L |
à Đảng viên cộng sản lớp đầu, trưởng thành từ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, hoạt động cùng thời với các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh…, đồng chí lê Duẩn đã may mắn thoát khỏi lưỡi dao, họng súng của thực dân Pháp, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp của Đảng và của dân tộc, đến khi nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất, tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Lê Duẩn và Trường Chinh là hai đồng chí giữ chức Tổng Bí thư lâu nhất của Đảng ta. Cả hai đều làm việc bên cạnh Hồ Chí Minh cho đến lúc Người qua đời, cùng Người tạo thành hạt nhân trí tuệ lãnh đạo đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi trong hai thời kỳ lịch sử vẻ vang: Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, xây dựng nền móng đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Suốt 26 năm trên cương vị Tổng Bí thư, Lê Duẩn đã tỏ rõ là một nhà lý luận, một nhà chiến lược xuất sắc của cách mạng Việt Nam.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Lê Duẩn đầy chông gai, thử thách. Tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi, hoạt động ở khắp các miền đất nước và hai lần phải ở tù.
Sau khi trở về tù lần thứ nhất, Lê Duẩn lao ngay vào hoạt động cách mạng, cùng Nguyễn Chí Diễu, Phan Đăng Lưu và một số đồng chí khác, vận động khôi phục các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ. Từ năm 1937 đến 1939, đồng chí được cử làm bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, chỉ đạo mọi hoạt động của Đảng bộ và Mặt trận Dân chủ, sau đó, được cử vào Ban Thường Vụ trung ương, góp phần chỉ đạo phong trào cả nước. Tên tuổi Lê Duẩn cùng Phan Đăng Lưu, Võ văn Tần gắn liền với Hội Nghị Trung ương lần thứ 6 tháng 11 năm 1939 do Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng ta khi chiến tranh thế giới thứ hai vừa bùng nổ, tập trung mũi nhọn của cách mạng vào đế quốc và tay sai, chuẩn bị điều kiện trực tiếp cho cuộc đấu tranh giành chính quyền.
Sau thắng lợi các mạng tháng 8, từ nhà tù Côn Đảo trở về, Lê Duẩn lại lập tức tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ trên cương vị Phó Bí thư rồi Bí thư Xứ ủy. Năm 1051, Đại hội đại biểu toàn quốc lần II bầu đồng chí làm ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ chính trị. Là người lãnh đạo chủ yếu cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào ở Nam Bộ, Lê Duẩn cùng với Xứ ủy vận dụng những sáng tạo đường lối cách mạng dân chủ mới, chính sách đoàn kết dân tộc và tư tưởng chiến tranh nhân dân của Hồ Chí Minh, dựa hẳn vào nhân dân xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang và chính quyền cách mạng, đưa cuộc kháng chiến Nam Bộ từng bước tiến lên, trở thành một khúc ca hùng tráng bản anh hùng ca giải phóng Tổ quốc.
Tầm cao tư tưởng chiến lược và tính năng động, sang tạo vốn có ở Lê Duẩn được phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ chống Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng của phong trào cộng sản quốc tế nổ ra gay gắt, xung quanh con đường phát triển của cách mạng, nhiều vấn đề mới về lý luận được đặt ra với những người cộng sản. Mỹ triển khai chính sách dùng sức mạnh ngăn chặn cách mạng các nước, phát động chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta. Cùng Hồ Chí Minh Lê Duẩn và Bộ chính trị tập trung trí tuệ xác định đường lối chiến lược của chiến tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II), họp đầu năm 1959 và báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II, do Lê Duẩn là người chuẩn bị và soạn thảo là chủ yếu, đã đưa đến những nghị quyết có ý nghĩa lịch sử, giải quyết đúng đắn những vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Những kinh nghiệm chiến đấu phong phú của cách mạng nước ta, nhất là trong cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, cũng như những kinh nghiệm lâu đời của dân tộc ta, cả kinh nghiệm cách mạng các nước trên thế giới được tổng hợp vận dụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo, với tư duy độc lập, tự chủ, nhằm giải quyết những vấn đề chiến lược và sách lược của cuộc đấu tranh chống một thế lực xâm lược đầu sỏ. Cả nước giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền . Tiến hành chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mình là chính, bằng sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Toàn dân đánh giặc, khởi nghĩa và chiến tranh, quân sự chính trị và binh vận, nông thôn thành thị, miền núi và đồng bằng. Cả nước đánh giặc, tiền tuyến lớn và hậu phương lớn, mọi lực lượng đều được động viên để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, đánh lùi từng bước, kéo địch xuống thang từng bước, biết thắng từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, tự mình biết khởi sự, tự mình biết kết thúc. Chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta thực hiện trên thực tế một mặt trận quốc tế rộng lớn ủng hộ nhân dân Việt Nam chống sự xâm lược của Mỹ. Sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân của các tổ chức dân chủ quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của nhân dân ta. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, kế tục sự nghiệp của Người, Lê Duẩn và tập thể Bộ Chính trị đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc Di chúc của Bác Hồ.
Trong suốt quá trình làm Tổng Bí thư, Lê Duẩn luôn luôn suy nghĩ về việc khám phá một con đường tiến lên Chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình và những đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa của nước ta.
Tại Đại hội lần thứ III, Lê Duẩn nhấn mạnh điểm xuất phát của nền kinh tế nước ta là sản xuất nhỏ, đề ra đường lối cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là tiến hành một cuộc cải biến cách mạng về mọi mặt, kết hợp cải tạo với xây dựng, lấy xây dựng làm chính, đưa nền kinh tế từ nhỏ lên sản xuất lớn. Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chế độ làm chủ của nhân dân, tại Đại hội lần thứ IV Lê Duẩn trình bày bản phác thảo đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa cho cả nước trong thời kỳ quá độ, nhấn mạnh việc nắm vững chuyên chính vô sản và sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt, thực hiện công nghiệp hóa, phát triển đồng thời công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế và văn hóa.
Tại Đại hội lần thứ V, bước đầu phê phán tư tưởng chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ. Lê Duẩn trình bày và phân tích chiến lược kinh tế-xã hội cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, đề ra chủ trương điều chỉnh kế hoạch xây dựng công nghiệp, cơ cấu đầu tư; tập trung sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng, phát triển kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp; thể chất hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.
Cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp giải phóng của dân tộc và nhân dân ta là rất to lớn. Đồng chí nêu cho chúng ta tấm gương tư duy độc lập, tự chủ, tinh thần chủ động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn cũng như trong công tác lý luận. Những cống hiến phong phú của đồng chí Lê Duẩn góp phần quan trọng vào kho tàng di sản lý luận cách mạng Việt Nam.