Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngày nay mai lá ngọc cành vàng

Tôi thường tha thẩn trong những khu vườn mai như một cách thư giãn, một kiểu du lịch. Không cứ phải xuân, mà bất kể mùa nào cũng có thể ngắm những cây hoàng mai miền Trung.

Đấy là loài cây bao hàm đủ các tiêu chuẩn chơi nghệ thuật cây cảnh, “nhất đế nhì thân tam cành tứ giống”. Nhưng phải đến mùa xuân thì cả bốn tiêu chí ấy toát lên mạnh mẽ nhất.

Qua một kỳ mưa dài đất đai trôi rửa, chườm ra bộ rễ gồ ghề vững chãi mà dân trong nghề gọi là đế. Đế cây là thứ trời đất dung hợp, bởi rễ nằm trong đất, tự do tìm mạch dinh dưỡng và luôn tiện tạo nên những hình thù kỳ quái. Bộ rễ ấy là một thứ bí mật, tựa như cơ địa chốn đất nơi cây mọc tạo ra. Phải qua một mùa đông, cây mới phát lộ cho biết. Đến tháng Chạp, khi trời thả sương đêm, thì chính màn sương này phủ lên thân cây và tạo nên một lớp rêu xanh cổ độ. Lớp rêu như màng phấn đánh lên che khuất những cái sẹo cây, và nó cũng phô ra những u sần gọi là nu. Chữ “nu” là biến âm của “nude” trong tiếng Anh, tức là trần trụi, gợi cảm. Cây có nu thể hiện sự già cỗi. Một thân mai đạt chuẩn còn phải tuân thủ nguyên tắc “đầu voi đuôi chuột”, tức là nhỏ dần từ dưới lên trên. Cành phải nhỏ hơn thân, cành trên phải nhỏ hơn cành dưới, cành trên không đè lên cành dưới. Ấy cũng là tiêu chuẩn thứ ba, “tam cành”. Cuối cùng, yếu tố về giống, thực chất là nói về hoa. Sau khi đã hội đủ ba tiêu chuẩn gốc, thân, cành, thì hoa có đẹp không là do giống cây, một thứ trời cho chứ người chơi không can thiệp được.

Ông chủ khu vườn mai vừa cùng tôi đi dạo, vừa thao thao bất tuyệt về nghệ thuật chơi mai vàng bonsai. Độ ấy đang xuân, nhưng rét nên trời thấp và đục, thế mà những bông mai vàng rực cả khu vườn. Chúng tôi đi giữa màu vàng tựa như đi giữa ánh sáng của trăng. Tôi chợt reo lên, đây đúng là hoa báo xuân của Á Đông, xứ sở dùng lịch mặt trăng như một niên biểu chuẩn. Thì cứ tính xem, một năm âm lịch bình thường chỉ 354 ngày. Đến năm nhuận thì có thêm 29 hoặc 30 ngày nữa. Thế mà hoa mai vẫn nở đúng tết Nguyên đán. Rõ ràng hoa cũng “nắm lịch”, cũng theo âm lịch như con người xứ này.

Tư lự một hồi có vẻ đắc ý, ông chủ bảo cái giống mai khoẻ lắm nghe. Miền Trung năm nào chẳng hạn hán dài kỳ, thế mà cây mai chống chịu rất tốt. Rồi còn lũ lụt nữa, như năm Canh Tý 2020 vừa rồi lụt đi lụt lại kéo dài cả tháng trời, bao nhiêu loài cây chết rụi riêng mai vẫn sống khoẻ. Cái sức chịu đựng dẻo dai của mai nó giống con người xứ này, con người đất Việt kiên cường, không chịu khuất phục. Thế nên trong mười bài quyền được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam đưa vào chương trình chính thức, chỉ có duy nhất một bài về loài cây là bài Lão mai quyền, tức bài quyền về cây mai già khoẻ khoắn. 

Chúng tôi vừa thong thả dạo chơi, vừa ngẫu hứng tung hứng về loài hoa bày ra trước mắt. Khen cái loài hoa của mùa xuân ấy thì người ta đã nói trăm năm, ngàn năm rồi. Chả thế mà xưa tiên sinh thi sĩ Cao Bá Quát chẳng đã ngưỡng vọng Nhất sinh đê thủ bái mai hoa đó sao. Nhưng bái mai hoa, vái lạy mai hoa thì nó phải có gì đặc biệt?

- Có bao giờ anh thấy “cành vàng lá ngọc” chưa?

Ông chủ hỏi một câu khiến tôi chạnh lòng. Làm nghề viết bao nhiêu năm sao tôi lại không biết được thành ngữ ấy chứ. “Cành vàng lá ngọc” hay “trâm anh thế phiệt” là để chỉ dòng dõi cao sang, đáng nâng niu trân trọng. Ông nhà văn Nguyễn Công Hoan có một tiểu thuyết mang tên như vậy.

- Không, ý tôi là cây mai thật chứ không phải nghĩa văn vẻ đâu.

Tôi chợt lục lại trí nhớ. Mấy lần đi vào Đại nội Huế thấy cái tủ kính, bên trong trưng bày một cây mai tác phẩm thủ công cắm trong chậu pháp lam. Thân cây bằng gỗ mạ vàng, hoa năm cánh đúng kiểu hoa mai nhưng màu trắng và làm bằng đá, lá cây cũng từ đá màu xanh. Cây đấy là đồ lưu niệm, bảo vật cung đình, có tên gọi cành vàng lá ngọc. Trên mái cổ lầu điện Thái Hòa lại có một bài thơ chữ Hán viết theo lối thảo thư: Lục diệp cửu vô suy / Bạch hoa xán tứ thì / Phương tùng huyền thị quả / Hắc thụ quải kim y”. (Lá xanh mãi không héo / Hoa trắng rực bốn mùa / Khóm cây thơm báo sẽ có quả / Thân cây đen lại khoác áo vàng).

- Không phải cây giả để chưng lồng kính đâu. Lá cũng không phải xanh ngọc. Đây là cây thật, cây sống trăm phần trăm.

Rồi không để tôi đoán mò đoán đại nữa, ông chủ chỉ tay cho tôi xem một cây mai. Lúc nãy đã đi qua đây, thấy cả chùm vàng rực nhưng tôi chỉ ngờ ngợ, giờ theo ông chỉ tay mới hay. Trời ơi, một cây mai mà lá non vàng, cái đài hoa cũng vàng, cánh hoa thì tất nhiên vàng đầy năm cánh khít. Nhìn thoáng không phân biệt đâu là hoa đâu là lá đâu là đài. Tôi đồ rằng nếu ông Cao Bá Quát còn đến hôm nay, hẳn ông không chỉ cúi đầu lạy hoa mai mà còn lạy luôn cả lá mai kiểu này.

Nhưng. Bất ngờ hơn cả. Cái giống mai ấy có xuất xứ từ chính mảnh đất Quảng Trị. Hoa mai miền Trung năm cánh, đọt xanh đã khiến giới chơi cây khắp nơi đánh giá chuẩn mai vàng xứ Việt, thì cái giống mai vàng hoa vàng cả lá này như một phát hiện làm tôn thêm vẻ đẹp của mai, làm phong phú thêm nét đa dạng của loài hoa mùa xuân. Nó cũng là một đặc ân của thiên thiên cho xứ sở khắc nghiệt. Chính thời tiết ác ôn đã gây đột biến giống mai lạ. Bây giờ trong Nam ngoài Bắc đều mê mẩn giống mai này, và xác tín nó xuất phát từ Quảng Trị, có tên gọi mai cành vàng lá ngọc.

Một cây mai cành vàng lá ngọc tại Quảng Trị - Ảnh: TA

Một cây mai cành vàng lá ngọc tại Quảng Trị - Ảnh: TA

Cây mai cành vàng lá ngọc được phát hiện đầu tiên như thế nào, hẳn nhiều người tò mò muốn biết, kể cả giới chơi mai. Tôi đã kết nối với anh em trong hội mai vàng Quảng Trị, một nhóm tự nguyện trên tinh thần đam mê, và được nghe nhiều chuyện về giống mai này. Song, phải mất một năm trời làm quen, xác minh thông tin, cuối cùng tôi đã tìm về được nơi xuất phát cây mai độc đáo, ở làng Tân Phổ, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong.

Chỉ cách quốc lộ 1A hai cây số, nhưng đường lên Tân Phổ ngoằn ngoèo, lối đi hẹp uốn lượn giữa những miệt tràm, dốc lên dốc xuống như đang đi vào một vùng bán sơn địa. Đúng thật của quý không dễ bày ra. Nhà cửa cách thưa nhau, phải đi lạc nhầm vào ba ngõ tôi mới tìm ra một ngôi nhà cấp bốn nhỏ gọn nhưng ngăn nắp sạch sẽ. Ông Nguyễn Văn Định bảy mươi tuổi ngồi nơi bàn gỗ căn giữa ngó ra sân, thấy có người đi vào cũng bình thản. Khi nghe tôi nói muốn tìm hiểu về cây mai lạ thì ông trĩu mắt xuống không nói gì. Một khoảng lặng rất lâu khiến tôi cảm thấy chưng hửng, tuồng như câu chuyện mới chỉ bắt đầu mà đã nhạt rồi chăng. Mãi lâu sau, ông mới chỉ tay ra trước sân, chỗ cái giếng cũ đã lên rêu.

Khi xưa cụ thân sinh của ông không biết lấy giống đâu về, đem trồng bên cạnh giếng. Đến lúc ông lớn lên thì đã thấy cây mai tán xoè to đều bốn phía. Gốc cây chu vi 70 phân. Hằng năm cứ đến mùa trẩy lộc, đọt non phun ra màu vàng chứ không phải xanh, rồi đến kết hoa thì đài cũng vàng nốt.

Cùng với cái vẻ bên ngoài độc đáo ấy, cây mai còn có hai đặc tính sinh trưởng khác. Một là nó không hề sâu bệnh. Các dòng mai khác cứ ra đọt non thì sâu ăn lá, đến mùa kết nụ lại sâu đục nụ đục thân. Riêng cây mai của ông chẳng bao giờ phun thuốc. Đặc tính thứ hai là nó sinh trưởng rất chậm, năm trước năm sau chẳng thấy tiến triển bao nhiêu. Mỗi năm nó cũng chỉ ra một đợt lá lộc đầu năm rồi thôi. Cả cây mai suốt mùa xuân vàng rực, ai qua về cũng trầm trồ tò mò.

Năm 2007, một người ở Đông Hà là anh Ngoãn chủ quán cà phê Phố đêm vào hỏi mua với giá 7 triệu đồng. Ở thời điểm ấy là giá cao ngất. Anh Ngoãn đưa cây gốc này về chơi một thời gian rồi chuyển giao cho người khác trong tỉnh.

Ghé quán cà phê Phố đêm một ngày đẹp trời, dạo quanh vườn cây và ngắm những gốc mai vào loại nhất Quảng Trị. Tôi đã nghe dân chơi cây đồn nhau ông chủ cà phê này là người tiên phong nghệ thuật cây cảnh và sẵn sàng mở hầu bao sưu tầm cây khủng, cây độc. Có lẽ nhờ tính khí chịu chơi vậy nên hồi đó anh mới sở hữu được cây cành vàng lá ngọc ở làng Tân Phổ. Anh Ngoãn kể để mua được cây đó cũng phải chạy đi chạy lại nhiều lần, phải làm quen kết thân. Mua cây không phải như mua hàng tiêu dùng, vì giá cả là tùy người mua. Mua được hay không lại còn tùy vào cách ứng xử và đối đãi.  

Anh Ngoãn thuê ba người thợ từ Huế ra để cùng đào cây. Lúc bấy giờ chưa mấy ai dám nghĩ đến chuyện bứng những cây mai to, nếu không có kỹ thuật và kinh nghiệm cây rất dễ chết. Bốn người đào từ tờ mờ sáng đến chạng vạng mới đưa được cây lên vì dưới gốc toàn đá, bên cạnh lại có một cái giếng. Tuồng như rễ cây bám vào đá mà sống. Và chính ông Định, chủ của cây mai vẫn nghĩ cái màu sắc độc đáo của cây là do nó sống giữa đá và mạch nước chứ không phải do đột biến gen.

Đến khi cây được ông Định chuyển cho anh Ngoãn, với mức giá tại thời điểm đó là khá cao, nhưng mọi người vẫn nghĩ nó chỉ lạ thôi chứ không quý. Cây cối muôn vàn loại, riêng hoàng mai cũng đã trăm giống, thêm một giống mới phát hiện thì chẳng phải chuyện gì to tát. Nhưng, cái đẹp nằm trong đôi mắt kẻ si tình. Khoảng năm 2015 giới chơi cây bắt đầu xưng ngôi hoàng hậu cho mai cành vàng lá ngọc, vì tính ra tới thời điểm đó nó là cây duy nhất. Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất (thơ Xuân Diệu). Nhiều người thấy lạ xin hạt về ươm nhưng lên toàn cây lá xanh, may mắn có được dăm ba cây đọt vàng thì sống èo uột.

Ươm hạt không được cây con mang đặc tính cây mẹ. Đấy là điều đương nhiên của quy luật sinh học, nhân bản vô tính. Muốn duy trì trăm phần trăm thì chỉ có cách nhân bản hữu tính, tức là ghép cây. Anh em chơi cây ở Quảng Trị năm lần bảy lượt ghép đều hỏng cả. Phải đến năm 2017, khi cây mai cành vàng lá ngọc bị suy nặng, dấu hiệu sắp chết, thì chuyện ghép mai càng khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Anh Hiền ở vườn mai Bảo tàng Quảng Trị kể rằng anh là một trong những người đầu tiên ở Quảng Trị ghép thành công cây mai, mà lại đúng cái giống cây gốc cành vàng lá ngọc. Năm đó cây cành vàng lá ngọc nguyên bản đã có dấu hiệu khai tử, lo lắng cho sự tuyệt chủng nên anh đã cùng với hai người trong hội chơi mai ghé thăm nhà vườn đang giữ cây mai cổ (do anh Ngoãn nhượng lại). Hai người kia giả vờ trò chuyện với ông chủ vườn, còn bên ngoài anh Hiền cắt những chồi cây nhỏ, gọi là bo giống, giấu vào túi áo đem về ghép. Anh Hiền dẫn tôi đến một gốc mai to bằng bắp chân, nhưng cành nhánh nhỏ bằng ngón tay út. Anh kể cây này đã ghép được hai năm mà vẫn chậm lớn. Chẳng như các giống mai khác cứ ươm ghép sống ào ào. Rồi anh nói như mừng, tuy nó chậm nhưng ít ra anh cũng đã bảo toàn được giống cây cành vàng lá ngọc gốc.

Bây giờ giới chơi cây cả nước đã biết đến giống mai độc đáo xuất phát từ Quảng Trị. Tuy cây gốc đã khô xác thành củi trong niềm tiếc nuối, nhưng nhờ kỹ thuật ghép cây, nhân bản hữu tính nên giống mai quý được gìn giữ, nhân rộng. Tuy nhiên, sự khát khao muốn tìm thêm những cây cành vàng lá ngọc vẫn không ngừng. Một số người Quảng Trị đã tìm được cây tương tự, nhưng chỉ là những cây con nhỏ hơn nhiều so với cây phát hiện đầu tiên ở nhà ông Định làng Tân Phổ.

Khi chia tay, ông Nguyễn Văn Định cứ trầm trồ giá ngày đó để lại cây mai ấy thì nay chắc có tiền tỷ. Tôi an ủi động viên rằng có khi nó rời nhà ông mới được chú ý như thế. Giống như gái quê một bước vào cung mà xưng ngôi hoàng hậu. Vậy thì cũng nên mừng, vì ít ra nhờ có nó mà thiên hạ biết thêm một giống mai quý biểu tượng mùa xuân, được tạo hoá ân sủng cho đột biến ở xứ Quảng Trị thiên nhiên khắc nghiệt.

TRÚC AN

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

21 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground