Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa xuân - Nhớ về làng sen quê Bác

N

hững ngày giáp tết năm 1976, tôi có dịp đi công tác về xã Kim Liên, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lần đầu tiên đi Kim Liên - Nam Đàn nên không khỏi bỡ ngỡ, nhưng cũng rất thú vị bởi được người ta kể nhiều về mảnh đất con người, phong cảnh thiên nhiên quê hương Bác Hồ đẹp đẽ hữu tình mà tôi chưa một lần đặt chân tới.

Vào thời điểm này miền Nam nước ta giải phóng mới được một năm, Miền Bắc vừa mới thoát khỏi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cơ sở hạ tầng như đường sá giao thông còn nhiều cách trở. Từ Đông Hà đi Kim Liên cũng đến ba ngày mới tới nơi. Suốt dọc chặng đường quốc lộ khu Bốn từ Nam ra Bắc đã biến thành những ổ gà, ổ voi. Hai bên đường nhiều hố bom còn tươi rói màu đất bazan. Hơn hai ngày đường xe mới tới được thành phố Vinh. Cảnh tượng đập vào mắt tôi đầu tiên là một thành phố đổ nát hoang tàn do bom đạn Mỹ trút xuống. Nhiều khu nhà biến thành đống gạch vụn. Nhà máy điện Vinh một thời oanh liệt nay chỉ còn trơ ống khói, nham nhở thương tích đứng chơ vơ bên chân núi Dũng Quyết - Bến Thủy - Sông Lam.

Xuống bến xe Vinh mua vé về Nam Đàn cũng khó khăn, phải xếp hàng. Phải ăn cơm tại bến. Phải ngủ lại đêm chờ đợi. Có lẽ sắp đến ngày tết nên cán bộ, bộ đội, đồng bào, học sinh các nơi đổ về bến xe này để tỏa đi các ngả. Tôi kiên nhẫn. Và cuối cùng cũng mua được chiếc vé đi Nam Đàn. Xe rời thành phố một quảng thì ngược con đường tỉnh lộ 49 qua Thái Lắc đến cầu Mượu, ven chân núi Độc Lôi là đến địa phận huyện Nam Đàn. Bước xuống xe tôi bồi hồi ngắm nhìn mảnh đất Nam Đàn, mảnh đất địa linh nhân kiệt. Từ cầu Mượu, về xã Kim Liên cũng còn khá xa. Cái may, người đi đường cùng tôi là một cụ trạc bảy mươi, da dẻ hồng hào, râu dài bạc trắng, đôi mắt sâu lanh lợi nhưng lịch thiệp. Tôi chào cụ rồi hỏi đường về Ủy ban xã Kim Liên cụ trả lời:

- Cụ cũng về đằng nớ!

- Còn xa nữa không cụ?

 Cụ chỉ tay về phía trước rồi nói: - Bây giờ ta qua Kim Liên quê nội Bác Hồ rồi đến Hoàng Trù quê ngoại của Bác là tới trụ sở Ủy ban xã. Tôi biết cụ là người ở làng này nên thông thạo lịch sử địa danh xã Kim Liên. Tôi tò mò hỏi tiếp cụ:

- Thưa cụ! Tại sao người ta gọi xã Kim Liên rồi làng Kim Liên hở cụ? Cụ trả lời:

- Tên xã Kim Liên mới có sau này. Trước đây có cái tên khác: Chung Cự thuộc tổng Lâm Thịnh có đến bảy làng: Ngọc Đình, Vân Hội, Tình Lý, Cường Kỵ, Khoa Cử, Kim Liên, Hoàng Trù. Tất cả các làng quây quần bên núi Chung sinh cơ lập nghiệp khai sáng cái xã này cho đến ngày nay.

- Thế núi Chung có lớn không cụ?

- Núi Chung thấp, ngày xưa cây cối xanh tươi um tùm. Có những cây to cao thẳng tắp. Khả dĩ tướng Nguyễn Đắc Đài lên đây lập căn cứ địa chống giặc Trần, nay còn đền thờ trên đó. Năm 1886, Tú tài Vương Túc Mậu, người Kim Liên cũng lấy núi Chung để lập đội Chung nghĩa binh chống Pháp bảo vệ quê hương. Đứng trên đỉnh núi Chung nhìn hướng Tây có dãy Hùng Sơn (dân làng gọi Rú Đụn), xưa liệt vào hạng "danh sơn mây khói tụ". Trên dãy Hùng Sơn ấy còn giữ lại thành Vạn An lập ra để thờ Mai Hắc Đế, là chứng tích cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan chống nhà Đường vào năm 722. Phía tây nam núi Chung có dãy núi Thiên Nhẫn "như đàn ngựa ruổi nhau", có thành Lục niên Đại bản doanh của Lê Lợi trong sự nghiệp chống giặc Minh. Phía đông nam núi Chung là núi Lam Thành có xây thành Lam đưới thời Trần Trùng Quang đánh đuổi quân Minh và Nguyễn Biểu giáp mặt với tướng giặc Trương Phụ đã để lại một tấm gương oanh liệt cho dân tộc ta. Bắc núi Chung có dãy Đại Vạc, Đại Huệ, nơi Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương xây thành quách kháng chiến chống quân phong kiến Trung Quốc xâm lăng... xã Kim Liên gắn chặt với lịch sử nước nhà qua các thời đại. Và Kim Liên cũng là một thắng cảnh hữu tình. Nhân dân Kim Liên rất tự hào về quê hương của mình qua ca dao:

"Nhất vui là cảnh quê mình

Kim Liên sen tốt, Ngọc Đình chuông kêu"

Hay là:

"Nhất vui là cảnh Kim Liên

Cảnh tiên có cảnh, người tiên có người"

Phong cảnh thì đẹp đẽ nên thơ, nhưng thiên nhiên khắc nghiệt, mùa nắng thất thường. Đất đai cằn cỗi, có vùng đồng chua nước mặn. Cuộc sống vật chất khổ sở. Kim Liên có thời khoác cho mình cái tên xót xa: làng "Đai Khố". Các thế hệ kế tiếp sống trên mảnh đất Kim Liên phải chung lưng sẻ chia mồ hôi và máu để đổi lấy hạt gạo củ khoai, cần cù lao động một nắng hai sương của người dân đã có từ lâu, thể hiện qua câu:

"Muốn ăn thì phải chăm làm

Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi".

Người dân Kim Liên khổ cực là vậy, song vẫn có truyền thống văn hóa lâu đời. Nổi bật hát phường vải, dân địa phương nói nặng "hát phường vại". Điển hình các nơi Hoàng Trù, Ngọc Đình, Tình Lý, Nguyệt Quả, Bố Ân, Bố Đức... Bà Hoàng Thị Loan (mẹ Bác Hồ) cũng là cây hò nổi tiếng của làng Chung Cự; Những đêm trăng thanh gió mát, giọng hò đò đưa từ mặt nước sông Lam vọng lên hòa với tiếng hát dặm, hát phường vải ở thôn xóm hai bên bờ sông cất lên nghe da diết khơi gợi lòng người mối tình quyến luyến với quê hương, với mảnh đất đậm đà và yêu đời đến vậy.

Mải mê câu chuyện, con đường sắp chia tay giữa cụ và tôi hiện ra trước mắt lúc nào chẳng hay. Cụ vỗ vào người tôi rồi chỉ hướng:

- Anh rẽ qua lối này một trăm thước là đến trụ sở xã. Còn cụ đi năm mươi bước chân là tới nhà.

- Tôi với cụ hai người bạn đường thân tình chưa muốn rời nhau. Riêng tôi còn nhiều điều muốn biết cái làng Kim Liên này. Tôi nói với cụ:

- Thưa cụ, làm việc với xã vài buổi rồi con đến nhà nhờ cụ đưa con đi xem quê nội, quê ngoại Bác Hồ nhé. Cụ vui vẻ gật đầu.

Hai ngày sau tôi ghé nhà cụ Bá (cụ cùng đi với tôi chuyến xe Vinh - Nam Đàn) trước bảy giờ. Trời tháng chạp rét gió heo may, cụ và tôi cùng rảo bước đến làng Hoàng Trù quê ngoại của Bác. Mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng khu di tích làng Hoàng Trù được bảo toàn. Cụ Bá giới thiệu với tôi: ngôi nhà tranh ba gian này, Bác Hồ sinh ra ở đây; còn ngôi nhà năm gian kia của ông Hoàng Xuân Đường và bà Nguyễn Thị Kép là ông bà ngoại Bác Hồ. Ngôi nhà dùng để dệt vải, dệt lụa và dạy học. Trước kia lợp tranh nay  đã thay tranh lợp ngói; ngôi nhà thứ ba là nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân. Họ Hoàng Xuân, họ ngoại Bác Hồ, theo gia phả dòng họ để lại, người ở làng Hoàng Vân - huyện Kim Động - tỉnh Hưng Yên. Dòng họ này nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao, làm quan to đến tước hầu, tước quận. Trong nhà thờ họ còn hai câu đối:

"Hoàng Vân Chính khí truyền thiên cổ

Chung Cự hùng thanh chấn ức niên"

Nghĩa của hai câu đối:

(Hoàng Vân khí tốt lành truyền từ xưa lại

Chung Cự tiếng hùng đến vạn năm sau).

Họ Hoàng Xuân ở Kim Liên sau này có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao như ông Hoàng Xuân Cẩn (ông nội bà Hoàng Thị Loan) đi thi đỗ ba khoa Tú Tài. Cụ Hoàng Xuân Đường, thân sinh bà Hoàng Thị Loan là một nhà nho uyên thâm. Bà Hoàng Thị Kép, mẹ bà Hoàng Thị Loan, một phụ nữ đảm đang nhiều hiểu biết. Cả hai cụ sẵn lòng thương người, được dân trong làng kính trọng, yêu mến. Chẳng thế mà cụ Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cả cha lẫn mẹ thuở lên bốn được cụ Hoàng Xuân Đường đưa về nuôi và dạy học tại nhà, lớn lên gả luôn con gái đầu là bà Hoàng Thị Loan cho cụ Sắc. Cụ Nguyễn Sinh Sắc vốn học giỏi, kỳ thi Hội đậu Phó Bảng, làm rạng rỡ cả làng Chung Cự và Làng Sen được vua Thành Thái tặng biển "An Từ Ninh Gia" và cờ "Phó Bảng phát khoa". Sự nghiệp lớn lao của cụ Sắc là nhờ thầy Hoàng Xuân Đường (là bố vợ) chăm lo dạy dỗ nên người.

Cụ Bá và tôi bước vào ngôi nhà năm gian của cụ Hoàng Xuân Đường, cụ Bá giới thiệu: gian ngoài dành cho cụ Sắc học tập, nghỉ ngơi, có bộ phản, một chiếc án thư, hai chiếc ghế, hai giá để sách; gian thứ hai giành cho bà Hoàng Thị Loan - có chiếc giường tre nhỏ, gian thứ ba đặt khung cửi dệt vải và chiếc võng cói ru Bác Hồ lúc sinh thời; gian thứ tư của bà Nguyễn Thị Kép - nghỉ ngơi; gian thứ năm của ông Hoàng Xuân Đường dùng để tiếp khách, mở lớp dạy chữ Hán. Các hiện vật tuy đã cũ, nhưng dân làng Hoàng Trù bảo quản, giữ gìn chu đáo. Phút chốc tôi như đắm chìm vào các hiện vật lịch sử. Cái gì cũng muốn biết, cũng muốn ghi chép. Cụ Bá giục tôi sang Làng Sen quê nội Bác Hồ từ lúc nào chẳng hay.

Chín giờ hơn, tôi và cụ Bá đã đến được Làng Sen. Theo lời cụ Bá - quê nội Bác Hồ, dân làng Kim Liên lấy đất công biếu cụ Nguyễn Sinh Sắc. Làng xuất Quỹ công mua một ngôi nhà gỗ năm gian dựng lên, trồng cây xung quanh để tặng cụ Phó Bảng. Khi làm xong nhà, dân làng Kim Liên xuống làng Hoàng Trù rước cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng ba con là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung về ở nhà này từ những năm 1901 - 1906. Ngôi nhà tranh năm gian đơn sơ. Gian đầu có bộ phản bốn tấm ghép lại. Trên mặt phản có chiếc khay đựng bộ ấm chén bốn chiếc. Hai gian ngoài dùng thờ tự và tiếp khách. Nhà nghèo, bàn thờ làm bằng tre không có chân, dùng hai thanh gỗ đóng vào hai cột nhà làm giá đỡ. Mặt bàn thờ là tấm phên nứa trên trải chiếc chiếu mộc, trên đặt bộ lư đèn bằng gỗ và bát hương sành. Gian thứ ba, gian buồng riêng của cô Nguyễn Thị Thanh. Hai gian còn lại là nơi làm việc, nghỉ ngơi của cụ Sắc và gia đình. Hiện vật còn giữ được chiếc tủ đựng ấm chén, chiếc mâm đồng dựng trên nóc tủ. Tôi đứng lặng hồi lâu, bao điều suy nghĩ hiện lên trong tôi: Bác Hồ vị lãnh tụ của một đất nước mà gia sản chẳng có gì, đơn giản quá, nghèo khổ quá. Phải chăng từ cái nghèo khổ của gia đình Bác, của nhân dân quê Bác, của đồng bào cả nước... mà Bác ra đi tìm đường cứu nước. Biết tôi xúc động, cụ Bá dắt tôi ra phía hành lang, đi đến cây mít đầu hồi. Cụ Bá kể:

- Cây mít dân làng trồng cùng thời với dựng khu nhà này, đã bảy mươi lăm năm rồi. Nhà cửa mấy lần trùng tu, thế mà cây mít vẫn xanh tươi lạ kỳ, đến mùa lại cho nhiều quả ngọt. Tôi bịn rịn với cây mít, với hàng cau, hàng râm bụt được bàn tay con người nơi đây chăm chút, cắt tỉa thẳng tắp. Tôi mải suy nghĩ mà quên cả thời gian. Cụ Bá vỗ vào vai:

- Đã hết giờ - Bảo tàng đóng cửa.

Tôi và cụ Bá thong thả bước ra con đường làng về xã. Rời khu di tích Kim Liên cũng là lúc nhân dân ở đây đang sửa soạn trang hoàng cờ hoa, tưng bừng đón một cái tết mới - Tết Bính Thìn trong Độc lập - Tự do - Thống nhất giang sơn.

                                                                                         H.T

Hữu Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 88 tháng 01/2002

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground