Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Minh oan" cho dòng sông

C

ần mần chắt chiu trong lòng sỏi đá của núi rừng Trường Sơn từng giọt phù sa lắng đọng, mỡ màu, sông Sê Pôn đã kịp trao gửi lại cho biền bãi mọc lên xanh mướt nương ngô, sắn, chuối nằm cạnh những ngôi nhà sàn, nhà ngói đỏ tươi tựa lưng vào bóng núi, đẹp như bức tranh sơn thủy bên này đất Việt trên hành trình tìm về sông mẹ Mê Kông trên đất Lào. Trước khi chảy hẳn vào đất Lào, sông Sê Pôn tự thực hiện nghĩa cử cao đẹp cuối cùng của đời sông là uốn mình chảy qua tám xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa để tạo nên ranh giới Việt - Lào bằng đường sông mà góp phần trấn giữa miền biên ải của Tổ quốc yêu thương. Từ nghĩa cử cao đẹp đó, mà bao năm qua sông phải nhọc nhằn chảy trong nổi hàm oan là dòng sông nhức nhối nạn buôn lậu, gian lận thương mại.
“Hồi xưa vùng này hoang vu lắm. Nhìn trước, nhìn sau chỉ toàn rừng rậm thâm u. Dọc triền sông Sê Pôn lác đác vài nóc nhà sàn của đồng bào dân tộc Vân Kiều, PaKo bạc phách qua mấy mùa mưa rừng, nắng núi nằm dọc triền sông. Có nhiều hôm khi mới lên vùng đất này lập nghiệp, tôi lang thang đi tìm đất phát nương, làm rẫy, cứ đi suốt cả buổi chiều cũng chỉ thấy vài bóng người dân bản địa lầm lũi đốt nương, rẫy trong làn khói trắng lam chiều. Bây giờ thì khác rồi. Nhiều thôn, bản của người Kinh cũng như người Vân Kiều, PaKo sống xen kẽ nhau dọc sông Sê Pôn đã sầm uất, khang trang, to đẹp gấp nghìn lần ngày xưa”. Đó là tâm sự của ông Đoàn Giá ở thôn Long Hợp (xã Tân Long, Hướng Hóa) với tôi trong buổi chiều tôi ghé nhờ nhà ông (nằm cạnh con đường trãi nhựa vào các xã vùng Lìa) khi cơn mưa rừng sầm sập trút xuống. Chuyện “ngày xưa” tồn tại trong ký ức còn mẫn tiệp của ông là vào những năm 1976-1977. Khi đó, hòa bình mới lập lại vài năm trên quê hương Triệu Long (Triệu Phong) của ông với muôn vàn gian khó, thiếu thốn trăm bề. Không thể ở lại quê hương vốn “đất chật, người đông” lại ngày qua ngày cứ lay lắt với đói nghèo, đứt bữa, gia đình ông cùng nhiều gia đình khác của các xã như Triệu Giang, Triệu Long, Triệu Trung, Triệu Thành, Triệu Phước (Triệu Phong)…  dắt díu nhau lên vùng này tìm đất lập làng. Ngày ngày vợ chồng, con cái cứ mang cuốc lên đồi phát cỏ tranh, lau lách làm nương rẫy trồng lúa, ngô…Cứ tưởng cuộc sống rồi sẽ mãi “quay vòng” qua mấy mùa ngô, lúa…chỉ đủ ăn qua ngày mà chưa bao giờ bản thân ông cũng như nhiều gia đình khác lên lập nghiệp ở vùng đất mới nghĩ đến chuyện khá lên, giàu lên.
Thế rồi, đến những năm 1980-1990, Quốc lộ 9 với sự đầu tư, nâng cấp của Nhà nước đã tạo nên sự giao thương thuận lợi với nước bạn Lào. Hàng hóa Thái Lan với đủ chủng loại, mẫu mã bắt đầu “có mặt” ở Hướng Hóa sau đó theo nhiều chuyến xe khách đỗ về xuôi. Người dân các xã dọc sông Sê Pôn như Tân Thành, Tân Long, Tân Liên, Tân Hợp, thị trấn Lao Bảo....nhận thấy “cái lợi” từ việc buôn lậu hàng hóa Thái Lan qua biên giới. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ hoang nương rẫy để “rủ nhau” buôn lậu.         
        “Thời điểm đó kiếm tiền dễ lắm nên cả làng, cả xã rủ nhau đi buôn lậu. Nhà nào có vốn thì mua hàng hóa với số lượng lớn, còn không có vốn thì thành dân “cua rạm” gùi cõng thuê cho chủ hàng. Cứ từ sáng sớm vượt sông Sê Pôn rồi luồn rừng đi bộ hết nửa ngày là đến chợ Carol ( huyện Sê Pôn, Savanakhet, Lào) mua hàng hóa sau đó mang về tập kết ở các bản làng nằm cạnh sông Sê Pôn (trên đất Lào). Cứ chờ tối đến, khi lực lượng Hải Quan, Biên Phòng không có mặt là có thuyền của người nhà hoặc thuê thuyền sang chở hàng về. Nếu gặp lực lượng Hải Quan, Biên phòng thì chỉ cần quay mũi thuyền sang đất Lào là hàng hóa được đảm bảo an toàn. Thời điểm người dân các xã dọc sông Sê Pôn buôn lậu hàng Thái Lan rầm rộ nhất là vào khoảng năm 1990-2000. Khi đó, vào bất cứ nhà nào cứ nhìn xuống gầm giường, nhìn ra sau vườn đều có thể thấy thuốc Jet, rượu ngoại…Hàng ngày, những chuyến xe khách rất ít khách vẫn hối hã chạy về xuôi cũng là bởi dưới gầm xe được gia cố thêm ngăn chìm đang chở đầy thuốc Jet, nồi cơm điện, máy điều hòa nhiệt độ, rượu ngoại…Còn những con đường nhỏ luồn sâu trong rừng hai bên cánh gà của các trạm kiểm soát Hải quan, Biên phòng thì tấp nập dân “cua rạm” xé lẻ hàng hóa gùi cõng hoặc buộc xung quanh người như con rô bốt. Nhiều gia đình của các xã dọc sông Sê Pôn giàu lên hoặc phá sản cũng từ buôn lậu. Nói như vậy, bởi nếu mang hàng trót lọt thì chỉ cần vài chuyến là có thể có vài chục triệu trong tay nhưng nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ hàng hóa thì coi như trắng tay”- Ông Đoàn Giá kể.
Cơn mưa vừa dứt, tôi vội vàng chia tay ông chủ nhà vui tính, mắn chuyện để đến UBND xã Tân Long. Vừa biết lý do “viếng thăm” của tôi, ông Đỗ Văn Khả, Chủ tịch UBND xã Tân Long (Hướng Hóa) vui vẻ cho biết: “Hiện tại, việc người dân các xã dọc sông Sê Pôn tham gia buôn lậu hàng hóa qua biên giới chưa hẳn là chấm dứt hoàn toàn nhưng cũng đã giảm rất nhiều so với trước đây. Nguyên do là lực lượng chức năng trong thời gian qua đã mạnh tay trong việc truy quét, bắt, xử lý đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Rồi hàng hóa trong nước với giá rẻ, chất lượng tốt cùng góp phần vào việc hạn chế nạn buôn lậu hàng hóa qua biên giới. Chính vì thế mà thời “hoàng kim” của việc buôn lậu qua biên giới cũng lùi xa dần. Nói đâu xa, chính ngay xã Tân Long bây giờ người dân cũng không “mặn mà” lắm với việc luồn rừng, lội suối sang tận Lào để gùi cõng hàng hóa về trong khi mức chênh lệch giá giữa hàng nhập lậu với hàng hóa sản xuất trong nước không quá cách xa nhau. Đúng lúc ấy, thì tại xã Tân Long cũng như các xã vùng Lìa cây chuối, cây sắn từng một thời bị chê ỏng, chê ẹo bắt đầu “lên ngôi” với việc nhiều hộ gia đình trở thành “đai gia" với nguồn thu nhập 500 - 700 triệu đồng/năm từ trồng chuối, sắn. Nhiều “cua rạm” cũng như những tay “đầu nậu” buôn bán, vận chuyển hàng lậu lớn bắt đầu “gác kiếm” để chuyên tâm đầu tư vốn mua đất đồi trồng chuối, trồng sắn. Tính đến cuối năm 2009, toàn xã Tân Long có 848 hộ (3.600 khẩu) thì có đến 600 hộ trồng chuối (có khoảng 100 hộ có diện tích từ 5 ha trồng chuối trở lên) với diện tích gần 950 ha. Hàng năm, nguồn thu từ việc bán chuối mang lại cho người dân xã Tân Long 20 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Tân Long có thu nhập từ chuối khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm không phải là chuyện hiếm. Cây chuối bám rễ ở đất Tân Long này từ khi người dân đặt chân đến vùng này lập nghiệp nhưng thực sự mang lại hiệu quả kinh tế thì chỉ khoảng mười lăm năm trở lại đây. Qua hơn mười lăm năm, cây chuối đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên đất Tân Long. Cây chuối đã tạo nên những chuyển biến lớn trong tư duy làm ăn của những người dân từng tham gia buôn lậu và đã xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ dân…”.
Theo lời giới thiệu của ông Đỗ Văn Khả, tôi đến thăm gia đình anh Đoàn Trang (thôn Long Hợp, Tân Long) là một trong mười hộ có diện tích trồng chuối lớn nhất của xã Tân Long. Tiếp tôi trong căn nhà mới xây khang trang từ tiền bán chuối, anh Đoàn Trang hồ hởi cho biết: “Trước đây, khi thấy tui không đi buôn lậu mà lên đồi cuốc đất trồng chuối nhiều người bảo tui là thằng hâm. Chừ thì nhiều người bỏ buôn lậu đầu tư tiền tỷ mua đất trồng chuối như tui rồi đó. Nói thực, hồi đầu tui cùng muốn đi buôn lậu như bà con trong thôn, trong xã vì kiếm tiền dễ dàng mà công việc cũng không đến nổi nhọc nhằn như trồng chuối. Nhưng rồi, sau nhiều đêm gác tay lên trán suy nghĩ, tui chọn việc lên đồi trồng chuối cũng là vì thấy trồng chuối không phải sống trong tâm trạng lo lắng, sợ sệt như khi gùi cõng hàng hóa qua biên giới nên cái tâm mình cũng thanh thản hơn. Lúc đầu, tui trồng vài trăm góc chuối, thấy lợi nhuận từ cây chuối mang lại cao nên dần dần tui mua thêm đất đồi của bà con trong xã để trồng thêm chuối. Đến chừ gia đình tui có 15 ha đất đồi trồng khoảng 8.000 góc chuối cho thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Giống chuối trồng trên đất Tân Long chủ yếu là giống chuối mật mốc nên cho năng suất, chất lượng lượng cao. Vào dịp tết, có khi mỗi buồng chuối đẹp bán cho thương lái mua ngay tận vườn nhà với giá cả triệu đồng. Còn ngày thường, thương lái đến tận vườn thu gom để xuất đi Trung Quốc với giá từ 70-100 nghìn đồng/buồng (buống chuối đẹp có thể bán 150-200 nghìn đồng). Sắp tới, tui đang tính chuyện qua Lào thuê đất trồng thêm khoảng vài ha chuối nữa. Chắc mấy hôm nữa tui phải đi chứ nhiều người trong thôn, trong xã cũng đã bắt đầu rục rịch chuyện qua Lào thuê đất trồng chuối rồi. Tui phải tính toán để đi trước một bước chứ chậm chân mà thuê đúng diện tích đất cằn cỗi, trồng chuối cho sản lượng thấp là coi như mất vốn, mất công.”
“Chỉ cần một thao tác “search” trên trang google.com.vn cho ra 103.000 kết quả sông Sê Pôn thì có đến 99% kết quả nói đến sông Sê Pôn là dòng sông nhức nhối nạn buôn lậu hàng hóa qua biên giới mà không tìm thấy một kết quả nào nói đến việc sông đang mang trong mình từng giọt phù sa tưới tắm cho những đồi chuối, nương ngô, nương sắn. Thế là con sông đang bị hàm oan”. Tôi chia sẻ với anh Đoàn Trang cái ý nghĩ luôn thường trực trong lòng về dòng sông Sê Pôn khi tôi theo anh lên thăm quả đồi trồng chuối bạt ngàn của gia đình anh nằm cạnh sông Sê Pôn. Anh trầm ngâm trong chốc lát, rồi khẳng định với tôi: “Thì bây chừ người dân Tân Long cũng như nhiều xã khác dọc sông Sê Pôn đã đoạn tuyệt dần với buôn lậu để lên đồi trồng chuối, sắn, ngô…là cách để “minh oan” cho dòng sông Sê Pôn đó thôi.  Nói thật lòng, nếu không có sông Sê Pôn thì mô ra nước, phù sa để có được những quả chuối mật mốc ngon ngọt và tui cũng không có cơ nghiệp tiền tỷ trong tay từ việc trồng chuối như bây chừ”. Tôi chợt thấy vui và ấm lòng trước ý nghĩ vừa hài hước, vừa chân thật, mộc mạc của anh Trang là trồng chuối, sắn, ngô… thay vì buôn lậu để “minh oan” cho dòng sông. Tôi chợt nhìn ra mặt sông và thấy ít đi bóng dáng những con thuyền chở đầy hàng lậu chạy dọc đoạn sông phía bên kia đất bạn Lào.
H.T.S
Hoàng Tiến Sĩ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 190 tháng 07/2010

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground