Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Miền Trung ơi, kịp đón xuân không

 

M

ười ba giờ ngày 2.11.1999. Mực nước trên hầu hết các con sông miền Trung đều vượt mức báo động 3  từ 0,4 đến gần 2 mét!

            Ngày 3.11.1999, nước vẫn tiếp tục dâng cao. Nước từ nguồn tràn về; nước từ đồng dâng lên; nước từ trời cao đổ xuống! ... Và người đã chết! Và nhà cửa vườn tược đã bị cuốn trôi! Miền Trung ngập chìm trong biển nước trắng bạc khổng lồ. Miền Trung đang cơn nguy cấp. Đang rên xiết giữa gió mưa thét gào lũ cuốn!

            Còn chần chừ chi nữa? Chúng tôi lên xe hành quân. Một quãng dài quốc lộ lA vắng tanh, giao thông đã bị tắc. Bờ bắc phà Quán Hàu gần 500 xe ô tô nằm nối đuôi mệt nhoài. Sông Nhật Lệ nước lũ cuồn cuộn, bờ bên kia, mịt mù...Xã Lộc Thủy; An Thủy (huyện Lệ Thủy) và Bảo Ninh, Gia Ninh, Hiền Ninh...(huyện Quảng Ninh) đã ngập chìm trong nước, nơi sâu nhất đến gần 3 mét.

            Ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình hối hả người đi lại, điện thoại réo liên hồi:

            A lô! Trực ban tác chiến đây , “xê”, trinh sát cử 20 đồng chí chuẩn bị hành quân làm nhiệm vụ cứu dân ở Lệ Thủy... Sẽ có xe của Bộ Chỉ huy đến...

            - A lô! “Xê” công binh phải không? Sao - sập nhà ăn rồi à? Cứ để đấy, huy động toàn bộ đơn vị ra sân bay Đồng Hới bốc hàng cứu trợ. Ngay bây giờ...

            - Tiểu đoàn 42 đâu?...

            ….

            Sân bay Đồng Hới. Đài chỉ huy dã chiến mặt đất vẫn chưa bắt được liên lạc với tốp trực thăng chở hàng cứu trợ vào miền Trung, đã cất cánh từ Vinh. Đã 40 phút trôi qua, không biết đã có chuyện gì?...

            Nghe đâu ngày hôm qua có ba chuyến bay vào Huế nhưng không hạ cánh được vì thời tiết quá xấu, đành phải quay ra. Chờ đợi. Mong ngóng. Căng thẳng. Mưa vẫn mịt mù. Bỗng đâu có tiếng động cơ nhè nhẹ lẫn vào tiếng mưa...Thôi, chẳng cần mật hiệu liên lạc chi nữa! Đồng chí thượng tá đài trưởng hét vào máy:

            - Hùng đâu? Sao gọi hoài không thấy? Có nhìn rõ lá cờ đỏ không?

            - Rồi. Chúng tôi sẽ hạ cánh xuống đường băng chứ gì?.. .

            Hạ cánh. Tưởng là bốc hàng lên xe chở ra phía Quán Hàu và ga tàu, để chờ nước rút rồi “tăng bo” vào miền Trung theo hai đường sắt, bộ? Nước rút - biết đến bao giờ? Không kịp đâu! Để hàng nguyên đấy, tiếp dầu, tiếp mỡ rồi bay vào Huế luôn thôi. Bằng mọi giá phải chuyển hàng đến tận tay nhân dân trong lúc nước sôi lửa bỏng này...

            Trở lại phà Quan Hàu, vẫn nước lũ cuồn cuộn. Hành khách trên xe tốc hành nằm đợi lũ rút thì thầm nói với nhau: “Chỉ có bộ đội mới dám đi vào thôi…”. Nhà phà khởi hành những chuyến phà đặc biệt vượt qua sóng dữ, chở bộ đội qua sông. Kiểm soát quân sự trực tiếp chỉ huy, điều hành giao thông. Chúng tôi bám theo đoàn xe đặc chủng của đoàn H39 công binh tiến vào Nam. Và cứ thế, lầm lũi, kiên trì, rẽ mưa, lội ngầm...miệt mài hành quân tới. Ở trong ấy miền Trung đang khắc khoải đợi chờ...

                                                          * * *

 

            Không biết từ thuở khai thiên lập địa, đã bao cơn bão, lũ trườn qua nơi miền Trung quê tôi nghèo xác xơ này. Chỉ biết rằng khi lớn lên, tuổi thơ tôi là một chuỗi ngày dài những lần chạy bão, lũ triền miên. Nó in đậm vào ký ức tôi những dấu ấn hoang tàn và đổ nát, những ánh mắt bơ phờ của các em tôi, bạn bè tôi. Năm 1983, lũ lớn trên sông Bồ, sông Hương, sông Thạch Hãn...Ba tôi từ Huế mang về cho hai anh em tôi một đứa 5 cuốn sổ công tác để đi học.

            Năm l985 bão Cecil gió giật trên cấp 12 tàn phá một dãi miền Trung, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế sau một đêm, bỗng thành tay trắng. Từng người dân chết buộc chặt với nhau: 8 người, 12 người, 15, 20 người… sóng dạt vào bờ. Mạ tôi đào gốc chuối đổ sau vườn nấu một nồi rất to. Rồi mạ ngồi nhìn

anh em tôi ăn. Mạ khóc... Em gái tôi lúi húi ngồi thổi lửa trong túp lều tranh dựng tạm một buổi chiều ảm đạm khi cơn bão vừa nguôi, bỗng gió lùa lửa sém rụi một phần mái tóc. Nó khóc, bảo ngày mai không thể đến trường. Còn trường đâu em ơi! Có thầy giáo đã hy sinh bởi lấy thân mình che cho lũ học trò gà con khi mái nhà ập xuống. Cô giáo Hiền đi dạy về bị suối lũ cuốn trôi, thế mà cô còn còn kịp quẳng lại tập giáo án trên bờ… Lũ học trò chúng tôi đến viếng cô, không có ảnh chân dung, không có quan tài, chỉ ướt mèm tập giáo án…

            Và chúng tôi lớn lên, thành người bằng những nét nhòa mực ấy, giữa những tang thương mất mát quê nghèo….

****

Những cơn lũ cuồng nộ, dữ dằn cuối năm 99 này, nó còn khốc liệt hơn bao giờ hết! Những số liệu thống kê không đủ để nói lên ngàn tang thương. Hãy đứng vào trong đàn bé con đói lã kia đi mà nghe chúng thầm thì ao ước: “Một nồi cơm thật to và sách vở đi học”. Bé Nguyễn Cửu Thị Diễm, 10 tuổi ở Xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vừa khóc vừa nói vậy trước chúng tôi. Hai tay bé ôm chặt 4 gói mì tôm vừa được phát, giữ gìn như là báu vật.

            Mất hết rồi chú ơi! Anh Nguyễn Văn Ý, người đã cứu được 4 người chết đuối ở thôn Bãng Lãng thốt lên. Nhà anh giờ chỉ còn trơ một cái nền đất và chiếc xuồng nhỏ. Bà con xung quanh bảo: “Nếu chú nớ không bận cứu người, thì có lẽ đã chuyển được ít đồ đạc lên đồi Phật Bà...”. Và sao có thể cầm lòng được khi ngổn ngang quanh ta bao cảnh đời tan hoang trong dòng lũ quét?...

            Đồng chí hỏi tôi là đã cứu được bao nhiêu người ư? Không nhớ hết đâu đồng chí ạ. Từ đêm mùng 1/11, được lệnh xuất phát, chúng tôi đi đến bây giờ, bao nhiêu chuyến rồi cũng không nhớ đâu...

            Chuẩn uý Nguyễn Thái Bình nói giản dị vậy. Anh là người cầm lái chiếc ca nô BP-1001 của Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã ba ngày nay ca-nô của anh tung hoành ngang dọc giữa biển nước lũ đầy hiểm nguy cứu dân. Anh không nhớ nhưng những người được tàu anh cứu thoát khỏi thủy thần thì làm sao mà quên được hình ảnh 5 chàng trai Bình, Cường, Phượng, Khương và Tương chèo chống trong mưa lũ cùng chiếc ca-nô bé nhỏ, mỏng manh.

            Tôi không có ý định kể về chiến công bình dị của các anh và bao đồng đội khác nữa. Họ - những người lính đã có mặt ở nơi hiểm nguy nhất vào thời khắc hiểm nghèo nhất bên nhân dân. Họ đã vật lộn mệt nhoài vớt từng cơn nước lũ để giành giật từng mạng sống với thủy thần. Họ đã chiến đấu!...Vâng, tôi làm sao có thể kể hết được, sao có thể ghi hết được toàn cảnh cuộc chiến đấu không kém phần khốc liệt ấy, hy sinh của nhũng người lính không gợn một chút ưu tư khi chống xuồng vào vùng rốn lũ. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, nhân dân sẽ không quên, sẽ mãi mãi ghi nhớ vào trong tâm khảm ký ức của mình, sẽ mai này mà ngồi kể với đàn con cháu, rằng: “Năm ấy lũ rất to, nếu không có bộ đội Cụ Hồ đến nhà mình, thì…” .

            Rồi những bánh lương khô, những bộ quân phục được dành dụm chắt chiu của người lính để dành dùng khi có biến cũng đã được mang ra, gửi đến người dân đang còn đói rét. Ông Văn Viết Hóa, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cứ dặn dò mãi cán bộ thuộc quyền khi tiếp nhận hàng cứu trợ của Bội đội Quân khu Bốn: “Trong quà tặng có diêm và lương khô, là tiêu chuẩn người chiến sĩ đấy nhớ phân phối ngay cho đồng bào…”. Rồi ông nói, giọng nghèn nghẹn:

            - Đã mấy ngày hôm nay ở đâu tôi cũng gặp cũng thấy cảnh bộ đội cứu dân…

            Nước đã rút. Thành phố, đường sá, ruộng đồng, nhà cửa lộ dần với lớp bùn phù sa dày đặc, và xác súc vật, cây cối ngâm lâu ngày trong nước bắt đầu bốc lên mùi khó chịu. Chao, một khung cảnh hoang tàn đổ nát! Phải mất bao thời gian nữa, 5 năm, 10 năm, 20 năm... mới có thể gây dừng lại cơ ngơi? Có ông cụ, bà cụ không con cháu dành dụm tích cóp cả đời được chút nhà tranh giờ tóc đã bạc sức đã chùn, tưởng là an hòa với cuộc đời nào ngờ lũ cuốn mất sạch, đến đôi đũa, cái bát cũng không còn. Chừ bấu víu vào đâu?...

            Em tôi giờ đã là cô giáo dạy hát ở trường tiểu học Hương Vinh 2 - Huế. Khi xưa tôi tặng nó cây đàn Organ, lũ cũng cuốn mất. Hôm tôi đến thăm thấy nó giữa bộn bề sách vở ướt mèm nhặt nhạnh lại, mắt đỏ hoe nhìn ra bầu trời mây ảm đạm. Lũ học trò gà con chung quanh, cũng buồn phiền như cô giáo.

            - Đàn mất rồi hả em? Không sao dâu, người còn sống là quý rồi...

            Nó nói, giọng nghẹn ngào:

            - Nhưng mà em biết lấy chi mà tập văn nghệ cho học trò ngày 20/11 năm nay?...

            Rồi lũ học trò gà con mếu máo, khoe với tôi: “ Cô giáo Huyền hát hay lắm, chú bộ đội à!”.

            Nước đã rút. Và ngổn ngang ra đó trăm mối bộn bề. Tôi theo một toán bộ đội Đoàn 192, Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế đi giúp dân dọn dẹp nhà cửa, phố phường. Từng đống rác rưởi bùn đất chất cao như núi dần được dọn di, xe chở rác ào ào chạy qua dốc Nam Giao mù bụi. Chợ đã họp, đường đã thông, chuông điện thoại đã reo lên trong từng ô cửa... Cuộc sống, dù có bị hủy hoại đau đớn đến tột cùng, đã lại tiếp diễn, không gì cưỡng nổi.

            Trên cánh đồng Hương Thủy, Hương Trà, Hải Lăng, Triệu Phong đã thấy người gieo hạt. Ấy là hạt giống của đồng bào cả nước yêu thương gởi tặng miền Trung. Bộ đội Đoàn C68, Quân khu Bốn gom góp tất cả mảnh vườn tăng gia không bị úng ngập được 6 tạ dây ngọn rau khoai giống, đã gửi đi cho đồng bào vùng ngập lũ. Lá thì nấu canh còn ngọn đem trồng. Và rồi, từ những hạt giống, ngọn giống ấy sẽ chồi lên những mầm xanh làm dịu đi vết lở lói, bạc màu của đất đai, gieo hy vọng cho một mùa sau trĩu tràng hoa trái. Cái gánh nặng nhọc nhằn đang dồn ép trên đôi vai người miền Trung rồi sẽ vơi đi. Em gái tôi và lũ học trò gà con rồi cũng say mê mà hát giữa sân trường ngày mới.

            Đã gần qua mùa đông cuối cùng thế kỷ XX, chỉ ít thời giờ nữa là mùa Xuân đến. Thế kỷ mới đang chờ ngoài cửa kia rồi, miền Trung ơi! ...

                                                                        Thành Vinh, tháng 1.1999

 

                                                                                                    T H

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 64 tháng 01/2000

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground