Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngát nồng phù sa gò Nổi

V

ào một sớm mai trong ngần mây trắng và gió lành, hai tiếng Gò Nổi vang lên trong giọng nói trầm ấm của Xuân là sự khởi đầu hết sức kỳ thú đưa tôi về với Điện Bàn ngát nồng phù sa và trĩu nặng yêu thương. Từ giây phút đó, quê nhà của Xuân mở ra trong tôi một miền tri nhận mới với những xao xuyến, say mê, thấm đượm và cảm phục.

Những biền bãi ven sông Ngân Hà mùa này xanh mướt và yên ả lắm. Với sự dẫn dắt ân cần và khoáng đạt của Xuân, tôi thỏa sức thu vào tầm mắt cái không gian rất dễ làm lòng người gieo thơ và ghép nhạc của dòng sông hiền hòa uốn khúc, của cánh đồng lúa đang thì con gái, của rặng tre xanh um tùm che chở những xóm làng bằng dáng vẻ vươn thẳng phía trời cao. Bên này triền sông, Xuân kể tôi nghe, chính những năm tháng mở mang bờ cõi của cha ông ngày trước đã xây đắp nên ngay trên vùng đất Điện Bàn một dinh trấn Thanh Chiêm nhộn nhịp rồi thành La Qua vang bóng một thời của xứ Đàng Trong. Tương xứng với vùng địa linh trầm sâu và sáng chói này là lớp lớp các thế hệ người con của Điện Bàn biết cách làm rạng danh mảnh đất mình được cắt rốn chôn nhau bằng sự vinh danh Ngũ phụng tề phi và Tứ hổ đăng khoa, bằng sự tuẫn tiết lẫm liệt ở thành Hà Nội, bằng tầm nhìn canh tân đất nước theo hướng phát triển khoa học kỹ thuật để kinh bang tế thế, bằng hồn thơ Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận, bằng sự bất tử trong những phút làm nên lịch sử, bằng sự trở về chói lọi từ cái chết và bằng sự hy sinh cao cả làm nên tượng đài đẹp nhất của người mẹ. Và, tôi đã sống với niềm ngưỡng mộ đất và người Gò Nổi-Điện Bàn qua giọng kể lấp lánh sự tự hào của Xuân khi nghiêng mình trước lăng mộ của danh nhân Phạm Phú Thứ trên cánh đồng Điện Trung xanh êm, khi thắp nén tâm nhang bái vọng khí tiết sáng ngời sử sách của Tổng đốc Hoàng Diệu ở xã Điện Quang, khi lùa bàn tay vào hơi ấm mơn man của cát ở xã Điện Ngọc, khi rưng rưng niềm biết ơn trước những giá trị vĩnh hằng được làm nên bởi những người mẹ và những người con gái, con trai đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ở Điện Thắng, Điện Tiến, Điện Quang...

Đặt chiếc lá dâu xanh mỡ màng vào giữa hai trang sách in những dòng bút ký Đứa con phù sa của nhà văn tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi hiểu vì sao cuộc sống trên miền quê tự bao đời được bồi tụ bởi phù sa của con sông Thu Bồn ngày một tươi thắm. Trên gương mặt tươi thắm của Điện Bàn hôm nay hiện rõ nét mềm mại của những đồng những ruộng bát ngát lúa, bạt ngàn dâu, trải dài mía... Trong lòng cuộc sống tươi thắm của Điện Bàn vang vang tiếng thoi đưa, tiếng máy dệt ở làng nghề Nông Sơn không ngừng đưa những nén tơ óng ả thành lụa mát rượi và vải đẹp cho đời, có những giọt đồng nóng hổi tiếp nối nhau rơi lặng lẽ trên những chiếc khuôn muôn đời sáng tạo của các nghệ nhân đúc đồng ở làng Phước Kiều, có hương vị ngon đến nao lòng của món mỳ Quảng dù ở Thanh Chiêm hay Triêm Nam. Chừng ấy phong vị của miền quê đã sinh thành Xuân mỗi lúc mỗi khiến tôi thêm xúc động, thêm cảm kích. Để rồi khi bước ra khỏi cảm xúc ấy, tôi được đưa tới với vẻ đẹp rất đỗi gần gũi, thân thiết của nền văn hóa Sa Huỳnh hiển hiện trên những cổ vật từng được phát hiện tại vùng Lai Nghi của xã Điện Nam. Những cổ vật ấy cho tôi niềm tin đối với những đôi tay khéo léo của người Điện Bàn hôm nay đang làm đồ gốm, làm tranh khắc gỗ, làm mây tre mỹ nghệ đồng thời với việc bảo tồn nghệ thuật tuồng Quảng Nam và phát triển công nghiệp. Ấy vậy mà khi đứng trước ngôi tháp Chăm đã ngàn năm tuổi Bằng An hình bát giác sừng sững trên xã Điện An, một lần nữa lay động tâm thức của tôi là những âm vang vừa huyền bí vừa sáng tỏ của đất và người Gò Nổi-Điện Bàn.

Vị ngọt của chén chè thơm được em gái của Xuân nấu từ những hạt đậu quyên và đường bát ngay lập tức làm dịu buổi trưa oi nồng ở thị trấn Vĩnh Điện. Trong cảm xúc ngỡ ngàng trước sự sầm uất của cái thị trấn miền duyên hải này, bất giác tôi nhận ra vị ngọt của chén chè mà mình vừa biết tới đã đọng lại trong tâm trí của tôi cùng với chất giọng đậm đà mà tôi đang nghe nói về đời sống đang ngày thêm hưng thịnh ở nơi đây. Và ngay trong đời sống có nhiều đổi mới của hôm nay ở cái thị trấn là trung tâm huyện lỵ của huyện Điện Bàn, con người vẫn thường kể với khách từ muôn phương đến, kể với bạn xa bạn gần về chiến thắng Bồ Bồ với lòng tự hào rằng đó là "Điện Biên Phủ ở Quảng Nam" mà đất và người Điện Bàn đã góp sức làm nên trong cuộc trường chinh giành lại tự do, hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước của dân tộc. Cũng ngay tại đây, bất cứ ai cũng có thể chỉ đường hoặc dẫn lối đưa người lạ về thăm đình làng Diệm Sơn rêu phong từng che chở cán bộ và chiến sĩ cách mạng, đến giếng Nhà Nhì thăm nơi chiến đấu gan dạ của bảy dũng sĩ Điện Ngọc... Cũng chính trong đời sống thắm tươi này vẫn thường nghe tiếng của lớp người đi trước bảo ban con, cháu noi gương các thế hệ cha, anh trong học tập và cống hiến vì quê hương, đất nước như các bậc anh hùng hào kiệt đã thêm ánh sáng, khí phách và hương thơm vào sử sách là Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, bảy dũng sĩ Điện Ngọc, Lê Đình Thám, người mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ... Giờ đây, bởi mến mộ đất học Gò Nổi, kính ngưỡng nhân kiệt Điện Bàn nên tôi ghi nhớ những tên gọi Thanh Chiêm, Điện Phước, La Qua, Bằng An trong rất nhiều hình dung về những điều xa xưa có từ thuở Việt Thường Thị và nhớ những Điện Nam, Điện Ngọc là khu công nghiệp ở hiện tại cùng những Cẩm Sơn, Trảng Nhật, Bồ Mưng, Bích Bắc, Phước Kiều, Phú Triêm, Cầu Mống, An Lưu, Vĩnh Điện đang gọi, níu hồn người bằng chính hơi thở của cuộc sống từ giữa lòng những làng Việt thân, gần đến các phố phường của khu đô thị mới...

Với hệ tâm thức mới mẻ đó, tôi rời vùng đất Gò Nổi-Điện Bàn trong những nhịp sóng đều đặn của đại dương trên bãi biển Hà My đang hát bài ca đưa tiễn thắm đượm ân tình...

N.B.N 

 

 

Nguyễn Bội Nhiên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 215 tháng 08/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

21 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground