Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa xuân An Lạc

An Lạc xưa là ngôi làng nhỏ nhắn hiền hòa bên sông Hiếu, nổi tiếng có nghề trồng hoa bán đi khắp Quảng Trị. Cho đến nay, khi đã trở thành một khu phố của thành phố trẻ năng động Đông Hà, vùng đất này vẫn ấp ủ trong những vườn tược nét quê kiểng thân thương và bình yên của một thôn hoa đượm ngát mỗi khi xuân về Tết đến.

Chợ hoa An Lạc bên bờ sông Hiếu - Ảnh: Thanh Thoan

Chợ hoa An Lạc bên bờ sông Hiếu - Ảnh: Thanh Thoan

Ở xứ sở thiên nhiên khắc nghiệt nắng nẻ mưa dầm trời hành cơn lụt mỗi năm, có được một làng hoa như An Lạc cũng kỳ diệu lắm. “An Lạc” chiết tự có nghĩa là yên ổn vui vẻ. Và tôi mãi nhớ rằng ở đấy tôi đã sống những năm tháng tuổi học trò gắn bó nhiều kỷ niệm trìu mến với Phượng, cô bạn gái thân thiết học cùng lớp, ngồi chung bàn suốt ba năm chúng tôi cùng học cấp ba ở Đông Hà.

Nhà Phượng ở An Lạc, có một dung đất ven bờ sông chuyên để trồng hoa, mẹ Phượng ngồi bán hoa ở đầu cổng chợ Đông Hà. Thời kỳ học chung, vì nhà tôi xa trường, Phượng vẫn hay rủ tôi về nhà bạn ở lại buổi trưa, mẹ bạn đã vui vẻ nấu cho tôi những bữa cơm có món canh rau tập tàng trong vườn nhà. Bà còn hay để dành cho tôi những quả ổi chín, mấy trái mãng cầu thơm ngọt, mấy trái chanh bà hái từ cây trồng quanh vườn sau. Ngoài trồng những cây ăn trái, trong sân nhà Phượng tôi nhớ còn có một phần đất mặt tiền không rộng, dù vậy trồng nhiều loại hoa nho nhỏ trông rất đáng yêu: Hoa thược dược, hoa đồng tiền, hoa tiểu cúc, hoa mào gà, hoa hồng bản địa... Bao quanh vườn là hàng chè tàu được xắp thẳng tắp, giữa sân là gốc mai cổ thụ mùa xuân hoa nở rộ vàng rực cả một mảnh trời. Đến gần Tết tôi còn thấy ba Phượng trồng thêm mấy chậu hoa vạn thọ, hoa lay ơn và lụi cụi chăm sóc các cây hoa để chắc chắn chúng sẽ nở nhiều và đẹp đúng Tết. Được chăm chút kỹ, khu vườn trông luôn sạch và thơm mùi trái, mùi hoa. Từ nhỏ tôi vẫn luôn ao ước có một mảnh vườn nho nhỏ phủ đầy hoa trái như thế.

Ai từng ghé thăm làng An Lạc sẽ thấy những ngôi nhà ở đây đa phần được xây cất giữa những khu vườn, có sân rộng để đặt chậu cảnh và trồng hoa. An Lạc được phong danh là làng hoa, nên hoa là thứ không bao giờ thưa vắng. Ngoài những nương đất chuyên trồng hoa để bán, thì mỗi nhà dù giàu hay nghèo đều tạo lập một mảnh vườn, ở đó họ trồng các giống cây hoa ngắn ngày mảnh mai. Trước là để dâng cúng thần linh, tổ tiên, sau là để trang trí nhà cửa. Sống chủ yếu nhờ vào trồng hoa nên người dân ở đây coi trọng khu vườn và coi giữ nghề trồng hoa như giữ một nghề truyền thống.

Tính ra cây hoa bén duyên với đất An Lạc đã gần ba mươi năm. An Lạc là vùng đất cận giang, cận lộ, cận thị. Ngôi làng này vừa nằm bên sông nước lại vừa nằm bên con đường quốc lộ Một và chỉ cách chợ Đông Hà - ngôi chợ lớn sầm uất nhất miền Trung hồi đó chưa đến một cây số. Đứng ở chợ Đông Hà bờ nam sông Hiếu nhìn về phía bờ bắc sẽ thấy vùng đất An Lạc khuất mình trong bời bời tre trúc xanh biếc. Dân làng sớm chiều đi qua chợ để bán buôn kiếm lời rất thuận tiện. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước có ba hộ gia đình ngụ cư ở sát bờ sông ngay dưới chân cầu Đông Hà đã kêu gọi nhau mang những hạt giống hoa cúc, thược dược, lay ơn từ Đà Lạt gieo xuống những luống đất bồi phù sa mỡ màu phía trước nhà họ. Không ngờ từ thẻo đất bồi những cây hoa nảy mầm, khai nụ đơm bông, họ mang qua chợ Đông Hà bán vào các ngày rằm, ngày mùng một âm lịch hàng tháng và cả dịp lễ tết. Ba hộ dân này được xem như những người đặt nền móng đầu tiên cho nghề trồng hoa nở rộ ở An Lạc và sau đó thành phong trào lan ra các vùng phụ cận của Đông Thanh, Đông Giang, thế là phát triển nên thành một nghề như bây giờ.

Có lần tôi về An Lạc, lên nhà Phượng vào ngày áp Tết. Tôi về bất ngờ, Phượng đang ở ngoài ruộng hoa. Nhờ người làng chỉ lối, tôi tìm ra cánh đồng phía đông làng, đó là nơi được quy hoạch cho ngôi làng trồng lúa, rau màu và hoa. Phượng đang thu hoạch hoa để chở lên chợ cho mẹ bán. Tôi rong chơi quanh ruộng hoa, đưa mắt nhìn các loài hoa trong vẻ đẹp của nó. Nhà Phượng trồng nhiều loại hoa bán Tết, nhiều nhất là các giống cúc, có cúc vàng pha lê, cúc kim cương, cúc chi các màu: trắng, đỏ, thạch bích, lam tím, mai tứ quý, gơ đỏ, gơ tím… Cúc là loại hoa có ý nghĩa chúc phúc, cầu thọ và tôn kính tổ tiên rất hút khách vào dịp Tết, lại dễ sinh trưởng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên nhà Phượng trồng nhiều hơn các loại hoa khác. Và bên cạnh những luống hoa cúc, tôi còn nhìn thấy vài đám hoa đồng tiền, thược dược, cẩm chướng... những dáng hoa quen thuộc tôi thường thấy khi theo mẹ đi chợ tết.

Cuối năm tiết xuân lẫn vào đông, trời rét, mưa tầm tã suốt nhiều ngày, ruộng vườn làng quê hoang hoải, cây cối phát triển chậm lại, thì chính ở ruộng hoa của nhà Phượng, tôi được cảm nhận hết sức sống kỳ diệu của mùa xuân. Hoa cúc nở tràn trong màn mưa phùn lất phất, hoa mọc đều nhau như sắp, ngàn cây giống hệt nhau chi chít nụ. Sau những cơn mưa xuân là thời điểm hoa cúc cạn mình bung nở, hương hoa thơm rủ rê ong bướm. Và khắp đây đó trong vùng An Lạc, hương hoa dậy lên thơm ngát một dải đất bằng ven sông.

Tháng Chạp ở An Lạc là tháng của hoa. Những chậu hoa kiểng, vườn hoa, cánh đồng hoa… đến thì lại nở dồn dập và tưng bừng làm lòng người hân hoan trong niềm vui sinh sôi của mùa xuân. Trước ngày ông Táo về trời, những phụ nữ, trẻ em của làng An Lạc lại mang hoa vượt khỏi lũy tre làng tỏa khắp muôn phương. Cứ thấy hoa An Lạc tươi tắn rực rỡ sắc màu thấp thoáng khắp đường phố nẻo quê là biết Tết đang về rồi. Qua cầu Đông Hà trong buổi sớm tinh mơ những ngày áp Tết sẽ quen thuộc hình ảnh những chiếc xe đạp của các mẹ các chị chất đầy hoa tươi lần lượt qua sông Hiếu về chợ, như đang chở mùa xuân từ làng An Lạc về với phố thị.

Ở chợ Đông Hà, hoa cúc từ các vườn An Lạc rất được ưa chuộng. Tết đến là ở chợ mọc lên những dãy hàng hoa của các mẹ, các chị từ An Lạc đưa lên phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi ngày Tết. Những xe hoa dồn về, tất cả những bông đẹp nhất đang ngậm sương, những bó hoa cúc xếp chồng lên nhau như những đốm lửa nhuộm vàng cả một khu chợ. Cùng với đó, dọc bờ bắc sông Hiếu và các công viên trong thành phố, hàng ngàn chậu cúc và cây kiểng của An Lạc cũng được bày bán, khách tha hồ lựa chọn những chậu hoa đẹp về trang trí nhà cửa.

Một buổi trưa hai chín Tết, Phượng nhắn tôi về nhà bạn chơi. Thật bất ngờ khi ba mẹ Phượng đã mang cho tôi một bó hoa cúc rất to bọc kỹ bằng lá chuối, và bảo tôi đưa về chưng Tết. Tôi vẫn còn nhớ đó là những cây hoa cúc đủ màu sắc, nhiều nụ chớm, cành lá thẳng thớm, tươi tắn. Tôi cám ơn ba mẹ Phượng đã mang tặng tôi những cây hoa cúc đẹp nhất thu hoạch từ ruộng hoa của gia đình. Tôi đem bó hoa cúc ấy về cắm vào bình và chưng lên ban thờ tổ tiên, những cành hoa tươi rói ba ngày Tết bảy ngày xuân. Tôi còn được nhận thêm những bó hoa cúc đẹp của gia đình Phượng về chưng nhiều cái Tết nữa cho đến khi Phượng từ giã chốn quê đi lấy chồng và tôi cũng xa Quảng Trị vào Huế học đại học. Từ đó, tôi chưa có lần nào gặp lại ba mẹ Phượng. Thế nhưng những bó hoa được nuôi dưỡng từ đồng đất An Lạc mà hai bác đã mang tặng tôi những mùa Tết cũ đã hằn sâu trong ký ức tôi. Bây giờ nhớ lại, tôi cũng thấy xao xuyến nhớ nhung về một mối quan hệ thân thương đã trở thành dĩ vãng.

Mấy năm nay, thỉnh thoảng tôi có về An Lạc, nhìn ngó sự thay đổi của ngôi làng khi thành phố Đông Hà mở rộng về phía bắc sông Hiếu. Thấy bãi đất bồi ven sông chuyên trồng hoa giờ đã nhường lại cho con đường Trần Nguyên Hãn mở rộng. Rất mừng là nhiều hộ gia đình sống ven bờ sông đã chuyển từ trồng hoa vườn qua trồng hoa chậu để giữ nghề truyền thống của cha ông. Như thế mặc dầu khuynh hướng đô thị hóa vẫn thấy nhiều nơi bên bờ phía nam sông Hiếu và rải rác ở phía bắc nhưng An Lạc chỉ thay cái dáng vẻ điểm trang, còn lại vẫn là một chốn bình yên sâu khuất, vẫn còn đây đó những vườn hoa, ruộng hoa cung cấp hoa tết đi khắp Quảng Trị.

*

Thềm xuân năm nay tôi về An Lạc, đi qua từng ngõ nhà thăm mấy vườn hoa và cây kiểng đã thấy phục hồi sản xuất sau một tháng lụt tiếp lụt. Băng qua cánh đồng ven sông Hiếu nhìn lại những vết tích bùn non của các trận lụt đã lặn sâu dưới những vồng đất đã được vun lên để trồng hoa vụ Tết. Từ mặt đất nâu ướt đẫm, hàng triệu cây hoa cụ cựa lên xanh tốt không ngờ.

Nước lụt vừa rút khỏi chân ruộng, đất chưa kịp ráo, người dân đã hì hục cày xới, vun vồng, rồi đặt mua giống hoa ngắn ngày trồng cho kịp thời gian. Suốt ngày từ sáng đến tối, họ bám lấy cánh đồng, cặm cụi chăm sóc, nhổ cỏ, vót tre làm chói, bón phân, tưới nước. Ngày đông giá, họ giữ ẩm cho cây bằng những mùn rơm, buổi sáng tưới nước, buổi tối chong điện sưởi ấm cho nụ sớm nhú.

Chăm sóc vườn hoa sẵn sàng cung ứng cho thị trường tết - Ảnh: Thanh Long

Chăm sóc vườn hoa sẵn sàng cung ứng cho thị trường tết - Ảnh: Thanh Long

Bây giờ thì những vồng hoa mọc mơn mởn trong cái rét mười ba mườn bốn độ. Sương mù đọng thành những hạt giá băng trên những cây hoa, cành lá không tươi sắc, dù vậy nó không làm tôi chán mắt, bởi nó toát nhựa sống căng tràn. Trong vạt lá xúm xít kia, những nụ mầm đã nhú cho cuộc bung hoa khi nguyên đán đến. Chỉ tháng sau, những ngả đường vào thành phố sẽ miên man màu vàng bất tận của hoa cúc đến từ An Lạc. Không khí sản xuất trên bồi bãi sôi nổi khi Tết đã đến cận kề. Những người nông dân tôi gặp trên ruộng hoa tuy đã rã rời sau thiên tai, nhưng họ tràn trề hi vọng vườn hoa năm nay sẽ trúng Tết, được mùa.

Tôi lấy máy ảnh chụp lại những vồng hoa cúc, chụp lại khoảnh khắc miệt mài của những con người trên ruộng hoa giữa mưa phùn rét bấc. Những tấm ảnh này tôi sẽ gửi cho Phượng, để bạn an lòng rằng ở quê bạn nước lút xong rồi, bà con lại xới đất trồng hoa, bây giờ cây đã lên xanh.

Hoa An Lạc đang hết mình xanh, chuẩn bị cho mùa sinh nở...

CẨM NHUNG

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground