Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Miền đất linh thiêng

“Nắng! Ở trên này có nắng!”

Sau hai ngày một đêm vừa đi vừa nghỉ lại, chúng tôi mới chỉ lên đến đỉnh Pa Thiên, còn cách đỉnh Voi Mẹp một quãng đường dài và khó khăn nữa, thì thấy nắng hiện ra, mây trời xanh ngắt. Và thật bất ngờ, chúng tôi nhận thấy mình đã đứng lọt vào giữa khoảng đất rộng, vốn là sân bay trực thăng dã chiến của quân đội Mỹ thời chiến tranh… Vẫn còn một số đồ vật, thiết bị quân sự đã hư hỏng sót lại. Một hố bom lùi rất sâu, ẩn giữa đám lau lách và cỏ gai. Gió rất mạnh. Từ vị trí này có thể quan sát một vùng rừng núi rộng lớn Quảng Trị. Mùa hè, có thể nhìn thấy biển, thấy đảo Cồn Cỏ ngoài xa.

Đó là tháng ba năm ngoái, tôi cùng mọi người tham gia đoàn leo núi Voi Mẹp, là “nóc nhà Quảng Trị” chất ngất trên dãy Trường Sơn. Núi Voi Mẹp cao gần 1.800 mét so với mực nước biển. Đường rừng gian nan, vực sâu suối hiểm, cây rừng chằng chịt và sương mù giăng kín, mưa gió tơi bời. Lên đến đỉnh Pa Thiên, tôi cùng những người trong đoàn đứng đó, người ướt sũng dưới ánh nắng mặt trời, lặng nhìn những thiết bị quân sự còn sót lại trên bãi đất trống từng là sân bay trực thăng.

Những người lính Mỹ từng có mặt tại sân bay dã chiến trên đỉnh Pa Thiên này là ai thế nhỉ? Và anh ta - à không - ông ta, hiện giờ ở đâu? Nếu ngày ấy anh ta/ông ta là chàng trai hai mươi tuổi, thì bây giờ… Nửa thế kỷ đã qua rồi. Tôi nói điều đó với anh Phan Tân Lâm, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị. Anh Lâm cười, khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi sân bay dã chiến này anh ấy chỉ mới 2 tuổi. Nếu được gặp họ, chúng ta sẽ nói gì nhỉ? “Này John, chúng tôi biết ông từng chiến đấu tại Quảng Trị cách đây nửa thế kỷ, lúc đó chúng tôi mới ra đời. Chúng tôi nằm trong hầm chữ A và các bà mẹ của chúng tôi bị mất sữa, nước mưa tràn vào hầm ngập đến thắt lưng. Riêng tôi có lần bị rơi xuống nước, may mà mẹ tôi kịp nhìn thấy và vớt lên. Nếu khi đó trong một chuyến lùng sục, đơn vị thủy quân lục chiến của ông phát hiện ra mẹ con chúng tôi…”. Khuôn mặt John trong ánh sáng hắt lên từ dòng sông Hudson lấp loáng, trầm tư đến nghẹn thở. Ôi, John, chúng tôi lẽ ra không nên hỏi như thế, vì đã khiến ông liên tưởng đến quãng đời tuổi trẻ không mấy dễ chịu. Nhưng dù sao, chúng tôi vẫn muốn biết, nếu giả sử cái tình huống trớ trêu đó của chiến tranh xảy ra… John đặt cốc bia xuống bàn: “Không sao, các bạn, tôi thích câu hỏi đó. Dù gì đi nữa, dù các bà mẹ của các ông là du kích, bộ đội hay dân thường, và nếu cuộc chiến thảm khốc đáng nguyền rủa đó có nghiệt ngã đến mấy đi nữa, thì tôi tin chúng ta vẫn gặp nhau hôm nay”.

Từ đỉnh Pa Thiên có thể nhìn thấy rõ thung lũng Hướng Linh tràn ngập chong chóng điện gió. Gió rất mạnh, ào ào, vụt qua, xoáy trở, quần quật. Các phi công trực thăng Mỹ ngày xưa chắc chắn phải rất khó khăn khi đáp xuống Pa Thiên, chưa nói đến phải vượt qua lưới hỏa lực pháo phòng không của Quân giải phóng giăng khắp nơi. Quân giải phóng tháo súng, vận chuyển vào sát mục tiêu, mai phục nhiều ngày và nã đạn... Trên đường lên Voi Mẹp, chúng tôi đã phát hiện xác máy bay, cả trực thăng và phản lực. Và ở một khe suối chúng tôi nhìn thấy vài bộ phận súng máy phòng không. Tất cả chúng đều gỉ sét, nằm ẩn sâu trong lau trắng bạt ngàn Trường Sơn. Có một chiếc mũ sắt lính Mỹ nằm sấp trên đất, cứ tưởng như đang đội trên một thân thể con người. Nhưng rừng đang rất đẹp. Hoa phong lan nở tràn trong tiếng nhiều loài chim. Những bụi cỏ trúc thân ngắn xúm xít. Hiếu, cán bộ kiểm lâm cho chúng tôi biết nơi đây còn tám cá thể bò tót có tên trong sách đỏ. Có lẽ chúng đã trở về từ ngày im tiếng bom đạn. Khi những tàn dư chất độc màu da cam đã phai hóa hết? Đêm đêm chúng lang thang trên các đỉnh núi, gặm cỏ trúc, uống sương đọng trên các khóm chè rừng. Mắt chúng in bóng sao trời. Chúng có biết nửa thế kỷ trước đã có một cuộc chiến tàn khốc tràn qua đất này?

Đường lên Voi Mẹp phát hiện nhiều mảnh sắt vụn là xác của máy bay bị rơi trong thời gian chiến tranh - Ảnh: Hoàng Táo

Đường lên Voi Mẹp phát hiện nhiều mảnh sắt vụn là xác của máy bay bị rơi trong thời gian chiến tranh - Ảnh: Hoàng Táo

“Loài bò tót đó tôi đã nhìn thấy một lần ở Pa Thiên năm 1972 - John bất ngờ chen vào câu chuyện giữa tôi và Lâm - Khi đó máy bay trực thăng đáp xuống, gió từ cánh quạt làm dạt hết đám cỏ lau, phơi lộ ra một chú bò tót ngơ ngác đứng xiêu vẹo bởi gió trực thăng xô. Ngồi bên cánh cửa trực thăng đổ bộ UH-1 đang còn cách mặt đất chừng năm mét, hạ sỹ Blair bạn tôi nâng súng AR15… Tiếng nổ loạt đạn bắn nhanh không trúng. Chú bò tót vẫn ngơ ngác không hiểu gì. Tôi kéo tay Blair, hét to: “Thôi, để dành đạn cho VC”. Nhưng ngay sau đó quả pháo đầu tiên nổ trúng cây độc lập ở sườn núi, quả thứ hai nổ cạnh tảng đá mồ côi trông như con voi đang phủ phục phía đông nam. “Họ đang chỉnh bắn!”, trung đội trưởng Henry hô to. Rồi sau đó là trận pháo kích tơi bời vào đội hình chúng tôi. Tôi nhìn thấy Blair bị trúng mảnh pháo vào vai, máu ướt đẫm. Tôi bò đến, băng cho cậu ấy”. John dừng lại, run run nhấp một ngụm bia. Phan Tân Lâm nâng ống kính máy ảnh của anh, hướng ra ngoài cửa sổ, ở đấy dòng sông Hudson vẫn đang chảy. Anh chụp liên tục mấy bức. Những tòa nhà màu trắng bên sông in rõ trước nền trời rất sáng, và trên tầng thượng có những ngọn đèn tín hiệu đỏ cảnh báo an toàn hàng không. Những ánh đèn đỏ ấy phản chiếu xuống dòng sông Hudson, thao thức đến nao lòng.

Và giờ đây dòng sông Hiền Lương, Quảng Trị quê hương chúng tôi vẫn đang chảy, thao thức. Đấy là dòng sông lịch sử, giới tuyến cắt chia đất nước một thời. “Tất cả các dòng sông đều hiền lành”. Có lần tôi đã viết ra điều ấy trong một bài bút ký. Đó là khi tôi còn làm trung đội trưởng công binh, thuộc Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, làm nhiệm vụ dò gỡ, rà phá bom mìn trên những vùng đất từng là chiến địa. Đơn vị tôi đi khắp miền gió lào cát trắng. Mồ hôi và cả máu chiến sỹ nhỏ xuống trên đất đai khô cằn và cát bỏng… Mỗi ngày chúng tôi phát hiện, xử lý hàng trăm bom, đạn, vật liệu nổ. Chúng tôi trú quân trong nhà dân, có lần tình cờ đến xin ở trong nhà một người từng là sỹ quan chế độ cũ. Ông vốn là quân tiếp vụ, hậu cần, thuộc diện HO nhưng ông không sang Mỹ, mà ở lại quê nhà, hàng ngày dạy cho cô con gái rượu 16 tuổi về Truyện Kiều, về thơ văn thời Trần. Trước khi bị bắt lính, ông là sinh viên triết học ở Huế. Trong thời gian một tháng, đơn vị công binh của tôi đã làm sạch bom mìn, vật liệu nổ trên các diện tích rồi đây sẽ xây dựng tuyến đường từ cảng Cửa Việt qua xã Hải Ba, Hải Quế và nối với Thành Cổ Quảng Trị. Số bom, mìn, vật liệu nổ đã xử lý, tôi cho bộ đội mang về tập kết tạm ở một góc xa vườn nhà, che chắn cẩn thận. Con gái rượu ông chủ nhà tò mò với những thứ vật liệu chiến tranh đó, đã hỏi tôi hoài về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của từng loại bom bi, đầu đạn. Cô bé được cha đặt tên là Huế, chắc có lẽ ghi nhớ kỷ niệm nào đó thật sâu sắc thời sinh viên của cha cô? Nhiều làng quê Quảng Trị khi đó rất nghèo, cả làng chỉ có vài chiếc xe đạp, chứ đừng nói đến xe gắn máy. Này Huế - tôi biết Huế ước mơ có một chiếc xe đạp, nên trêu cô - Sau này có đường nhựa qua làng, em tha hồ đạp xe lên Thành Cổ Quảng Trị, thị xã Đông Hà mà chơi nhé? “Em sẽ đạp xe đi khắp nước Việt Nam mình luôn!”, Huế cười. Mười năm sau tôi trở thành phóng viên Báo Quân đội nhân dân, trở lại làng quê thương nhớ đó. Huế đã thành cô giáo. Hàng ngày cô đi dạy trên con đường mà đơn vị chúng tôi đã dò gỡ bom mìn năm xưa… “Em vẫn nhớ hoài đoàn quân các anh ngày ấy…”. “Nhưng em có đạp xe đi khắp nước Việt Nam không đấy?”. “Anh vẫn rứa, cứ trêu em hoài… Hồi năm 1999 thi đỗ đại học, em đã đạp xe ra đến cầu Hiền Lương gần đơn vị công binh của anh đó. Em nhìn nước sông Hiền Lương chảy về Cửa Tùng, em biết anh không còn ở đó nữa và em đã khóc đó”. “Ôi, nước mắt học trò của em đã làm cho con sông Hiền Lương thêm ý nghĩa”. Tôi lại trêu Huế, để xóa đi một nỗi buồn tôi đọc được trong mắt cô. Người cha thân yêu của cô đã mất sau một lần trở lại nơi chiến khu Ba Lòng, với ý định giúp cho bộ đội Sư đoàn 968 tìm hài cốt liệt sỹ. Năm 1965, một đơn vị Quân giải phóng hi sinh 53 người trong một trận đánh tại Ba Lòng, đối phương tổ chức chôn tập thể. Trận đánh xảy ra ngày 20/10/1965. Ngày 21/10/1965, cha của Huế trong đoàn quân tiếp vụ đến đó xử lý chiến trường, ông có chứng kiến việc chôn tập thể. Và ông hi vọng vẫn còn nhớ rõ vị trí chôn. “Đêm đó cha nằm mãi không ngủ, đốt thuốc liên tục - Huế kể - Cha nói với em rằng cha phải đi thôi, con đừng nói với ai nhé. Cho dù có thể người ta có tin cha hay không, thì cha phải đến, cha nhất định phải làm việc đó thôi. Cha không có trong tay bất cứ tài liệu nào cả, tất cả chỉ trông vào trí nhớ qua thời gian mấy chục năm trời. Nhưng anh ơi, con đò dọc theo sông Thạch Hãn chở cha lên Ba Lòng, qua Đập Trấm một quãng thì bị lật… Cha em…”.

Tôi cầm tay Huế, không biết nói gì… Tôi nhớ lại những ngày xưa khi trung đội công binh của tôi ở trong nhà Huế. Tôi nhớ tiếng cha Huế giảng Kiều và đọc thơ. Giọng đọc trầm ấm, nặng âm sắc Quảng Trị của một người từng là sinh viên ban triết, yêu thơ văn và đã từng bị ném vào cuộc chiến tranh không ngờ.

Phóng viên Phan Tân Lâm hiện giữ trong tay một lượng lớn tư liệu hình ảnh, video về việc tìm hài cốt liệt sỹ trên địa bàn Quảng Trị. Anh từng làm cộng tác viên của một chương trình Đài truyền hình Việt Nam về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, cả việc đoàn tụ người thân bị chia cắt, chia lìa bởi chiến tranh. Và anh cũng là một trong những người đầu tiên phát hiện, phát giác các chiêu trò gian dối, lừa đảo mang tên “ngoại cảm”. Giờ đây có thời gian rảnh, anh thường lên rừng lang thang, tìm kiếm, gặp gỡ, và như anh nói, là “hẹn hò với thiên nhiên”. Chụp ảnh, quay phim thiên nhiên hoang dã. Lâm nói với tôi, chiến tranh ác liệt thế, tàn phá thế nhưng thiên nhiên vẫn chưa mất hết đâu anh ạ. Vẫn còn những “ốc đảo”, mà ở đó thời gian như ngừng lại, mọi tác động của con người đều chưa động đến. Có những khóm rừng, thác nước, vũng sâu nguyên sơ như tiền sử. Ngay cả âm thanh ở đó cũng tinh khôi, nguyên khiết, nguyên bản, đương nhiên không hề có sóng điện thoại. Và Lâm cho rằng những nơi đó còn tồn tại được là do thần linh bảo trợ. Cả linh hồn những người đã chết qua những cuộc chiến tranh nữa, họ cũng góp sức mạnh thần bí của mình để bảo vệ, bảo tồn những không gian sinh thái như thế. Hay là ở đó, giờ đây là nơi các linh hồn trú ngụ? Trên đường lên núi Pa Thiên, chúng tôi đã gặp những bông hoa đỗ quyên nhạt màu, khác với hoa đỗ quyên trên núi Bạch Mã, Thừa Thiên Huế đỏ thắm nồng nàn. John cũng có nhận xét như vậy. John kể rằng khi ông kéo hạ sỹ Blair lăn xuống sườn núi, nấp vào một lùm đỗ quyên rất nhạt màu, miệng liên tục nói: “Blair, mày cố lên, mày không chết được đâu”. Thật may, pháo đối phương đã chuyển làn, bắn sang cao điểm 1356. John nghe rõ tiếng trung đội trưởng Henry chỉ thị đơn vị củng cố công sự, sau đó hét vào bộ đàm gọi trực thăng vận chuyển tử sỹ và thương binh. Đúng lúc ấy thì chú bò tót từ đâu ra đứng xuất hiện trước mặt John, cách chừng chục mét, bên cạnh tảng đá lộ đầu ám khói pháo binh đối phương. Nó vẫn không hề hấn gì. Mắt nó đăm đắm nhìn hai người lính Mỹ bị thương. Hạ sỹ Blair sắp lả đi vì mất máu, mà vẫn thều thào nói vào tai John: “It belongs to deity!”. “Đúng vậy, thần linh, tôi nhớ như in Blair đã nói như thế trước khi được đưa lên trực thăng”.

Phóng viên Phan Tâm Lâm - người giữ nhiều thước phim và ảnh chụp về thiên nhiên hoang dã Quảng Trị

Phóng viên Phan Tâm Lâm - người giữ nhiều thước phim và ảnh chụp về thiên nhiên hoang dã Quảng Trị

Từ đỉnh Voi Mẹp, Pa Thiên, đoàn chúng tôi trở về chân núi. Mùa xuân thật dễ chịu, hương hoa rừng thơm ngát. Đường xuống núi dễ hơn nhiều. Chúng tôi nhìn thấy ở phía chân trời rất xa phía Tây Nam một sườn núi đã bị lở, Lâm cho biết đó là thung lũng Gió, vị trí đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, nơi đã xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ trong một ngày tháng 10/2020 mưa lũ. Bữa đó nhận được tin, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân chúng tôi đã nhanh chóng cơ động từ thành phố Huế, nơi đang tiến hành Lễ tang 13 đồng chí vừa hi sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn, đến đây. Doanh trại ngổn ngang bùn đất, thi thể 22 đồng chí dần được tìm thấy, cùng với quân phục, tư trang, cầu vai, quân hàm lấm bùn đất đỏ Trường Sơn. Tìm thấy những chiếc bát ăn cơm, những đôi đũa, và những tấm ảnh gia đình của người chiến sỹ… Chỉ trong mười ngày cuối năm 2020, 35 đồng chí cán bộ, chiến sỹ quân đội và chính quyền địa phương Quân khu 4 đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn, tìm dân, cứu dân. Vậy là quân số hơn một trung đội. Nhóm phóng viên chúng tôi đã chứng kiến hình ảnh nhiều người dân Vân Kiều tìm đến trước cổng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, hai tay cầm nắm hương đang cháy rừng rực trước ngực. Bà con dân tộc Vân Kiều thật thà, chất phác, mấy chục năm qua sống trong hòa bình đã được bộ đội giúp đỡ rất nhiều, từ trồng lúa nước, làm nhà, giữ rừng, dạy chữ. Họ tiếc thương bộ đội Quế, bộ đội Toàn, bộ đội Tùng… đã hi sinh. Họ không khóc, dường như nước mắt chảy vào trong. Chảy vào đất.

Tôi và Lâm kể cho John nghe câu chuyện buồn đó. Người cựu binh Mỹ tóc bạc phơ phất hình dung được ngay địa hình Voi Mẹp, Pa Thiên, thung lũng Gió, vùng Hướng Hóa, Khe Sanh, Quảng Trị, nơi chiến trường xưa ông từng chiến đấu. John nói: “Tôi mong được một lần trở lại nơi đó. Ôi, sao có thể quên được nơi mà tuổi trẻ đau đớn của chúng tôi đã trải qua. Quá nhiều người đã chết. Và tôi sẽ rủ hạ sĩ Blair đi cùng”.

 

Bút ký của TRẦN HOÀI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 331

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground