Tôi sinh ra ở miền Trung. Dãy đất eo hẹp nhất cả nước, gió mặn hơi muối biển đưa cũng đủ nhuốm xanh mày con gái miền sơn cước, nước ngọn đầu nguồn trổ về cuối bãi còn xanh non thơm hương núi thanh bình. Nên người phương xa khi gặp, thật khó lý giải, cớ đâu một miền quê nghèo khoai sắn cõng hạt cơm lại sinh ra trong trời đất loài Người Nữ trắng trong mướt rượt như vậy. Tôi đã thấy vẻ đẹp đó ở bà tôi, mẹ tôi, dì tôi và bây giờ trở về quê là những chị những em những đứa cháu gái chồi lên hồn nhiên cùng ruộng đồng nương rẫy. Và nhìn vào những đôi mắt trong veo tiếng cười hồn nhiên của họ, vẫn câu hỏi ấy quay về. Những người đàn bà đẹp, họ có hạnh phúc với chuyện tình yêu của mình hay không?
Tranh của Ngô Trung Kiên
Tôi đã nghe tiếng hát của những người con gái tiễn người yêu, người vợ tiễn chồng, người mẹ tiễn con qua sông trong những khung cảnh tái hiện đôi bên bờ Hiền Lương thương nhớ. Một thời hoa niên, tôi đã từng qua về nơi đây không biết mấy mươi bận mà không cần can cớ chi. Đôi khi chỉ để được ngủ một giấc sớm mai dậy nghe nắng reo trong vườn nhà người bạn, hoặc chiều xuống thả chân trần ủ trong đất nâu nghe dậy mùi tiêu nồng nàn hương trái vườn nhà cậu tôi, hoặc cũng chỉ để kịp ban trưa nắng khát rang người được cúi xuống lòng giếng sâu thăm thẳm ngắm tìm bóng mình rồi thư thái kéo gàu nước trong lành mát rượi rưới lên cả mặt cả người chảy tận vào từng sợi tế bào râm ran. Và những lúc như vậy, trong tâm tưởng, tôi vẫn hình dung về những người con gái đẹp bước ra từ nương rẫy sắn khoai mà ngọt như mật ong tháng ba rót xuống.
Và tôi nhận ra, những người con gái đẹp ấy, họ luôn hiện ra trong vùng không gian riêng của họ. Những thứ chung quanh luôn trở thành một phần riêng không ai chiếm lĩnh được. Những người con gái vùng đất lửa Vĩnh Linh dùng nông cụ trên tay là trang sức riêng có. Mỹ phẩm dung dưỡng nhan sắc là mưa nắng trời ban. Sức hút thuyết phục là đôi tay khéo léo đôi chân thoăn thoắt và tiếng cười lảnh lót. Chỉ thế thôi, mà làm nên cái dung dị hút hồn người đối diện nếu một hôm nào vô tình lạc vào những mênh mông vườn ở bất kỳ một nơi chốn quê mùa này. Khi ngồi yên trong khu vườn tĩnh lặng chứng kiện sự hiện hữu của những người con gái đẹp như thế này, câu hỏi canh cánh bấy lâu bỗng lạc đâu mất cơ hồ quên trở về trong tâm tưởng.
Nhưng khi trở về thường ngày công việc, hình ảnh những cô gái hồn nhiên đẹp hẳn nhiên hạnh phúc ấy không làm tôi nguôi quên những người đàn bà đẹp khác, đã từng ngôi vàng điện ngọc và mang một nỗi xa xót tình riêng. Đó là người con gái phương Nam về làm dâu kinh thành Huế, làm một cung nữ hầu hai bà Thánh cung, vì trót dan díu với ông hoàng hạ sinh một hoàng tử mà được phong lên Huệ tần rồi Huệ phi, người con gái tài sắc đó đã phải mang một nỗi đau không được làm mẹ của chính con mình, dù ngày ngày vẫn mang hai bầu sữa căng cứng đến cho con bú, rồi về, như một vú nuôi. Thấp hèn và tủi nhục. Đó chính là cuộc đời của một người đàn bà đẹp danh giá có tên Từ Dũ. Một người đàn bà đẹp khác có tên Hoàng Thị Cúc là phi thiếp của vua Khải Định và là thân mẫu của vua Bảo Đại. Nhưng cả hai đời vua đều không đưa lại cho bà niềm hạnh phúc của một người vợ, người mẹ đúng nghĩa. Không gì đau đớn và tủi nhục hơn khi một người đàn bà mang thai bị hai Thánh cung tra khảo bắt ép nằm xuống sàn nhà để đánh đập, dù đó là long nhi của mình rồng. Và, cũng không có gì đau đớn hơn khi trên ngôi vị Hoàng thái hậu, bà lại phải chứng kiến cảnh ông vua của một nước - đứa con trai duy nhất của mình, phải thoái vị. Bà không còn được sống tại nơi ở của mình. Cung An Định đã bị thu hồi dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuộc đời của một bà hoàng, rốt lại, cuối cùng, bà bị đẩy ra ngoài, không một tấc đất. Khi mà Khải Định hoàng đế uy nghi lăng tẩm, Bảo Đại cựu hoàng vong thân ngoại quốc, thì người đàn bà bé nhỏ đấy đã tự tay mua lại một căn nhà từ một Ân phi bên dòng sông An Cựu. Ngôi nhà bé thôi, nhưng thanh nhã. Nơi đó, bà sống cho đến cuối đời. Ở đó, bà nguyện sống cả đời để giữ gìn nơi thờ phụng các bậc tiên đế, các bảo vật của triều Nguyễn. Bà nói: “Ta sinh ra ở đâu thì sẽ chết ở đó. Tổ tiên nhà Nguyễn còn ở Huế thì ta còn phải ở lại lo chuyện thờ cúng, chăm sóc lăng mộ các bậc tiền nhân. Nhà Nguyễn đã cho ta hưởng lộc cả đời. Ta có chết cũng chưa báo đáp hết được”. Bà chưa bỏ một lễ giỗ nào, kể cả khi tiền bạc gần như đã suy kiệt hoàn toàn. Đời bà, dẫu ở tước vị cao nhất, thì trước sau, vẫn chỉ thấy một lòng phụng thờ gia cang nhà chồng mà chưa thấy một ân điển nào được ban cho xứng với tấm lòng thơm thảo, có chăng chỉ là việc con trai bà, cựu hoàng Bảo Đại khi mới lên ngôi, đã tấn phong cho mẹ mình là Đoan Huy Hoàng thái hậu. Về sau, đã cho dựng một ngôi chùa mang tên Khải Đoan ở Buôn Mê Thuột, lấy theo tên hiệu của bà. Nhưng rồi, chùa Khải Đoan cũng là nơi nương nhờ cho bá tánh. Còn ngôi nhà nhỏ bà mua lại để thờ phụng gia tiên nhà chồng, vào cuối đời, bà cũng trao lại cho nhà nước, rồi rũ bụi mà đi, khi Đức Ngài hưởng thọ 91 tuổi.
Những người con gái hôm nay đang cười tỏa nắng bên những thềm đất nâu ấm áp tươi trẻ, những người con gái bà tôi mẹ tôi đứng hát bên ven bờ Hiền Lương tiễn con đợi chồng, họ có hạnh phúc không? Giờ đây, tôi đã nghe được tiếng trả lời thật ngọt ngào từ sâu thẳm. Họ có thể không trọn vẹn niềm vui, nhưng hạnh phúc thì có, bởi họ đã sống cho niềm vui nỗi buồn của cuộc đời họ. Khi mỗi nỗi niềm của người ta được sinh ra tự chính trái tim, người ta sẽ trân quý và yêu thương nỗi niềm đó. Tôi biết, hạnh phúc với đàn bà, là vậy.
Nên mùa xuân này thơ thẩn theo hành trình bên con đường eo hẹp của miền Trung, tôi nghe tiếng yêu thương nồng nàn Tính Nữ vẫn dậy hương hoa cho cuộc đời riêng chung thêm tha thiết với nhau trong cõi sống này.