Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Năm năm khai mở con đường

NĂM NĂM KHAI MỞ CON ĐƯỜNG

   Ký sự- LAM CHI

 

Quảng Trị là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.

Nếu chọn một góc nhìn cho tỏ tường, bao quát kiểu như Nguyễn Trãi từng ngồi thiền định trên núi Côn Lôn cưỡi mây để hiểu ra núi, lấy gió để hiểu ra cây thì rất dễ nhận thấy Quảng Trị là mảnh đất sinh ra để gánh lấy những vận hạn của lịch sử dân tộc giao phó. Xưa gọi địa linh, nay là đất thiêng vì đất này có những mốc son. Ba lần được Quảng Trị được chọn làm thủ phủ kinh đô trong ba cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Đó là năm 1558- 1626 với thủ phủ bàn đạp Dinh Cát Ái Tử, Chúa tiên Nguyễn Hoàng đã mở nghiệp khai phá xứ đàng trong. Đó là kinh đô kháng chiến Tân Sở (1885), nơi vua Hàm Nghi tuyên chiếu dấy nghĩa Cần Vương khởi đầu cho công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc. và đó là Cam Lộ, thủ phủ của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam vào những năm tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quảng Trị có ba con sông không phải là lớn lắm ở thắt ruột miền Trung đều buộc phải làm ranh giới chia cắt đất nước trong ba thời kỳ: Sông Hiếu chia cắt Việt- Chăm từ 1069- 1307; sông Hiền Lương đôi miền Nam- Bắc 1954- 1972; và sông Thạch Hãn chia cắt Nam- Bắc 1972- 1975...Nói như vậy để thấy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngót một phần tư thế kỷ, nơi đây như thể nghiễm nhiên đã trở thành chiến trường ác liệt nhất, quyết liệt nhất, đúng với khái niệm đụng đầu lịch sử. Mỗi tấc đất ở nơi chốn này thấm đẫm không biết là bao nhiêu máu xương của hàng vạn chiến sỹ, đồng bào Quảng Trị và những người con ưu tú trên mọi miền đất nước.

Chiến tranh đi qua, lưu lại trên đất Quảng Trị một hệ thống di tích chiến tranh cách mạng đồ sộ, độc đáo. Với 505 di tích danh thắng đã được kiểm kê đánh giá, thì đã có đến 436 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, trong đó nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt quan trọng. Trong khối di tích đồ sộ ấy rất dễ nhận ra một số di tích tiêu biểu, có giá trị đặc biệt hấp dẫn đối với hoạt động du lịch hồi tưởng hoài niệm đối với các chính khách, các nhà nghiên cứu lịch sử, Cựu chiến binh từ hai phía và khách du lịch như Làng hầm Vịnh Mốc, Cầu Hiền Lương – Đôi bờ sông Bến Hải, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Bến Tắt – Khe Hó, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 – Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Đảo Cồn Cỏ, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam và hai nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9... Như đã nói, hệ thống di tích chiến tranh cách mạng ở Quảng Trị không những nhiều về số lượng mà còn đa dạng về loại hình và có nội dung ý nghĩa lịch sử to lớn; nó đã, đang và sẽ là tài sản tinh thần vô giá của cả nước vì những hàm nghĩa sâu sắc cả về tính dân tộc và thời đại chứa đựng trong mỗi di tích. Sau gần ba mươi lăm năm đất nước thống nhất, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của TW và nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã đạt được những thành tựu quan trọng về xây dựng phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng và đang trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới. Trong đó hoạt động du lịch đã có sự khởi sắc đi lên, góp phần tích cực trong việc phát triển KT-XH của tỉnh nhà, có thể nói là bắt đầu từ Quảng Trị khai mở con đường du lịch hồi tưởng dành riêng cho Quảng Trị. Đây là một chương trình đặc biệt xuất phát từ những nhu cầu nguyện vọng cấp thiết và ý tưởng nhân văn sâu sắc của các vị tướng lĩnh, sỹ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong, cựu chiến binh từng chiến đấu gắn bó với mảnh đất này. Con đường hay chương trình du lịch được  mang tên: “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” .

 

                                             * * *

 

Xuất phát từ ý tưởng nhân văn vừa nêu, năm năm qua lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Du lịch đã tập trung chỉ đạo, đầu tư nhân lực vật lực thực hiện ý tưởng và nguyện vọng nói trên bằng những việc làm cụ thể rốt ráo. Tháng 7 năm 2005, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Du lịch tổ chức thành công Hội thảo quốc gia về chương trình du lịch HNCTX&ĐĐ . Ở Hội thảo này có 38 tham luận của các vị tướng lĩnh quân đội là nhân chứng lịch sử; các vị lãnh đạo TW và của Quảng Trị qua các thời kỳ; các nhà khoa học, các doanh nghiệp Du lịch, lữ hành...đã được trình bày. Sau Hội thảo đã tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động nhằm phát triển loại hình du lịch hoài niệm. Tháng 12 năm 2005, Công ty Du lịch và Xúc tiến Đầu tư thuộc Tổng cục Du lịch bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp Bộ “Khai thác các giá trị Di tích chiến tranh cách mạng tại Quảng Trị phục vụ xây dựng chương trình du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Đề tài khoa học ứng dụng nói trên thêm một lần nữa khẳng định về mặt lý luận và thực tiễn, là cơ sở mở ra hướng mới khai thác các cụm di tích chiến tranh cách mạng để phát triển loại hình du lịch hoài niệm có ý nghĩa nhân văn, tâm linh sâu sắc này. Đề tài đã được nghiệm thu và chuyển giao cho các đơn vị Du lịch, lữ hành trong cả nước ứng dụng, góp phần tích cực vào việc phát triển sự nghiệp du lịch nói chung và loại hình du lịch hoài niệm ở Quảng Trị nói riêng. Tiếp đến tháng 7 năm 2006, UBND tỉnh tổ chức giới thiệu chương trình Du lịch HNCTX&ĐĐ tại thủ đô Hà Nội, thu hút trên 160 đại biểu các Bộ ban ngành ở TW, thủ đô Hà Nội và các doanh nghiệp Du lịch lữ hành cùng các tổ chức chính trị xã hội đến tham dự, tạo dựng môi trường tốt về xúc tiến đầu tư phát triển du lịch. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư chúc mừng, trong thư khẳng định: “Quảng Trị là một trong những chiến trường ác liệt nhất, hệ thống di tích cách mạng ở Quảng Trị rất đồ sộ và độc đáo, là tài sản qáy giá. Nhiệm vụ của các thế hệ người Việt Nam và Quảng Trị là phải giữ gìn, khai thác giá trị to lớn phục vụ phát triển KT-XH, đặc biệt là du lịch để phục vụ đời sống nhân dân”… Tiếp đó UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục giới thiệu chương trình này ở một số thành phố, tỉnh lân cận; phối hợp với VTV3 dựng phim, các cơ quan thông tin đại chúng TW và địa phương tuyên truyền quảng bá rộng rãi. Và khi tỉnh đã tổ chức công bố chương trình du lịch HNCTX&ĐĐ tại thành cổ Quảng Trị thì đây là điểm nhấn quan trọng có tính chất khẳng định một thương hiệu du lịch mới được các hãng Lữ hành trong nước và quốc tế quan tâm hưởng ứng...

Đi đôi với các hoạt động nghiên cứu, hội thảo khoa học nhằm xây dựng thiết kế chương trình, tỉnh ta đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, xã hội có tác động tích cực thúc đẩy du hoài niệm phát triển. Một trong những hoạt động đầy tính khám phá sáng tạo là đã tổ chức sản xuất và truyền hình trực tiếp nhiều lễ hội cách mạng độc đáo gây xúc động mạnh mẽ đối với khán giả  trong nước, khu vực và thế giới, điển hình như Lễ hội Thống nhất Non Sông vào dịp 30/4, Lễ hội Huyền thoại Trường Sơn vào dịp 27/7, Lễ hội Khúc tráng ca về một dòng sông, Lễ hội Thả hoa trên dòng Thạch Hãn ... Việc phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, đài Truyền hình Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh tổ chức nối cầu truyền hình với một số tỉnh, thành phố trong các dịp lễ kỷ niệm và sự kiện quan trọng của quê hương đất nước đều có ý nghĩa tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về hình ảnh mảnh đất và con người Quảng Trị nói chung và quảng bá cho chương trình du lịch hoài niệm nói riêng hết sức sinh động. Nói như nhà văn Xuân Đức, tổ chức lễ hội cách mạng là một cách thức vật thể hoá những giá trị phi vật thể chứa đựng trong mỗi di tích. Tại Hội nghị tổng kết Chương trình du lịch HNCTX&ĐĐ, ông đã đưa ra nhiều dẫn dụ hết sức thuyết phục, chúng tôi chỉ dẫn ra đay một ví dụ. Thoạt đầu ông cho rằng, những “giá trị phi vật thể tồn tại bằng sự cảm nhận, tuyền tụng, giáo huấn, sự tôn vinh trong tâm thức hoặc ý thức của từng cộng đồng, bằng đạo đức xã hội hoặc là giáo lí của tôn giáo… Như vậy, muốn nhận thức và cảm nhận được giá trị văn hoá phi vật thể con người cần phải thường xuyên, liên tục được tiếp xúc, được giáo dục, được truyền bá và đủ thời gian để hiểu biết sâu sắc đầy đủ về nó. Nhưng đối với khách du lịch, thời gian để tiếp cận với các giá trị ấy rất ngắn, lại thường không phải ở một không gian trầm tĩnh để cảm nhận và suy ngẫm, không có điều kiện để được truyền bá, giáo huấn…Vậy, làm cách nào để khách hành hương trong một quãng thời gian ngắn có thể nhận thức được các giá trị phi vật thể của các di tích lịch sử cách mạng?”. Và đây chính là mấu chốt của vấn đề, vì tôi biết ông là một trong những nhà thiết kế, là tác giả và đạo diễn: “Ông cha đã có cách truyền bá rất sáng tạo là hình thành các hoạt động lễ hội trong không gian của ngày giỗ chạp hay lễ truyền thống. Trong các hoạt động lễ hội đó, người ta đã chuyển hoá những giá trị vô hình thành hình thức hoạt động hữu hình, chuyển từ phương thức truyền bá thông qua giáo dục ý thức thành phương pháp trực quan, cảm nhận trực tiếp, chuyển hoá phương pháp giác ngộ của cộng đồng từ nhận thức bền bỉ theo kiểu mưa dầm thấm đất thành sự rung động ngay lập tức, cảm nhận qua sự rung động tâm hồn… Đó chính là cách vật thể hoá những giá trị phi vật thể”. Và ông cũng đã đưa ra một dẫn chứng để thuyết minh cho cách làm này: “Di tích Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt ròng rã 21 năm trời của dân tộc. Tuy nhiên, giá trị bất hủ của di tích này không phải là câu chuyện chia cắt. Du khách đến đây cần phải đọc được thông điệp sâu xa của di tích Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải, đó là  khát vọng đoàn tụ, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Đây chính là giá trị phi vật thể của di tích. Để hiểu rõ giá trị này có rất nhiều con đường, bằng văn thơ, bằng giáo dục lâu dài trong nhà trường, trên sách báo, trong các cuộc tọa đàm lịch sử hoặc hội thảo khoa học... Tuy nhiên, với khách du lịch, những người chỉ có thể dừng lại nơi này một ngày hoặc một buổi, thì các cách thức truyền bá nói trên sẽ rất bị hạn chế. Đó chính là lí do để một lễ hội cách mạng ra đời với tên gọi “Lễ hội thống nhất non sông”. Trong lần lễ hội thứ nhất, những tác giả của chương trình đã tổ chức mời hai đoàn khách từ cực nam (Cà Mau), cực bắc (Lạng Sơn) mang về hai nắm đất dâng lên Kỳ đài Hiền Lương. Lần Lễ hội thứ hai, lại mời hai đoàn cũng từ hai đầu Tổ quốc là Cao Bằng và Hậu Giang, mang theo hai bầu nước của hai nguồn sông tận cùng đất nước về hoà vào dòng nước sông Bến Hải… Những hình ảnh ấy đã tạo nên sự xúc động sâu xa đối với nhân dân và khách du lịch. Những nắm đất và bầu nước là vật thể, là thứ có thể nhìn thấy trước mắt, nhưng lại là sự ẩn dụ sâu xa của thông diệp lịch sử, là tất cả tinh thần, hồn vía của di tích. Đó chính là cách vật thể hoá những cái phi vật thể mà các hoạt động lễ hội tạo ra”. Cuối cùng thì ông cũng đã đi đến kết luận: “ Việc tạo ra những lễ hội Cách mạng ngay trên các di tích chính là cách làm tốt nhất để gọi cái phần hồn của di tích sống dậy. Nói một cách khác, hoạt động lễ hội là cách làm cho cái phần phi vật chất hiện hình lên, giúp cộng đồng hôm nay đặc biệt là thế hệ trẻ, thế hệ không được chứng kiến những sự tích ấy xẩy ra có thể “đọc” được những giá trị sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất đang ẩn sâu trong các di tích lịch sử và cách mạng”...

Những gì chúng tôi vừa trình bày tóm tắt chỉ là một trong muôn mặt của ý tưởng các nhà thiết kế và công tác quảng bá, tuyên truyền cho chương trình du lịch hoài niệm. Tuy là lý thuyết, song những gì đã làm, đã kiểm chứng qua thực tiễn xác nhận một điều rằng đó là hướng đi đúng đắn.

 

* * *   

Cha ông ta có dạy: Có thực mới vực được đạo. Vì vậy sẽ rất là thiếu sót nếu không kể ra đây những nổ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các hoạt động bổ trợ khác. Mà ở lãnh địa này chỉ kiểm kê thôi cũng đã mất hàng trăm trang sách. Vậy chỉ còn cách điểm mặt nữa mà thôi!

Trước hết, bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các tuyến đường du lịch từ Cửa Tùng đến địa đạo Vịnh Mốc; Đường quốc phòng dân sinh dọc biển Cửa Việt - Cửa Tùng; Cầu Cửa Tùng rồi đường Hồ Chí Minh huyền thoại (đoạn Khe Sanh - Sa Trầm - Tà Long); nâng cấp đường về nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và xây dựng công viên Lê Duẩn hàng chục tỷ đồng. Chính phủ, các Bộ ngành chức năng cũng đã quan tâm hơn đến việc đầu tư nâng cấp, phục chế, tôn tạo các di tích chiến tranh cách mạng ở Quảng Trị. Từ năm 2005 đến nay đã đầu tư gần 150  tỷ đồng cho các hạng mục quan trọng, trong đó ưu tiên đầu tư cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải 34,6 tỷ đồng; Thành cổ Quảng Trị giai đoạn II 40 tỷ đồng; Bảo tàng Tà Cơn giai đoạn II 20 tỷ đồng; Khu Di tích Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam 9 tỷ đồng; Bảo tàng tỉnh 7 tỷ đồng... Hiện nay, vốn mục tiêu đang tập trung nâng cấp, phục chế cho một số di tích quan trọng và đặc biệt quan trọng như: Thành cổ Quảng Trị giai đoạn II khoảng 200 tỷ đồng; tái tạo hàng rào điện tử Mc.Namara khoảng 100 tỷ đồng… Tỉnh Quảng Trị cũng bố trí hàng chục tỷ đồng nâng cấp các cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ cho hoạt động du lịch hoài niệm như đường sá, hạ tầng điện nước, các dịch vụ khác tại các di tích chiến tranh cách mạng trên địa bàn. Từ năm 2005 đến nay, ngành LĐ-TB&XH đã đầu tư nâng cấp mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang  quốc gia Đường 9 với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng; dự án nâng cấp NTLS Trường Sơn giai đoạn II được phê duyệt với tổng kinh phí gần 44 tỷ đồng... Những con số chục tỉ, trăm tỉ rồi ngàn tỉ... đó mới một nguồn, là nguồn cấp phát ngân sách. Vấn đề chúng ta đang quan tâm  là sự hưởng ứng của các giai tầng trong xã hội thế nào, cái mà chúng ta quen gọi là xã hội hoá. Có vô vàn những tín hiệu đáng trân trọng và vui mừng. Ngay trong quần thể khu di tích của Nghĩa trang Trường Sơn, cho đến nay nhiều địa phương trong cả nước đã chung tay đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng những nhà bia tưởng niệm với biểu tượng của quê hương tại các khu mộ liệt sĩ địa phương của mình, góp phần tạo cho NTLS Trường Sơn thành một công trình lịch sử - văn hóa, một địa chỉ quan trọng cho các hoạt động tri ân của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Nhiều đơn vị quân đội, Hội Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong, Đoàn Thanh niên CSHCM, các đoàn thể tổ chức xã hội và doanh nghiệp cả nước có cùng tâm nguyện chung sức chung lòng đóng góp, tích cực hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp phục chế xây dựng mới các cụm đài tưởng niệm với hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng như thế. Năm năm qua có rất nhiều “mạnh thường quân” đồng chí hướng như Ngân hàng Công thương hỗ trợ cho Nhà trưng bày tại di tích Thành Cổ 237 triệu đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam hỗ trợ tôn tạo khu di tích Thành cổ 400 triệu đồng và 300 triệu đồng nâng cấp Đài tưởng niệm anh hùng Đảo Cồn Cỏ; Cựu chiến binh Sư đoàn 304 và Bộ đội Tăng thiết giáp cùng các đơn vị, các đoàn thể khác trong nhiều đợt đã đóng góp nâng cấp hàng loạt di tích. Là đài tưởng niệm Trung đội Mai Quốc Ca bên cầu Thạch Hãn; là Bia tưởng niệm tại Hải Lâm (Hải Lăng); là Đài tưởng niệm ở cảng Cửa Việt; là Đài tưởng niệm Trung đoàn 27 tại Cam Tuyền; là Cây đa Gia Bình, Đồi 82, Ngô Xá Tây, Cao điểm 31 Phúc Xá là Đài tưởng niệm chiến sỹ Thông tin ở Dốc Miếu... Rồi Tháp chuông  Thành Cổ, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn; Bến thả hoa Bờ Nam sông Thạch Hãn (cũng do ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ) và Bắc sông Thạch Hãn do ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ. Đặc biệt, trong dịp Lễ 27.7.2009 vừa qua các Sở, Ban, Ngành, đơn vị, doanh nghiệp hỗ tợ 64 tỷ đồng nâng cấp xây dựng Công viên và Đài tưởng niệm chiến sĩ Thành Cổ tại bờ Bắc sông Thạch Hãn...

Cũng sẽ rất thiếu sót nếu không kiểm kê lại tình hình các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, trung tâm lữ hành ở Quảng Trị tự lực cánh sinh như thế nào? Họ đang tích cực đầu tư nâng cấp các cơ sở lưu trú, lữ hành, phương tiện và dịch vụ khác phục vụ chương trình du lịch HNCTX&ĐĐ và những kết quả đạt được sau đây không phải là không ấn tượng.  Đến nay trên địa bàn Quảng Trị đã có 78 khách sạn, nhà nghỉ du lịch với 1.700 phòng, đủ điều kiện đón các đối tượng khách du lịch. Một số cơ sở lưu trú xây dựng mới đạt chuẩn 3 sao đã đưa vào sử dụng như Khách sạn Hữu Nghị, Khách sạn Đông Trường Sơn, Khách sạn Mê Kông; đạt chuẩn 2 sao như Khách sạn Lan Anh, Khách sạn Thái Ninh…Hiện 29 cơ sở khác đang tiến hành xây dựng với quy mô lớn như Giang sơn Cẩm Tú ở Lao Bảo, khách sạn Sài Gòn – Đông Hà tiêu chuẩn 4 sao và hàng chục công trình đang khởi công ở Cửa Việt, Cửa Tùng, Đông Hà, Lao Bảo... Đáng chú ý Công ty Du lịch và Xúc tiến đầu tư -VIPTOUR (Tổng cục Du lịch) đang xây dựng “Trung tâm Du lịch Hoài niệm Việt Nam” tại Thị xã Quảng Trị với số vốn 100 tỷ đồng (ngày 3/2/2010 đã khai trương giai đoạn I).  Nhiều Công ty du lịch của Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư mua sắm phương tiện xe, máy móc, thiết bị có giá trị lớn. Công ty Cổ phần Lữ hành Sê Pôn, Công ty Cổ phần  Ô tô Dòng Hiền mạnh dạn đầu tư hàng chục xe từ 45 chỗ ngồi trở lên đưa đón khách.Tập đoàn Mai Linh chi nhánh ở Quảng Trị, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thành Quả, Công ty Cổ phần Ô tô Dòng Hiền đầu tư gần 100 xe khách và taxi; đầu tư hàng chục tỉ đồng mua sắm thiết bị nghe nhìn  phục vụ khách theo chương trình du lịch hoài niệm... Bên cạnh đó, sở LĐTBXH tích cực nâng cấp chỉnh trang Nhà khách đón thân nhân liệt sỹ 27/7 phục vụ ngày càng tốt hơn. Trung tâm vừa được Công ty TNHH Hòa Bình (Hà Nội) ủng hộ 3 tỷ đồng xây dựng một khu nhà 3 tầng với 20 phòng nghỉ cho thân nhân khi đến viếng và tìm kiếm mộ liệt sĩ. Tất cả những việc làm đó đều có tính chất bổ trợ, chung tay góp sức nhưng hiệu quả mang lại cho chương trình du lịch hoài niệm là lớn lao vô bờ.

Năm năm qua, chương trình du lịch HNCTX&ĐĐ còn được tiếp sức bởi vô vàn các hoạt động bổ trợ khác. Nói là bổ trợ, gián tiếp nhưng khi đã vào việc thì mọi người ai ai cũng đều là người trong cuộc, bởi ai đến với mảnh đất thiêng này cũng bằng tấm lòng tự nguyện, xã thân, đền ơn đáp nghĩa. Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, các Sở, Ban ngành chức năng của tỉnh từ 2005 đến nay đã đón, bảo vệ an toàn gần 360 đoàn cấp cao huy động hơn 5.000 lượt người phục vụ; đón tiếp trên 100 đoàn cựu chiến binh với trên 6.000 lượt người đến thăm viếng, hành hương về chiến trường xưa; đón và phục vụ gần 3.500 thân nhân liệt sỹ các tỉnh, thành phố đến thăm viếng, tra cứu về thông tin liệt sĩ  và hàng ngàn người đến làm chế độ thương binh, bệnh binh, mất sức, đề nghị suy tôn liệt sĩ. Hằng năm như đã trở thành thông lệ, nhiều đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp hoài cố chiến trường xưa quay về đóng góp cho chương trình du lịch hoài niệm mỗi lần mỗi cách thức, một cách làm hay gây ấn tượng xúc động như Đoàn Cựu chiến binh do Báo Quân đội Nhân dân tổ chức với chủ đề “Vang mãi khúc quân hành” Đoàn Cựu chiến binh mặt trận B4-B5 , Đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 3 (K3, Tam Đảo) tổ chức thăm chiến trường xưa và tọa đàm với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Đoàn Cựu chiến binh Trung đoàn 27 (Mặt trận B5 – Đường 9) tổ chức hoạt đông dã ngoại với chủ đề “Ấm rừng đồng đội”... Nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội, tôn giáo thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm tri ân rất có ý nghĩa. Chiến dịch Thanh niên tình nguyện toàn quốc Hè 2006 tại Thành cổ Quảng Trị; “Hành trình về với Trường Sơn” do Tỉnh đoàn Quảng Trị và Thành đoàn Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với 8 tỉnh, thành phố khác tổ chức dâng hương hoa, làm vệ sinh, làm mới 1.800 ngôi mộ tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9 và 10.263 ngôi mộ tại Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Hàng năm trên một vạn đoàn viên thanh niên khắp cả nước hội tụ về đây báo công, tỏ lòng tri ân và thể hiện không biết bao nhiêu là nghĩa cử. Chỉ tính riêng một lễ cầu siêu của Phật giáo diễn ra thường niên ở Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Đường 9 hay tại Thành cổ Quảng Trị đều thu hút hàng ngàn tăng ni phật tử và dân chúng trong vùng đến dự lễ...

Bằng vào mọi nổ lực vừa nêu mà từ năm 2005 đến năm 2009, các doanh nghiệp Du lịch, lữ hành ở Quảng Trị tổ chức được 1.562.392 lượt khách theo Chương trình du lịch HNCTX&ĐĐ, với doanh thu đạt 519 tỷ đồng. Trung tâm Bảo tồn Di tích & Danh thắng, Ban quản lý các Nghĩa trang quốc gia, Nhà đón tiếp thân nhân liệt sỹ 27/7 cũng đã đón và phục vụ 1.860.988 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, làm chính sách, chế độ (trong đó Trung tâm Bảo tồn Di tích & Danh thắng đón và phục vụ 806.000 lượt khách, doanh thu đạt gần 7,4 tỷ đồng; các Nghĩa trang quốc gia và Nhà đón tiếp thân nhân liệt sỹ 27/7 đón phục vụ 1.031.000 lượt)... Kết quả này có thể còn khiêm tốn chưa tương xứng với những gì mà TW, tỉnh và toàn xã hội đã đầu tư công sức cũng như rót tiền của vào đây. Vì vậy trước mắt còn vô số công việc phải làm.

 

                                                          * * *

Để Chương trình du lịch HNCTX&ĐĐ phát triển đồng bộ, lộ trình trong những năm tiếp theo Quảng Trị cần có sự tiếp sức và đầu tư của các Bộ ngành TW và toàn xã hội cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Chúng ta đã làm tốt một số khâu trong tuyên truyền nhưng công tác quảng bá du lịch nói chung chưa được đầu tư đúng mức vá việc quảng bá cho chương trình du lịch HNCTX&ĐĐ còn quá khiêm tốn. Đề nghị Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch quan tâm đưa chương trình HNCTX&ĐĐ ở Quảng Trị thành chương trình hành động quốc gia; đồng thời hỗ trợ giúp đỡ Quảng Trị tuyên truyền, quảng bá chương trình này có hiệu quả  sâu rộng trong nước và quốc tế. Nâng cấp các lễ hội cách mạng đã được tổ chức rất thành công và có ấn tượng tốt như Tri ân Tháng 7, Nhịp cầu Xuyên Á... thành lễ hội có tầm quốc gia, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, tri ân các anh hùng liệt sỹ và tuyên truyền rộng rãi chiến công oanh liệt cho bạn bè quốc tế hiểu để chia sẻ, ủng hộ Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập.

Đầu tư mạnh mẽ trong việc tôn tạo, phục chế, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng quan trọng và đặc biệt quan trọng. Đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành chức năng quan tâm đầu tư vốn phục chế, nâng cấp các di tích cách mạng ở Quảng Trị, ưu tiên các di tích quan trọng như Hàng rào điện tử Mc.Namara, Thành cổ Quảng Trị giai đoạn II, cầu Bến Tắt – Khe Hó, đường mòn Hồ Chí Minh giai đoạn II, cụm di tích Hiền Lương – sông Bến Hải giai đoạn II và các nghĩa trang liệt sỹ quốc gia. Hoàn thành quy hoạch và công bố các chương trình tour tuyến du lịch liên quan chương trình du lịch hoài niệm; tích cực xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và chất lượng các dịch vụ bổ trợ nhằm tăng trưởng lượng khách tham quan. Khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trước hết là nguồn nhân lực phục vụ chương trình du lịch hoài niệm về nghiệp vụ, kỹ năng hướng dẫn du lịch, thuyết minh, trình độ ngoại ngữ, giao tiếp cho các hướng dẫn viên du lịch lẫn di tích. Đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Du lịch hỗ trợ, tạo điều kiện để Công ty VipTour sớm hoàn thành “Trung tâm Du lịch hoài niệm Việt Nam” và khách sạn hoài niệm tại thị xã Quảng Trị; phát triển “Quỹ Hoài niệm” phục vụ tốt chương trình du lịch này.

Chương trình du lịch HNVCTX&ĐĐ mới được triển khai trên địa bàn  Quảng Trị, chưa được mở rộng sang nước bạn Lào, có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua những địa danh diễn ra những trận đánh ác liệt trên Đường 9- Nam Lào; chưa tổ chức tốt việc liên kết với các tỉnh, thành phố trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại và “Hành trình Di sản Miền Trung” với các tỉnh bạn như Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam nên kết quả còn hạn chế.

Đề nghị Tổng cục Du lịch điều phối kết hợp các chương trình du lịch “Con đường Di sản Miền Trung”, “Con đường Huyền thoại”, “Hành lang Đông – Tây” với Chương trình du lịch HNCTX&ĐĐ để thúc đẩy du lịch Miền Trung, trong đó có Quảng Trị phát triển lên tầm cao mới.

 

Anh Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 192 tháng 09/2010

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground