Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nắng trong mùa đông

V

ới hành lý nặng, mang phòng ba chiếc áo len tôi nhập đoàn đi Đại hội Nhà văn khóa ba. Xe vượt cầu Phú Xuân, sóng sông Hương lặng đến vô tình. Lặng của nước: Sâu. Lặng của người già: Nhân từ. Lặng của tài năng trẻ: Sức dạt, quẫy mình theo đuôi cá phù sa. Nét văn chương Huế đậm đặc những gì? Ẩn trong lăng tẩm, chùa chiềng, thành quách? Ẩn trong tà áo dài thoáng hiện bên cầu Tràng Tiền? Trong màu tím Huế? Hay ẩn trong vẻ đẹp trầm tư của những thiếu phụ thầm lặng, khó nhọc thức khuya, quét đường đêm giữ vẻ đẹp cho Huế? Từ Huế đi Đại Hội nhà văn không lẽ hành lý mang theo chỉ cái nặng khăn áo, giữ mình trước cái rét phương bắc?

Giá hồi không bị thất lạc hồ sơ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, thì người thứ nhất giới thiệu tôi là anh Thanh Hải. Những năm anh Thanh Hải làm Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng đoàn Hội văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên là những năm tháng đẹp. Tự con người anh, phong độ lãnh đạo của anh có điều gì ẩn chứa, gợi cho mọi người nét sống trung thực, giản dị và hết mình cho văn nghiệp.

Cây xoan cũng có phẩm hạnh như cây đào, cây mai? Phải rụng hết lá mới đến thì hoa? Có một độ, tôi trải thì rụng lá mà không tự biết, không dám chắc có đến được thì hoa không. Hoa của những nỗi mưa gió đời người. Với một vùng đất chưa lành vết thương chiến tranh, cơn bão số Tám năm Ất Sửu và của thiên tai, nhân dân Bình Trị Thiên ruột thịt đã đi qua được cơn bão một cách trung kiên. Nơi bão buông tha, đùm bọc nơi bão xé. Tuy vậy, thời gian đâu dể xóa nổi kí ức về hàng trăm sinh mạng người, hàng nghìn nhà cửa, tàu thuyền bị bão cướp giật, mất tích.

Để bứt khỏi những ám ảnh bão lụt nơi khúc ruột miền Trung, tôi rùng mình tránh cơn rét lùa xộc từ cửa sổ, quay lại tìm những kỉ niệm về nhà thơ quá cố. Anh Thanh Hải qua đời năm đầu thập kỉ tám mươi, trước khi tổ chức Đại hội Nhà văn lần thứ ba. Đại hội hai cuối thập kỉ năm mươi anh nào vượt được sông Bến Hải để ra Hà Nội. Trong một đời văn, anh Thanh Hải chưa lần nào dự Đại hội, nhưng nhân cách đời văn trong lòng độc giả, với “Mộ anh hoa nở” đã nâng anh ngang tầm cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Mỗi nhà văn về đại hội với những hàng trang nào? Tôi đã có hơn một tập thơ và một tập truyện ngắn. Nửa tập thơ đầu đời chỉ mười chín bài. Từ bao giờ có lệ ai chưa in chung kiểu trăm hoa đua nở hoặc in chung nữa tập, hẳn nhà xuất bản khó duyệt cho đứng riêng một đầu sách, một tập thơ hoặc văn. Sự khắt khe này vừa có lý, nhưng cũng thật vô lý đối với các nhà văn trẻ. Sau này, nhờ cơ chế đổi mới, tôi đã tổ chức in và tự phát hành hơn mười đầu sách của chính mình. Trong đó có tập thơ Tặng riêng một người được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990. Tập truyện dài chọn lọc dày gần năm trăm trang do NXB CA in là một trong mười sáu cuốn vào chung khảo của Hội nhà văn, nhưng chỉ được một phiếu của người đề cử. Cuốn truyện ngắn của chị Quế Hương cũng vậy. Vì phạm quy, đã có quá nửa số trang in lại. Thật băn khoăn và tự xấu hổ. Nào tôi đâu cố tình, chỉ tại mù mờ không biết gì các quy chế giải thưởng. Có thể được thông báo trên báo Văn Nghệ? Nhưng một tuyển tập chọn lọc không thể có một trăm phần trăm số trang tác phẩm công bố lần đầu. Hội đồng xét thưởng cần xem xét, tránh bỏ rơi những đầu sách, tác giả xứng đáng.

Xe ra đến Quảng Trị, đoàn đón thêm nhà văn Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập. Và còn thêm cả nghệ sĩ sân khấu Kim Quý. Kim Quý ra Hà Nội lo công chuyện xin tài trợ cho Hội Văn nghệ Quảng Trị mới thành lập sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị. Tôi ngồi dịch sát vào cửa sổ giành chỗ cho chị. Có thêm người đẹp sân khấu lên xe, chuyện phiếm về văn chương nghệ thuật lơ lửng hơn, huyền ảo hơn.

 * * *

Hà Nội lại không rét. Nắng vàng gợi nổi nhẹ lâng rực rỡ của những tà áo dài hoàng yến, gợi nỗi đắm say của những đóa hồng vàng Đà Lạt. Chừng mùa thu còn vương, mùa đông còn non, gió bấc chưa đủ sừng vẩy để làm nhăn khô làn da son phấn của những thiếu phụ chuộng dùng mỹ phẩm. Mười chín tháng chín xuống tiết sương dáng. Mồng bảy tháng mười sang tiết lập đông. Ông trời tha nhưng bà trời không tha làm cái lụt hai ba tháng mười chập tiết tuyết, khi xe vượt vùng úng lụt Nghệ Tĩnh cái rét mới đậm thế. Cơn mưa đêm Tiểu thuyết dần buốt den thẳm trượt mình trôi nơi những tàu lá chuối bão đánh cho tơi tả. Trách gì lòng trời , lại “bà trời”, thất thường sánh ngang lòng người? Vừa rét như cắt da thịt trẻ con đêm trước trên đất xứ Nghệ, chợt nắng ấm nhòe lên ngây ngất nồng nàn giữa thủ đô.

Chị Anh Thơ nữ sĩ của sông Thương, chị Ngân Giang nữ sĩ của đất Thăng Long văn hiến về Đại hội với những chiếc áo dài nhưng thẫm màu, tà phủ gót thướt tha, mốt thời trang đầu thập kỉ năm mươi, gợi vẻ đẹp cổ kính, cách xa, các chị chải tóc mái bồng, búi kiểu có cài trâm. Tôi sửng sốt ngắm các chị từ xa. Đôi lần, sau bữa cơm chiều, chị Ngân Giang mời nghe thơ, tôi rụt rè vào phòng các chị. Thơ chị Ngân Giang, qua vợ chồng Nguyễn Thị Hồng tôi đã đọc một hai tập chép tay dày vài trăm trang, mang về Huế giới thiệu trên tạp chí Sông Hương mấy chùm. Riêng chị Anh Thơ tôi may mắn được nghe chị đọc thơ thưở còn học trò. Bấy giờ chị đi thực tế tuyến lửa, về thăm Bảo Ninh cùng nhà thơ Lưu Trọng Lư. Hoa thắm mùa xuân cũng giết mày, bài thơ chị viết trong dịp đi ấy có hình ảnh em bé Bảo Ninh tiếp đạn, có hình anh mẹ Suốt chéo đò…

Hà Khánh Linh gần như mỗi ngày một sắc áo. Tím Huế, áo thêu hoa ngũ sắc. Những vải hàng lụa nội trong rất nền, lại giản dị. Đang nói chuyện vui Nguyễn Duy chợt lẩy Kiều “áo em đỏ tựa rang pha” khi thấy nữ sĩ đi qua. Hà Khánh Linh quay lại liên tưởng những sắc áo dài Huế ẩn chưa lắm đam mê rồi cười ý nhị. Nhưng nếu tinh ý, đấy là cái cười có gai, lại ngọt và đỏng đảnh làm rạng rỡ nét đẹp thời xuân của nữ sĩ. Gần bốn trăm nhà văn về đại hội chỉ có hơn ba mươi cây bút nữ. Phần đông viết văn. Nữ thi sĩ chừng chỉ đếm đủ trên mười ngón tay? Tôi mến Đinh Thị Thu Vân, có nét đồng điệu thuần phác, khắc khổ. Chất Nam Bộ của anh Đông, Trúc Phương, Nguyễn Trọng Tín rất ngộ mà ấm áp lòng người. Lê Minh Khuê hay cười, như thể lấy cười để che bớt cái gập ghềnh sắc lệnh của văn. Kim Cúc như tia nắng gầy giữa mùa đông, chơi bén duyên mới cảm nhận được cái nồng nàn khác thường của riêng Cúc. Nàng dè xén với cả chính mình. Cái cười của Khuê, cái lặng lẽ tuổi già của chị Mộng Sơn quấy động vào tôi làm tôi nhớ quay quắt cái cười, lòng nhân hậu ngời chói của chị Xuân Quỳnh. Hơn ba mươi nữ văn sĩ là một nữa đại hội, “một nữa nhân loại”! Nhưng thiếu Xuân Quỳnh, tôi giật mình ngỡ cái biển sâu giới tính chợt đâu thiếu mãi mãi giọt nước cuối cùng để được tràn đầy, “dâng” hết mình sang nữa nhân loại bên kia – một nữa đàn ông văn sĩ đang náo động với không khí nghị trường trù bị - phát biểu chứng kiến, bênh vực bảo vệ cái đúng, phê phán cái xấu, cái vụ lợi ngoài văn chương…

Trước khi vào trù bị, Đại hội đã học Nghị quyết Tám ba ngày. Tuần trước đã có hai cuộc họp Ban chấp hành và Ban thư ký, Nguyễn Khoa Điềm ủy viên Ban thư ký, Mỹ Dạ ủy viên Ban chấp hành rời Huế về Hà Nội từ hôm rằm tháng mười, giờ trăng đã khuyết, đêm nào cũng sáng suông.

Một chiều không hiểu sao Hoàng Phủ Ngọc Tường có bộ mặt buồn, giấu cơn đau dạ dày tái phát. Kim Quý biết, vội kiếm cho anh liều thuốc ngoại dục uống. Thực ra, những sôi động ở nghị trường trù bị cũng như một liều thuốc ngoại mạnh, lấn lướt cơn đau không thành bệnh. Con người đôi khi im lặng bất lực ở chỗ này, lại tìm được khả năng hùng biện ở chỗ kia trong chốc lát để bù trừ, tự giải tỏa. Kì Đại hội trước Mỹ Dạ đắc cử Ban chấp hành, lại vừa trúng thưởng Hội nhà văn, tập thơ “Bài thơ không năm tháng”. Năm sau, Hoàng Phủ Ngọc Tường trúng thưởng tập bút ký “Rất nhiều ánh lửa”. Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân quyến luyến và mê tín chất giọng bút ký xứ Huế. Hoàng Phủ và Mỹ Dạ là một đôi vợ chồng văn chương tài hoa. Mấy đêm trăng suông vừa rồi Mỹ Dạ đã thức trắng để viết tham luận. Nhưng không hiểu sao tôi lại lấy làm yên lòng khi hay tin Mỹ Dạ rút lui không đọ tham luận nữa. Sau này, Mỹ Dạ nuôi chồng ốm, anh Tường bị tai biến mạch máu não, bạn văn ai cũng cảm động, nhưng thật khó lòng chia sẻ gánh nặng hằng ngày. trong bổn phận làm vợ và làm thi sĩ, chị đã tự cân bằng, để vun đắp tìm thấy hạnh phúc và sự thành đạt thơ ca.

Suốt thời gian hội nghị trù bị không khí tham luận lạc vào mê lộ những vấn đề tổ chức Hội. Những tham luận hay, chưa xoáy lên những tranh luận mang tinh thần học thuật nâng tầm trí tuệ của Đại Hội với ý nghĩa “Lao động nhà văn” thân thiết cho trang viết cho mỗi người.

Đi dự Đại Hội nhà văn lần này, tôi không ngờ mình được đặt chân đến hội trường Ba Đình lịch sử. Niềm vinh dự xáo lên những nổi trăn trở không an lòng. Nếu về đại hội mà không có đóng góp được xứng đáng, không cởi mở tranh luận những điều rút từ gan ruột, để tri ngộ với đồng nghiệp về nổi khó ngoài những tràng vỗ tay, lơ lửng trong ánh nắng của miền hồi ức quê nhà. Năm ấy, mẹ tôi sắp sinh đứa em gái út. Theo cách nghĩ của cha tôi, cha mẹ chôn nắm nhau cho con ở đâu, đấy chính là quê hương. Nắm nhau khác gì cái bầu rễ của một đời người. Trồng cây có bầu, cây dù non bộ rễ dù chưa bén đất mới, hẳn gió cũng khó lay, huống cây đã vương thành đại thụ. Hoa đại thụ không hướng sự cắm bàn, mà khoe tài trong trời đất trăng sao. Đến mắt nhìn, mấy ai ngước lên giữa những giằng xé kiếm sống để nhạy cảm với màu sắc, làn hương. Hương không thể nhìn thấy, ẩn hình hài khí lực và đời cây. Hoa nở trên chiều kích con người có phượng hồng, gạo đỏ, cây ngô đồng chốn đền chùa lăng tẩm. Lộ thiên đến vậy nhưng vẫn hàm chứa những bi kịch. Mùa theo mùa, có mùa nào lại không rụng thành thảm đỏ dưới chân cong người như một nỗi dâng hiến hy sinh. Văn vẻ thời thượng phải chăng cũng lộ thiên như vậy. Nhưng đấy là sự lộ thiên thiếu hương sắc, rất dễ bị quật đổ trong bão dữ và phán xét của thời gian.

Dứt mình ra khỏi ẩn khí của hoa, tôi đưa mắt nhìn một nhà thơ già đứng ngẩn ngơ như hóa đá ở một góc nghị trường. Hình như ban sáng tôi cũng có cười trước cái say của hai nhà thơ cầm micro thể như đang cầm chai rượu dốc hết ra ngoài cái thiện tâm, làm dịu sự căng thẳng của những đồng nghiệp đang nôn nóng chờ đọc tham luận.

                                                                 * * *

Sao danh sách ứng cử và đề cử dài dằng dặc cả chục trang. Tôi nộp tờ đơn rút tên trong danh sách đề cử. Phải biết sợ con yêu quái trong lòng mình, lòng người để không lầm lẫn. Người có thể đắc cử Tổng thư kí, có dư luận bung ra nhằm đến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Trường ca “Mặt đường khát vọng” được đánh giá là đỉnh cao thơ của anh. Nhưng nghe đâu trong phiên họp Ban chấp hành, Nguyễn Khoa Điềm đã xin rút lui? Hay Nguyễn Quang Sáng, tác giả tập truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của xứ kinh rạch Nam bộ kháng chiến. Có ý kiến cho rằng, thuận nhất, chọn ngay một nhà văn ở Hà Nội?

Một thì hoa cho đời cây, một thì con gái cho đời người, một thì văn chương cho đời văn, dể đâu cũng chỉ được hết mình có một lần, một khắc rồi tàn? Thì văn của Trần Đăng Khoa - ở tuổi thơ thần đồng? Của nữ sĩ Anh Thơ - ở tuổi dậy thì. Của nhà thơ lão thành cách mạng Tố Hữu là thì thanh xuân trong hồn thanh xuân đời ta có Đảng? Trong bấy nhiêu nhà văn về Đại hội, có ai đến thì, thậm chí đã qua thì vẫn chưa viết nên nỗi một tác phẩm, đứng được trong lòng độc giả, dù đấy chỉ là “con một”! Khi thiếu tài, dể đã có người chọn cho mình một cành hoa giấy, sinh ảo tưởng sự trường tồn, càng bi thảm hơn. Khó thay, khả năng nào để kéo dài được cái thì văn chương rất quan trọng mà cũng khó vô cùng trớ trêu kêu, cho trọn được một đời văn hiển hách, cho đén phút nhắm mắt xuôi tay, cành hoa vừa nở trước phút lâm chung vẫn thơm nức hương nhị đời người như trang Kiều của cụ Nguyễn Du!

Suốt hơn cả tuần Đại hội ngỡ gió bấc duối sức không về nổi. Nắng châu thổ sông Hồng mỗi ngày thêm óng ả mơ màng như đang giữ thu. Những bồn hoa hồng quanh hội trường Ba Đình nở thắm chưa từng thấy càng tỏa hương ngây ngất. Bên đường chân trời xa xôi bãng lãng trôi áng mây xanh. Quảng trường xưa Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập mở ra những không gian sử thi – chừng nuốn đặt lên vai các nhà văn cái gánh nặng non sông trên chặng đường mới. Chín nhà văn đắc cử gồm: Vũ Tú Nam – Tổng thư ký. Chính Hữu, Hữu Thỉnh, Ngọc Tú, Xuan Cang, Nguyễn Quang Sáng, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Thi ôm hôn tân tổng thư ký, nhà văn Vũ Tú Nam gợi nỗi thân ái nhẹ nhỏm, vừa có gì như hẫng hụt của người bàn giao trải hai nhiệm kỳ, dài những hai thập kỉ, đi qua gần trọn cuộc chiến tranh chống Mỹ…

Trong cô đơn, cái cô đơn của đàn bà hướng nội, ôm giữ chút phẩm hạnh mong manh của đời người. Cái cô đơn của đàn ông hướng ngoại, dễ lệch qua sự phá phách tự là sụp đổ mình. Cái cô đơn của nhà văn? Nhà văn tư duy, sinh dưỡng nỗi cô đơn cho sáng tạo ra sao? Cô đơn về thi pháp? Về những tiên tri thời đại? Về những ý tưởng nghệ thuật, cái đẹp? Phải đấy là những tầng xoáy lốc kiểu kiến trúc loa thành, vươn tới những đỉnh cao tác phẩm, chứ không phải sa xuống cái cô đơn tục lậu, vặt vãnh để tàn úa mình. Chỗ bờ vực đi dây này dể có thể nuốt sống những tay bút xiếc chử, nhầm sân giữa đời thực và sân khấu. Nhưng thời gian và độc giả chân chính lại không thấy. Họ bình tĩnh, đòi hỏi và có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật cao hơn, đánh giá và thẫm định rất rõ đâu là dòng văn học chính lưu. Đương nhiên dòng văn học chính lưu muốn được phát triển rực rỡ phải có sự đầu tư bảo trợ thích đáng của nhà nước, từ tầm chiến lược vĩ mô. Khời thủy, đối với các nhà xuát bản, trả nhuận bút phải đủ nuôi sống nhà văn để có thể tái sản xuất. Có nghĩa cơ chế nhuận bút, phát hành vào chế độ dộc duyệt, biên tập phải khuyến khích được sự sáng tạo của nhà văn. Nhà văn trong dòng văn học chính lưu phải sáng tạo với tâm thế tự tin, chiếm lĩnh đọc giả bằng trang tác phẩm lành mạnh, có ích cho công chúng, đất nước và thời đại.

Không hiểu sao tôi lại hướng lòng mến vọng, muốn thốt gọi, cầu may mong tiếp cận một nỗi cô đơn hóa thần của Trần Đăng, Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Thị Xuân Quý… Trước phút các anh chị hy sinh trang tác phẩm đã tiên tri ngày thắng giặc bằng những nỗi đau, ẩn hồn vào nhân vật?

Nhà văn Nguyên Hồng tác giả “Bỉ vỏ” lừng danh càng về cuối đời, nước mắt khóc nhân vật, khóc đời, khóc mình càng dể rơi. Phải đấy là những giọt lệ ngọc. Đấy là sự hóa ngọc hồi ức của những độc giả mến mộ nhà văn, tác phẩm ông?

Những lời bàn cực đoan về “văn học phải đạo”, “văn học đổi mới” có gì nhiễu nhương. Thật đáng buồn. Tôi nhớ, có vài lần tôi được trò chuyện với anh Nguyễn Minh Châu khi anh có dịp vào Huế và về Quảng Trị chiến trường cũ, đất ruột cho trang tác phẩm của anh. Anh nói đại ý “Cỏ lau”, “Lão Húng”, “Người ở quê”… là tác phẩm anh viết sau chiến tranh. Người lính lúc này giải ngủ trở về nhà cầm cày. Cũng có số đông ngồi bàn giấy, cầm bút. Từ thời bình chuyển sang chiến tranh là người nông dân nhập thần vào người lính. Từ chiến tranh chuyển sang thời bình là người lính nhập thần vào người nông dân. Chính vì thế, nhân vật người lính của anh tâm thế của người nông dân yêu nước, quyết sống mái với kẻ thù để giành chiến thắng. Còn người nông dân kiểu “Lão Húng”, “Người ở quê ra” là người lính giải ngủ, trở về cầm cày đã nhập thần vào người nông dân để hàn gắn vết thương chiến tranh và vết thương của chính lòng mình. Thế là bi kịch và xung đột của cuộc sống mở rat rang viết của nhà văn. Sinh thời anh Nguyễn Minh Châu cũng tự viết “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, “Cỏ lau”… chưa đủ nặng, vượt lên “Dấu chân người lính”.

Tôi mạo muội tự hỏi. Không biết “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Mùa lá rụng” của Ma Văn Kháng, “Đám cháy” của Xuân Cang… trước đọc giả, đồng nghiệp để khẳng định những chặng đường văn nghiệp, các anh chiêm nghiệm tự xếp thế nào. Một nền văn học rạng rỡ, dòng văn học chính lưu phải như một con sông lớn – được hòa nhập chảy xiết trong ấy là một niềm vinh hạnh cao cả của nhà văn. Anh Ma Văn Kháng những hôm dự hội nghị có vẻ như đang “trốn” nên thần khí chưa vượng. Đợi đến nhiệm kì sau Ma Văn Kháng mới chịu đắc cử Ban chấp hành, lại còn chiếm được giải thưởng văn học ASEA. Tuy nhiên ánh mắt trong những ngày sôi sục không khí tham luận rất sáng, như một lão nông lo âu tới những cơn giáp hạt. Tôi chợt nghĩ, mất mùa nơi trang văn, độc giả và chính cả tác giả dể lầm vào cái khô chết của tâm hồn? Điều này kém gì sự tàn hủy về vật chất của một cuộc chiến tranh?

Tiếc thay kỳ Đại hội này nhiều đại thụ văn chương đã trở thành người thiên cổ, để lại những chặng đường tác phẩm dang dở, các thế hệ sau không dể kế thừa, đi tiếp một cách tự tin.

Để gượng lại chút lo âu bang quơ trước ngày rời thềm Đại hội, tôi nhòe mình với cái nắng đông ngời chói ngoài quảng trường Ba Đình, lại cũng vừa muốn nép mình bấu víu vào làn nắng trong miền hồi ức biết ơn mẹ. Với người mẹ, trong chín tháng mười ngày mang thai, lá ngãi cứu là thần dược. Sống được như mẹ, sinh nở được những tác phẩm hoàn hảo, nặng nợ với đời như sinh nở con người, trong cơn vượt cạn nào chẳng gần kề cái chết đối với mỗi nhà văn. Để sau đó tự làm lại cuộc hồi sinh, mang thai chính mình trong từng câu chữ. Ưng thần vào cả từng dấu chấm phẩy…

Văn chương là hồn của dân tộc, là tinh thần triết học của thời đại và cũng là trái tim của nhà văn giao hòa hun đúc nên trong nguyên khí của núi sông! Vươn được thế, đạt được thế mới mông gặt hái được tác phẩm lớn, đóng góp vào dòng văn học chính lưu trường tồn cùng đất nước, nhân loại…

                                                                                    L.T.M

Lê Thị Mây
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 65 tháng 02/2000

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground