Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nao nao nhớ bấc

 

T

ôi và mấy đứa nhỏ trong xóm lớn lên không phải theo độ rơi dày mỏng của tờ lịch mà theo cái xôn xao của từng cơn gió. Cứ mỗi sáng, thấy đám chuối sau nhà đánh lá xào xạc hay đám sậy trước sân ngả nghiêng theo hướng nào mà đoán non đoán già rằng còn bao lâu nữa đến Tết bởi trong suy nghĩ non nớt và hồn nhiên của trẻ thơ, chỉ có trải qua “một lần ăn Tết” mới có thêm một tuổi mới và lớn lên một chút. Không mong thêm tuổi và cũng không hồi hộp chờ đợi ngày thành người lớn nhưng đứa nào cũng mong đến cháy lòng cơn gió bấc. Bởi lẽ mỗi khi gió bấc bắt đầu rao ngọn là lúc ba má lại lục tục bàn tính chuyện chuẩn bị ăn Tết.

Gà mới gáy le te được hai ba tiếng đã nghe má rổn rảng bàn chuyện chăm sóc mấy dây dưa hấu trồng trên ruộng lúa để kịp thu hoạch trái, rồi chuyện tát đìa ăn Tết mà nôn nao dậy khắp lòng. Chèn ơi, cái gì chớ tụi tôi mê nhất là “món” bắt hôi khi ba tổ chức tát đìa. Lúc trước, công việc này phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Ba với mấy chú, anh trai tráng cơ bắp có con chuột nổi bự lên lớp dùng thùng, lớp dùng gàu múc nước ra sức tát cật lực để khi trời tờ mờ sáng cũng là lúc nước trong đìa giật quá nửa. Khi đó, lũ cá bắt đầu động đậy, ục lên ục xuống liên tục khiến nước sủi bọt như cơm sôi để mấy thầy đìa chỉ cần liếc qua độ ục đó mà phán đoán “trữ lượng” cá, tôm. Mấy đứa nhỏ thì chầu chực đợi đến lúc đáy đìa chỉ còn một lớp sình sền sệt, mấy con cá “lỳ đòn” hơn lặn sâu xuống lớp mội, chơi trò trốn tìm với người bắt xin mấy chú được xuống bắt tiếp. Sau này chỉ cần tốn vài lít dầu là khỏe re nhưng bao giờ thời điểm lý tưởng nhất để đìa cạn cũng là lúc sáng tinh mơ. Cá bắt được lớp thì đem cho trong xóm, lớp rọng lại để ăn dần trong mấy ngày Tết, lớp thì phơi khô, mần mắm.

Ngày Tết, phụ với nỗi lo của ba má là mấy chế vì có nhóc việc để “lo lắng” cho chuyện tương lai khi nhà nào đó ngầm xét tài nội trợ khéo léo mà chọn dâu như: quết bánh phồng, gói bánh tét. Nghe má dạy chế Hai, muốn cho bánh phồng được ngon, ngoài việc lựa chọn giống nếp dẻo còn đòi hỏi đến kỹ thuật nấu nếp, quết nếp, cho thêm vào các chất phụ gia như đường, men... và cán bánh. Nếu không đều tay, không đúng liều lượng thì “hổng ai thèm để ý con đâu khi ăn cái bánh chay cứng, không nở phồng ra”. Tôi để ý thấy mấy chế sau khi nấu chính hột cơm nếp liền cho vào cối để quết. Để quết nếp mịn, nhuyễn cho bánh phồng to đòi hỏi phải giã đều tay, nhịp nhàng nên mỗi khi cả xóm quết nếp, tôi hay chìm sâu trong những nhịp điệu mà bản thân không thể cắt nghĩa được vì sao tiếng thùm thụp đó lại trở thành những thanh âm êm ái. Vui nhất, thích nhất là những lúc nướng bánh phồng. Trong cái lạnh se se đầy mùi biển mặn, màu đỏ bập bùng của ánh lửa hòa với mùi thơm của bánh khiến nước miếng của bọn nhỏ cứ chảy ừng ực. Muốn cho bánh nướng lên được ngon, phải đốt lửa bằng rơm và phải xoay trở bánh cho thật lẹ tay. Tôi cứ ngó trân trân khi thấy chế tay xoay liên tục như một diễn viên múa đang biểu diễn mà có lần tình cờ coi được trên ti vi với nụ cười chúm chím và má đỏ hây hây (sau này lớn lên tôi mới biết, mỗi lần chế nướng bánh phồng là mấy anh trong xóm lại chết lặng đi!).

Công việc thứ hai không kém phần quan trọng là gói bánh tét trước đêm giao thừa. Gạo nếp, lá chuối, nhân gói bánh được má chuẩn bị trước cả tuần. Tôi không biết làm chi, má cũng bắt ngồi đó “ngó mấy chế bây gói mà học từ từ sau này còn làm phụ giúp chứ không phải long nhong rồi đi phá xóm phá làng là má đập chết”. Mỗi đứa xí một ít lá để tự gói cho mình đòn bánh tét. Má nói, hôm qua nhà thím Tám gói bánh Tét lá cẩm nên chế cũng bắt chước gói cho có màu sắc thêm đẹp, ăn cho lạ miệng. Má cũng biểu là phải gói mấy đòn theo kiểu truyền thống là thịt heo với nhân đậu để dành đem qua bên nhà nội. Riêng ba lại thích ăn nhân chuối nên chế làm thêm một thau chuối xiêm ướp đường làm bánh tét nhân chuối cho ba. Vừa nhanh tay buộc chặt đòn bánh tét, má vừa liếc yêu ba: “Sau này có thằng nào để ý con, con phải hỏi coi nó có thích ăn bánh tét nhân chuối hôn nghe. Chứ đàn ông mà hảo ngọt thì…”. “Thì sao…?”. Ba nãy giờ lo nồi nước luộc và bắc bếp tằng hắng lên tiếng. “Ờ, thì giống ba bây. Cưng vợ, cưng con hết biết luôn”. Mấy chế trong xóm đến làm tiếp cười rúc rích với nhau khi má vừa dứt lời khiến buổi gói bánh trở nên nhộn nhịp hơn cả khi…Tết đến. Vừa coi nồi bánh tét, chế Hai vừa chuẩn bị mâm ngũ quả để thờ cúng gia tiên. Năm nào tôi thấy má cũng mua về 5 loại trái cây: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung để “cầu - vừa (dừa) - đủ - xài (xoài) - sung túc”.

Ngày cuối cùng của năm, má réo mấy đứa nhỏ bận chơi trong xóm về lẹ để lo tắm rửa làm lễ rước ông bà. Đối với má, có thể tắm rửa cuối năm là một phong tục, là việc má quen làm từ trước tới nay chứ không hẳn má đã hiểu rằng nó có ý nghĩa là gột rửa tất cả mọi xui xẻo còn bám dính trên người. Sáng sớm ngày mồng một, cả nhà ăn mặc thiệt đẹp dâng hương hoa, kẹo mứt cúng tổ tiên và mừng tuổi ông bà, lắng nghe những lời căn dặn và chúc một năm mới tốt đẹp, an lành và phát tài!

Tết năm nào hình như cũng diễn ra theo trình tự như vậy. Ấy thế mà khi bấc không còn đỏng đảnh đổi ngọn liên tục, tụi tôi phổng mũi hít căng lồng ngực mùi hương thơm mà thầm “tính toán”: Này là mùi chuối khô đã phơi đủ nắng, nằm thẳng thớm chồng lên nhau trong mớ lá chuối khô để dành đãi Tết (Mấy chế khéo tay còn xắt chuối khô thành sợi nhỏ, sau đó xào với đậu phộng rang giòn, thêm gừng thật cay và dẻo, cộng với vị chua của mứt khóm thành một thứ mứt chuối hỗn hợp thật đặc biệt, không thấy bán ở chợ nào); bánh bông lan của chế Tư làm là ngon nhứt hạng, ăn bánh tét lá cẩm phải đến chế Năm… Để rồi mỗi khi con trăng hạ tuần tháng Chạp lấp ló trên bầu trời và nghe gió bấc lao xao thổi về tôi lại không sao ngăn được sự hoài cảm. Dân xa xứ ở đâu cũng mong “hồi cố thổ” cho kịp đón Tết!

…Bây giờ Tết Nam Bộ có nhiều đổi khác theo hướng gọn nhẹ hơn, mua ở chợ nhiều hơn. Một số món ngon mất đi và trên mâm cũng xuất hiện thêm những món mới với hương vị mới. Thế nhưng, hương vị Tết ở Nam Bộ không vì thế mà mất đi bởi trong những mái nhà thân thương ven bờ kênh, rạch, tấm lòng thơm thảo của mọi người vẫn y nguyên như ngày nào!

 

Đ.P.N

Đoàn Phương Nam
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 196 tháng 01/2011

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground