Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nấm mồ thiêng

 

C

ó đến nửa tá nhân viên Phòng nhì quân đội Pháp Trung Việt suốt mấy hôm nay mất ăn mất ngủ vì nguồn tin ông Hùng Việt Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 đã hy sinh. Trong hai năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1947) trên chiến trường Quảng Trị, ông Hùng Việt nổi tiếng là một chỉ huy gan dạ, mưu lược nhiều lần đánh cho quân Pháp nhừ đòn ở Rào Quán, Kho Muối, Đầu Mầu và Đường 9… quân Pháp kiêng nể gọi ông là "Con hổ Đường 9”. Nay ông đã hy sinh, đó là một tổn thất lớn với quân ta nhưng với quân Pháp thì chúng cho rằng đã thoát được một hiểm họa luôn luôn rình rập bên mình, lẽ ra chúng phải mở tiệc ăn mừng, sao bây giờ còn lo ngay ngáy đến nỗi mất ăn mất ngủ. Phải? Không lo sao được khi mà đích thân chánh mật thám Trung Việt ra mệnh lệnh lạnh sắc "Tổ chức cướp lại xác tên Việt Minh Hùng Việt." Chao ôi! Một giải đất Quảng Trị sông biển, núi rừng, trảng cát mênh mông là vậy, tìm cho ra một con Người chôn sâu dưới lòng đất khác gì mò kim đáy biển? Nhưng không tìm thì cũng không xong với quan thầy. Vậy là một lũ gián điệp được phái đi các nơi lùng sục, dò la, nghe ngóng tìm nơi mai táng ông Hùng Việt.

Về phía quân ta sự kiện ông Hùng Việt hy sinh được bảo mật tuyệt đối. Khi ông đã nằm dưới đất rồi sở chỉ huy vẫn phát đi những bức điện báo cáo lên

phân khu hoặc chỉ thị mệnh lệnh xuống các tiểu đoàn vẫn ký tên Hùng Việt. Ta

phán đoán rất chính xác giặc Pháp vô cùng cay cú với Hùng Việt không làm gì được ông lúc sống thì nay ông chết, là thời cơ thuận lợi để cướp xác ông, trả thù. Và thế là nhiệm vụ bảo vệ thi hài Hùng Việt được đặt ra cấp thiết. Chỉ một ít người có trách nhiệm được giao nhiệm vụ này. Ông hy sinh trên đất Gio Linh nhưng ta không dám mai táng tại đây mà phải bí mật đưa đi một nơi khác khả dĩ an toàn hơn.

Một đêm mưa, ông Lê Hoãn dân quân trung kiên xã Vĩnh Nam được giao một nhiệm vụ đặc biệt. Trước lúc đi, xã đội trưởng bảo đến nơi sẽ biết. Đoàn người lội bì bõm trong mưa tới bến đò Bến Tắt (Vĩnh Sơn) thì đã khuya. Tại đây ông được cấp trên giao việc, chuyển thi hài ông Hùng Việt (vừa được bộ đội Trung đoàn 95 chuyển đến bến đò) về mai táng tại vườn nhà và phải bảo vệ an toàn, chu đáo trong mọi điều kiện.

Nhà ông Hoãn cách đồn giặc không đầy cây số. Ngày ngày Pháp và ngụy binh lùng sục vào thôn xóm cướp bóc, ức hiếp dân đủ điều. Những cặp mắt cú vọ của chúng săm soi khắp nơi, mọi chốn. Nhưng ông Hoãn đã có cách. Sau khi chôn cất xong ông Hùng Việt ông Hoãn không dám đắp thành nấm mộ, chỉ đánh dấu bằng một hòn đá nhỏ rồi san phẳng, trồng sắn lên trên, Người qua kẻ lại dù có tinh ý đến mấy cũng không dễ gì phát hiện ra được. Vào những ngày rằm, mồng một hoặc ngày kỵ ông Hùng Việt không khi nào ông Hoãn quên hương khói. Những lúc đó ông phải đợi xóm giềng đi ngủ mới dám ra chỗ đánh dấu hòn đá thắp nhang, lầm rầm khấn vái cầu chúc cho linh hồn người quá cố an giấc vĩnh hằng. Rồi đến tờ mờ sáng ông lại mò mẫm ra nhổ chỗ chân nhang khi tối, xóa hết mọi dấu vết. Đến cả vợ con trong nhà cũng hoàn toàn không biết một chút gì ngay trong khu vườn mình có một ngôi mộ liệt sĩ chứ đừng nói gì bà con hàng xóm. Còn bọn địch, thì dĩ nhiên hoàn toàn mù tịt, chúng hoài công lùng sục khu vực Gio Linh song càng tìm càng mịt mù sương khói.

Cứ như thế đằng đẵng suốt 8 năm trời một mình một bóng âm thầm với ngôi mộ cho mãi đến khi hòa bình lập lại năm 1954, ông Hoãn mới có điều kiện đắp ngôi mộ to lên, đàng hoàng hơn, tọa lạc ở giữa khu vườn thì mọi người chung quanh mới “ồ” lên đầy vẻ ngỡ ngàng và thán phục.

Suốt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, địa bàn Vĩnh Linh là trọng điểm đánh phá cực kỳ ác liệt của địch. Mảnh vườn nhà ông Hoãn bị bom đạn đào bới nham nhở, nhà cửa bị đốt cháy mấy lần, ngôi mộ ông Hùng Việt cũng từng ấy phen bị sụt lở, những lần như thế, ông cần mẫn đắp sửa lại mộ trước khi sửa nhà. Thế nhưng thứ đất đỏ ba zan quê ông tơi xốp như bột, dẫu có lèn chặt lên nấm mồ vẫn không chịu nỗi sức công phá của bom đạn thành thử cứ ít hôm là người ta lại thấy ông hì hục xúc đất sửa mộ. Nhớ lại lời dặn dò của người cán bộ năm xưa "Bác phải cố gắng bảo vệ an toàn cho ngôi mộ trong mọi điều kiện" cụ Hoãn (bây giờ ông đã già) ăn, ngồi không yên. Ừ thì thời đánh Pháp gian khổ là thế, địch o ép ba bề bốn bên là thế, một thân một mình ta còn giữ được mộ huống hồ bây giờ trời của ta, đất của ta, cả nhà ta lại không giữ được cho ông nớ mồ yên mả đẹp hay sao? Với suy nghĩ đơn giản vậy cụ bàn với anh con trai đầu (ông Tiều), rồi hai cha con lặn lội hàng cây số khuân đá về chèn chắn khắp mộ. Thấy ngôi mộ đá ngày một to dần mấy người dân trong xóm bàn với cụ hay là kiếm ít xi măng gắn kết đá lại thành cái lăng cũng hay. Họ góp ý đúng nhưng kiếm đâu ra cái của hiếm ấy trong thời buổi trên bom dưới đạn này. Đành phải dẹp cái phương án bất khả thi đó lại, cụ Hoãn lại ngày ngày cặm cụi nhặt thêm đá đắp cho ngôi mộ to thêm. Cụ nói với dân trong xóm: “Chỉ trừ bom thằng tàu bay đánh vào mộ thì tôi chịu chứ không thì nó thua tui”. Lời cụ nói không quá chút nào. Có lần trong một trận oanh tạc máy bay Mỹ, một quả bom sát thương rơi cách mộ vài mét, hai bom bi rơi trúng nấm mộ. Bom nổ xong cụ vội ra xem, thấy sức nổ của nó chỉ làm lệch đi vài hòn đá, cụ vuốt râu cười khà khà “mi chỉ gãi ngứa cho ông nớ thôi". Là nói vui vậy thôi, chứ chuyện bom đạn đâu dám coi thường được. Sau lần đó cụ thấy chưa thật an tâm, tiếp tục vác đá về đắp cho ngôi mộ dày hơn, kiên cố hơn.

Ông Tiều kể lại, vào những năm đó mỗi lần máy bay đến đánh phá cụ lo lắng, bồn chồn như ngồi trên đống lửa, lo cho tính mạng mình thì ít mà lo cho người đã chết thì nhiều. Một lần B52 ném bom rải thảm vào xóm đúng lúc cụ Hoãn đang gặt lúa ngoài đồng. Từ trong xóm bời bời khói lửa, hàng chục người lao ra đồng tránh bom, còn cụ thì ngoài đồng hớt hãi chạy ngược vào xóm đâm bổ ra vườn xem ngôi mộ có mệnh hệ chi không.

Cứ như thế, suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, quê hương cụ bị đánh phá tan nát, hố bom chồng lên hố bom, hố đạn chồng lên hố đạn, bình quân đầu người hứng chịu bảy tấn bom nhưng ngôi mộ ông Hùng Việt vẫn uy nghi tọa lạc trong vườn.

Năm 1982 cụ Hoãn nhuốm bệnh nằm liệt giường hơn một tháng ròng, lúc thấy sức không qua khỏi, cụ gọi ông Tiều đến bên giường bệnh thều thào dặn: "Mấy chục năm ni, giặc giã, bom đạn nước nớ, cha đã gắng giữ được phần mộ ông Việt cốt răng cho có ngày ông gặp lại được vợ con. Cha không sống được đến ngày đoàn tụ đó, chừ đây con phải thay cha chăm nom cẩn thận hương khói đều đặn để sau ni con cháu ông ấy còn chỗ tìm về thắp một nén nhang”...

Khi cụ Hoãn từ trần, nhớ lời cha dặn, ông Tiều tiếp tục hương khói phần mộ trong vườn mãi đến năm 1984 theo chủ trương của Nhà nước mới cải táng đưa vào nghĩa trang liệt sĩ huyện.

***

Vào một buổi sang mùa đông năm 1989 đúng vào dịp kỷ niệm quân đội ta 45 tuổi, tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh có vị tướng già, dáng cao gầy, tóc bạc trắng cùng một tốp người đứng trầm ngâm, tư lự trước ngôi mộ Hùng Việt nghi ngút khói hương.

Vị tướng già đó là Thượng tướng Trần Sâm (đã nghỉ hưu) nguyên Chính ủy Trung đoàn 95 cùng thời với ông Hùng Việt làm Trung đoàn trưởng trung đoàn này, họ là bạn chiến đấu thân thiết với nhau trong mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Còn tốp người cùng đi với tướng quân là thân nhân liệt sĩ gồm bà vợ, hai con trai, hai con dâu và cháu đích tôn từ Hà Nội vào, sau 47 năm nay mới có điều kiện vào thăm mộ chồng, cha, ông và đồng đội của mình.

Khi được nghe kể về việc mai táng và bảo vệ ngôi mộ này, các thân nhân liệt sĩ mắt ai cũng rướm lệ bởi quá xúc động trước một con người suốt mấy chục năm ầm thầm và lặng lẽ không tiếc công sức và tính mạng mình, bảo vệ gìn giữ nguyên vẹn một ngôi mộ liệt sĩ trong hai cuộc chiến tranh ác liệt cho hôm nay hương hồn liệt sĩ được gặp lại những người thân yêu nhất.

                                                                                   T.B

 

Trần Biên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 66 tháng 03/2000

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground