Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một vùng quê bước qua nghèo khó

Có vị khách đầu tiên đến Đông Trường, tận mắt thấy điều kiện canh tác và cuộc sống của bà con ở đây đã phát hiện cảm tưởng:“Đông Trường là cái rốn nghèo của tỉnh Quảng Trị”. Nói thế e hơi quá, nhưng nếu nói Đông Trường nghèo nhất huyện Vĩnh Linh e không sai. Khi còn cơ chế bao cấp, cái đói đã thường trực trong nhiều hộ gia đình. Ngay như ông Nguyễn Tư, một đảng viên gương mẫu, một lão nông tri điền và là đội trưởng sản xuất đội II, lúc nào cũng hết lòng với công việc tập thể, thế mà sau mỗi buổi đi cày cho đội, ông thường bòn nhặt những mẫu sắn còn sót lại đem về hầm kỹ như hầm xương cho hết đắng rồi vợ chồng xì xụp với bát canh lá khoai lang, lúc nào cũng thèm cơm như con nhà khá giả lúc nào cũng thèm cao lương mỹ vị.

May sao chỉ thị 100, rồi khoán 10 đến, cũng như mọi miền quê khác người nông dân Đông Trường đua nhau khai hoang phục hóa, ra sức cấy lúa trồng màu. Sản phẩm làm ra không phải tập trung ở nhà kho, đợi có lệnh ở ban quản lý, hoặc ít ra đội trưởng đập kẻng mới được nhận. Khoán 10 đã thực sự đẩy cái đói ra khỏi phần lớn gia đình ở Đông Trường. Song cũng chỉ đẩy cái đói về màu, còn cái đói về thóc gạo thì xem chừng còn lâu mới khắc phục được.

Đông Trường là một trong 3 HTX thuộc xã Vĩnh Tú, xứ sở của loại dưa hấu thơm, ngọt nổi tiếng khắp vùng, và mít tiêu chè xanh um trên đất đỏ bazan màu mỡ. Song đó là hai hợp tác xã Thủy Tú và Thôn Tây bên cạnh, còn Đông Trường chỉ toàn là cát. Một thứ cát tím màu mực đen và sau mỗi mùa mưa, nước đọng thành vũng đỏ quạch như gạch cua.

Đông Trường có 170 hộ, 820 khẩu, canh tác trên tổng diện tích 42 mẫu ruộng cấy lúa và 63 mẫu đất trồng sắn khoai. Toàn bộ đều nằm trên đất cát bạc màu, chua phèn đó. Đã vậy, tầng canh tác chỉ độ 30-40 phân, còn phía dưới là loại đất đã kết vón, cứng như đá. Bạch đàn là loại cây thích nghi với mọi loại đất, thế mà ở đây bạch đàn không khác cây tràm là mấy cũng cong queo, khẳng khiu, cằn cỗi. Còn ruộng chỉ còn được hai loại giống cũ cao cây. Khi nước ngập, ngọn lúa dập dờn như chim én trên mặt nước. Khi nước rút, thân lúa chải rạp như rau muống lòng thòng.

        Hạt lúa của Đông Trường vì thế cũng khác với mọi nơi, nhọn như mũi mác, đầu lại có râu, dù sàng sảy mấy cũng “qua cầu gió bay”, nhập vào đâu cũng chẳng ai muốn nhận. Nhiều hộ đã phải bán lợn, bán gà để nộp thuế và trả nợ vật tư. Song dù tốt, dù xấu có thu hoạch được đã là khá. Cái đáng sợ hơn cả là sự thất bát hoàn toàn. Đông Trường ở vào đầu nguồn nước của hệ thống Bàu Nhím, cả ba phía Bắc-Tây-Đông đều là những trảng cát thoai thoải. Đông Trường lọt vào giữa như một cái túi, chỉ cần mưa từ năm bảy ngày là nước từ ba phía đổ về, dìm phần lớn diện tích vào trong biển nước. Tệ hơn, nước vào không có đường ra, bởi nạn cát đùn, cát lấp làm tắc nghẽn mọi đường tiêu úng. Năm nào Đông Trường cũng bỏ ra trên dưới 3.000 công để khắc phục nạn cát lấp này. Song việc khắc phục lắm bận chẳng khác gì dã tràng xe cát. Nghĩa là sau mỗi vụ cấy gặt Đông Trường huy động lực lượng hạ cây, vạt nọc, chặt bối, gánh cát, đầm nện hàn khẩu những chỗ dễ vỡ buộc dòng chảy theo ý muốn con người. Thế rồi sau mỗi trận lũ sáng ra hàng trăm gánh bối, hàng chục khối cát vừa đắp xong đã đi tông.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Duệ, nguyên cán bộ lãnh đạo của một ngành kinh tế tỉnh cũ Bình Trị Thiên. Anh đã từng đi đây đi đó, mắt thấy, tai nghe không ít gương làm ăn giỏi. Trở về địa phương anh hăm hở đem sức lực và  hiểu biết cuả mình cùng HTX đưa bà con thoát khỏi cảnh nghèo đói. Anh trực tiếp liên hệ với trường lái xe Quảng Trị sửa sang lại đường sá. Anh huy động nhân tài vật lực trong HTX nâng cấp trường phổ thông, xây dựng tuyến đường dây truyền thanh…Hưởng ứng cuộc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng con nuôi, anh hô hào bà con thả cá, tận dụng đất trồng cây lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi lợn trâu, bò…mọi khả năng anh đưa ra thì đã hết mà kết quả đem lại chẳng được bao nhiêu chung quy cũng chỉ vì thiên nhiên quá khắc nghiệt, vì quá nhiều những điều kiện cần thiết để khắc phục.

Bao lần anh chạy đôn chạy đáo, nhưng mọi nguồn vay nhà nước không mỉm cười với anh. Vì Đông Trường làm gì có cái thế chấp. Ngay cả tài sản đáng giá nhất của HTX  cũng chỉ có một đoạn đường dài 2km đổ cấp phối và một ngôi nhà làm việc ba gian, mái ngói, tường xây. Còn nhà dân đa số là túp lều như nhà chị Dậu.

Song, đó là chuyện năm ngoái, năm kia, còn bây giờ về lại Đông Trường, bằng giọng hóm hỉnh chủ nhiệm Nguyễn Văn Duệ đã vui vẻ cho chúng tôi biết:

- Ngân hàng đã hết quay lưng lại “cái rốn nghèo” của Quảng Trị này rồi. Cách đây 3 tháng, Đông Trường đã được vay 50 triệu đồng thuộc quỹ cho vay ưu đãi người nghèo.

- Có thế chứ - chúng tôi nói- Thành thật chia vui cùng anh, mặc dầu 50 triệu đối với anh như muối bỏ biển.

- Đúng vậy- Anh đáp, nhưng một miếng khi đói bằng một gói khi no. Và quan trọng hơn cả là ngân hàng đã tin chúng tôi. Đã bỏ qua những điều kiện bắt buộc, xóa đi trong bà con những mặc cảm nghèo nàn thua thiệt đè nặng bấy lâu nay. Như để chứng minh cho lời mình nói anh hăm hở dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ vừa được vay vốn ngân hàng. Hộ đầu tiên chúng tôi đến là hộ anh Lê Văn Ngạn ở đội sản xuất số 1. Với hai vợ chồng và 3 đứa con, đứa lớn nhất đang học lớp 8, đứa nhỏ nhất mới vào lớp 1. Được vay 1,5 triệu anh mua một bò cái và xây ba ô chuồng lợn cao ráo tiện lợi. Một ô dành nuôi lợn nái, có hố ủ phân, có rãnh thoát nước, dẫn ra một hố ao mới đào. Tuy nhà cửa còn tạm bợ sơ sài nhưng nhìn cơ ngơi bên ngoài đã có một vài dấu hiệu khởi sắc. Nhất là ba con lợn choai, một nái hai đực, con nào cũng ủn ỉn, con bò cái thì da trơn lông mượt, mang cái bụng lặc lè báo hiệu sắp cho chủ nhà một chú bê con…

Được hỏi về cảm nghĩ khi được vay vốn, Lê Văn Ngạn ấp úng trả lời: - Cái nghèo là cái nhục. Người nghèo chúng tôi muốn vay năm bảy trăm ngàn cũng đã khó. Nhưng nay ngân hàng đã tin tưởng cho chúng tôi vay mà không cần thế chấp. Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho đồng tiền sinh lời…

Từ bếp xách ấm chè vừa mới đun đi lên, tiếp mời khách chị vợ tiếp lời chồng:

- Em nghĩ chỉ cần hai lứa lợn con và 1 tạ lợn thịt là chúng em hoàn được nợ cho ngân hàng. Chưa kể đến con bò cái sắp đẻ. Nếu ngân hàng cho vay tiếp, chúng em sẽ nối thêm chuồng lợn thường xuyên có hai lợn nái, mua thêm con bò cái nữa gửi cho cậu các cháu bên Vĩnh Chấp nuôi lấy “Rẹ”.

Sợ chúng tôi không hiểu lấy “rẹ” nghĩa là gì, anh Duệ giải thích:

- Lấy rẹ tức là bê nghé được sinh ra thì năm đầu chủ bò được hưởng, năm sau đến lượt người chăn. Cứ thế đến lúc nào bò hết sinh sản hoặc thời gian dài ngắn bao lâu do hai bên thỏa thuận..

Tạm biệt vợ chồng anh Ngạn, chúng tôi qua nhà thím Nguyễn Thị Nghĩa ở đội sản xuất số III. Nhà thím có năm người, nhưng chỉ có ba lao động. Thím cũng được vay 1,5 triệu đồng. Có vốn thím bàn thêm với các con bán thêm lợn gà mua liền hai trâu cái, vừa cày kéo, vừa sinh sản. Lúc chúng tôi đến thím đang đổ cỏ cho con trâu sắp đẻ ăn thêm. Các con thím đã ra đồng từ sớm. Âu yếm nhìn con trâu nhai cỏ ngon lành, thím nói như khoe:

- Tuy là trâu cái nhưng ả này kéo cũng hăng, cày cũng giỏi. Có lẽ vì thế nên chủ cũ của nó khai thác quá mức. Khi vừa mới mua về xương sườn đếm được từng chiếc, chứ có mô được như chừ.

- Vốn vay đã hơn ba tháng, thím có ước tính lời lãi gì không? Chúng tôi hỏi.

- Lãi qúa đi chứ.Thím trả lời.- Mấy chú tính, chỉ riêng con trâu này hai tháng nữa có thêm một nghé, còn mẹ nó vẫn y nguyên. Đó là chưa kể con trâu kia, vài tháng nữa cũng cho phối giống và chẳng bao lâu hai trâu thành bốn.

- Ngân hàng cho thím vay thêm mười triệu thím vay không? Nếu vay thì thím sẽ làm gì?

Thím Nghĩa cười phô hàm răng đen nhánh, làm rạng rỡ khuôn mặt đầy nếp nhăn vốn xưa rất có duyên:

- “Dưng” mà vay nhiều tôi không dám mô. Vì chưa biết làm chi hơn. Với chúng tôi trước mắt chỉ cần vài ba triệu là đủ. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ mấy chú ạ!

Trở lại trụ sở làm việc của HTX, anh Duệ và các anh trong ban quản lý Đông Trường cho biết: Sau khi nhận được chủ trương ngân hàng có quỹ  cho vay ưu đãi hộ nghèo xã tiến hành khảo sát thống kê nắm chắc đối tượng, thành lập các tổ tương trợ tín chấp thông qua hộ nông dân. Riêng Đông Trường đợt đầu 40 hộ với 50 triệu đồng trong tổng số 170 triệu của toàn xã. Hết thảy bà con đều sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đại bộ phận mua trâu, bò, lợn,  xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá…

Sáng hôm sau 7/6/1995, Trần Tư Phú giám đốc ngân hàng nông thôn Vĩnh Linh trực tiếp mời chúng tôi về xã Vĩnh Trung đự lễ khai trương chi nhánh ngân hàng nông nghiệp cấp 4. Trần Tư Phú với chúng tôi là chỗ thân quen từ ngày anh còn là một cán bộ tín dụng xã và là một cộng tác viên tích cực của báo Thống Nhất khu vực.

Về Vĩnh Trung, đây là một trong ba chi nhánh của ngân hàng Nông  nghiệp Vĩnh Linh được ngân hàng Nông nghiệp Quảng Trị cho xây dựng theo mô hình tổ chức mới, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả  khu vực kinh doanh tiền tệ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Chiều hôm đó làm việc với Phùng Thị Lạc - Phó phòng kinh doanh ngân hàng nông nghiệp Vĩnh Linh, chúng tôi mới biết một cách khá tường tận những gian nan vất vả của người cán bộ ngân hàng trong kinh doanh và phục vụ, cũng như kết quả to lớn mà ngân hàng đã đạt được trong mục tiêu góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng giàu đối với nhân dân và cán bộ trên địa bàn.

Riêng cho vay ưu đãi hộ nghèo, toàn huyện được triển khai thành hai đợt vào tháng 4 và tháng 9/1995 gồm 4 xã đồng bằng và 3 xã miền núi với tổng số vốn 700 triệu đồng.

Nghe nói lần đầu tiên cầm được tiền vay của ngân hàng, nhiều bà con phấn khởi cảm động lắm. Có người rơm rớm nước mắt, nhất là một số bà con Vân Kiều ba xã miền núi: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Cán bộ tín dụng đã trèo đèo lội suối đến từng bản làng, từng hộ nông dân, giảng giải cho bà con rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước tạo vốn để bà con có điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi làm ra sản phẩm có ăn, có dự trữ phòng khi thiên tai đau ốm. Phần lớn bà con được vay đều thực hiện định canh định cư bằng việc trồng cây lúa, trồng màu, nuôi trâu, nuôi lợn, không phá rừng làm nương rẫy nữa.

Để đồng vốn không những đến tận tay người nông dân mà còn phát huy tốt hiệu quả, tránh mọi sự rủi ro thất bát, người cán bộ tín dụng phải hiểu đầy đủ tường tận từng hoàn cảnh cuộc sống, trình độ sản xuất kinh doanh và thậm chí cả tính cách của từng đối tượng muốn được vay… Nếu không đồng vốn của ngân hàng có thể tiếp tay cho kẻ nghiện rượu, đánh bạc tiêu xài hoang phí gây thêm tiêu cực cho xã hội.

Tệ hơn nữa là ở Vĩnh giang có đối tượng vay 2 triệu đồng, vất vả lắm ngân hàng mới thu lại được 1.420.000 đồng, còn 580.000 đồng thì đang đêm cả nhà bỏ trốn…Ở Vĩnh Linh có đến 4-5 trường hợp như vậy.

Chức năng nhiệm vụ của ngân hàng là vay để cho vay. Do đó ngân hàng vừa là chủ nợ vừa là con nợ.

Đồng chí Tạ Nghi Lễ chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung đại diện cho cán bộ nhân dân trong xã nói lên cảm tưởng của mình trong buổi lễ khai trương chi nhánh ngân hàng nông nghiệp Vĩnh Hoàng.

- Huỳnh công chúng tôi từ chỗ trước đây có 40% số hộ thiếu đói. Mấy năm nay nhờ có vốn ngân hàng mà diện đói nghèo chỉ con 5%. Và cũng nhờ vốn ngân hàng mà quê chúng tôi bao đời tăm tối thì nay đã có điện thắp sáng, có các phương tiện để nghe nhìn…Còn đồng chí chủ tịch UBND huyện thì khẳng định:

- Để có điện cho 19/21 xã trong toàn huyện, huyện đã bỏ ra 20 tỷ đồng, dân góp 15 tỷ…nếu không có đồng vốn của ngân hàng tác động vào thì hơn nửa số hộ chỉ lo đủ ăn khó nói chi đến một khoản tiền khá lớn để đóng góp xây dựng các công trình.

Góp phần xóa đói giảm nghèo thì đã quá rõ nhưng còn góp phần tăng giàu thì sao? Không trả lời thẳng vào câu hỏi này, chị Phùng Thị Lạc giới thiệu chúng tôi về xã Vĩnh Lâm, một trong những đơn vị có quan hệ mật thiết với ngân hàng. Nơi đây có nhiều làng mạc trù phú, đồng ruộng tươi tốt, là một trong những vựa lúa của toàn huyện.

    Chủ tịch xã Lê Văn Thử tiếp chúng tôi ngay tại nhà anh. Một ngôi nhà mái đổ bằng khang trang, với đầy đủ tiện nghi đặt tiện nghi đắt tiền không thua kém gì một gia đình khá giả ở đô thị. Anh cho biết chỉ sau năm năm chuyển đổi cơ cấu từ chỗ quanh năm đầu tắt mặt tối cái ăn cái mặc nay Vĩnh Lâm đã có nhiều biến đổi đáng kể. Trong số 1.016 hộ thì đã có 207 hộ giàu và khá, 499 hộ trung bình chỉ còn 310 hộ có khó khăn, số này có đối tượng là chính sách neo đơn Nhà nước và địa phương đang phải thường xuyên quan tâm giúp đỡ.

- Ở Vĩnh Lâm, mức thu nhập hàng năm bao nhiêu thì được các anh xếp vào loại hộ giàu? Chúng tôi hỏi:

- Bình quân 25 triệu - anh đáp - Đó là nói bình quân. Còn cá biệt có nhiều hộ cao hơn. Nhất là số sản xuất kinh doanh tổng hợp, từ trồng trọt chăn nuôi, đến dịch vụ thương nghiệp, dịch vụ cơ khí.

Đoạn anh tâm sự:

- Kể ra nếu không có vốn vay ngân hàng hỗ trợ lúc ban đầu thì có lẽ  chúng tôi không có cách gì phát triển lên được. Ngay như tôi đã vay 12 triệu, mua một máy vừa vận chuyển vừa làm đất, mở mang chuồng trại. Mỗi năm xuất bán 40 con lợn giống, một tấn lợn thịt hơi và trên ba triệu tiền bán rau quả. Nhờ đó không chỉ hoàn trả xong nợ ngân hàng mà tôi còn mua sắm tivi, xe máy, và các vật dụng trong nhà như anh thấy. Rồi anh kể ra trong chục hộ trong HTX Lâm Đặng của anh, nhờ có vốn vay ngân hàng mà có hộ sản xuất kinh doanh giàu lên nhanh chóng như hộ anh Thảo, một bệnh binh từ chỗ vay anh nuôi cá giống rồi tiến lên chăn nuôi tổng hợp vừa cá, vừa lợn. Mỗi năm anh thu lại trên bảy triệu đồng, nay anh cũng mua sắm được xe máy, tivi.

- Hộ anh Lực trước đây nợ liên miên, nhờ có hai triệu ngân hàng cho vay, anh mua một thuyền máy khai thác cát sạn, nay không những đã trả xong  nợ mà còn xây được nhà kiên cố. Hoặc hộ anh Long vay 2 triệu vừa nuôi cá, vừa dịch vụ phân bón nay cũng có nhà cửa khang trang và sắm được cả xe máy, ti vi

Đặc biệt hộ anh Hoàng Văn Biêu với 4 triệu vay ngân hàng anh mạnh dạn phối hợp với vốn trồng rừng PAM trồng 2ha cao su, 3 ha bạch đàn thu hút trên 5 lao động, góp phần xây dựng vùng kinh tế mới bắc cầu Bến Hải...       Cũng chính nhờ ăn nên làm ra nên số dư nợ của Vĩnh Lâm mỗi năm mỗi tăng. Chẳng hạn năm 1993: Vĩnh Lâm vay 160 triệu, năm 1994: 190 triệu, thì năm 1995 lên đến 350 triệu.

Có nguồn vốn này mà Vĩnh Lâm đã tạo ra hiệu quả lớn trong sản xuất kinh doanh, đưa được điện lưới quốc gia về sớm nhất huyện. Đổ 27 km đường cấp phối, xây dựng 12 phòng học cấp 4 và 8 phòng học kiên cố hai tầng. Một xã chỉ có hơn nghìn hộ đã có trên 310 máy radio, 200 cetsat. 170 tivi và đầu vidio, 29 xe máy: 36 chiếc máy xay cát, chế biến thức ăn chăn nuôi, 9 máy làm đất và vận chuyển, 18 máy tuốt lúa động cơ, 12 thuyền máy khai thác và vận chuyển cát sạn…

Hai hôm sau gặp lại chủ nhiệm Nguyễn Văn Duệ HTX Đông Trường tại một cuộc hội nghị của huyện, tôi đem những thông tin này kể lại với anh, chủ nhiệm Nguyễn Văn Duệ nói:

- Điểm xuất phát của Vĩnh Lâm khác, của chúng tôi khác. Vì điều kiện quá khó khăn chúng tôi không có tham vọng gì nhiều. Nhưng dẫu sao với những vốn được vay ban đầu sẽ là chất xúc tác tiếp sức cho bà con chúng tôi mở hướng đi lên. Hy vọng rồi đây nếu ăn nên làm ra thì chắc chắn việc vay vốn không mấy khó khăn. Lúc đó chúng tôi sẽ biến 10 ha ruộng sâu trũng cấy lúa bập bênh sang nuôi cá, nuôi vịt siêu trứng, và phát triển mạnh cây dừa, vừa cải tạo môi sinh vừa lấy quả, vừa làm đẹp cảnh quan thôn xóm. Chúng tôi còn dự định một chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi ba ba, nuôi rắn ở Long Hưng - Hải Lăng để về tổ chức cho một vài hộ có điều kiện nuôi thử. Biết đâu đây cũng là một hướng tích cực.

Nắm chặt tay Nguyễn Văn Duệ, tôi chúc anh sớm thực hiện được điều mình mong muốn. Trước mắt tôi cánh cửa để Đông Trường bước ra khỏi đói nghèo như đã hé mở.

N.V.T.

Văn Tuyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 14 tháng 11/1995

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

11 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

15 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/02

25° - 27°

Mưa

08/02

24° - 26°

Mưa

09/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground