Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa xuân đầu tiên

Mùa xuân mơ ước ấy, đang đến... (Văn Cao)

1

- Đã có biết bao mùa xuân đi qua trên đất này trong vô hồi vô hạn  thời gian và năm tháng từ bấy đến giờ, nhưng thời khắc sau Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, năm 1973, đối với thị xã Đông Hà, hình như mới đích thực là mùa xuân đầu tiên.

Trong bút ký:"Đông Hà, con người và thời gian", nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có ghi lại những cột mốc đáng nhớ của đất này: Ngày 12 tháng 3 năm 1973, cảng Đông Hà bắt đầu hoạt động. 21  giờ ngày 14 tháng 2 năm 1973, cầu Đông Hà thông xe. Ngày 24 tháng 3 năm 1973, chợ Đông Hà họp phiên đầu tiên.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Đông Hà được giải phóng, từ trên đống tro tàn, chính quyền cách mạng đã dồn hết tâm lực, nhân lực, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để cảng Đông Hà, cầu Đông Hà, chợ Đông Hà được đưa vào họat động sớm nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, bên cạnh những công việc trọng yếu và cấp bách khác là củng cố chính quyền, xây dựng thế trận vùng mới giải phóng để chi viện cho tuyến trước và khai hoang phục hóa, ổn định đời sống nhân dân. Đây chính là những quyết sách thấm đẫm tính kinh tế và nhân văn sâu sắc mà chính quyền cách mạng đã đặt một dấu ấn lên vùng đất mới giải phóng.

Cho đến hôm nay, khi độ lùi thời gian đã đủ để  có thể đánh giá lại xác đáng nhiều vấn đề đặt ra trong cuộc sống thời bấy giờ, thì những quyết sách có tính chiến lược, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, kiên trì với phương châm hạ tầng đi trước một bước, bằng việc phục hồi lại cảng, bắc lại cây cầu, tạo mọi điều kiện tối đa để chợ Đông Hà "sống" lại...trong điều kiện cực kỳ ngặt nghèo, thiếu thốn trăm bề, vẫn vẹn nguyên tính hiệu quả xuất phát từ một tầm nhìn sáng suốt của chính quyền cách mạng thuở ban đầu ấy.

Có thể nói, ngay sau khi vừa mới được giải phóng, một yêu cầu mang tính sống còn đặt ra cho Đông Hà là phải đảm bảo kết nối nhanh chóng sự giao thương thông suốt với bên ngoài, khắc phục tốc lực tình trạng chia cắt, trắc trở, đứt đoạn trên toàn tuyến giao thông, cả đường thủy lẫn đường bộ do hậu quả chiến tranh tàn khốc để lại. Đông Hà khi đó đã liền mạch với miền Bắc ruột thịt nhưng phía trước, miền Nam chưa được giải phóng. Đông Hà lại mang thêm trọng trách vừa là hậu phương lớn, vừa là tiền tuyến lớn. Nhờ  những nỗ lực vượt bậc của lực lượng công binh Quân giải phóng và sự chi viện tối đa của miền Bắc, luồng lạch nơi Cửa Việt nối biển Đông đã được dọn sạch thủy lôi, xác tàu chiến Mỹ, quân cảng Đông Hà ngay nơi mép nước sông Hiếu, cận kề Quốc lộ 1 đã được gấp rút khôi phục, biến đổi công năng để trở thành một cảng thương mại, cảng "nghiã tình". Hàng vạn tấn hàng quân sự, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và lương thực, thuốc men từ miền Bắc vào vùng giải phóng đều đã thông qua cảng và tỏa đi khắp các làng mạc, chiến trường.

Trong ký ức của nhiều người mà tôi đã gặp, những chuyến xe đầu tiên trong thời khắc 9 giờ đêm năm ấy lăn bánh qua cầu Đông Hà lúc thông xe là những chuyến xe ca lấm lem bụi đường, có chiếc phủ bạt kín mít, đong đưa cành lá ngụy trang. Nhiều người nghĩ xe chở  vũ khí, đạn dược nên được ưu tiên qua trước. Nhưng không, những chuyến xe ấy đã ghé vào nhà sách nhân dân Đông Hà  để dỡ hàng. Không biết cơ man nào là sách. Những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới  chất đầy trên những chiếc kệ mới được ghép tạm bằng gỗ được lấy ra từ hòm đựng đạn cối. Rồi ngồn ngộn sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giải Phóng, đủ các cấp học và đủ để hàng nghìn con em vùng mới giải phóng an tâm đến trường.

Nhiều người bồi hồi khi nhớ lại hình ảnh trên mảnh đất bị tàn phá đến 200% như Đông Hà thủơ đó, họ đã xếp hàng rất lâu trong hiệu sách để có được một tấm chân dung Bác Hồ thật đẹp và mua một cuốn sách của tác giả mà từ lâu mình đã ngưỡng mộ.

Trong cả câu chuyện mà tôi đã từng nghe, có người lính Quân giải phóng hy sinh nơi làng hoa An Lạc, ngay dưới chân cầu Đông Hà khi cường tập đêm ấy, ba lô đồng đội tìm được đựng đầy những cuốn sách, có cả tập thơ "Đi nữa, chú ơi" của một nhà thơ thiếu nhi nổi tiếng ở miền Bắc.

Nhớ câu chuyện cũ. Một nhà báo đã hỏi vị chỉ huy cao nhất tại sân bay vũ trụ Bai-cô-nua, tại sao lại chọn Ga-ga- rin chứ không phải ai khác lái con tàu của Liên Xô lần đầu tiên bay vào vũ trụ, người này đã trả lời rằng, về chuyên môn, nhiều người đáp ứng được, nhưng sở dĩ chọn Ga-ga-rin vì anh ta thuộc rất nhiều thơ Puskin. Có Puskin bên mình, trong vũ trụ đầy bất trắc, Ga-ga-rin sẽ tự tin hơn, yêu cuộc sống hơn...

Không chỉ trong chiến tranh, những câu thơ hay về tình yêu đất nước, cha mẹ, vợ chồng...luôn là điểm tựa tinh thần, là hành trang mang theo của người lính khi xung trận, trong những năm tháng hòa bình sau này, tôi đã được đọc những vần thơ rất hay về Đông Hà, về sông Hiếu của anh Đỗ Hoàng mà cho đến bây giờ thi thoảng vẫn gợi về trong tâm tưởng: "Anh gọi thành tên em sông Hiếu/ nơi tre xanh nâng trời xanh kia /buổi chiều dịu lắm như thương nhớ/ cây cỏ lên trong tuổi dậy thì"... Nơi tre xanh nâng trời xanh kia chính là bến chợ Đông Hà trước đây.

Chợ họp ngay bên thềm nước Hiếu Giang, phiên đầu tiên vào buổi sáng  ngày 24 tháng 3 năm 1973 nhưng từ mấy ngày trước đó, cả vùng đã rộn rịp lắm rồi. Dân vùng Cùa thức đêm gồng gánh mít, thơm, chuối, chè xanh...theo Quốc lộ 9 nườm nượp đổ về Đông Hà. Dân Cam Lộ theo đò dọc sông Hiếu chở than củi, rau ráng, tranh tre làm nhà, có cả những chú heo con nuôi hầm, lông nâu như màu đất. Dân miệt Mai Xá, Cửa Việt theo đò lên góp cá khô, ruốc muối... Rồi ra, có những mặt hàng mà bây giờ không khu chợ nào trên khắp hành tinh này có được, đó là những loại đinh lấy từ pháo đinh Mỹ, bi xe đạp tháo ra từ bom bi và các loại rèm cửa, rổ rá, giỏ xách tay màu sắc sặc sở làm bằng dây điện nhỏ rút từ các bộ phận bên trong của xác xe tăng và máy bay Mỹ. Đặc biệt, lần đầu tiên, người dân vùng giải phóng mới được thấy những sản vật thân thương của miền Bắc trên khu chợ miền Nam: Chè gói Ba Đình, thuốc lá Điện Biên bao bạc, bánh kẹo Hải Châu, phích nước Rạng Đông, chén bát Hải Dương, chiếu Nga Sơn- Thanh Hóa, hương trầm Hàng Cót, bánh pháo Bình Đà, những chiếc túi xách có in hình đôi chim câu đôi, dép nhựa Tiền Phong, diêm Thống Nhất, vải ka ki, vải lụa, dệt kim Nam Định... bày la liệt. Người đi chợ, chen nhau, tất bật, môi cười mà mắt rưng lệ. Tiếng chào hỏi, tiếng vồn vả, tiếng lao xao, tiếng cuộc sống buổi hồi sinh nghe náo nức tâm can. Cả tiếng khóc, cái choàng tay, thít chặt mừng hội ngộ. Chị Quán Ngang gặp em Cẩm Thạch, anh Hồ Xá gặp chị chợ Phiên...Cả khu chợ buổi đầu tiên ấy, rất lạ, không một tiếng mặc cả, không một tiếng chạnh lòng. Chỉ có niềm vui, niềm vui, bất tận...

2- Thấm thoắt đã ba mươi sáu năm trôi qua, kể từ xuân ấy đến xuân này. Cầu Đông Hà qua nhiều lần duy tu, bảo dưỡng rồi xây dựng mới để đảm bảo vai trò thông thương huyết mạch trên đại lộ Bắc- Nam và hành lang Đông- Tây của đất nước thời hội nhập và phát triển. Chợ Đông Hà thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được thiết kế lại đúng với tầm vóc của một trung tâm thương mại, duyên dáng bên dòng sông Hiếu. Một công trình tiêu biểu của kiến trúc đô thị tỉnh Quảng Trị sau 20 năm tỉnh nhà tái lập. Cảng Đông Hà vẫn còn đó, nhường vai trò thông thương thời kinh tế thị trường cho cảng Cửa Việt và sau này là Mỹ Thủy để nhận lãnh trách nhiệm là một di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống cho muôn đời. Như lớp lớp người Đông Hà ngày ấy, từ chiến trường ra là xốc tới công trường, thương trường, làm giàu có thêm cho đất quê hương. Lại có người, từ chiến trường trở về đời thường, chăm chút những giá trị của lịch sử và chiến tranh cách mạng để truyền lửa cho con cháu mai sau.

Và người Đông Hà đang nhẩm tính từng thời khắc và không ngừng nghỉ quyết tâm xây dựng, hoàn thiện, chỉnh trang để thị xã thân yêu của mình chỉ mai này nữa thôi, lên thành phố!

Trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi, hiện nay công tác quy hoạch và phát triển của Đông Hà vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí để ngang tầm một đô thị văn minh, hiện đại, trước thực trạng này, phải làm gì để giải quyết những bất cập và thiếu đồng bộ trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hà cho biết, cùng với định hướng phát triển đô thị, việc đầu tư xây dựng hạ tầng trong những năm qua luôn được tỉnh và thị xã chú trọng. Đến nay, hạ tầng đô thị đã có bước phát triển đáng kể, diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại đang dần rõ nét. Tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố so với tổng quỹ nhà ở đạt 81%. Thị xã đã tập trung chỉnh trang, nâng cấp và mở rộng nhiều tuyến đường theo quy hoạch, đảm bảo đáp ứng cơ bản các yêu cầu về giao thông đô thị. Chương trình kiên cố hoá giao thông trong các khu vực dân cư đang được triển khai tích cực. Hệ thống cây xanh đường phố được trồng theo đúng yêu cầu quy hoạch, phong phú về chủng loại. Một số tuyến đường chính đã được đầu tư xây dựng bo vĩa, vỉa hè. Mạng lưới cấp nước thị xã đã được đầu tư mở rộng về các địa phương và chất lượng đường ống đã được nâng cao. Hệ thống thoát nước đã được chú trọng bảo dưỡng thông suốt. Tại một số tuyến, hệ thống thoát nước đã được xây dựng đồng bộ, một số hệ thống thoát nước chính đang được triển khai xây dựng từ dự án Cải thiện môi trường đô thị miền Trung do ADB tài trợ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009 này. Ngoài ra ở các công viên, vườn hoa đã được bố trí đèn trang trí tạo cảnh quan đô thị...

Từ lâu, dòng sông Hiếu đã gắn bó với mảnh đất và con người Đông Hà. Với vị trí nằm giữa lòng thị xã, sông Hiếu tô điểm thêm vẻ đẹp thiên nhiên vốn có và cảnh quan kiến trúc đô thị, góp phần điều hoà khí hậu, cân bằng hệ sinh thái cho toàn vùng. Cùng với sự phát triển của các khu dân cư đô thị, sông Hiếu đã tạo nên nhịp cầu nối đôi bờ duyên dáng và được quy hoạch như là một không gian kiến trúc đẹp của thị xã Đông Hà. Từ những lợi thế đó, về hướng phát triển không gian đô thị theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng  Đông Hà đến năm 2020 đã xác định lấy sông Hiếu làm trung tâm cảnh quan và là điểm nhấn kiến trúc phát triển đô thị. Khai thác quỹ đất hiện có, mở rộng đô thị về phía Bắc, phát triển theo hai bờ sông Hiếu kéo dài đến Ngã Tư Sòng. Kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại địa bàn từ năm 2005 đến năm 2007 đã đạt trên 776 tỷ đồng.

Với tầm nhìn chiến lược, trong 10-15 năm tới, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội cần hướng tới là xây dựng Đông Hà thành một trong những đô thị phát triển của khu vực miền Trung. Với định hương chủ đạo đó, Đông Hà sẽ đảm nhận các chức năng, đó là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học- kỹ thuật của tỉnh. Là trung tâm thương mại, du lịch với quy mô cấp vùng và khu vực. Trung tâm công nghiệp, khoa học- kỹ thuật, trung tâm văn hóa- xã hội, trung tâm giao dịch quốc gia và quốc tế- một cực phát triển trên Hành lang kinh tế Đông- Tây...

Trong giấc mơ của tôi, Đông Hà rồi sẽ có đường sắt cao tốc Bắc -Nam vút qua, đường sắt nối với nước bạn trên chuyến tàu thịnh vượng xuyên suốt hành lang Đông- Tây, đường hàng không tít tắp, đường ra biển cuộn sóng, đại lộ Bắc- Nam dài rộng, nhiều cao ốc, siêu thị, trường học...sẽ mọc lên. Nhưng những gia tài cha ông ta chắt chiu tạo dựng bằng mồ hôi, xương máu từ trong ngằn ngặt gian khó buổi ban đầu ấy cũng sẽ theo con cháu ta trong bước đường đi lên phía trước, để lịch sử bao giờ cũng được liền mạch, không bao giờ bị lãng quên.

Đông Hà rồi sẽ trở thành thành phố trẻ.

Và khi đó, Đông Hà lại tính thêm một màu xuân đầu tiên trong tuổi hoa niên của mình.

    

                                                                                      Đ.T.T

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 175 tháng 04/2009

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

1 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground