Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa dưa quê tôi

T

ôi vốn xuất thân là con nhà nông chính gốc. Sinh ra sau lũy tre làng. Tuổi thơ tôi lớn lên nhờ dòng sữa mẹ chắt chiu từ củ sắn củ khoai, quả dưa con cá con tôm của đồng ruộng quê nhà. Tâm hồn ôi được nuôi dưỡng từ những bài ca dao mẹ hát đưa nôi trong những trưa hè đổ lửa hay trong những đêm đông bên bếp lửa cha ngồi. Để rồi trưởng thành ra đi, nỗi nhớ diết da về quê hương bao giờ cũng là nỗi nhớ mẹ cha đang ngày đêm dầm mưa dãi nắng, không quản gió sương miệt mài trên đồng ruộng. Nỗi nhớ gửi vào cành cây, ngọn cỏ quê nhà với bao hoa thơm trái ngọt mát lành nuôi ta lớn lên từ thuở ấy.

Quê hương tôi nghèo, nghèo lắm. Dãi đất miền Trung khốn khó, quanh năm mưa gió bão lụt. Thiên không thời, địa không lợi, chỉ có con người chịu khó chịu thương, hay lam, hay làm, chắt chiu, cần kiệm. Trên những vùng đất bạc màu, những vùng cát trắng, người dân quê tôi đã biết ký thác gửi gắm tình yêu vào đất để được hoa trái ngọt lành. Dẫu qua bao thăng trầm vất vả, đã có lúc đất không phụ người, cho những mùa cây trĩu quả. Nếu ai đã từng nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng, một vùng đất đầu cầu giới tuyến Vĩnh Linh hẳn còn nhớ chuyện một quả dưa có hàng trăm con quạ chui vào, ngồi bắt giết mãi mà không hết. Có những quả dưa sau khi ăn xong, người ta lấy vỏ làm thuyền bơi sang bàu Thủy Ứ hái củi, đánh cá... Có thế mới biết dưa quê tôi quả to đến nhường nào. Người quê tôi gọi dưa hấu bằng cái tên: Dưa Đỏ, gọi đúng với bản chất của nó không chút màu mè. Đó là cái chân chất mộc mạc của những người nông dân thật thà, chất phác, một nắng hai sương.

Để có một vườn dưa trĩu tràng trái chín, người dân quê tôi đã phải vất vả biết bao. Khoảng tháng 1 - 2 âm lịch, khi ăn tết xong, cả làng tôi dọn đất ở bãi cát vừa mới nhổ sắn hoặc bới khoai xong. Kinh nghiệm của cha ông, đất làm dưa phải được luân canh, thay đổi cây trồng, vừa chống được sâu bệnh, vừa xốp đất, vừa tăng chất dinh dưỡng. Vì thế mà ở cùng một xã, nhưng dưa ở vùng Thôn Tây thì quả lại to, đỏ hơn các vùng khác. Tất nhiên ngoài yếu tố đỏ ra, còn nhiều yếu tố khác nữa như chọn giống, trỉa quả, chăm sóc, phân bón... Nghề làm dưa vất vả và  tốn nhiều công sức bởi phải trải qua rất nhiều công đoạn. Công việc đầu tiên là san bằng đất và vét dằm, tức là khoanh tròn từng vòng rộng như cái nong, vét sâu xung quanh để bỏ phân, lá cây nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, đồng thời làm xốp đất. Giữa phần dằm, người ta tạo ra một hình chữ thập để gieo hạt. Hạt trước khi gieo phải ngâm cho nảy mầm rồi mới dặm vào dằm.

Khi cây lên thì tỉa dần chỉ để lại mỗi dằm khoảng 3 cây. Làm thế cây sẽ khỏe mạnh, không sâu bệnh, mau lớn, và mỗi cây chỉ nuôi một quả nên quả dưa Vĩnh Tú bao giờ cũng có trọng lượng từ 5 kg trở lên. Khi dưa đã bò dài ra một đoạn thì bắt đầu cùi cây, chừa trái, mỗi động tác đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ từng tí một. Có thể nói rằng để có một quả dưa đủ tiêu chuẩn làm vừa lòng người thưởng thức, trên ruộng dưa người dân quê tôi phải đổ không biết bao nhiêu công sức mới có được. Tôi còn nhớ mãi cảnh mẹ tôi vào mỗi vụ làm dưa phải đi hàng chục cây số sang tận các xã lân cận để bứt lá ngấy, một loại lá có nhiều gai nhọn, thân dài. Bón nó cho dưa, khi chín dưa sẽ đỏ hơn, ngọt sắc hơn. Với đôi găng tay bằng vải qua mấy mùa dưa đã rách ngược rách xuôi. Mẹ cứ cắm cúi bứt cho đến khi đầy hai sọt to, mặc cho gai cào hai tay rớm máu. Đến trật chiều mẹ gánh bổi ngấy về, chiếc đòn gánh oằn cong như cánh võng trên đôi vai gầy nhưng mẹ chẳng bao giờ ca thán một lời mà chỉ tâm niệm một điều: có bổi tốt, dưa nhà mình sẽ to, sẽ ngon, sẽ bán được nhiều tiền để nuôi các con ăn học! Bây giờ cuộc sống đã khác xưa. Mẹ tôi đã già đi nhiều, đôi chân gầy guộc nhăn nheo ghi dấu một thời khó nhọc nay đã run run, bước đi không nhanh được nữa. Những giọt mồ hôi thánh thót rơi từ trên khuôn mặt mẹ năm nào cứ hằn sâu trong trí nhớ, để mỗi khi nghĩ về mẹ, lòng lại thấy xót xa thương nhớ vô cùng. Bổi mẹ tôi bứt về được cha cẩn thận nâng niu từng cọng lấp dần để nuôi cây. San bằng mặt đất để dưa có thể bò ra ngoài dằm và phát triển. Đây là giai đoạn tốn nhiều công sức nhất và cũng là lúc dưa mau lớn nhất. Lúc này cha tôi và những người đàn ông trong làng suốt ngày ngoài vườn dưa. Phụ nữ và trẻ em lên rừng để chặt cây lá đẻ, loại cây có lá dày và lâu rụng về che nắng cho quả dưa. Đồng thời chặt tre chẻ que kè. Khi quả dưa đã to chừng một kg thì bắt đầu cắm lá và gạt một lớp đất dày kê quả dưa lên. Làm như vậy vừa tạo được độ thoáng cho dưa vừa có tác dụng chống kiến, sâu bọ đục hỏng quả. Có lẽ không ở nơi đâu trồng dưa kỳ công, tỉ mỉ như ở quê tôi. Khoảng hai tháng sau vườn dưa bắt đầu chín rộ. Kể cũng lạ, giống dưa gieo vào đầu xuân, giữa hè thì chín. Trong những ngày nóng bức, gió lào ràn rạt thổi, những quả dưa vẫn ngồn ngộn thách thức nắng gió nằm giữa vạt cát bỏng rát để tự mình tích tụ những tinh túy ngọt lành từ trong đất, trong cây dâng hiến cho đời hương vị ngọt ngào, tươi mát nhất. Giữa trưa hè oi nồng, mẹ bổ quả dưa ra, ruột đỏ mỡ màng, ướt rượt, óng ánh tinh đường chưa ăn đã thấy dễ chịu và cắn một miếng mát đến tận tim gan, giải tỏa hết cái nắng bức bí của thời tiết, xoa dịu mọi nỗi  nhọc nhằn vất vả của tháng năm.

Tôi về thăm nhà vào đúng giữa mùa dưa, thời điểm bận rộn và vui nhất trong năm. Vào đến con đường nối thị trấn Hồ Xá với Vĩnh Tú, tôi đi thật chậm để ngắm nhìn, để chiêm ngưỡng hình hài quê hương đang vươn rộng, vươn dài bởi một màu xanh của lúa, của khoai, lạc và của những ruộng dưa. Đi trên cánh đồng quê tôi cứ hít hà mãi không khí trong lành, mát rượi, mùi thơm của hương hoa, cỏ, lúa quê nhà cùng hòa quyện với gió biển khiến tôi ngây ngất như say. Một phần tuổi thơ tôi dường như đang còn đâu đó trên cánh đồng làng, trên ruộng khoai hay trên bờ cát. Qua cánh đồng làng một quãng đã đến vườn dưa. Những quả dưa to tròn, xanh thẳm ẩn mình dưới những chùm lá đã cháy khô vẫn không dấu nổi sự ngạo nghễ, căng đầy, hứa hẹn một mùa bội thu, một mùa dưa chất lượng. Có chứng kiến sự tàn khốc của thiên nhiên, nắng nóng gió lào vùng cát trắng, sự cằn khô của đất đai mới hiểu hết sự vất vả nhọc nhằn, chịu thương chịu khó, lẫn sự thông minh của người dân quê trước những vườn dưa trĩu quả. Đã có biết bao nhiêu câu chuyện bên lề quả dưa đã trở thành huyền thoại. Một chút hài hước để cười, để vui, để xua đi bao nỗi khó nhọc. Một chút tự hào, vui sướng trước những thành quả lao động đêm ngày. Chẳng có ở nơi đâu, vỏ quả dưa dùng để làm thuyền, một quả dưa quạ chui vào hàng trăm con bắt không hết, dưa ăn xong khoét vỏ, lợn tạ chui vào trốn nắng tìm mãi không ra, chỉ có dưa quê tôi mới có những huyền thoại như thế. Huyền thoại nhưng ai cũng tin, ai cũng thích, ai cũng muốn nghe để được cười thoải mái.

Nhìn những chuyến xe chở dưa xuôi ngược trên đường tôi sung sướng biết rằng giờ đây người dân quê tôi đã được giải phóng sức lao động rất nhiều. Ngày xưa khi dưa chín, phương tiện chủ yếu là đôi quang gánh trên vai, kĩu cà kĩu kịt leo dốc, lội truông toát mồ hôi hột, gánh dưa ra đến chợ chỉ muốn bỏ dưa ra mà ăn cho lại sức. Rứa mà không ai làm điều đó, ai cũng ngồi kì kèo cho đến khi được giá mới thôi. Bây giờ mọi thứ đã khác xưa rồi, không ai gồng gánh nữa, xe đạp, xe máy theo đường thẳng ra tận chợ bán lại nhanh vì dưa vừa to, vừa ngon, giá cả lại vừa phải. Hơn nữa, cơ chế thị trường cũng đã len vào tận ngóc ngách xóm làng. Có những tư nhân đem cả xe ô tô vào tận vườn để mua. Tuy nhiên giá mua quá rẻ: 800đ/kg. Có người bán, có người không vì vốn tính chắt chiu, cần kiệm, chỉ cần chịu khó một chút đem ra chợ ngồi bán, thu nhập sẽ tăng lên một ít, bỏ công chăm sóc hàng tháng trời. Anh Hùng chủ một vườn dưa nói với tôi:

- Làm dưa tính ra không có lãi đâu chị ạ, bởi vì công sức mình bỏ ra quá nhiều. Tất nhiên một sào thu từ 2-3 triệu đồng cao hơn nhiều so với trồng khoai, sắn nhưng tính đằng thằng ra thì có khi lỗ nữa. Suốt ngày đêm hầu như không có mặt ở nhà vào mùa dưa. Thật vậy, dọc đường đi tôi để ý trong những vườn dưa có các chòi nhỏ đủ kê một chiếc giường tre. Đó là nơi cho các ông chủ vườn dưa ngả lưng trong những phút giây mệt mỏi, và cũng là nơi canh giữ phòng bọn trộm dưa ban đêm. Tuy vậy giữ dưa cũng có những thú vui riêng của nó. Đêm đêm ngoài những lúc căng mắt ra nhìn xem có ai rình mò dưa nhà mình không? Còn có những lúc lim dim ngủ, gió mơn man mát rượi thổi tứ phía, không khí trong lành, thoáng đãng. Áp tai xuống đất nghe như đâu đây, đất đang nảy nở, sinh sôi. Những hơi ấm thân quen, nồng nàn từ đất tỏa ra làm ấm áp tình người. Những quả dưa căng tròn ngồn ngộn đang trở mình lớn lên không phụ công người chăm bóm. "Hữu xạ tự nhiên hương" đi đâu, ở đâu nói đến dưa là người ta nghĩ ngay đến dưa Vĩnh Tú. Là người con xa quê, xa nghề trồng dưa đã lâu nhưng nếu có ai đó bảo tôi chọn một quả dưa Vĩnh Tú trong hàng ngàn quả dưa ở vùng khác, tôi sẽ chọn ra ngay. Bởi dưa quê tôi với màu sắc như thế, cân nặng như thế, hương vị đặc sắc như thế không thể lẫn lộn với bất cứ vùng dưa nào khác. Có thể do cách trồng dưa ở vùng quê tôi khác những nơi khác, kỳ công và đầy kinh nghiệm do tích lũy từ bao đời, từ khâu chuẩn bị đất cho đến khi dưa chín, phải có sự tính toán kỹ càng, trí nhớ chính xác đến mức quả nào chín trước, chín đỏ như thế nào. Nên mua dưa Vĩnh Tú, bạn sẽ không sợ chưa đỏ, chưa ngon, nó bao giờ cũng chiếm vị trí độc tôn trong lòng người thưởng thức. Không thỏa mãn với những gì mình đã có, người dân quê tôi luôn tìm tòi thêm nhiều giống mới ở miền nam đem về gây giống lai tạo. Một mặt duy trì, bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của quê hương, mặt khác biết làm phong phú, đa dạng nghề truyền thống bằng cách đưa những giống tốt vào sản xuất. Điều đó mở ra một hướng mới cho nghề trồng dưa ở quê tôi. Làm sao để người dân khi vào vụ dưa đỡ vất vả, nhọc nhằn. Đầu tư vừa phải nhưng có năng suất cao, thu nhập lớn. Những năm gần đây, cuộc sống của người dân nói chung và nghề trồng dưa nói riêng đã đỡ vất vả nhiều. Những công việc nặng nhọc như ngày xưa không còn đè nặng lên đôi vai các mẹ, các chị. Bây giờ muốn đi bứt bổi cũng không phải đi bộ xa như trước nữa, phân bón thì nhiều loại trên thị trường có chất lượng tốt, đa dạng, loại nào bón cho lá, loại nào cho quả là có ngay, không khan hiếm và khó mua như ngày xưa. Nhìn những vườn dưa trĩu quả, những khuôn mặt xạm đen vì gió vì nắng nhưng sáng ngời niềm tin trong ánh mắt của người dân quê tôi. Tôi hiểu khó khăn vất vả còn nhiều, nhưng với sự hỗ trợ của khoa học, với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp cùng với con người quê tôi thông minh, cần cù, chịu khó nhất định sẽ vượt qua được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tự giải phóng sức lao động cho mình, bắt những vùng cát trắng, những vùng đất khô cằn, bạc màu phải đơm hoa kết trái. Giữ gìn và phát huy nét đẹp nghề truyền thống của quê hương để mãi mãi lưu truyền và dâng hiến cho đời nhiều hương thơm và quả ngọt.

Còn với tôi, tôi muốn nói với những ai chưa từng đến quê tôi, xin hãy một lần đến để hiểu và cùng thưởng thức, dù chỉ một lần thôi để rồi mà nhớ mãi.

                                                                                             T.T.H

Trần Thị Hương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 71 tháng 08/2000

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground