T |
ừ xưa đến nay, đã có rất nhiều chuyên đề và các bài viết nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, cả con người và tác phẩm. Nói chung các bài nghiên cứu ấy đều giống nhau ở chỗ đọng lại nhiều câu hỏi hoài nghi thắc mắc.
Giới nghiên cứu băn khoăn về thơ Hồ Xuân Hương bởi lẽ những bài thơ nôm được truyền tụng lâu nay, được công chúng văn học xem là của Hồ Xuân Hương lại không có cơ sở xuất xứ nào chắc chắn cả, các văn bản chữ nôm. Thế có nghĩa là thơ Hồ Xuân Hương chỉ tồn tại trong ký ức của mọi người và được lưu hành bằng con đường truyền miệng giống như phương thức lưu hành của văn học dân gian…Điều này được minh chứng bởi các bài thơ được truyền tụng là của Hồ Xuân Hương bao giờ cũng có hai hoặc ba dị bản.
Thêm nữa các bài Xuân Hương gửi Chiêu Hổ (nhân vật này cũng chưa chính thức xác nhận) khi ông này cũng được bổ làm tri Huyện và lời đáp của ông ta: “Nay đã mần cha thằng xích tử, Rày thì cùng mẹ cái hồng nhan”. Hoặc khi Xuân Hương gửi câu đối mừng; “Mặc áo giáp giải cài áo chữ đinh, mậu kỷ, canh khoe rằng mình mậu quý” và ông ta chửi lại: “Làm đĩ càn tai đeo hạt khảm, cấn, hy, đoài khéo nói rằng khôn” rất có thể là các ông đồ nho nghĩ ra. Những bài thơ thô tục kiểu “Đánh cờ người, “Quả mít", nhất là bài “Qua sông phụ sóng”.
“Chú lái kia ơi biết chú rồi
Qua sông rồi lại đấm ngay bòi
Chèo ghe vừa khỏi dòng sông ngược
Đấm cặc ngay vào ngấn nước xuôi”
Thì chắc chắn rằng do bàn tay của “giới mày râu” can thiệp một cách khá thô bạo vào.
Tuy nhiên những bài thơ được truyền tụng là của Hồ Xuân Hương mà công chúng văn học ta trước đến nay vẫn cho như vậy. – Là một thực tiễn văn chương không thể xem nhẹ. Do đó mới có quan niệm cho các bài thơ nôm được truyền tụng của Hồ Xuân Hương còn “Lưu hương ký” chỉ được đưa vào phần phụ lục với tư cách là để bạn đọc tham khảo (1). Quan niệm này xuất phát từ mấy lý do sau:
1. Nếu cho “Lưu hương ký” là tác phẩm của Hồ Xuân Hương thì những bài thơ từ xưa đến nay vẫn được xem là của Hồ Xuân Hương sẽ được xếp vào đâu?
2. Khó xếp “Lưu hương ký” với các bài thơ nôm được truyền tụng vào một tập vì trừ tình cảm phóng túng ra, nó khác nhau về mọi phương diện.
3. Những phán đoán, suy luận về “Lưu hương ký” và các bài thơ nôm (xét về phong cách, ngôn từ…quá khác xa nhau) để đi đến kết luận Hồ Xuân Hương là tác giả của hai nhóm thơ trên có khả năng rất ít.
4. Điều đáng lưu ý là thơ nôm được truyền tụng vẫn được hiểu là thơ Hồ Xuân Hương ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người hơn là tập “ Lưu hương ký".
Một quan niệm khác lại cho “Lưu hương ký” mới thực tế là thơ của Hồ Xuân Hương (2) căn cứ vào bài tựa tập thơ “Lưu hương ký” của Tốn Phong Thị viết năm 1814, bài thơ nôm của Miên Thẩm viết năm 1842 khảo chứng văn bản thơ Hồ Xuân Hương của giáo sư Hoàng Xuân Hãn…
Ngoài ra còn có ý kiến riêng của Trần Thanh Mại và một số nhà nghiên cứu khác. Vậy, có thể thấy thơ Hồ Xuân Hương và sự thẩm định là một vấn đề rất phức tạp xuất phát từ những quy chiếu khác nhau.
Công chúng còn phải chờ đợi những công trình nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương nghiêm túc sau này. Nhưng nói như vậy cũng không phải thơ Hồ Xuân Hương chưa tiếp cận được một vài sự thực.
Sự thực nổi bật nhất trong thơ “Lưu hương ký” và cả trong những bài thơ nôm được truyền tụng là sự thực về tâm hồn một người phụ nữ - một tâm hồn phong phú, khao khát yêu thương, can đảm nói về mình, về những con người mình yêu mà bất cứ người phụ nữ nào trong chế độ phong kiến đều phải giấu diếm. Người thực như Trương Quỳnh Như hay nhân vật Thúy Kiều trong truyện Kiều đâu dám có can đảm ca ngợi mối tình riêng tư của mình, ca ngợi sự giao thiệp thân tình giữa đôi trai gái yêu nhau - không có sự sắp xếp gì của gia đình cả. Cái bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” mà cụ Nguyễn Du đã tả nàng Kiều dẫu sao cũng chỉ là một sự vụng trộm. Xuân Hương thì khác. Tập thơ “Lưu hương ký” có khá nhiều bài nói về tình yêu, nói đến tên tuổi của những người như Mai Sơn Phủ, Tốn Phong Thị. Sự can đảm ấy hiếm có trong đời sống phụ nữ. Hãy xem lời bình của giáo sư Hoàng Xuân Hãn dưới một số bài thơ trong tập “Lưu hương ký” xem chừng nàng đã vướng lưới tình…Lòng này yêu nồng nhiệt, nhắc bạn chớ quên và tự hỏi đã có duyên nợ trong kiếp trước cùng chàng chăng?" Hoặc “Trước lúc sang thuyền trở về Thăng Long, Hồ Xuân Hương đã làm bài thơ tỏ rõ lòng thắc mắc, sợ sẽ bị bạn tình bội bạc rồi mình lại bị thêm một phen thất tình. Lời thơ rất văn hóa, nói về tình mà toàn mượn cảnh: chơi hoa, lay cành, vục nước, rung trăng, đó là sợ chàng trai chỉ theo nhục dục, mây giăng giăng, núi lạt lạt là e lời hẹn dông dài mà vu vơ. Vậy nàng xin tình lang, tình sâu nghĩa thắm hơn nước sông Bạch Đằng ở khúc cao”.
Sự can đảm đứng trước tình yêu ấy xuất phát từ sự ý thức về mình. Biết giá trị của cái đẹp của mình, ca ngợi vẻ đẹp ấy trong thiên nhiên cũng như trong cuộc sống là điều mà phụ nữ ngày xưa ít ai dám nói. Xuân Hương không ngần ngại gì mà không ca ngợi mình, ca ngợi những người trong giới của mình. Chắc chắn điều này ngày xưa các cụ, các công sẽ lấy làm khó chịu lắm nhưng những con người của ca dao, của cái đẹp, của tình cảm chân chất sẽ nhiệt liệt hưởng ứng, tán thành, đồng cảm và đưa nó vào thế giới kỳ lạ của Folklore cho dù nhiều nhà đạo đức có cho Hồ Xuân Hương là “Thẻo đảnh’ thì bản sắc của người phụ nữ tài hoa vẫn rõ ràng sinh động. Sắc thái này chẳng có gì là bỡ ngỡ cả trong “Lưu hương ký’ và trong các bài thơ nôm truyền tụng. Có thể thấy ở một số trường hợp tiếng nói trong “Lưu hương ký” và các bài thơ nôm truyền tụng đều theo sự phát triển của tâm tính, của ý thức, theo dòng cảm xúc. Tuy một số bài có ý thức mãnh liệt và nhận xét gay gắt hơn.
Còn một điểm nữa: “Những bài trong “Lưu hương ký” và thơ nôm được truyền tụng có chung một quan niệm nhân sinh. Đó là sự nhìn nhận xã hội và nhân sinh trong một nỗi bi quan thấm thía. Đối chiếu một số bài thơ trong “Lưu hương ký” với những tư tưởng lắng sâu trong các bài thơ lưu hành truyền miệng thì có thể hiểu được tâm hồn Hồ Xuân Hương. Đâu có phải Xuân Hương chỉ thiên có dâm và tục như nhiều người chỉ biết căn cứ trên chữ nghĩa bề ngoài hoặc thiên về lối xuyên tạc quen thuộc trong dân gian. Đến với cảnh đền chùa cây nước mà nhận ra tiếng “Chuông gầm sóng" hay “nước lộn trời” đến với một chốn đục và thấy “cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không” thì đây có pải là dâm hay tục. Trái lại ở đây có cả một quán niệm triết học, một thứ chủ nghĩa bi quan trước bao nhiêu biến đổi tang thương. Rõ ràng Hồ Xuân Hương muốn nói nhiều với chúng ta về nỗi niềm chứng kiến bể dâu hơn những gì xô bồ, thế tục. Nếu các nhà nho tìm lời kiếm chữ để hiện thực có dáng vẻ trau chuốt hơn thì đôi khi dân gian không cần màu sắc tô điểm ấy. Dân gian nói ra cái gì là trơ toen hoẻn, cái gì là thiên thẹo, là cheo leo. Điều này giống như cảm tưởng khi đi xem một hội hóa trang. Cái hình thức dáng dấp được tô điểm theo quy phạm. Thơ Hồ Xuân Hương rõ ràng đã có được phần sâu lắng ấy. Dân gian có những cái gay gắt, bộc trực, day dứt, não nùng đã thể hiện ta trong chất trữ tình và trào phúng của ca dao, tục ngữ, truyện cười. Không hiểu được phần sâu lắng ấy để nhìn theo một góc độ khác đi. Và khi những cái gì na ná như giọng điệu của Xuân Hương (chỉ giọng thôi chứ hồn thì không có) trong số thơ văn lưu truyền, chắc chắn có nhiều thứ bịa đặt, thêm thắt. Thói đời, khuynh hướng dễ dãi lại thường thiên về sự thêm thắt, xuyên tạc ấy. Do đó càng ngày càng thêm định kiến cho thơ khiến sự thưởng thức càng khó khăn, sự đánh giá thành ra thiên lệch.
Chúng tôi đưa ra một hướng tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương thông qua những văn bản và tư liệu:
1. Có thể coi “Lưu hương ký” là một văn bản đáng tin cậy, lấy nó làm xuất phát điểm để nghiên cứu, thẩm định các bài thơ nôm truyền tụng được cho là của Hồ Xuân Hương.
2.Thơ Hồ Xuân Hương có phần sâu lắng, đồng điệu với tâm hồn của nhiều người trong xã hội và do đặc trưng riêng của nó đã đi vào thế giới Folklore, được đồng cảm, đồng hóa, dị hóa và thậm chí tạo ra những bài mới theo hai lớp:
a) Rất có thể các nhà nho có chữ nghĩa đã tiếp thu thơ Hồ Xuân Hương, sáng tác những bài thơ theo phương thức lưu truyền của văn học dân gian. Đây là các bài thơ có khả năng gần gũi với Hồ Xuân Hương trong tâm thức; Nó là một vấn đề có rất nhiều ý nghĩa và chắc chắn còn cần trao đổi tranh luận.
b) Ở mức thấp hơn, thơ Hồ Xuân Hương được tiếp thu chủ yếu ở giọng điệu thơ, được thêm thắt, bịa đặt, chắp vá chủ yếu là thêm các yếu tố tục. Tiêu biểu cho loại này là “Qua sông phụ sóng”. Những bài thuộc loại này chỉ được sử dụng để nghiên cứu cho rõ vấn đề trong một tổng thể chứ không nên xem đó là thơ của Hồ Xuân Hương.
M.T