Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngàn dặm Huyền Trân...

M

ùa xuân này vừa tròn bảy trăm năm kể từ ngày công chúa Huyền Trân cất bước về làm dâu Vương quốc Champa. Ái nữ của Quốc vương Đại Việt sánh duyên với một vị Quân vương tài ba thao lược đất Chiêm Thành là Chế Mân (Harijit)- nếu chỉ có vậy, chuyện tình này sẽ không khiến sử sách dành cho nhiều chữ nghĩa đến thế. Cuộc tình ấy đã mang về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý, mang về hòa hiếu cho hai dân tộc, biến đất Champa thành phên dậu phương Nam, để lại cho đời sau một tình sử và những điệu ca âm vọng khắc khoải…để bây giờ, bảy thế kỷ sau người đời vẫn nhắc đến Huyền Trân công chúa như một bậc nữ liệt đã hy sinh tình riêng vì sự nghiệp lớn của xã tắc.

Trên đường Hồ Chí Minh, đoạn giao nhau với quốc lộ 9 ở km 12, chạy vào chợ phiên Cam Lộ qua ngã ba cầu Đuồi có một tấm biển sơn xanh với dòng chữ màu trắng rất lớn: “Nhà thờ Huyền Trân Công Chúa, con vua Trần Nhân Tông tại xóm Chùa, thôn Kim Đâu, xã Cam An, Cam Lộ. Năm 1306 công chúa lấy vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý…” và một mũi tên hướng về phía đông chỉ khoảng cách: 8 km. Rất nhiều khách đã theo hướng mũi tên chỉ để tìm về di tích lịch sử này nhưng ít ai tìm thấy. Bởi khác với những hình dung từ tấm biển chỉ đường rất lớn kia, ngôi miếu thờ “ người đẹp thiên kim” - công chúa Huyền Trân, người đã hy sinh tình riêng cho sự hòa hiếu của hai quốc gia Đại Việt và Champa - chỉ là một ngôi miếu nhỏ, nép mình bên một bàu nước ở làng Kim Đâu, hoang vắng và điêu tàn. Và nếu như cái biển chỉ dẫn trên kia được mang về đặt ở quốc lộ I, ngay ngã tư Sòng thì khoảng cách từ quốc lộ I vào miếu thờ chỉ chưa đầy hai cây số.

Khi chúng tôi tìm về, thắp một nén nhang vọng bà, nhìn ngôi miếu nhỏ bên bàu nước lưu dấu một cuộc ra đi sau bảy thế kỷ vẫn còn thổn thức trên những dòng sử cũ. Dư vang trong điệu Nam Bình của người miền Thuận Hóa:

 “Nước non ngàn dặm ra đi/ mối tình chi/ mượn màu son phấn/ đền nợ Ô, Ly…”

Sách Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục, quển thứ 8 ghi:

Bính Ngọ năm thứ 14 (1306). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 10). …Tháng 6, mùa hạ. Gả Huyền Trân công chúa cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân, Chế Mân đem dâng đất châu Ô và châu Lý. Trước đây, Thượng hoàng đi du lịch đến một địa phương, nhân tiện sang chơi Chiêm Thành, hẹn gả con gái cho chúa Chiêm. Sau Chế Mân sai bầy tôi là bọn Chế Bồ Đài đệ tờ biểu dâng vàng, bạc, kỳ hương và các phẩm vật lạ để xin cưới. Quần thần trong triều đều  nói là không nên gả, chỉ có Văn Túc vương Đạo Tái chủ trương nên gả, và Trần Khắc Chung tán thành. Chế Mân lại xin đem châu Ô, châu Lý để làm lễ cưới, lúc ấy ý vua mới quả quyết cho Huyền Châu công chúa về với vua Chiêm”…

Chỉ mấy dòng như thế trong sử cũ nhưng bao nhiêu nỗi niềm còn âm vọng qua điệp trùng ngày tháng…Cái ngày mùa hạ cách nay bảy trăm năm ấy, đoàn ngựa kiệu đưa Huyền Trân từ Thăng Long vào đất Chiêm đã qua bến nước nào trên  dòng sông này? Miếu thờ Huyền Trân tương truyền được xây dựng từ mấy thế kỷ trước, bên bến sông đất Việt, sau khi công chúa xuống thuyền về đất Chiêm. Trong ký ức mù sương hun hút của các bô lão làng Kim Đâu mà tôi gặp kể rằng ngôi miếu ngày xưa rất to, xây bằng gạch theo lối vòm cuốn thành ba tầng, mái lợp ngói liệt có đường cổ diêm (là kiểu đền miếu mang phong cách thời Lê) trước miếu có tam quan, sân gạch, trước nữa là một con đường rợp tre trúc, ngoài kia là bến sông…Bảy trăm năm rồi…sông xưa đổi dòng chỉ còn bàu nước nhỏ mang hồn bến nước soi bóng ngôi miếu u tịch. Sách xưa có câu “ Thương hải tang điền”, biển xanh hóa thành ruộng dâu - cái chữ bể dâu ấy cũng vận vào ngôi miếu thờ này khi tất cả vẻ nguy nga của miếu thờ bà chúa thuở nào đã bị bom đạn thời chiến tranh trên miền Quảng Trị san thành bình địa, chỉ còn dư ảnh in dấu trên những viên gạch cổ đỏ rưng rức vương quanh ngôi miếu vừa được dân trong vùng tôn tạo lại cách nay mười mây năm, cũng chỉ là một nơi để khói hương tưởng vọng, đơn sơ như bao nhiêu ngôi miếu vẫn thờ những thần cây đa ma cây gạo bên đường. Chỉ một điều rất lạ là bên kia bàu nước đối xứng với miếu thờ Huyền Trân công chúa là một cái giếng Chăm rất đẹp, với những thanh đá được đục mộng lắp chép như như hàng mộc. Cái giếng như một ngụ ngôn về tấm lòng của công chúa vương triều Đại Việt với đất Chiêm.

Làm dâu đất Chiêm chưa đầy năm công chúa thành Hoàng hậu góa bụa. Cũng sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục  chép : “Tháng chín, mùa thu. Nước to. Sứ thần Chiêm Thành sang nước ta. Chúa Chiêm là Chế Mân mất, thế tử là Chế Đa Gia sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng và báo tin buồn. Tháng mười, mùa đông. Hạ lệnh cho Hành khiển Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành, đưa Huyền Trân công chúa về nước. Theo tục Chiêm Thành, mỗi khi chúa trong nước mất, thì vợ chúa phải lên đàn thiêu để chết theo. Nhà vua được tin đó, sai Trần Khắc Chung mượn cớ sang thăm, và nói rằng: “Công chúa hỏa táng, thì không có ai làm chủ đàn chay, chi bằng công chúa ra ngoài biển chiêu hồn chúa công cùng về, lúc ấy sẽ lên đàn thiêu là tiện hơn cả”. Người Chiêm Thành nhận lời. Khi đã ra ngoài biển rồi, Khắc Chung dùng chiếc thuyền nhỏ cướp lấy công chúa đưa về. Sau hai người tư thông với nhau, trùng trình ở trên mặt biển, lâu lắm mới về đến kinh sử”. (KĐVSTGCM, quyển 8).

Những câu chuyện của bảy thế kỷ trước với bao nhiêu huyền sử, giai thoại, cả những câu ca lưu truyền trong không gian: “Tiếc thay cây quế giữa rừng…” “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần.”…vẫn chẳng thể nào trùm lên được vẻ lộng lẫy của cuộc tình Huyền Trân. Sau này tôi nghe nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường kể lại trong một bút ký của ông rằng, trong một buổi sáng mây bay ngồi uống rượu với nhà thơ Phùng Quán trên đỉnh Hải Vân, “cao đàm khoát luận” về vị trí của con đèo này trong lịch sử giữ nước, nhà văn đã cảm khái về thân phận Huyền trân để liên hệ với câu chuyện về Hiệp nghị…Genève(!). Rằng  hồi chuẩn bị ký hiệp định Genève khi chọn giới tuyến tạm thời, Việt Nam đòi vĩ tuyến 13, Pháp đòi vĩ tuyến 18…cuối cùng chọn vĩ tuyến 17, bởi người Pháp khi ấy biết rằng phải bằng mọi giá giữ lại con đường số 9 nối từ bờ biển Việt Nam  thông sang Lào (ở phía Nam vĩ tuyến 17). Và với Huyền Trân, Thượng hoàng Nhân Tông hứa gả cho Chế Mân từ năm 1301, vậy mà 5 năm sau (1306) mới thuận ý, bởi ban đầu dâng lễ vật chứ chưa có thêm miền đất Ô Lý, và có miền đất Ô Lý rồi nhưng hẳn còn muốn chọn bên kia con đèo Hải Vân này, một vị thế phên dậu chiến lược của đất Đại Việt - nghĩa là từng có một “Genève” trong 5 năm ấy để xác định “ biên giới phía Nam châu Lý” dài đến đâu, rồi từ đấy mà mưu sự mở mang cõi bờ về vùng đất phương Nam.

Lần giở trong sử cũ, cái miền đất Ô Lý này kể từ khi Lý Thương Kiệt và cuộc Nam tiến đầu tiên năm 1069 cho đến khi trở thành sính lễ cưới Huyền Trân năm 1306, hiếm khi nào vắng những cuộc giao tranh trong hơn hai thế kỷ. Nó chỉ bình yên khi sau bước chân của Huyền Trân về đến đất Chiêm, và sau này thành châu Thuận, châu Hóa của đất Đại Việt.

Những gì miền “ đất sính lễ” của Huyền Trân góp vào trong cái gia tài của giang sơn Đại Việt hẳn khó mà kể hết, không chỉ là vị trí chiến lược của đèo Hải Vân, không chỉ là những điệu ca có từ sau cuộc tình Ô Lý, không chỉ là hòa hiếu xã tắc. Rồi từ cái bàn đạp này mà cương vực Đại Việt tiến về phương Nam…Dĩ nhiên trước đó là bao nhiêu máu xương của hàng vạn con dân đất Việt. Nhưng hãy nhớ lại Huyền Trân, khi về đất Chiêm, ngoài cách trở quan san, khác biệt phong thổ, thì dù có là hoàng hậu đi nữa thì Huyền Trân vẫn phải đối mặt với tập tục lên giàn hỏa thiêu theo chồng nếu chẳng mai Chế Mân qua đời. Biết thế mà Huyền Trân vẫn gác lại tất cả tình riêng để sang đất Chiêm! Chính vì điều này mà khác với những đám cưới “chính trị” khác, nỗi niềm Huyền Trân mãi thao thức trong những trang sử cũ (bởi thời Trần ngoài Huyên Trân có đến hai công chúa đã lấy chồng để góp yên cho trăm họ, đấy là công chúa Ngoạn Thiềm, em vua Thánh Tôn gả cho Nguyễn Nộn vào năm 1228, một tên “giặc cỏ” nhưng đang làm phên dậu phía Bắc đất Đại Việt và năm 1286, công chúa An Tư được gả cho tướng giặc Thoát Hoan để xoa dịu khi thế nước đang nguy).

Bảy trăn năm rồi, khi công chúa Huyền Trân sang sông hẳn cũng không nghĩ rồi đây hậu thế sẽ dựng miếu thờ mình. Nhưng trong tâm thức người dân Ô Lý vẫn luôn ngưỡng vọng hy sinh ấy để lập miếu thờ. Chỉ có điều ngôi miếu nhỏ sơ sài hoang lạnh này có xứng với công lao của bậc nữ kiệt? Cũng có người đã thành tâm kêu gọi nên dựng một tượng đài Huyền Trân công chúa trên miền đất Thuận Hóa này, có thể là trên đồi Vọng Cảnh hay khu vực đền Ngọc Trản, chỉ cần nhà nước cấp đất, rồi kêu gọi muôn dân, những người biết đến ân sâu của công chúa với đất này thành tâm góp công góp của dựng tượng…

Nhưng trước hết có lẽ nên có một ngày tưởng niệm Huyền Trân, nhất là vào năm nay, nhân bảy trăm năm sự hy sinh của bà. Và ngôi miếu thờ nơi làng Kim Đâu này nữa, không thể hoang lạnh đìu hiu và đơn sơ như thế này…

                                                                                                   L.Đ.D  

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 137 tháng 02/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground