Ô |
ng chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh nói: “Lâm trường Bến Hải – 40 năm gieo ươm, vun trồng chăm sóc màu xanh cho quê hương”, và đánh giá:“ Thành tích của Lâm trường, chỉ có thế hệ tương lai mới đánh giá hết giá trị to lớn về kinh tế và giá trị nhân văn của nó”.
Tôi nghĩ: Các nhà quản lý không dùng hình tượng để diễn đạt một vấn đề cụ thể, nhưng có lẽ với Lâm trường Bến Hải không có lời nhận xét, đánh giá nào chính xác và hay hơn thế.
Chọn ngày thứ bảy đẹp trời, ngày nghỉ thứ nhất trong tuần của cán bộ công chức, tôi tìm đến nhà kỹ sư lâm nghiệp Lê Thị Thuyền…
Tiếng rằng: đó là một kỹ sư tận tụy với nghề rừng, đã hơn hai mươi năm gắn bó đời mình với những vùng đất trống đồi trọc của Vĩnh Linh, biến những vùng đất cổi cằn xơ xác sim mua tràm chổi thành những rừng thông xanh tốt bạt ngàn. Tiếng rằng: Chị là cộng sự đắc lực của giám đốc Trần Đình Bòn trong đề tài khoa học: nghiên cứu gieo ươm và trồng thành công giống cây huỳnh, cây vạng, cây sến, bổ sung cho hàng trăm hécta rừng nghèo tự nhiên góp phần quan trọng vào thành công chung của Lâm Trường thực hiện tốt dự án 327, được chính phủ tặng bằng khen trong lễ tổng kết chương trình quốc gia tại Hà Nội tháng 3 năm 1999. Tiếng rằng: Kỹ sư Thuyền là con người của công việc…
Không rõ ra ngõ tôi đã bước chân nào mà khi ngang qua trụ sở làm việc Lâm trường tôi thấy chiếc xe con dáng vẽ phong trần đỗ sẵn trong sân. Lái xe hí hoáy chuẩn bị…
Liếc nhìn đồng hồ: Sáu giờ rưởi sáng, tôi đã thắc mắc trong đầu: “Quái mấy vị Lâm trường ngày nghỉ định du ngoạn đâu hay sao mà sửa soạn xe cộ sớm thế?”. Qua nhà chị Thuyền, gia đình vừa ăn sáng xong, đang uống nước…
Tôi vào đề ngay không khách khí, trình bày cái ý định tốt đẹp, xanh tươi như tán lá rừng giữa trưa mùa hạ: tìm hiểu để viết một cái gì về những người trực tiếp gieo ươm, vun trồng những nụ, những mầm, nhân lên thành những cánh rừng mát mắt nay mai…
Chị Thuyền xua tay:
- Không thể được rồi, em phải đi bây giờ, xe của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đợi bên cơ quan. Có gì hẹn anh sau giờ làm việc chiều nay, vì em đi thông tầm, kiểm tra rừng với Sở…
Tôi vốn là một người đã được tập quen với trạng thái chờ đợi công việc. Cũng không ít lần ngồi chực chờ được làm việc vì chủ nhà bận…uống bia trong giờ hành chính. Tôi thực sự thành kiến với những lời hứa suông hờ hững, nhưng vẫn dè dặt đưa ra một lời đề nghị yếm thế:
- Xin được gặp và làm việc với chị lúc 19 giờ hôm nay…
- Thế thì được, lúc đó chắc em rỗi…
Chị Thuyền đi rồi, tôi mới nhớ ra: “Vào tầm ấy, sau mệt mỏi về đường sá, vì nắng nóng hơn bốn mươi độ, và có lẽ, cả ê chề của rượu bia, đến lực sĩ cũng bả ra huống chi một tấm thân nữ nhi mỏng mảnh…Hẹn là hẹn vậy, chắc gì…
Tôi chợt nhơ đến cuộc điện thoại của Y Thi, dặn từ mấy hôm trước:
- Anh đi ra chỗ Khe Lấu, nơi có vườn ươm của Lâm trường, chắc sẽ có được điều gì bổ ích…
Tôi mừng rơn bởi một sự gợi ý đúng lúc. Vào cuối năm 1999, tôi đã dẫn các nhà báo: Hồ Chiến, Ái Hoa, Ngân Hoa ra quay phim, chụp ảnh chỗ này. Bắt đầu vào mùa trồng cây, những luống cây giống keo các loại: thông nhựa, sến trung… lên xanh nõn nà, đang chờ mang đi trồng xuống những vùng đất trống đồi trọc. Anh Phú đội phó ươm cây giống giới thiệu với tôi khi các nhà báo đang tác nghiệp:
- Đội tôi có 25 lao động, đảm nhiệm 3,5 hécta đất vườn ươm, với giống cây trồng lâm nghiệp gồm: keo, thông, sến, huỳnh, vạng…Anh chỉ một vạt cây giống có thân thẳng, đỉnh sinh trưởng, lá non màu ráng đỏ, và một vạt khác lá xanh đậm:
- Đây là cây sến trung, còn kia là huỳnh, còn đây có lá to hơn là vạng: “Tác phẩm của giám đốc Trần Đình Bòn và kỹ sư lâm sinh Lê Thị Thuyền. Khi thực hiện đề tài này năm 1988, ông Bòn là Phó giám đốc Lâm trường, bây giờ là Giám đốc.
Huỳnh và vạng là hai loại cây phổ biến của rừng tự nhiên Vĩnh Linh, thuộc nhóm 3 và nhóm 4. Có tốc độ phát triển, sinh trưởng nhanh trong điều kiện tự nhiên. Nếu gieo ươm được cây con, trồng đại trà, sẽ góp phần tích cực vào việc phục hồi những khu rừng nghèo do khi thác bừa bãi và do chiến tranh tàn phá ở Vĩnh Linh. Từ ý tưởng đó, Lâm trường đã chính thức nghiên cứu đề tài khoa học này và được sở Khoa học – Công nghệ môi trường chấp nhận đầu tư. Công trình thực nghiệm, đem lại hiệu quả bất ngờ. Năm 1999 Hội đồng khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Trị đánh giá là công trình khoa học tốt, có ý nghĩa thực tiễn rất to lớn.
Anh Phú, đội phó, trưởng thành từ một công nhân lao động, do điều kiện hoàn cảnh riêng anh không được học hành đến nơi đến chốn, anh tìm đến nghề rừng với nhiệt tình của tuổi trẻ và ý chí vươn lên bằng bàn tay lao động của mình. Công nhân vườn ươm Khe Lấu đều có chung nhận xét: Bàn tay gieo ươm của anh Phú đúng là “bàn tay vàng”. Cùng một loại giống, một thời điểm, nhưng hạt giống qua bàn tay xử lý, gieo ươm, chăm bón của anh thường nảy đều, phát triển tốt, tỷ lệ cây xuất vườn thường cao hơn mọi người.
Tôi hỏi anh Phú:
- Anh có bí quyết gì không?
Anh cười:
- Bí quyết gì đâu, sống mãi với nghề, chịu khó xem xét suy nghĩ, đúc rút kinh nghiệm thì sẽ có được kết quả tốt hơn lần trước, thế thôi.
- Anh có thể tiết lộ một vài kinh nghiệm gieo ươm, chăm sóc cây con giống?
- Các loại hạt giống cây lâm nghiệp thường được xử lý và gieo ươm vào tháng 10 và 11 dương lịch. Thời kỳ này ở vùng mình nhiều mưa độ ẩm cao, có khi xuất hiện độ rét sớm, nhiệt độ xuống thấp. Yêu cầu của hạt giống là phải ủ đủ độ ẩm và nhiệt độ ổn định. Khi xử lý hạt giống phải ngâm nước ấm 45 độ C; nhưng tùy nhiệt độ cụ thể tại thời điểm xử lý mà gia giảm chút ít quanh nhiệt độ chuẩn ấy. Khi mang ra vườn ươm, tránh nắng to, mưa nặng hạt…Nói chung cây giống lâm nghiệp cũng cần chăm chút như rau cao cấp vậy. Sơ sẩy một chút có thể mất ngay bạc triệu…
Để rút ngắn thời gian chờ đợi, tôi nghĩ là phải ra Khe Lấu gặp anh Phú gặp lại đội ươm cây mỗi năm đã cung cấp hơn tám mươi nghìn cây giống, ngoài ra hai mươi mấy con người đa phần là công nhân nữ ấy còn đảm nhiệm mấy trăm héc ta thông nhựa đang khai thác, tỉa cành, tỉa thưa, phát thực bì…bao nhiêu công việc đang đến với họ, và chắc chắn cũng có bao nhiêu điều cần biết.
Tôi thẳng hướng Bắc, xe bon êm qua cầu Chấp Lễ tới vườn ươm. Thật bất ngờ, trên nền vườn ươm cũ, khoai lang mướt mát bò lan. Hệ thống máy bơm nước tưới; nhà kính che cây, im lìm dưới nắng. Bên kia doi ruộng hẹp, những đồi thông xanh bạt ngàn thổi khúc nhạc vi vu cổ kính của rừng già. Tôi trở về với một nỗi buồn man mác…
***
Tôi đến nhà kỹ sư Thuyền muộn hơn đã hẹn một chút. Vợ chồng chị đang ăn cơm. Một gia đình công chức mà hơn bảy giờ tối mới ăn cơm chiều là sự lạ. Nhưng biết chị Thuyền “từ sáng đến giờ mới về, nên tôi hình dung phần nào sự vội vàng lúc sáng của chị…đi mà không kịp chào khách. Thành kiến ban sáng trông tôi tan đi, chị Thuyền rất vui, mở đầu câu chuyện:
- Nào bây giờ anh cần hỏi gì để em cung cấp?
Tôi thích cung cách làm việc kiểu này của chị. Thoải mái, tự nhiên và hết sức tự tin. Nếu không thế, thông thường người được phỏng vấn biện ra một nghìn lẻ một lý do để từ chối trả lời. Thậm chí kiêu kỳ hơn, sẽ giới hạn những vấn đề sắp trả lời. Như bắt được của, tôi gấp cuốn sổ ghi chép lại, khéo léo gợi để chị kể về công việc của mình.
- Sáng nay em đi cùng Sở kiểm tra rừng trồng, công tác phòng chống cháy rừng đầu mùa nắng. Trên đường về tranh thủ ghé vào thăm vườn ươm trên Khe Tiên Bãi Hà…Một ngày hành quân cả trăm cây số…
- Trên ấy ươm cây gì?
- Đủ loại: keo, sến, thông nhựa, huỳnh, vạng, chỉ trừ bạch đàn. Các cây con giống đều tốt, riêng anh chàng sến rất khó tính. Xử lý hạt nảy mầm đã cực kỳ khó, thời gian gieo ươm vào cử tháng tư, tháng năm, đã thế lại còn phải yêu cầu tưới kỹ, trong suốt thời gian nảy mầm không khi nào được để khô mặt luống. Nắng trên bốn mươi độ, táp gió Lào; công nhân phải gánh nước cho vào ô-doa tưới ướt mặt luống suốt ngày; lưng áo đẫm mồ hôi, lem ngoem những vành muối trắng, thương ghê! Ngoài ra còn phải lo thưng che để giảm bớt sự chiếu trược tiếp của ánh nắng mặt trời xuống mặt luống vào các tháng 6,7,8. Cây sến giống, rất “công tử”, là cán bộ kỹ thuật mình phải thường xuyên để tâm đến nó.
… “Lâm trường em hiện có ba đội gieo ươm cây trồng, kiêm thêm chăm sóc khai thác nhựa thông, bố trí theo ba vùng kinh tế: Vùng Tây Nam Vĩnh Linh có nhiệm vụ trồng rừng kinh tế hộ gia đình theo quy mô nông lâm kết hợp, trung tâm của đội ở Phát Lát. Vùng Tây huyện có nhiệm vụ trồng, khoanh nuôi, bảo vệ, tu bổ rừng, khai thác và chế biến gỗ, trung tâm đội ở Khe Tiên – Bãi Hà. Vùng phía Bắc huyện có nhiệm vụ, khoanh nuôi, trồng bổ sung, bảo vệ rừng và khai thác nhựa thông…Tổng cộng cả ba vùng 31 nghìn héc ta…”. Tôi đem cái chuyện vườn ươm Khe Lấu lâm vào cảnh “Chim kêu cành cụt – chang chang nắng Cồn” ra chất vấn. Chị Thuyền cười rất to:
- Trời ơi, hai năm nay vườn ươm Khe Lấu tạm ngưng hoạt động vì khu vực phía Bắc không có nhu cầu cây giống nữa…Nghĩa là vùng đó mấy nghìn héc ta đất trống đồi núi trọc đã được phủ xong. Anh xem vùng đồi thấp của xã Vĩnh Chấp kéo lên giáp xã Vĩnh Khê, có đồi nào quy hoạch cho lâm nghiệp không xanh rợp bóng không! Phương châm của tụi em là: trồng rừng ở đâu lập vườn ươm ở đó, đỡ công bốc xếp vận chuyển cây giống. Anh tính: một cây giống giá hơn trăm đồng bạc, làm vườn ươm xa chỗ trồng, công bốc xếp lên xuống, trừ hao bể bầu, nát thân, cộng thêm mấy chục đồng nữa thì hết lãi luôn…phí vận chuyển “chén” hết rồi còn gì?
Thì ta trồng rừng cũng “cài thế” như đánh trận vậy! “Chiến trường” mở ra đâu là sử dụng lực lượng ở tại chỗ, bảo đảm hậu cần tại chỗ, như vậy “thắng” là cái chắc. Chả thế mà hai lăm năm trước, bước ra khỏi cuộc chiến tranh phá hoại, rừng Vĩnh Linh loang lỗ như tấm áo vá trăm màu. Bom đạn hủy diệt, con người chặt phá, độ che phủ dưới hai chục phần trăm. Cùng với cả huyện, Lâm trường chắt chiu, gom góp mỗi năm trồng ra đất trên dưới triệu cây giống tập trung, và cũng ngần ấy cây phân tán, để đến cuối năm 2000, diện tích rừng che phủ Vĩnh Linh đạt mức trên bốn chục phần trăm…quả là một nổ lực phi thường.
Có đi hết vùng đất, vùng rừng do Lâm trường Bến Hải quản lý, tận mắt chứng kiến hàng ngàn héc ta rừng tái sinh, rừng thông, bạch đàn, keo, xanh tươi suốt từ cầu Treo Bến Tắt trên sông Bến Hải, sang đầu nguồn La Ngà về Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, ra Vĩnh Khê…mới thấy hết công sức vĩ đại của những người cần mẫn gieo ươm, chăm sóc cây giống ở Lâm trường.
Thấy chị Thuyền vui chuyện, tôi góp:
- Hơn mười năm trước, ở nông trường Quyết Thắng có trồng một héc ta cây quế. Đất khai hoang kỹ, bón phân chăm sóc rất chặt chẻ theo quy trình, nhưng theo từng năm một, cây giống mập mạp ban đầu cứ teo tóp, quắt queo, vàng vọt dần rồi chết hết. Một số ít công nhân mang về trồng ở vườn nhà thì phát triển tốt. Tôi cũng lấy về một cây, trồng ở góc sân, sợ gà bới, tôi lấy xương sắn rào kín mít xung quanh, lâu sau sắn lên chồi, che kín và rôi cũng quên khuấy mất cây quế, năm sau nữa, thấy giữa lùm sắn, một cây quế chững chạc thẳng tắp lá mướt xanh…Bảy tám năm sau, tôi tạm biệt nông trường, gốc quế đã to bằng bắp đùi, trẻ con thập thò cầm dao xin vỏ…
Chị Thuyền giải thích:
- Cây quế cũng giống như cây huỳnh cây vạng vậy. Tụi em, khi thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu gieo ươm đem trồng bổ sung huỳnh, vạng, sến vào rừng, phải lặn lội đến từng gốc cây già, nhặt hạt mang về xử lý và gieo ươm. Khi đem trồng vào với quần thể rừng đã bị khai thác kiệt trong môi trường tự nhiên ấy chúng phát triển rất tốt, nhưng nếu đem để trồng “ phủ xanh đất trống đồi núi trọc” sẽ thất bại ngay. Quế, huỳnh, vạng là loại cây khi nhỏ rất “ngại” bị ánh sáng trực xạ chiếu vào…
Tôi nuối tiếc muộn màng, giá mà hơn mười năm trước, tôi hoặc ai đó biết được chuyện này, đề xuất với giám đốc nông trường, làm một giàn che bằng cây lau cù, tạo cho một ngàn cây quế chỉ còn chịu ánh sáng tán, có phải bây giờ ở giữa lòng thị trấn Bến Quan đã có một rừng quế rồi phải không?
- Chị Thuyền tính toán:
- Mỗi năm, theo kế hoạch chỉ tiêu trồng rừng được giao mà tụi em cân đối số lượng sản xuất cây giống. Bốn mươi năm hoạt động của Lâm trường, trừ những năm chiến tranh quá ác liệt, bình quân mỗi năm chúng em ươm khoảng 80 vạn cây, bốn mươi năm vị chi tụi em đã sản xuất hơn 30 triệu cây giống. Có những cánh rừng ở Vĩnh Linh phải trồng đi trồng lại mấy lần, vì hồi chiến tranh mới trồng hôm trước, hôm sau bom đạn Mỹ đã cày nát, có những cánh rừng đang khép tán, B52 ném bom tàn phá cả chục héc ta một đợt…
Công việc một ngày của chị Thuyền, trừ những ngày hiếm hoi ở Lâm trường bộ, còn lại là ở hiện trường. Mà không cứ gì chị, từ Giám Đốc – Phó giám đốc đến các cán bộ gián tiếp trong cơ quan suốt ngày bận bịu. Tôi tìm “phạm vi ảnh hưởng” của Lâm trường và được biết: hợp tác sản xuất kinh doanh của Lâm trường Bến Hải đã vượt ra khỏi tầm quốc gia, chủ động liên kết với Lào khai thác nhập hàng nghìn mét khối gỗ làm nguyên liệu cho xưởng chế biến sản xuất đồ gỗ của Lâm trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho công nhân. Ký được ODA (Nhật) hợp đồng đóng hàng vạn bộ bàn ghế cung cấp cho các trường tiểu học mà ODA xây dựng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Được hỏi về bản thân, kỹ sư Thuyền nói lãng:
- Địa bàn Lâm trường rộng, là phụ nữ chỉ đạo vất vã nhưng sao bằng sự khó nhọc của công nhân. Còn thành tích thì có thể khái quát thế này: Người có công đầu trong việc đưa Lâm trường vượt qua giai đoạn khó khăn chuyển đổi cơ chế, phát triển, đổi mới đi lên như ngày nay nguyên là Giám đốc Lâm trường Nguyễn Đình Thể và Giám đốc đương nhiệm Trần Đình Bòn. Người xông xáo năng động góp phần đa dạng hóa các hình thức sản xuất kinh doanh đưa Lâm trường tiến lên trong cơ chế thị trường là Phó Giám đốc Hà Sĩ Đồng. Còn công nhân tiêu biểu phải kể đến anh Trần Đức Lộc, công nhân khai thác gỗ, năm nào cũng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Lâm trường giao. Còn nhận khoanh muôi tái sinh 120 héc ta rừng tư nhiên, trồng 25 héc ta rừng huỳnh, 10 héc ta cao su, đầu tư 15 triệu đồng san ủi 2 hồ nuôi cá tổng cộng 0,5 ha mặt nước…
***
Tôi liếc đồng hồ và nhận ra sự lạm dụng của mình. Một ngày của kỹ sư Lâm nghiệp quả là không kể giờ nghỉ. Còn bao điều muốn hỏi muốn nói ở Lâm trường mà thành tích sản xuất kinh doanh được xếp nhất nhì tỉnh Quảng Trị trong mấy năm qua của khối doanh nghiệp Nhà nước nhưng đành chia tay. Anh Ái, chồng chị Thuyền, một kỹ sư nông nghiệp nay làm công tác Đảng tại Huyện ủy Vĩnh Linh, tiễn tôi ra cổng. Trong cái bắt tay rất chặt, tôi đùa:
- Gia đình anh chị là một mô hình nông – lâm kết hợp đấy.
Họ cười vui. Chị Thuyền cẩn thận nhắc tôi cần gì cứ đến hỏi chị sẵn sàng cung cấp thêm…
Đêm hè khuya, sao dày chi chít, báo hiệu ngày mai sẽ nắng to. Không đâu, tôi bỗng lây cái oi của những người gieo hạt ươm mầm, tồi thầm ước: những đợt gió Lào dịu lại, những cơn mưa bóng mây dày thêm, để cho lưng áo những cô công nhân vườn ươm bớt đi những vòng trắng muối mồ hôi loang lỗ, cho giấc ngủ của cô kỹ sư vườn ươm có giấc mơ màu xanh ngút ngát của cây cối nảy lộc đâm chồi.
T.P.T