PHẦN I: TUỔI THƠ BỊ CƯỚP MẤT
* Côi cút giữa cuộc đời
Ở |
bến cát sạn phía Bắc cầu Đông Hà, giữa những người lao công, lực lượng bốc cát, đá để xe chở đi các công trình xây dựng, lẫn vào một cậu bé nhỏ thó 16 tuổi, hai mắt đã bị lòe. Em tên là Nguyễn Văn Anh, số phận đã không ngớt giáng xuống tuổi thơ em những tai họa. Bảy năm về trước, mẹ của em, chị Đào Thị Thiện, trong lần sinh nở thứ sáu, vì hậu sản đã chết ngay sau khi sinh, vài ngày sau đó, đứa em mới một tuần tuổi của Anh cũng chết theo mẹ vì khát sữa. Còn lại người bố ốm yếu và 5 anh em. Nguyễn Văn Anh lúc ấy mới 9 tuổi và người em út là bé Nguyễn Thị Phương mới gần hai tuổi. Cũng như nhiều người dân khu phố 2, phường 4, thị xã Đông Hà này, nghề đào bới phế liệu là nghề sinh nhai chính. Mặc dù rất ốm yếu nhưng vì để nuôi đàn con mồ côi mẹ lít nhít đến 5 đứa, anh Nguyễn Văn Trong - bố của các em vẫn gắng gỗ lên rừng nhặt các mảnh bom đạn về bán cho các đại lý. Anh đã vài lần bị thương và những người bạn anh đã chết vì cuốc phải mìn. Thương các con thiếu mẹ, anh Trong đã đi bước nữa, và chỉ vài tháng sau đó anh đã bị sốt rét quật ngã. Nhà nghèo không có tiền thuê xe chở về bệnh viện tỉnh phải chở bằng xuồng từ đấy về bến sông Đông Hà hơn 7 cây số, rồi cáng thêm 4 cây số nữa để vào viện, do quá chậm trễ nên anh Trong đã chết. Từ đấy năm anh em của Nguyễn Văn Anh lại tiếp cảnh mồ côi cả mẹ lẫn bố. Vài tháng sau mẹ kế của các em cũng bỏ đi. Mới 12 tuổi, cu Anh phải cáng đáng gia đình với 4 đứa em thơ. Và cũng không còn nghề nào khác hơn là đi kiếm phế liệu để nuôi em. Em theo người chú ruột là Nguyễn Văn Hè đến đồi C2, một bãi mìn còn chưa được tháo gỡ của căn cứ Cồn Tiên cũ. Một ngày đầu năm 1994, sau cái chết của bố em chưa đầy nửa năm, một quả mìn đã nổ lúc em và người chú ruột tìm phế liệu. Chú Nguyễn Văn Hè chết ngay tại chỗ, mới 29 tuổi, để lại người vợ và 3 con nhỏ, còn Nguyễn Văn Anh bị thương nặng. Một thời gian lâu em mới bình phục nhưng hai con mắt đã bị lòa. “Lao động chính” với 5 anh em mồ côi đã tàn tật, còn 4 anh em là Nguyễn Văn Chung 14 tuổi, Nguyễn Thị Não 12 tuổi, Nguyễn Văn Thông 10 tuổi và Nguyễn Thị Phương 8 tuổi, hàng ngày sau buổi học lại đi nhặt vỏ chai, rác lon bia để nuôi người anh. Mới đây Anh được mổ mắt lần thứ hai, mắt phải của em giờ có thể nhìn thấy chừng 5 mét và mắt trái nhìn được 2 mét. Bác sĩ dặn phải nghỉ lao động 6 tháng để cho mắt lành hẳn, nhưng nhìn những đứa em tội nghiệp, mới ra viện hơn một tháng, Anh đã trở lên bến sông để làm nghề bốc cát sạn, ngày khá kiếm được mười ngàn đồng, có ngày ít xe đến bốc chỉ được ba ngàn đồng, đứa em thứ hai là Nguyễn Văn Chung, dù biết chú ruột và anh đã bị mìn sát thương nhưng, ở tuổi 14 của mình với sức vóc yếu ớt em chỉ có thể làm nghề đi nhặt mảnh đạn và định mệnh oan nghiệt vẫn có thể lơ lửng trên đầu của Chung. Tôi đã tìm đến ngôi nhà của mấy anh em. Gọi là nhà nhưng chỉ rộng có 6 mét vuông, lợp bằng những tấm tôn gỉ rét và che bằng các võ đạn. Một chiếc giường gỗ đã long mộng. Chí có bé Phương ở nhà. Anh và Chung đi kiếm sống nuôi mấy anh em. Cạnh đó nhà chị Lựu, vợ anh Hè- chú ruột của mấy anh em cũng tương tự, chưa đầy 6 mét vuông, rách nát che chở bốn mẹ con góa bụa. Bé Phương bảo sắp kỵ mẹ, anh em đang kiếm tìm để nấu bát cơm cúng. Hỏi ra với 5 ngàn đồng bình quân mỗi ngày cho đời sống mấy anh em chỉ đủ gạo và nước mắm. Riêng Nguyễn Văn Anh, suốt ngày trần lưng dưới nắng bốc cát sạn tôi e rằng mắt em sẽ lòa trở lại, nhưng nếu ở nhà thì các em lại sẽ chết đói. Nếu không có quả mìn oan nghiệt kia rất có thể đời em sẽ khác. Ở Quảng Trị có rất nhiều em bé mà tuổi thơ đã bị đạn bom cướp mất như thế, vì những trái mìn nằm lần trong đất đai.
* Những “phế nhân” oan nghiệt.
Hồ Dũng năm nay 15 tuổi, quê ở thôn Trà Liên, xã Triệu Giang (Triệu Phong- Quảng Trị). Đã ba năm nay em sống trong cảnh mù lòa, một vết thương ở cổ và cánh tay phải bị cụt tận khuỷu. Vùng quê em ở ngày xưa có sân bay quân sự Ái Tử của Mỹ cạnh đó, xung quanh là những bãi mìn dày đặc. Dù đã được tháo gỡ nhưng vẫn khó an toàn tuyệt đối. Tháng 3. 1995, trong buổi chiều đi chăn bò trên đồng cỏ cạnh sân bay Ái Tử, con bò nhà em đã giẫm phải quả mìn và em đã bị thương lây. Mù hai mắt, cụt tay phải, mơ ước đến trường với Dũng đã hoàn toàn khép lại. Ngày ngày em ngồi trên bậc nghe tiếng bạn bè nô đùa ngoài ngõ mà nước mắt em ứa ra. Mẹ của Dũng, chị Trịnh Thị Hồng cho biết: “Ở nhà đông anh em, ngồi không cũng buồn, Dũng nói: “Mẹ để con trông em cho”, sợ con bị mù, không coi sóc được em chị gạt đi, nhưng Dũng nằng nặc quá, cũng để cho Dũng không phải mặc cảm bị “thừa” chị để em út cho Dũng trông. Một hôm đứa em bò thoát khỏi tay Dũng, Dũng sờ tìm lết dần, càng lạc xa ra cuối vườn suýt rơi xuống giếng, còn đứa em thì rơi xuống mảnh ruộng trước nhà, may mà không việc gì. Khi tôi đến, Dũng đang cầm chiếc gậy dò dẫn đi ra, từ nay chiếc gậy thay cho đôi mắt. Nhà Dũng có tám anh em, với tật nguyền của Dũng, gia đình cũng khó khăn hơn, người bố quanh năm đi rừng lấy mây về bán với thu nhập khoảng 200 ngàn đồng một tháng. Ngần ấy tiền cho mười miệng ăn. Dũng mơ ước cho mình được sáng lại, dù chỉ một mắt để đi chăn bò thuê đỡ đần bố mẹ. Nhưng làm sao mắt em sáng được? Không xa làng của Dũng là xã Triệu Thượng, bé Nguyễn Thanh Giang (sinh năm 1985) cũng đã mang thương tích với một cánh tay bị cụt, hai mắt mù và nhiều vết thương ở bụng vì một quả M79. Khi ấy (năm 1992) Giang tưởng M79 là một thứ đồ chơi. Ba tháng trước em Hoàng Quang Sĩ (sinh 1989) ở Nại Hiệp- Triệu Ái cũng bị một vật nổ làm cụt tay trái, mấy đốt tay phải và năm vết thương nặng từ đùi xuống bàn chân phải. Em Nguyễn Thế Nghĩa, học sinh lớp 5, trường tiểu học Vĩnh Quang, Vĩnh Linh trong lúc cùng các bạn lao động làm vệ sinh trường lớp đã cuốc phải bom bi. Dù được nhiều tổ chức từ thiện và cá nhân hảo tâm giúp đỡ nhưng em vẫn bị cụt một tay, đui mắt và sức khỏe giảm hơn 60%. Số phận oan nghiệt của các em thơ vừa kể chỉ là một phần rất nhỏ. Theo UBCS và BV Trẻ em Quảng Trị, con số thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 313 em bị tai nạn bom mìn trong độ tuổi 0- 16. Nghĩa là chỉ mới trong khoảng từ 1985 trở lại đây. Còn từ 1975- 1985, khó có thể thống kê cho được khi ngay sau giải phóng chết vì mìn, bom là “chuyện thường ngày ở Quảng Trị”. Và dĩ nhiên, sau một phần tư thế kỷ hòa bình đã, đang và sẽ còn những tuổi thơ bị bom mìn cướp đi như các em thơ Kỳ Sơn hôm nào, như Dũng, Giang, Sĩ…
PHẦN II: “GIÁ MÁU” TRÊN HÀNG RÀO McNAMARA.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam có một nơi mà người Mỹ đã huy động những trí tuệ lỗi lạc nhất của các đại học danh tiếng như các giáo sư của đại học Harvard, học viễn kỹ thuật Massachusets, các cố vấn đặc biệt của tổng thống Mỹ để xây dựng hàng rào chống xâm nhập của “Cộng quân Bắc Việt” gọi là hàng rào điện tử McNamara ở phía Nam vĩ tuyến 17, địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị). Lai lịch hàng rào mọi người không lạ: Nó được dựng nên bởi hàng chục lớp rào kẽm gai và hàng triệu quả mìn các loại. Nhưng cuộc giải phóng đất đai, tháo gỡ bom mìn để canh tác, trồng lên những vườn cao su như hiện nay đã phải trả giá hàng trăm người đổ máu trong hòa bình.
* Nỗi đau Hải Thái.
Hải Thái là một xã nằm ở phía Tây huyện Gio Linh, ngay căn cứ Cồn Tiên của Mỹ trước đây. Ngay sau ngày hòa bình, tháng 8.1975 hàng trăm người dân miệt đồng bằng huyện Hải Lăng được đưa lên xây dựng kinh tế mới. Như tiên liệu được sự gian nan mà bom đạn của khu vực này đã gieo rắc lên dân xã đã lấy chữ “Hải” của quê cha đất tổ (dân các xã Hải Quỳ, Hải Thọ, Hải Xuân,…) và ghép vào chữ “Thái” với cầu mong yên ổn thái hòa cho quê hương mới, vì thế ở Gio Linh các xã đều đều bắt đầu với chữ Gio + x (như Gio Phong, Gio Châu, Gio Mỹ,…). Chỉ riêng các xã kinh tế mới có tên là Hải Thái. Hải Thái hiện nay giữ một kỷ lục ở Quảng Trị về số người chết vì mìn khi khai hoang lập đất. Hóa ra muốn “thái” mà nào có dễ. Dựng lều hôm trước trên đất hoang, hôm sau đã có người tai nạn bởi mìn. Huyện đã lập bảy trung đội làm nhiệm vụ rà phá bom mìn với sự giúp đỡ của tiểu đoàn công binh K8 tại địa bàn xã. Ấn tượng của những ngày đầu khai trương vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức anh Lê Phước Sung ở thôn 7 xã Hải Thái. Hồi ấy anh là trung đội trưởng của trung đội 7. Người đầu tiên của trung đội anh chết vì giẫm phải mìn khi rà phá là anh Võ Mau. Anh Mau đã giẫm phải một quả mìn M14 (mìn Jíp) bị thương mất nhiều máu, đưa ra bệnh viện Vĩnh Linh thì chết. Rồi sau đó là các đồng đội anh. Nguyễn Thái Hoàng , Ngô Văn Diễn… ngày cuối của chiến dịch vào cuối tháng 10.1977, anh Sung cũng không thoát khỏi sự giăng bủa của thứ mìn Jíp quá dày đặc. Anh bị cụt chân trái và ảnh hưởng khá nặng đến sức khỏe. Bây giờ anh sống trong căn nhà nhỏ ở dưới chân đồi thôn 7 xã Hải Thái với người vợ. Vết thương năm xưa đã khiến anh không thể có con. Anh Nguyễn Dung Hoa, Chủ tịch xã Hải Thái, hai mươi năm trước cũng là một chiến sĩ trong đội rà phá bom mìn của xã. Anh cho biết, lúc mới giải phóng, phương tiện rà mìn thô sơ, mỗi người chỉ có một chiếc thuốn sắt, thuốn nhè nhẹ vào lòng đất, khi chạm vào vật cứng thì dựa vào kinh nghiệm tiếng động mà xác định là đá, sắt thép, hay nhựa. Sau đó nếu nghi là mìn thì mới cắm một lá cờ đuôi nheo màu đỏ. Tiếp theo, người có chuyên môn công binh mang máy tới kiểm tra và vô hiệu hóa tính năng vật nổ. Cả một xã, khai hoang hàng ngàn héc tầm chỉ có hai máy dò mìn của Tiệp và Trung Quốc, vì thế có kỹ lưỡng đến đâu cũng không thể an toàn tuyệt đối. Đấy cũng là tai họa mà sau này, trên đất canh tác thuần thục, nhiều người vẫn phải bị chết vì mìn. Cả Hải Thái có hơn 3.000 dân nhưng số liệu thống kê mới đây cho biết có 282 người bị thương và chết do mìn từ 1975 đến nay. Đấy chỉ là riêng người trong xã, còn người các nơi khác đến đây tìm kiếm phế liệu bị mìn làm tàn phế hay chết thì không tính hết. Anh Lê Phước Sung nhớ rằng dạo năm 1977, riêng tiểu đoàn K8 giúp dân phá bom mìn đã có gần 10 người chết. Mỗi ngày số bom mìn tháo gỡ bình quân là 2 tấn. Và hơn hai mươi năm qua, quanh Hải Thái vẫn còn nhiều bãi mìn chưa ai dám sờ tới. Nhiều mảnh bom đã thành “tử địa” như đồi C2 của căn cứ Cồn Tiên, khoảng 1975 đến 1985, tháng nào cũng có vài vụ nổ chết người, vậy nhưng không vì thế mà người dân nơi đây không ra đồng. Đã có lần như ngày 10.8.1979, tập đoàn sản xuất thôn 3 khi khai hoang cuốc phải mìn chống tăng chết 6 người một lúc là Đoàn Thôn, Nguyễn Thị Chạy, Nguyễn Thị Hồng, Phan Bảng, Phan Chín, Hồ Thí tất cả đang ở độ tuổi thanh niên. Cả các thôn Hải Thái, thôn nào cũng có số người là nạn nhân bom mìn nhiều như nhau: Thôn 1 có 22 người; thôn Xuân Hòa có 26 người; thôn 7 có 25 người, thôn 17 có 28 người … Hình như ở trên bom đạn nên người dân không còn ngại như ngày đầu, nghề tháo mìn ở đây đã trở thành nghiệp mưu sinh, nhất cữ lưỡng tiện: Vừa có đất canh tác, vừa bán phế liệu được tiền. Có điều quá nhiều máu đổ xuống.
* Cuộc hồi sinh nhọc nhằn
Quảng Trị trong chiến tranh gần như là một nơi thí nghiệm các loại vũ khí của Mỹ. Chỉ riêng mìn, trên địa bàn này đã có đủ chủng loại: mìn M72A, M79, M15, M16A1 và M16A2 (gọi là mìn râu), M14 (mìn Jíp), mìn dây, mìn nhảy, mìn cháy, mìn khói, mìn bẩy, mìn chống tăng, từ trường… Kẻ chế tạo loại vũ khí này cũng thâm độc khi tạo ra tính năng đặc biệt cho từng loại, kẻ gài mìn lại nâng cao khả năng giết người của mìn. Vì thế, để giải phóng đất đai đang bị mìn phong tỏa là một cuộc chiến đầy cam go. Nếu tính toán của John Sayer trong một tài liệu về mìn của tổ chức Oxfam (Hồng Kông) là chính xác thì gài một quả mìn chỉ tốn 3- 25USD, còn chi phí cho việc tháo gỡ một quả mìn là 1.000USD. Nếu tính giá này để tính cho việc giải phóng số mìn trên đất đai Quảng Trị hiện nay thì chắc chắn không có một ngân sách nào kham nổi. Lấy mức thấp nhất, Quảng Trị cần 17,5 triệu USD để tháo gỡ 15 triệu bom mìn và vật nổ trên một diện tích 15.934 ha, trong đó có nhiều vùng dày đặc bom mìn như Làng Vây, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Ái Tử,…
Chưa nói tới khoản kinh phí khổng lồ cần cho việc tháo gỡ mà Quảng Trị rất khó có được kia, chỉ việc lo nuôi dưỡng số nạn nhân của bom mìn là một khó khăn trong việc phát triển Quảng Trị. Đất đai phần chưa được giải phóng để canh tác, phần bị bom mìn cày xới rửa trôi làm mất đi màu mỡ. Mỗi ngày hàng ngàn người dân Quảng Trị vẫn lấy nghề đào bới, tìm kiếm phế liệu để nuôi sống bản thân và gia đình, bất chấp cái chết chực chờ. Điều này làm nảy sinh một vấn đề: Làm sao giúp cho họ có vốn để làm ăn, cải thiện đời sống, bỏ hẳn việc tìm nhặt phế liệu? Và số phận của các em thơ là nạn nhân bom mìn, tương lai của các em sẽ ra sao, trước những oan nghiệt mà các em đang gánh chịu?
Giải Nobel Hòa bình năm 1997 đã được trao cho bà jody Williams vì phong trào “Chiến dịch Quốc tế cấm mìn” (ICBL), những nỗ lực của nhân loại nhằm đi tới một thế giới không có mìn, không có những người dân vô tội bị chết hay tàn tật do mìn rất đáng ghi nhận. Cho dẫu thế thì ở mảnh đất Quảng Trị chưa đầy 5.000 cây số vuông này không tháng nào không có những tai nạn bom mìn. Và nào biết bao lâu nữa, hai mươi, năm mươi năm sau chắc gì sẽ không còn những vụ nổ? Ở nơi đây chiến tranh chưa hề kết thúc.
L.Đ.D