Cách nhau chỉ một mái chèo
Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây
(Thanh Hải)
“Sông Hiền Lương bên thương bên nhớ
Bởi vì ai cách trở giang sơn?!
… Nước Việt Nam dài như một chiếc đàn bầu
Mà cái lẫy đàn đứt ngang sông Bến Hải”…
Nhưng dù trong dân gian hay thi ca gọi thế nào thì ngày 20/ 7/ 1954, cái tên sông Bến Hải cũng đã chính thức ghi vào một văn bản quốc tế có tầm thời đại được thảo bởi cây bút, mảnh giấy trên chiếc bàn, bên bờ hồ nổi tiếng ở Thụy Sĩ: Hiệp định Giơ–ne–vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Theo đó, nước ta tạm thời chia làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm đường ranh giới quân sự tạm thời, được quy định từ Đông sang Tây “Từ Cửa sông Bến Hải (Cửa Tùng) và dòng sông đó (ở miền núi này gọi là sông Rào Thanh) đến làng Bồ Hồ Sừ biên giới Việt Lào”. Vậy là, Bến Hải – Hiền Lương còn có một cái tên nữa ở thượng nguồn: sông Rào Thanh. Xin lưu ý, thổ ngữ miền Trung Rào cũng có nghĩa là sông. Nếu chỉ là văn bản ngôn ngữ thuần túy hoàn toàn có thể bỏ chữ sông mà chỉ gọi là rào Thanh. Luận chơi thế, chứ sâu trong lịch sử kể cho hết thì Bến Hải còn có tên là sông Hời (sông của người Chàm, Chiêm Thành), sông Minh Lương. Đến năm 1820 (Minh Mạng thứ nhất) do kỵ húy chữ Minh tên vua mà đổi ra thành Hiền Lương. Cái tên Bến Hải có từ non thế kỷ này xuất xứ từ Bến ông Hải trên đường thượng đạo của những nghĩa sĩ Cần Vương, những chiến sĩ hoạt động cách mạng thời kỳ bí mật và trong kháng chiến. Năm cái tên sông để Bến Hải “được” vào văn bản chính thức. Nhưng cũng thời gian đó, khi mà Bến ông Hải đã thành tên sông, cuộc họp Trung Giã ngày 03/ 8/ 1954 giữa đại diện Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và đại diện Bộ Tổng Chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp đã đề ra quy chế về Chín cặp bến khác cùng với cầu Hiền Lương thành mười điểm được phép qua lại. Cho tới sau này, hết thời hạn 300 ngày tập kết, rồi hai năm sau (1956, theo quy định là thời điểm tổng tuyển cử) Mỹ Diệm ngang nhiên xé hiệp định, đến hai năm sau nữa (1958) chúng tuyến bố khóa tuyến, hô hào “lấp sông Bến Hải, Bắc tiến” thì Chín cái bến sông ấy đã hóa thân thành biểu tượng của ý chí không chia cắt, của lòng thủy chung đôi lứa, của sức bền gan thử lửa:
“Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.”
Cái “bến” thứ mười trong quy chế Trung Giã là chiếc cầu Hiền Lương, tuy chỉ tồn tại mười lăm năm nhưng là tâm điểm chú ý của toàn nhân loại. Cho đến nay, cái tên Hiền Lương đã được đặt cho cả thảy tám chiếc cầu, từ cây cầu gỗ đầu tiên bắc qua sông năm 1922, đến cầu bê tông hiện đại vĩnh cữu hoàn thành năm 2000. Chiếc cầu hiệp định là cầu sắt lát gỗ do Pháp bắc năm 1952 bị bom Mỹ đánh sập năm 1967. “Cầu được chia làm hai phần, mỗi bên 89 mét. Bờ bắc 450 tấm ván, bờ nam 444 tấm” (Nguyễn Tuân). Trên đầu cầu phía Bắc đã in dấu chân của 900 đoàn khách quốc tế, 1.300 đoàn trong nước đến thăm, chia sẻ, động viên cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta.
* * *
Riêng ở Cửa Tùng, nơi mà vẫn theo quy chế hội nghị Trung Giã “Mỗi bên có một đồn kiểm soát liên hợp, một tuần ở bên này, một tuần ở bên kia. Tất cả thuyền bè vào cửa sông Bến Hải đều phải chịu sự kiểm soát của đồn này”. Cụ Nguyễn viết “Tuần này mình qua bờ họ mà gác chung. Tuần sau họ qua gác nơi bờ bắc mình. Trên sông Tuyến tuyệt nhiên không có đò ngang. Trừ một chiếc đò duy nhất này”. Thật sự phải cảm phục sự tinh anh của bậc đại văn. Vô tình Cụ Nguyễn đã đặt tên cái tên thứ sáu cho sông Bến Hải: Sông Tuyến. Sông Tuyến là sông giới tuyến, là nhánh sông lớn của Bến Hải được chọn làm giới tuyến. Bến Hải còn có một nhánh nữa là sông Sa Lung nằm gọn trong đất Vĩnh Linh khởi thủy từ Khe Mó (Vĩnh Hà) chảy qua Vĩnh Long, Quảng Xá, hợp thủy với nhánh lớn (Sông Tuyến) ngay tại địa phận làng Hiền Lương thuộc xã Vĩnh Thành, chảy qua Vĩnh Giang tới Cửa Tùng. Trên nhánh sông này cũng xảy ra chuyện: có tên phản quốc lặn lội từ Bắc vào gặp nhánh Sa Lung mà tưởng là sông Tuyến, bơi qua rồi liền hô đả đảo miền Bắc, báo hại quân dân Vĩnh Linh mất ngủ phải ra trói y lại dẫn về tuyến sau. Ngay cả trên sông Tuyến, dễ gì bấy nhiêu đồn cảnh sát ngụy trong bấy nhiêu năm ngăn được những chuyến đò ngang?! Thực tế thì sau khi chính quyền Mỹ Diệm bộc lộ hết dã tâm khóa tuyến, tập trận hải lục không quân ngay khu phi quân sự, hô hào Bắc tiến, nhân dân ta đã không chờ đợi, không đấu tranh nghị sự nữa. Ngày Bắc đêm Nam! Câu thành ngữ này phải hiểu cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Cùng với sự kiện thượng tá Võ Bẩm dẫn đầu hơn 400 người xoi đường trên dãy Trường Sơn tháng 5/ 1959, người Vĩnh Linh – Gio Linh, quân dân cả nước đã bắt đầu một công cuộc mà sử sách vẫn gọi: Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn. Và chính nơi đây, dọc hai bờ sông Tuyến với khu phi quân sự mỗi bên dày 5km đã chịu toàn bộ sức tàn phá khốc liệt của cuộc chiến tranh một mất một còn. Trong một bản hợp xướng đầy chất tráng ca thịnh hành hồi ấy có những ca từ dường như không thể hát, không thể ngâm, không thể đệm nhạc:
“Gươm nào chém được dòng Bến Hải
Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn
Căm hờn lại giục căm hờn
Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu”…
Thể hiện ca từ này chỉ có thể là tiếng thét.
* * *
Quê tôi cách sông Tuyến chưa đầy một tầm đại bác. Những năm sau kháng chiến chống Pháp, có anh Khánh là công an giới tuyến thỉnh thoảng về thăm nhà. Trong câu chuyện của anh thấy hiện lên một dải khu phi quân sự dọc hai bờ sông với những tấm biển bằng gỗ ghi hai dòng chữ Việt và Pháp: Giới tuyến quân sự tạm thời. Anh Khánh phát âm cái câu tiếng Pháp“Ligne de démarcation militairafnori seine” có vẻ thành thạo lắm. Sau này lớn lên, tôi đi học tiếp xúc với dăm ba ngoại ngữ Trung, Nga, Anh, Pháp kể cả Lào. Nhưng cái câu tiếng Pháp do anh Khánh nói khi về thăm làng là thực sự gây ấn tượng nhất. Đến nỗi mãi tới bây giờ, tôi dường như bị ám ảnh cái thuyết “tạm thời, tương đối” trong tính cách. Anh Khánh kể nhiều về cuộc đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơ–ne–vơ, Hiệp thương tổng tuyển cử. Hiệp định không quy định ranh giới trên sông, trên biển và trên cầu nhưng đối phương cứ đòi chia đôi cả sông cả biển, định mang kẽm gai rào ngang qua cầu. Rồi “cuộc chiến” loa đài âm thanh giữa hai bờ sông, cuộc chiến cột cờ giữa hai đầu cầu. Ngay từ hồi ấy Vĩnh Linh đã chủ trương mở các tuyến đường liên lạc hợp pháp và bất hợp pháp nối liền giữa các vùng miền vào Gio Linh, Liên Khu 5 đưa cán bộ ra vào hoạt động ngày Bắc đêm Nam. Cũng với đường dây liên lạc này, một đêm tối trời, chuyến đò ngang nào đã đưa bí thư chi bộ Khổng Thị Nậy từ bờ Nam ra Vĩnh Linh tập huấn thăm người chồng xa cách. Để rồi sau đó, tiễn vợ vào Nam, Phan Đồng – chàng công chức gác hải đăng – chiều nào cũng ra ngồi ở bờ sông ngóng về Nam, nghe vọng tiếng đì đùng giật thốt để nhạc sĩ trẻ Hoàng Hiệp thăng hoa trong ca từ:
“Bên ven bờ Hiền Lương/ Chiều nay ra đứng trông về…. Dù cho bến cách sông ngăn, dễ gì chặn được duyên anh với nàng…”
Chuyến đò ấy có thể là khởi đầu cho hoạt động của một bến đò B anh hùng, di tích lịch sử cấp quốc gia và những bến đò A Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn, Hói Cụ đã đi vào lịch sử địa phương.
Các bạn cứ tạm hình dung trong khoảng mười năm sau Hiệp định, hai bờ cứ nhùng nhằng như thế. Khi thì Ngô Đình Diệm tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” dồn dân lập ấp chiến lược, thực hiện luật 10/59 lê máy chém tiêu diệt người kháng chiến cũ. Hô hào “Lấp sông Bến Bải, Bắc tiến”. Vi phạm quy chế khu phi quân sự, gián điệp biệt kịch xâm nhập miền Bắc… có súng nổ, máu chảy. Bên ta cũng không ngủ quên, chân lý: “Miền Nam là máu của Việt Nam là thịt của thịt Việt Nam” không bao giờ lay chuyển. Nhưng các cuộc đối đầu chính thức thì phải chờ tới khi không quân Mỹ ném bom miền Bắc và Vĩnh Linh trở thành “một phần là đất còn ba phần là sắt thép”. Căng thẳng đến mức toàn bộ người già, trẻ em, phụ nữ hai con trở lên đều phải sơ tán ra các tỉnh bạn. Lực lượng bám trụ chủ yếu sinh hoạt dưới địa đạo. Bên kia bờ Hiền Lương, Mỹ lập hàng rào MacNamara đưa hai mươi lăm nghìn quân viễn chinh ra áp sát, đối mặt với Vĩnh Linh. Đó là tháng 2 năm 1967, không quân Mỹ dùng chất độc phát quang khu phi quân sự phía nam Bến Hải. Ngày 14/02/1967, bọn thanh niên chúng tôi đi làm đồng nhặt được mấy cái truyền đơn có ảnh chụp khẩu pháo 175 ly (vua chiến trường) cùng gã lính Mỹ đội mũ sắt với câu chú thích “Những súng đại bác cực nhanh này đã bắn chưa? Chưa. Nếu đã bắn thì các bạn đâu còn đọc được truyền đơn này”. Cái cách đặt câu theo kiểu Anh văn này làm cho chúng tôi ngơ ngác. Mười ngày sau, những viện đạn pháo 175 ly đầu tiên từ bờ Nam bay qua sông Bến Hải. Và quả thực, cũng như bom tọa độ, cái chết do đạn pháo gây ra không báo trước dù chỉ là tích tắc. Đất Vĩnh Linh hẹp đạn Mỹ không thiếu chúng cứ chầm chậm, thong thả cày xới từng ô bàn cờ trên bản đồ. Thế là trận bão lửa phản pháo đã diễn ra. “Giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom” Trung đoàn pháo binh số 164 mang tên Bến Hải được vinh dự nhận lãnh trách nhiệm này. Buổi chiều ngày 20/3/1967 trong vòng mười phút, một giàn quả đạn từ bờ Bắc bay qua dòng Bến Hải băm nát ba mẫu đất trên căn cứ Dốc Miếu diệt 1.070 tên lính thủy đánh bộ Mỹ, 22 xe tăng và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Ngày 27/7, thêm một trận bão lửa khác, 1.500 quả đạn HA12 (Kachiusa) rung chuyển căn cứ Dốc Miếu. Cũng thời gian này, máy bay Mỹ ném bom đánh sập cầu Hiền Lương, đạn rốc két bắn gãy cột cờ của ta ở bờ Bắc. Ngay đêm đó, một tổ đặc công của ta đặt bộc phá đánh đổ cột cờ bờ Nam…
Chuyện đối thoại, đối mặt, đối đầu qua con sông Bến Hải thì nhiều, kể hết vài nghìn trang sách. Với tôi, phải tới tháng 3/1972, trong đội hình hợp đồng binh chủng, mới chính thức vượt sông Bến Hải tham gia vào cuộc chiến mà có vẽ như người đôi bờ đã nén lại suốt mười tám năm. Cũng từ đầu năm 1972, Lữ đoàn của tôi cứ luẩn quẩn với “Bên ven bờ Hiền Lương”. Khi thì giấu mình giữa rừng cao su Nông trường Quyết Thắng, Nông trường Bến Hải, lúc về Vĩnh Kim, Vĩnh Giang, vượt Tùng Luật vào Nhĩ Hạ, Cửa Việt lại lộn ra miền tây Lệ Thủy. Sau bảy lăm tới bảy sáu bằng vào quyết định nhập ba đơn vị: Khu vực Vĩnh Linh (bờ Bắc), huyện Gio Linh, Cam Lộ (bờ Nam) thành một huyện Bến Hải lành lặn về hành chính. Nhưng rồi đất nước lâm vào một thời cam go bế tắc, khiến người đôi bờ Hiền Lương vốn kiên trung là vậy mà có khi tưởng cũng phải nản lòng. Mất mười năm, người Bến Hải mới lại bừng tỉnh trong công cuộc đổi mới từng bước. Một ngày mùa hè năm 2003, tôi trở lại Vĩnh Linh, Gio Linh, đi trên quốc lộ 1A qua cầu Hiền Lương bê tông vĩnh cửu – chiếc cầu thứ chín bắc qua Bến Hải, lại vòng trở lại trên chiếc cầu sắt lướt 894 tấm ván mới phục chế khánh thành tháng 5/2003. Tua du lịch vòng về Vĩnh Thạch bước xuống địa đạo Vịnh Mốc ngửi cái mùi đất đỏ bazan ai ải vì lâu ngày thiếu sáng. Dự án “Cụm di tích đôi bờ HIền Lương đã khởi động. Làng Hiền Lương đón nhận danh hiệu Làng Văn hóa”. Chúng tôi thắp nén hương lên mộ bà Trương Thị Diệm người mẹ vá cờ đầu cầu giới tuyến với câu nói đi vào lịch sử “Rách da rách thịt còn chịu được, rách cờ xót ruột lắm”. Làng Cát Sơn ở bờ Nam thuộc xã Trung Giang, nơi ngày trước có đồn cảnh sát ngụy luân phiên canh gác cửa biển với công an ta, ngày 22/9/2003 vừa chứng kiến lễ khởi công xây dựng cầu Cửa Tùng dài 461 mét, rộng 9 mét, kết cấu dầm bê tông dự ứng lực, đáp ứng nguyện vọng nhân dân đôi bờ cửa sông, hoàn chỉnh hệ thống du lịch Hiền Lương – Cửa Tùng – Vịnh Mốc – tiếp nối tuyến liên hoàn ven biển Cửa Việt – Cửa Tùng – Cửa Nhật Lệ. Quảng Trị đang mơ ước có một ngày mở tua du lịch từ Cửa Tùng ngược sông Tuyến lên làng Bồ Hồ Sừ là điểm cuối cùng của giới tuyến tạm thời trong hiệp định.
Tôi lộn trở lại Vĩnh Sơn ngồi một đêm dưới ánh đèn nê ông ngoài hồ tôm với các lão nông Nguyễn Văn Thú, Phan Văn Đệ, nghe kể chuyện khởi đầu nuôi con tôm từ cách đây bốn năm. Cần nhớ, Vĩnh Linh là đất Cách mạng, người đánh giặc bám trụ hy sinh thì được nhưng làm ăn kinh tế thì không giỏi, tư tưởng bao cấp an phận không nhẹ. Khi phát động nuôi tôm nghe rằng phải bỏ ra vài triệu đầu tư đã thấy ngại. Một ngày, có lão nông cất rớ chàn ngoài sông Hiền Lương bắt được con tôm sú mẹ, định cho vào nồi thì có người khuyên mang bán cho trại tôm giống. Ai ngờ con tôm nặng có vài lạng giá lại tới bốn triệu rưỡi. Cả làng tá hỏa, lúc bấy giờ mới tin cái lợi của tôm. 17 kilômét bờ sông đều được tận dụng. Năm 2003 diện tích nuôi tôm đã lên tới 73 ha. Ai đời năng suất sản lượng tôm gần bằng lúa: 2,83 tấn/ha; tổng sản lượng 194 tấn, giá có hạ nhưng vẫn thu về 11 tỷ đồng. Bây giờ thì người nông dân Vĩnh Sơn đều đã thạo kỹ thuật nuôi tôm. Ông Trần Văn Lưu ở đội 3 thôn Phan Hiền năm vừa rồi thu 3,1 tấn tôm, trừ chi phí lãi hơn trăm triệu đồng. Ngoài việc xử lý hồ nuôi, chế độ ăn, mật độ thả như trong sách, ông Lưu còn cho biết thêm một kinh nghiệm nghe như thể dân gian – Chờ khi mô nước Hiền Lương rặc hãy bơm vào bờ. Thì ra Hiền Lương còn ảnh hưởng thủy triều nữa. Dân ở dây chỉ bơm khi con nước ròng, sạch, không nhiễm bệnh. Không phải chỉ ở Vĩnh Sơn mà cả hai bờ Bến Hải đều ăn nước Hiền Lương, nuôi tôm nước Hiền Lương và đều thắng. Vụ tới Vĩnh Giang và Vĩnh Thành đưa vào khai thác khu nuôi tôm 120 ha được Bộ Thủy sản đầu tư. Cái sự làm giàu và bắt đầu làm sang ở đôi bờ này là đủ độ bền vững. Tôi cứ nghĩ: phải chăng mình về đây để xây đắp một tín điều vĩnh cữu, để cảm nhận lại và cũng để gột đi cái hội chứng “tương đối – tạm thời” ám ảnh suốt bao năm?!
* * *
Trữ tình ngoại đề: Tròn 30 năm tôi trở lại sông này còn có một ý riêng là tìm em, cô bé có đôi mắt tròn veo như nước sông Bến Hải và mang cái tên con gái ngộ nhất hành tinh hợp lại từ ngôn ngữ của ba châu lục: Cô-Oét-Dâu. Lữ Đoàn tôi tiếp cận sông Bến Hải chuẩn bị chiến dịch. Nhà tôi trọ có cô bé mười lăm tuổi xinh như bông hồng hàm tiếu. Em thuộc diện K15 chạy loạn từ bờ Nam ra. Một chàng hạ sĩ trẻ con mang mang chút văn chương như tôi liền đóng vai Mariuýt mà gọi em là Côdét. Bà con K15 không ai đọc Vícto – Huygô nhưng nghe tôi kêu vậy liền cười mà rằng:
- Dét diếc chi, Cô Oét thì có. Không có chú dân quân thì ma-rà sông Hiền Lương nuốt rồi.
Trận càn “Lam Sơn 58” rung chuyển đất trời giới tuyến. Sáu giờ sáng ngày 18/5/1967, máy bay dội bom phi pháo dọn đường, bảy nghìn quân Mỹ từ trên trời xuống, từ hạm đội ào lên, từ Đông Hà cưỡi xe tăng tràn ra hốt mười ngàn dân vùng phi quân sự bờ Nam vào các khu tị nạn. Hai ngàn bà con tuông chạy vượt sông Bến Hải ra Bắc. Suốt một dải bờ sông gần 25 km từ Tùng Luật (Vĩnh Giang) lên Giang Phao, Hói Cụ (Vĩnh Sơn), cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Máy bay Mỹ tưới đạn xuống, máu đỏ sậm dòng Bến Hải. Tình huống quá bất ngờ. Bờ Bắc lao cả vật dụng làm pháo, cả người xuống sông cứu nạn. Cô bé mười một tuổi chìm dần giữa dòng sông máu thì bắt gặp một thân cây chuối và cánh tay một chú dân quân bờ Bắc. Tác giả trận càn Bạch hóa để thiết lập hàng rào MacNamara là tướng Oét-mô–len. Cô bé Nguyễn Thị Dâu từ Côdét thành Côoét là vậy. Trước khi vào chiến dịch bàn tay em đã nằm gọn trong tay tôi. Môi em mềm và ngọt và run như chim dẽ. Nhưng tôi còn phải đi hơn ba năm nữa, cuốn xích sắt trên những xa lộ chiến tranh và đường đời. Hết chiến tranh về dò lại tin em thì đã như bóng chim tăm cá. Những vết thương hai bờ Bến Hải đã liền sẹo. Cỏ mọc lan dần trên các hố bom hố đạn. Cây lúa lại lên xanh. Những đoàn xe vào Nam ra Bắc chạy gập ghềnh qua cầu Hiền Lượng dựng tạm. Cuối năm 1976, chuyến tàu hỏa đầu tiên kéo còi qua cầu Tiên An. Đâu đó ở Tây Nam và biên giới phía Bắc có tiếng súng, những chàng trai còn sót lại của đôi bờ Bến Hải lại lên đường…
Tôi đã đi suốt dọc dài đôi bờ Bến Hải tìm lại chính cái cặp bến xưa từ Cửa Tùng lên Tùng Luật (Bến đò B) Phước Lý, Huỳnh Thượng, Tiên An, Minh Hương, Bến Tắt ở bờ bắc, rồi qua đò vòng lại các bến từ Cẩm Sơn qua Hói Cụ, về Kinh Môn, Xuân Mỵ, Cát Sơn nơi cửa sông. Đến đâu tôi cũng hỏi về chị Dâu, bà Dâu K15 vượt tuyến năm 1967. Không ai biết cái bà Dâu tuổi Thân, sinh rớt giữa ruộng dâu ngày cảnh sát bờ Nam xé Hiệp định. Lại cái tên lạ hoắc Cô Oét Dâu chỉ làm bà con ngơ ngác thêm. Tôi bỗng thấy hoảng sợ: Nửa cuối năm 1972 không quân Mỹ ném bom trở lại Quảng Bình, Vĩnh Linh, thương vong rất lớn…
Vĩ Thanh: Tôi đã kể khá nhiều về một con sông qua 50 năm chiến tranh và hòa bình, về lòng người đôi bờ, về những mất mát đau thương đến tột cùng của địa đạo Tân Lý (Vĩnh Quang) vĩnh viễn vùi sâu 62 nam phụ lão ấu sau trận bom tàn khốc. Gia đình cụ Hoàng Kế ở An Đức 26 người chỉ còn 3. Gia đình anh Phan Cường 10 người chết 9 (gồm bố, mẹ, vợ và sáu con). Những trận càn tơi bời ở bờ Nam. Từ đối thoại đến đối khẩu, từ đối mặt đến đấu pháo để tới một ngày toàn bộ sức nén bật ra quét sạch bờ cõi “khai sông nối bến cho nàng về anh”. Nhưng tôi chưa kể về một con người, một ông già quê xứ Nghệ thường trú ở Huế gàn nhất Việt Nam, ngang ngược nhất hình tinh (dẫu chỉ tạm thời), không nể miền Bắc, chẳng ngán miền Nam cứ ngày ngày chèo thuyền bới cơm gạo ra thả neo ngay chính giữa dòng sông Bến Hải là nơi ranh giới mỏng manh nhất mà ngâm thơ Phan Sào Nam, Nguyễn Du và đủ thứ Cảo thơm đông tây kim cổ. Nghe nói hồi ấy công an ta cũng không gây khó cho ông và cảnh sát ở bờ Nam cũng ngại chẳng dám làm gì. Ông cụ đã chết già để lại cái bóng mờ như truyền thuyết. Tôi cũng chưa kể lần về thăm lại cụ Phan Đồng, nguyên mẫu cảm hứng sáng tạo trong ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương” của Hoàng Hiệp. Ở tuổi thượng thọ cụ Đồng yếu đi nhiều. Năm mươi năm trước, người đàn ông này đã có một mối tình đôi bờ thật éo le. Vợ ông, bà Khổng Thị Nậy, cái “bến một dạ khăng khăng đợi thuyền” bị lính bờ Nam phục kích, nằm xuống giản dị như bao nữ liệt sĩ khác, nhưng còn vẳng đâu đây câu nói thật khảng khái trả lời chồng khi anh ngỏ ý giữ chị lại bờ Bắc sau đợt tập huấn ngắn ngày: “Ai cũng quăng dân lại mà ra với chồng thì cách mạng còn ra răng”. Có thể ca khúc ấy không dành riêng cho mối tình của họ. Rồi mai đây cả nhạc sĩ, cả cụ Phan Đồng đều nằm xuống, nhưng lời ca vẫn còn vang vọng mãi. Và em tôi, cô gái nhỏ có cái tên hợp từ ba châu lục, đẹp như ngàn dâu xanh màu yêu thương Quảng Trị. Em có còn sống sót qua chiến tranh! Có được tay bồng tay mang vui bề nghi gia nghi thất? Giờ này đang ờ đâu trên đôi bờ Bến Hải – Hiền Lương?
N.T.T