội nên có nghề dần dần chìm vào lãng quên. Nghề khảm xà cừ có từ lâu đời,  một thời gian dài nổi tiếng khắp miền Trung, đã thịnh hành ở Cát Sơn đến nay cũng mai một…
Nét đặc trưng của những làng biển thường na ná giống nhau. Con người cũng có những nét chung: Da đỏ như cua luộc, chắc khỏe, tính nết cởi mở, hiếu khách, giọng nói to như quát át cả sóng biển, cho nên người ta thường bảo dân biển “Ăn sóng, nói gió” là vậy. Sống quen mới thấy hết tấm lòng của họ trải ra, bộc trực, thật thà chân chất.
Một bà cụ ở thôn Thủy Bạn đang ngồi ăn trầu và xem ti vi cùng mấy đứa cháu. Đây là thôn nghèo nhất xã, nay đang có nhiều đổi thay. Cụ nói rất vô tư:
- Bây chừ cuộc sống khác xưa nhiều rồi. Thời bày tui cơ cực, đói rách, cái chi cũng thiếu. Bữa ni, cái chi cũng đầy đủ, ngày xưa mơ cũng nỏ được. Như tui cao tuổi còn được hưởng chế độ nhà nước, xã, thôn tặng quà…Thời ni sướng thiệt!
Nhìn cụ đã trên tuổi 80, người khỏe mạnh, da dẻ hồng hào cũng biết rõ thực tế cuộc sống của con cháu bây giờ đổi khác. Đến năm 2010, Trung Giang có thu nhập đầu người đạt trên 8 triệu đồng mỗi năm. Tuy thu nhập đầu người còn thấp so với những nơi khác trong huyện nhưng đã làm tiền đề cho bước tăng trưởng 13 triệu đồng mỗi người trong nhiệm kỳ 2010- 2015. Với vùng cát khó khăn chồng chất như Trung Giang thì thực tế đó thể hiện sự cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị ở đây. Do đặc thù của vùng đất nên trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế phải giữ được tính bền vững bằng cách phát huy những gì đã có, đã tồn tại, sau đó mới tính chuyện tìm hướng đi và giải pháp lâu dài. Chính vì vậy, Trung Giang lấy ngư nghiệp làm đầu, tiếp đến nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại. Xã cũng tính đến hướng đi tiếp theo bằng cách chuyển dịch cơ cấu kinh tế năng động theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm - ngư, tăng thương mại và dịch vụ. Phó Bí thư, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Trần Xuân Tưởng không giấu giếm ý tưởng của đảng ủy và chính quyền xã:
- Chỉ có chuyển nền kinh tế truyền thống sang kinh tế thị trường mới mong giàu lên được. Nếu không như vậy thì ì ạch mãi và chỉ dẫm chân tại mức đủ ăn mà thôi, tụt hậu là cái chắc. Vừa giữ được tiềm năng đang có nhưng vừa phải nhạy cảm khi tiềm năng mới của địa phương đã mở ra để tạo hướng đi lâu dài. Xã đang hướng tới nền kinh tế phi nông nghiệp. Đây là cơ sở cốt lõi vươn lên giàu có.
Điều chủ tịch xã nói về tiềm năng hiện có và tiềm năng đã mở ra là: phải nuôi trồng thủy sản (tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt) 50 héc ta (trước đây chỉ có 22 héc ta) để có sản lượng khai thác và nuôi trồng hàng năm 1000 tấn, trong đó 350 tấn xuất khẩu; diện tích gieo trồng nông nghiệp ổn định 150 héc ta để đảm bảo an ninh lương thực; đàn gia súc, gia cầm chiếm giá trị 30% kinh tế nông nghiệp; đưa độ che phủ rừng lên 40%; Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác tiếp tục tăng trưởng hàng năm. Đó là tiềm năng đã có sẵn. Tiềm năng mở ra là kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ phải được chăm lo, thúc đẩy mạnh mẽ mới thực sự làm thay đổi đời sống nhân dân, làm cho kinh tế địa phương có bước nhảy đột phá so với giai đoạn trước. Chỉ như vậy mới nói đến sự giàu có trong tương lai. Điều mà chủ tịch xã nói đến phát triển kinh tế phi nông nghiệp cũng đúng như đề án xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Trong 19 tiêu chí của đề án xây dựng nông thôn mới thì có một tiêu chí bắt buộc phải đạt 65% kinh tế phi nông nghiệp. Không riêng Trung Giang, mà bất cứ địa phương nào cũng phải suy nghĩ tìm cách để giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng phi nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Xã cũng đã nghĩ đến tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, vì mô hình này đã áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ. Rồi nuôi cá nước ngọt, chế biến thủy sản với quy mô vừa và lớn, có thương hiệu hàng hóa trên thương trường. Với Trung Giang, tiềm năng dồi dào đang thôi thúc ý chí kiên quyết và dũng cảm của con người, cũng giống như phải thay đổi phương thức đánh bắt hải sản gần bờ với phương tiện thô sơ truyền thống sang khai thác khơi xa bằng tàu to máy lớn, phương tiện hiện đại. Không dám thay đổi tư duy là chậm trễ và thua thiệt so với những nơi cùng có điều kiện tự nhiên như thế hoặc không bằng thế. Sách Ô châu Cận Lục do tiến sỹ Dương Văn An nhuận sắc năm 1555 đã viết về Trung Giang như sau: “ Rét ít, ấm nhiều, địa hình đồi cao, biển rộng. Thịnh hạ nhiều cơn bão lớn. Trung thu ít cảnh trăng, hễ lụt là cứ để nước tràn lan không đê chắn, nhà thì lợp tranh, cỏ, không có ngói để thay. Trong 24 giờ có 2 con nước lên xuống. Sông hồ thì lầy lội, đi bằng thuyền tiện hơn đi chân…” Đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ, Trung Giang vẫn là xã nằm cuối cùng phía đông huyện Gio Linh nhưng thế cuộc đã thay đổi. Nếu so sánh cảnh sắc Trung Giang ngày xưa với hôm nay thì không ai hình dung nổi địa danh này đã chuyển đổi qua từng giai đoạn lịch sử, có những dấu xưa trong sử sách ghi thì không còn vết tích. Cát và biển ngày xưa thì đói khổ nhưng hôm nay sẽ làm cho cuộc sống giàu lên là chuyện có thật. Điều ấy được khẳng định từ thực tế khách quan mang lại, đó là nhờ cơ chế thị trường, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhờ chính sách nhà nước, nhờ giao thông phát triển…Giờ đây, giao thông đường bộ từ những xóm thôn của Trung Giang tỏa về khắp mọi nẻo vô cùng thuận lợi. Ngoài tuyến đường quốc phòng chạy dài dọc miền duyên hải của hai huyện Gio Linh, Vĩnh Linh nối liền Cửa Việt với Trung Giang, cầu Cửa Tùng bắc qua sông Bến Hải nối Trung Giang với huyện Vĩnh Linh lên Hồ Xá ra các tỉnh miền ngoài, còn có đường nội huyện từ thị trấn Gio Linh đến tận Cát Sơn ăn thông với tuyến đường xuyên Á, tạo ra màng lưới giao thông thông suốt mà ngày xưa có ai dám mơ tới? Giao thông vươn đến đâu là kéo theo các loại hình kinh tế mở ra đến đấy, đó là quy luật của xã hội phát triển. Chỉ có Đảng và Nhà nước ta mới làm nên chuyện diệu kỳ như huyền thoại ấy, tạo cho cuộc sống dân sinh ngày càng khởi sắc ngỡ như trong mơ. Vùng quê cách đò trở giang ngày trước, nay chuyện đó đã đi vào quá khứ. Từ năm 2007, khi cầu Cửa Tùng bắc qua sông Bến Hải, nối liền Trung Giang với huyện Vĩnh Linh đã tạo ra khu du lịch và dịch vụ Nam Cửa Tùng với 60 cơ sở, cuốn hút du khách và bạn hàng, những năm đầu đạt thu nhập trên 13 tỷ đồng. Đó là chưa kể 40 cơ sở tiểu thủ công nghiệp hình thành, thu nhập hàng năm xấp xỉ 4 tỷ đồng. Những con số này sẽ trở thành lạc hậu qua từng năm, khi mà người dân tiếp cận được cách thức làm ăn của nền kinh tế thị trường ở những nơi khác. Nhờ thu nhập từ nền khinh tế tổng hợp nên hàng năm giá trị sản xuất của xã tăng gần 13%. Niềm vui của người dân cứ nhân lên theo thời gian. Sự đổi thay đã hiện hữu đầy hứa hẹn. Nhiều nơi đã biết đến Trung Giang qua những chuyến tham quan, du lịch. Đây là tiềm năng kinh tế phong phú do thiên nhiên ban tặng cho miền quê bên chân sóng thơ mọng và hấp dẫn mà bấy lâu còn tiềm ẩn. Thời cơ khai thác tiềm năng đã mở ra.
Bí thư Đảng ủy xã Dương Đức Quý nói rất kiên quyết:
- Xã khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện về hành lang pháp lý cho người dân đầu tư vốn, đầu tư nhân lực mở mang các loại hình dịch vụ, các cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Không những thế, những người từ nơi khác đến đầu tư vốn xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, xã đều hoan nghênh và tạo mọi thuận lợi về thủ tục cũng như trong quá trình làm ăn. Bất cứ ai muốn đến Trung Giang mở mang ngành nghề, thu hút lao động tại địa phương đều được xã sẵn sàng đón nhận. Trung Giang kêu gọi và hoan nghênh  những doanh nghiệp tới xây dựng cơ sở dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn để thu hút du khách tham quan, nghỉ dưỡng…
Suy nghĩ như Bí thư đảng ủy xã là điều đáng phấn khởi, rất đúng với sự nhạy cảm của nền kinh tế thị trường. Trung Giang đã khởi sắc trong nhiều năm qua, chắc chắn được bắt nguồn từ tư duy đổi mới của các thế hệ lãnh đạo xã. Tương lai vùng đất đang hứa hẹn nhiều thay đổi như những mong muốn ấy. Đến thời điểm này, những nếp nhà nứa lá tạm bợ lâu đời được thay thế bằng nhà xây chiếm trên 95%. Trường học được cao tầng hóa. Nhà sinh hoạt cộng đồng, nghĩa trang liệt sỹ, một số công trình phúc lợi công cộng…được xây mới. Từ một miền quê nghèo khó, cát trắng bốn bề, Trung Giang đã lặng lẽ vượt mình lên. Cuộc sinh nở nào cũng trải qua khó nhọc, có khi còn trả giá đau đớn. Có thể nói, Trung Giang trải qua một cuộc sinh nở để lột xác, làm trẻ lại diện mạo quê hương đã phải chịu những vật vã từ trong suy nghĩ trằn trọc đến hành động quyết liệt. Con em từ xứ cát trưởng thành, đang công tác trên mọi miền đất nước vẫn đêm ngày hướng lòng về xóm nhỏ, nơi đã chắt chiu từ cát khô cằn để nuôi mình lớn khôn, vươn cánh bay xa. Trong lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Trung Giang đã nhắc đến Hội đồng hương là con em của xã ở Hà Nội, Đắc Lắc, Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai và điểm tên những con em nặng tình nặng nghĩa với quê hương, đó là: Đại tá Nguyễn Chí Phi- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bùi Quang Phụng phó viện trưởng viện kiểm sát, Dương Xuân Biên tiến sỹ, Nguyễn Văn Lương phó giám đốc điện lực miền Trung, Phan Thị Quyên Vụ phó vụ báo chí, Nguyễn Trọng Hiệu đại tá, Nguyễn Văn Xuyến giám đốc sở xây dựng, Hoàng Quang Vinh giám đốc sở giao thông, Nguyễn Chí Dũng chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh…và nhiều người khác đã có những đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ dòng họ và quê hương. Những người con xa xứ là một bộ phận không tách rời truyền thống lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Trung Giang. Trong gian khó mới hiểu được lòng người. Gốc rễ sinh thành là chiếc nôi nuôi dưỡng cho bao người con làm nên sự nghiệp trong cuộc đời, ai nhớ, ai quên sẽ có quê hương và thời gian chứng kiến, ghi nhận một cách công bằng, khách quan.
Trong nắng hè chói chang mà đi giữa Trung Giang vẫn thấy dịu mát bởi màu xanh trải rộng khắp làng quê. Những ngọn gió một thời tự do ngang dọc tung hoành, nay phải dịu dàng len lỏi qua những bờ phi lao, tràm hoa vàng, lách vào những vườn cây trái, những đồi  khoai, đỗ xanh um, không còn thả sức ào ạt ném cát vào da thịt người như thuở nào. Rú Hà Lợi Trung (ngày trước gọi là rú thôn phường Mới) là một cánh rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại của vùng Đông huyện Gio Linh, với những vạt rừng tầng lá thấp và cây lộc vừng cổ thụ nối liền với những đai rừng phòng hộ phi lao, bạch đàn, tràm hoa vàng từ Thủy Bạn đền Cát Sơn, tạo ra vành đai xanh hun hút mắt người. Một vùng cát trắng khô khát thuở xưa, nay là miền cát xanh đẹp như tranh thủy mặc. Trong màu xanh ngút ngàn ấy ẩn chứa mơ ước rạo rực của con người.  Rú Hà Lợi Trung được nhân dân gìn giữ nên vẫn còn riêng nét đẹp nguyên sơ, mang nhiều huyền tích sử thi suốt một thời mang gươm đi mở cõi của cha ông, cũng như trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Một xã bãi ngang bên bờ Nam Cửa Tùng đã trải qua một thời đau thương, mất mát bởi chiến tranh tàn khốc gây ra, giờ đây đã hồi sinh, đang chuyển mình vươn dậy. Tình người xứ cát được thử thách qua thời gian, mãi mãi sáng trong, vững vàng trước mọi phong ba để đi tới, sánh vai với những miền quê khác. Ai đến Trung Giang cũng cảm nhận được điều ấy. Những chuyến tàu vượt sóng xa khơi tìm luồng lạch hải sản mới, mang niềm vui rộn rã về thôn xóm từng ngày; Những trung tâm dịch vụ đón mời du khách được mọc lên; Những cơ sở sản xuất hàng hóa, chế biến hải sản sẽ hình thành. Những gì đã có đang được phát huy và những gì sắp có đang hứa hẹn. Tất cả đều là hiện thực đã và đang diễn ra. Tất nhiên, sự chuyển mình nào cũng trải qua gian khổ, nhọc nhằn, nhất là những địa phương còn lắm khó khăn, không được thuận lợi nhiều mặt như Trung Giang. Mong muốn thiết tha của người dân ở đây là được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng một bến cá Nam Cửa Tùng và hệ thống kè chống xói lở ở bờ Nam sông Bến Hải. Cả hai công trình này gắn liền với cuộc sống hiện tại cũng như lâu dài của người dân Trung Giang.
Vẫn mong có dịp trở lại nơi đây để ngỡ ngàng trước những sắc màu mới, như mùa xuân tươi đẹp cứ hiển diện từng ngày trong “Những thôn chài, thôn ruộng” thân thương, để cho khách đến không muốn rời xa, khách đi cứ nặng lòng bâng khuâng, lưu luyến. Trung Giang – Miền cát xanh- như khúc nhạc đậm đà tình đất tình người, ngân nga hòa quyện với Biển - Đất - Trời, làm say đắm và xốn xang lòng người muôn ngã…
 
             
L.N.H
LÊ NGUYÊN HỒNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 206 tháng 11/2011

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

8 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

14 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground