Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một kỳ tích đầy chất thơ

Có người bảo tôi mang trên vai “một cuộc đời khấp khểnh”.Vâng! Khấp khểnh từ cái thời điểm tôi sinh ra. Đầu năm 1966, làm hồ sơ đi bộ đội, rút cái mớ giấy tờ trong ống nứa trên gác bếp của bố, thấy mình có ba cái giấy khai sinh: năm 1948, năm 1949 và năm 1950. Ngày tháng giống nhau, đúng vào cái hôm cụ Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Tôi hỏi bầm, bầm tôi bảo hỏi bố mày ấy. Bố tôi bảo làng mình là đất tự do thuộc vùng kháng chiến. Bên kia sông Thao chồm hổm đồn bốt Pháp. Mười tám lần giặc tràn sang đốt, phá làng tôi. Moóc-chi-ê, đại bác bắn qua hàng tuần. Có lúc mấy ngày liền, chả ra quy luật nào. Bắn như thằng say. Bắn như lũ điên. Hứng lên là bắn.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với những cuộc tản cư, chạy giặc liên miên trong tiếng Moóc-chi-ê, đạn pháo. Mỗi nhà để sẵn một đôi quang thúng. Đòn gánh buộc cứng vào đấy. Một bên thúng đã ních chặt. Quây chiếc chiếu. Trong có gạo, muối, chai tương, cái đèn hoa kỳ… Bên thúng kia để trống. Động dạng gì, đặt đứa nhỏ nhất vào đấy. Chèn chung quanh chăn tã. Ấn vào lòng nó mớ áo quần của cả nhà. Kẽo kẹt chạy. Chuyện học hành của trẻ con làng tôi lẫn trong những cuộc chạy càn như thế nên không ra trường cũng chẳng thành lớp. Yên hàn một tí lại quay về. Cầy, bừa, cấy, hái mưu sinh không bỏ được. Đám trẻ kéo nhau ra đình. Vỡ lòng ngồi chung với lớp 1, lớp 2 gọi là ê a cho hết ngày hết buổi để người lớn đi làm đồng. Nhà nọ bắt chước nhà kia khai sinh cho con muộn lại vài năm, để sau này còn đủ tuổi đi học. Cái lý của bố tôi là thế!

Phân vân một lúc tôi nhặt tờ khai sinh giữa (1949) điền vào hồ sơ tuyển quân. Bầm tôi mù chữ. Bà không quan tâm đến mớ giấy khai sinh của bố tôi. Mọi chuyện trên đời bà ghi hết trong đầu. Trước ngày tôi nhập ngũ, bà bảo: “Tao đẻ mày năm Hợi, cùng với thằng cu V, cái đĩ D… con bà nọ, bà kia”. Vậy là tôi thêm một năm sinh nữa. Đinh Hợi 1947.

Bước chân trai trẻ hăng hái, đầy ngỡ ngàng. Bước chân lang bạt đầu tiên của tôi được đánh dấu bằng chuyến đi vào chiến trường miền Nam năm 1970. Đêm cuối tháng, giới tuyến tạm thời xám ngắt dưới bọng mây ủng nước như bụng trâu chửa. Trước mặt chúng tôi là hàng rào điện tử McNamara vắt qua tuyến lửa Quảng Trị. Nó đây! Bộ máy tuyên truyền khủng khiếp của chú Sam ngày đêm biến nó thành con ngáo ộp hòng làm đối phương mất tinh thần.  

Theo tin phương Tây, hơn ba tháng chụm đầu trong một căn cứ tuyệt mật ở thành phố Wellesley, bang Massachusetts, cuối tháng 8 năm 1966, bốn mươi bảy bộ óc thông tuệ nhất của cỗ máy chiến tranh Mỹ do giáo dư Roger D.Fisher trường đại học Harvard cầm đầu, đã đệ trình lên ngài Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ kế hoạch xây dựng một hàng rào ngăn chặn làn sóng Việt Cộng thâm nhập vào miền Nam Việt Nam. Cái lò sát sinh ấy mang tên ông chủ Lầu Năm Góc Mỹ, Robert. S. McNamara. Nó dài trên 100 cây số, rộng 20 đến 40 cây số. Từ Cửa Việt phủ hết đất Quảng Trị kéo sang tận Xê Pôn - Mường Xén, Lào. Một dải mìn sát thương rộng năm ngàn mét làm nát bàn chân và cụt cẳng đối phương. Một hệ thống điện tử kiểm tra từng xăngtimét vuông mặt đất. Một đội bay 24 giờ mỗi ngày, do thám, báo động, tạo những cơn mưa hóa chất làm trụi lá cây và đầu độc nguồn nước. Mỗi tháng bổ sung 20 triệu mìn sỏi, mìn lá… Đại tướng Wesstmorland, tư lệnh quân Viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam hù dọa ghê gớm hơn: “Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra một thứ hóa chất mà khi hòa với nước tưới xuống sẽ làm cho mặt đất nhão nhoét. Máy bay C130 rải xuống dọc đường Trường Sơn loại máy gián điệp “people Sniffers” có thể phát hiện đối phương thông qua mùi nước tiểu. Thậm chí nghe được cả “tiếng thở” trong lồng ngực đối phương…”.

Đêm ấy, chúng tôi bước vào cái lò sát sinh đang há miệng chờ sẵn.

Tiểu đội đi hàng một. Cách không xa cứ điểm của đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ. Thỉnh thoảng pháo sáng từ Tân Lâm, xa hơn là Cồn Tiên, Dốc Miếu thi nhau phụt lên, toả ra một vùng sáng nhợt nhạt như ánh lửa ma trơi. Không gian tĩnh lặng. Không một tiếng động của loài gặm nhấm. Không cả tiếng rả rích của côn trùng. Dường như từ ngày ông “Mắc” chọn nơi đây làm đất chết, giun dế cũng đã bỏ đi cả. Chúng tôi không có quyền lựa chọn. Chập tối, trước lúc vượt qua lằn ranh, mọi người lặng lẽ nhìn vào mắt nhau, xiết chặt tay nhau, có đứa ôm ghì nhau. Đêm nào quân ra, quân vào cũng có người phải nằm lại trên cái “hàng rào” này. Lần mò nhặt một nhúm xương thịt. Đôi khi lẫn lộn, ôm về chia ra mà chôn cất, vẽ sơ đồ, ghi dấu lại cho mai sau. Vậy mà đêm ấy, cái đêm cuối tháng mưa rét ấy, tiểu đội Thông tin chúng tôi không chỉ về đủ mà còn có thêm một đứa con. Cả tiểu đội được gọi bằng bố. Một đứa con trai nghiêm chỉnh cất tiếng khóc rất to, vang như tiếng hát trên cái bãi mìn người Mỹ dựng lên.

*

Tiểu đội trưởng Phạm Huy Cới khoát tay ra sau. Dừng lại, phân tán theo đội hình chiến đấu. Phía trước, ì ạch tốp người nặng nhọc đang tiến lại. Một cáng thương. Hai người cáng, người nữa đi cùng, đều còn rất trẻ. Bên trong mái tăng che mưa, tiếng rên dứt đoạn bật ra chập chồi.

- Đứng lại! - Giọng Cới đanh sắc, dứt khoát - Đơn vị nào? Tắt đèn đi, nó “ruốc” cho bỏ bu bây giờ.

-  Dạ. Chúng tôi bên thanh niên xung phong - Cậu ta chỉ tay vào cáng - Cô ấy đau đẻ, chúng tôi vượt tuyến đưa ra bệnh xá của đoàn.

Ngơ ngẩn nhìn nhau. Lại có cả chuyện này. Tiếng rên quằn quại làm rối trí mười hai thằng con trai còn đầy lông tơ trên má. Phạm Huy Cới lớn hơn vài tuổi. Cới người Thái Bình, trước ngày nhập ngũ đã kịp lấy vợ, có một con trai. Phải cái nóng tính, lúc cuống lên rất hay văng tục. Mà cái dân Thái Bình lạ thế, những từ ngữ nơi khác cho là tục tĩu thì Cới bảo quê anh ta không cho là tục. Lúc này Phạm Huy Cới là người giàu kinh nghiệm nhất trong chuyện chửa đẻ của đàn bà. Cới lật mảnh tăng, soi đèn vào võng.

- Chúng tôi lo quá. Đường phía ngoài có dễ đi không anh. Cô ấy đau từ chiều.

Cới nhằng cái hạt sáng đèn pin như viên bi ve vào người vừa hỏi:

- Cậu là thế nào với cô ta?

- Dạ, em là...

- Đ. mẹ. không nhịn thêm được vài năm nữa à. Đau kiểu này thì chỉ có nước đẻ ngay ở đây chứ đi đâu nữa. Mẹ khỉ, toàn một lũ đực dựa.

Cả lũ đứng chôn chân nghe hắn chửi. Cới lại lật mảnh tăng, giọng bỗng thất thanh:

- Vỡ mẹ nó “ối” rồi đây này. Trong các cậu có ai là y tá không?

- Dạ, em là y tá nhưng chưa đỡ đẻ bao giờ.

- Đ. mẹ. Thì ai đỡ bao giờ. Bông băng, dao kéo có không?

- Có ạ.

- Đưa cô ta vào lùm cây kia. Tất cả bỏ băng võng áo mưa ra, làm lán. Che cho kín kẻo nó “ruốc” mất chỗ đội nón. Còn mấy anh kia lại đây, đun hai hăng gô nước sôi, nhanh lên...

Có lần tôi nghe Phạm Huy Cới kể: “Vợ tao đẻ thằng cu tý lúc ấy tao mới hai mươi tuổi. Cô ấy la hét quá. Tao sợ ướt hết cả lưng áo, cứ ghé mắt qua khe vách trạm xá nhòm. Bà cụ chửi toáng lên, đuổi ra. Lâu lâu thấy im im, tao mò vào, thì ra nàng đẻ xong rồi. Nhìn thấy tao cô ta toét miệng cười. Ghé tai nàng tao hỏi: “Đau bụng gì mà sáu, bẩy tiếng đồng hồ, chắc lại giả vờ”. Cô ả mách bà cụ. Cụ chửi tao trận nữa rồi giảng giải nào đau bụng đẻ phải qua mấy bước từ lâm râm, quằn quại, rồi đến vỡ ối... những cái ma cái tội gì đó nữa, nghe khiếp lắm”. Bây giờ trong hoàn cảnh này không ai là người giỏi hơn Cới. Chẳng gì thì hắn cũng đã có vợ, có con. Hắn bảo gì chúng tôi đều răm rắp làm theo. Một cái ổ đẻ bằng tăng, võng lính trải ra. Những cặp lồng nước sôi, ca nhôm pha sữa sẵn sàng. Chúng tôi đừng đờ ra nhìn, Cới quát:

- Bây giờ ra ngoài hết. Bốn cậu làm nhiệm vụ cảnh giới, còn tất cả quay lưng lại, cấm nhòm. Chỉ tôi và y tá ở trong này.

Lục tục chui ra, thằng Hiến lẩm bẩm:

- Lão Cới khôn bỏ mẹ.

Thật chưa một sự chờ đợi nào, ngay cả lúc nằm giữa những đợt bom B52 làm chúng tôi sốt ruột, thấp thỏm như lúc này. Cơn đau đẻ của cô gái trồi lên, sụt xuống cùng với tiếng la xé ruột:

- Nó ra, anh gì ơi nó ra... đấy, chỗ này này. Em chết mất…

Chồng cô gái nhấp nhổm, loi choi thò mặt vào bên trong lán. Tiếng Cới quát rất tục, cái giọng lại thủng thẳng ông cụ non, nghe tức anh ách:

- Ra đ... đâu mà ra. Ông đứng đây, mắt mù à mà không biết. Gào cho lắm vào lấy cứt hơi mà đẻ.

Cứ thế, cả tiểu đội lính trẻ chưa biết thế nào là yêu đương, thấp thỏm, lo lắng, thở dốc lên cùng cơn đau đẻ của cô thanh niên xung phong giữa bãi mìn trong hàng rào điện tử McNamara. Phải đến gần nửa đêm, chập chồi giữa mưa rơi não nề, một tiếng trẻ vỡ tóa. Vang vọng vút cao trong cái tĩnh lặng rợn người của chiến địa. Không ai bảo ai tất cả cùng ùa vào lán. Cới cuộn cái sinh vật bé tí, đỏ hỏn trong cái áo bông lính miệng ngoác ra:

- Thắng rồi! Con trai nghiêm nhé.

Lũ chúng tôi ngây thuỗn đứng nhìn. Dường như chỉ còn tiếng thằng bé khóc mà như cười, ào ã, lảnh lói, vang dội. Át cả tiếng mưa. Át cả tiếng gầm gào của máy bay địch quần đảo như thằng mù trên vòm trời ẩm thếch. Vẫn tiếng Cới hướng về ông bố trẻ đương dở cười dở mếu:

- Này, lại mà bế con chứ. Đ. mẹ, tội cậu là to lắm đấy biết chửa. Ông mãnh!

Bấy giờ chúng tôi mới để ý đến cái “ổ đẻ”. Mặt đứa nào đứa ấy đỏ rần xấu hổ. Lưng tôi chợt lạnh. Mồ hôi rịn ra. Nghĩ đến cái cách đỡ đẻ rất chi là “đấu vật” của ông Cới. Thu xếp một chỗ khô ráo cho mẹ con cô Lẻ - tên cô thanh niên xung phong - trong góc lán, chúng tôi cùng dốc ba lô xem còn gì. Vài phong lương khô, ít bột trứng trộn đường, gói pôlivitamin... Bữa liên hoan mừng cu tí chào đời. Cô Lẻ nước mắt lưng tròng: “Xin bác Cới đặt tên cho cháu là Thắng như tiếng reo của bác và xin tất cả các anh làm bố nuôi của con em”. Tiểu đội lính hoi chúng tôi bất ngờ trở thành bố của cu Thắng.

Hung hăng, bạo miệng thế mà lúc này Phạm Huy Cới lúng túng vụng về đến tội nghiệp. Mặt đỏ rần, hắn ấp a ấp úng mãi mới nói được lời chúc mừng. Cới thơm lên trán cu Thắng rồi chuyển cho chúng tôi lần lượt bế. Miệng hắn lẩm bẩm:

- Mẹ khỉ. Mụ “xề” tớ ở nhà mà biết chuyện này thì chỉ có nước ôm chiếu ra hè ngủ.

Sau năm 1975, nhiều tờ báo phương Tây mới nói tới thất bại của hàng rào điện tử McNamara. Thất bại ngay khi nó còn chưa xây dựng xong. Không một hàng rào chết chóc nào ngăn được bước chân chiến đấu, giải phóng đất nước của người lính và người dân Quảng Trị, nơi cả nền công nghiệp chiến tranh Mỹ gài cái chết vào từng xăngtimét vuông. Nhưng tôi dám chắc rằng không tờ báo phương Tây nào biết chuyện trên mảnh đất giới tuyến anh hùng này, trên chính cái bãi mìn mang tên ông Mắc ấy, một nữ chiến sĩ Thanh niên xung phong của tuyến đường Trường Sơn đã thực hiện một ca sinh nở bình thường, trọn vẹn vào một đêm xuân năm 1970 ấy.

Điều đó có được coi là một huyền thoại chăng? Một kỳ tích đầy chất thơ chăng? Sẽ còn rất lâu nữa người Mỹ chưa trả lời nổi tại sao họ thất bại trong cuộc chiến này!

Tượng đài chiến thắng ghi công các chiến sĩ giao liên đã góp phần đập tan hệ thống pháo đài Cồn Tiên, Dốc Miếu - cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến McNamara - Ảnh: Thanh Long

Tượng đài chiến thắng ghi công các chiến sĩ giao liên đã góp phần đập tan hệ thống pháo đài Cồn Tiên, Dốc Miếu - cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến McNamara - Ảnh: Thanh Long

 

Bút ký của NGUYỄN TRỌNG TÂN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 331

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

21 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

22 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground