Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 10/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một ngày về với dược liệu An Xuân

Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ hiện đang liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương trồng cây dược liệu, chủ yếu là cà gai leo và chè vằng. Toàn bộ dược liệu trồng tuân thủ quy trình sẽ được Công ty An Xuân thu mua chế biến.

Bà Lê Hồng Nhạn, đại diện Công ty An Xuân đang giới thiệu các sản phẩm trong chuỗi trồng và chế biến dược liệu của công ty - Ảnh: V.N

Bà Lê Hồng Nhạn, đại diện Công ty An Xuân đang giới thiệu các sản phẩm trong chuỗi trồng và chế biến dược liệu của công ty - Ảnh: V.N

Tuy nhiên, điều khiến bà Trần Lê Quỳnh Diễm, Giám đốc Công ty An Xuân lo lắng nhất hiện nay là đất trồng cây dược liệu đang có dấu hiệu thoái hóa, ngày một cằn cỗi. “Chúng tôi liên kết người dân với mong muốn có nguồn nguyên liệu chế biến đạt chuẩn với năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Nhưng đất đang có dấu hiệu thoái hóa, bạc màu. Nếu không cải tạo đất đúng quy trình, năng suất, chất lượng cây dược liệu đều giảm”.

Vài năm trở lại đây, Công ty An Xuân bắt đầu bắt tay thực hiện quy trình cải tạo đất và nhân rộng để các hộ trong mối liên kết cùng thực hiện. Tất cả phụ phẩm trong quá trình chế biến được thu gom, cộng với phân chuồng thu mua sẽ ủ với các chế phẩm sinh học để có nguồn phân hữu cơ cải tạo cây trồng. Theo bà Diễm, cải tạo đất thực hiện đồng thời với quá trình trồng cây dược liệu. Điều quan trọng là không được nóng vội. Khi chúng ta trả lại lòng đất những gì vốn có, năng suất, chất lượng cây trồng sẽ nâng lên.

Ông Lê Quang Hòa, thôn Tân Quang, xã Cam Tuyền vừa liên kết trồng ١ ha cà gai leo với Công ty An Xuân. Theo ông Hòa, việc công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao khi được trồng đúng quy trình giúp người dân yên tâm đầu tư. Sau quá trình cải tạo đất, cây cà gai leo của gia đình ông đang phát triển nhanh, hứa hẹn cho năng suất cao.

Điều ông Hòa tâm đắc nhất khi trồng cà gai leo có liên kết với Công ty An Xuân là ông đã được tư vấn để đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, phủ nilon các luống đất. Công việc của gia đình ông trên những cánh đồng cà gai leo vì thế trở nên nhàn nhã hơn nhiều. Gia đình ông không còn phải tất bật mỗi sáng, mỗi chiều điều động nhân lực tưới nước cho vườn cây. Chỉ một động tác đơn giản, đóng cầu dao điện, vườn cà gai leo sẽ đẫm nước.

Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất ra thị trường, diện tích trồng dược liệu của Công ty An Xuân và các hộ liên kết không sử dụng bất kỳ các loại hóa chất bảo vệ thực vật nào và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Đây là tiêu chí bắt buộc khi Công ty An Xuân đặt vấn đề liên kết với các hộ dân. “Cán bộ kĩ thuật, nông vụ của chúng tôi sẽ là những người tạo ra phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học để người trồng dược liệu sử dụng. Quy trình ngâm ủ các loại thuốc trừ sâu sinh học được kiểm soát nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào như nguồn gốc các loại gừng, tỏi, ớt…” - bà Diễm chia sẻ thêm.

Qua một thời gian trồng cây dược liệu, nhiều vùng đất sỏi đá của huyện Cam Lộ bị thoái hóa, năng suất có nơi giảm 40%. Đó thực sự là một bài toán khó giải của người trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, qua thử nghiệm bổ sung phân xanh, hữu cơ và các loại cây trồng có chứa nhiều đạm ở bộ rễ cho thấy, việc cải tạo đất đã mang lại hiệu quả cao. Năng suất, chất lượng những vườn cây dược liệu của An Xuân vì thế đang ngày một đi lên. Năng suất không những tăng mà lượng hoạt chất, tỷ lệ cao cô đặc của cây dược liệu cũng cao hơn hẳn những vùng không cải tạo theo phương thức làm giàu cho đất.

Đối mặt với sự khắc nghiệt của vùng gió Lào cát trắng, nếu vẫn đi theo lối mòn, tư duy cũ trong sản xuất nông nghiệp, những vườn cây chẳng mấy chốc khô khát. Nhưng với Công ty An Xuân thì khác.

Từ 7 giờ sáng, hầu hết lao động của Công ty đã có mặt tại vườn dược liệu. Trong nhà điều khiển tưới nước tự động, tiếng máy bắt đầu hoạt động. Hầu hết diện tích cây dược liệu của Công ty An Xuân được cung cấp nguồn nước và chất dinh dưỡng thông qua công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Nilon phủ các luống cà gai leo vừa giữ ẩm, chống rửa trôi và hạn chế cỏ dại phát triển.

Ở một góc vườn, một số công nhân dùng máy cắt tay lia từng vòng cung rồi xếp cà gai leo thành từng đống nhỏ. Các công nhân đi theo sau gom, bó lại để đưa về khu vực rửa, chuẩn bị các công đoạn chế biến. Nước rửa tại các hồ này sẽ được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn để tái sử dụng. Bùn đất và các phụ phẩm cũng được gom lại để ủ phân, bón cho cây trồng, trả lại lòng đất những gì con người đã lấy đi. Một vòng tuần hoàn khép kín gần như không bỏ phí một thứ gì trong quy trình ấy. Đó chính là dấu mốc khởi đầu của nông nghiệp hiện đại mà Công ty An Xuân đang áp dụng cho những vườn cây và cơ sở chế biến của mình.

Có những khoảnh đất, công nhân nữ đang dỡ từng đoạn nilon phủ để cải tạo đất, chuẩn bị lứa trồng mới. Phía dưới lớp nilon màu đen mỏng, cơ man nào rau má mọc lên xanh tốt. Chúng cũng sẽ được tận dụng để chế biến thành các loại trà thảo dược.

Buổi chiều thường diễn ra các công đoạn chế biến tại nhà xưởng. Cà gai leo sau khi rửa sạch sẽ được làm khô bằng năng lượng xanh (ánh nắng mặt trời) thông qua hệ thống nhà kính. Trong nhà kính có hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ thông khí và độ ẩm. Bà Trần Lê Quỳnh Diễm cho hay, trong khuôn viên vừa trồng vừa sản xuất rộng 5 ha này, hầu như không có một thứ gì lãng phí. Nước là nguồn tài nguyên ngày càng quý hiếm nên Công ty An Xuân áp dụng tưới bằng công nghệ Israel để tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng. Bà Diễm chia sẻ: “Tưới nhỏ giọt công nghệ Israel đầu tư ban đầu lớn nhưng năng suất, chất lượng cây dược liệu tăng rõ rệt. Tưới nhỏ giọt công nghệ Israel cũng sẽ giúp các chủ vườn tiết kiệm nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt; giảm được tình trạng rửa trôi đất, nhất là với diện tích trồng trên các triền đồi có độ dốc lớn; chủ động điều tiết chất dinh dưỡng cho cây trồng; giảm được nhân công, giảm giá thành sản phẩm”.

Cũng theo bà Diễm, là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong trồng và chế biến dược liệu, đến nay, Công ty An Xuân đã đầu tư công nghệ hiện đại cho công đoạn chế biến như ứng dụng hệ thống nồi chiết nấu, nồi cô chân không, hệ thống lò hơi cấp nhiệt có đường ống dẫn khí thải. Ngoài ra, Công ty An Xuân còn phối hợp với nhà máy đạt chuẩn GMP ứng dụng công nghệ sấy phun sương. Dược liệu dạng lỏng sẽ được đưa vào sấy trong khoảng thời gian ngắn nhất giúp đảm bảo giữ lại được các hoạt chất, tăng độ thơm ngon.

Hiện nay, Công ty An Xuân đang có các chính sách khuyến khích người dân, đặc biệt là các hộ liên kết lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Đây cũng đồng thời là một bước trong quy trình cải tạo đất mà Công ty An Xuân đang khuyến cáo người dân áp dụng. Bà Diễm cho biết, công nghệ hiện đại cho ra sản phẩm chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sẽ là điều kiện đem về lợi nhuận cao hơn. Đó cũng là cơ sở để công ty có thêm tiềm lực để tái đầu tư và liên kết chặt chẽ, bền vững với người dân trong việc trồng và chế biến cây dược liệu.

Hiện nay, Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân không chỉ trồng, thu mua mà còn xây dựng vườn ươm đạt tiêu chuẩn. Mỗi năm công ty cho ra thị trường khoảng 20 nghìn sản phẩm dược liệu các loại, tiêu thụ tại nhiều siêu thị lớn trên cả nước. Năm 2023, sản phẩm cà gai leo dạng bột hòa tan của Công ty An Xuân được UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, các vùng đất trồng cây dược liệu hiện nay tại địa phương trước kia chủ yếu trồng các loại cây như keo, bạch đàn. Đất có độ dốc lớn nên quá trình rửa trôi, bạc màu, thoái hóa nhanh. Việc Công ty An Xuân thực hiện quy trình cải tạo đất bằng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất có sức lan tỏa mạnh. Điều này giúp người trồng dược liệu thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây sẽ là điều kiện để địa phương thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến cây dược liệu để nâng cao thu nhập cho người nông dân

Bài viết in trên Tạp chí Cửa Việt số Chuyên đề 14, chủ đề Quà quê

VŨ NGUYÊN

Mới nhất

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

23/11/2024 lúc 14:15

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

11/12

25° - 27°

Mưa

12/12

24° - 26°

Mưa

13/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground